Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

BOT Bờ Đậu: Mời tham gia Giao lưu ngày 08-4-2023

BOT Bờ Đậu: Mời tham gia Giao lưu ngày 08 tháng 4 năm 2023
FB Hoa Nguyen - Thưa toàn thể bà con nhân dân và các quý bạn gần xa!
Như mọi người đã biết, thể theo nguyện vọng của các Hội viên “Hội Người Dân ATK Thái Nguyên nói không với BOT Bờ Đậu trên QL3”. Đặc biệt là các thành viên của "Tổ truyền thông nói không với BOT Bờ Đậu".
Chúng tôi, đại diện QTV đã họp bàn và thống nhất tổ chức Chương trình Giao lưu kỷ niệm 6 năm bà con ATK nói không với BOT Bờ Đậu.
Mục đích, nhằm đánh giá, tôn vinh thành quả mà Ace Tổ Truyền thông đã bảo toàn QL3 xuyên suốt từ 2017 đến nay. Cạnh đó, qua buổi giao lưu chúng tôi xác định là cơ hội tốt để nói lời tri ân đến mọi người gần xa đã, đang hỗ trợ về pháp lí cũng như tinh thần thông qua tương tác trên facebook cũng như ở đời sống thực để bà con ATK mà nòng cốt là Tổ Truyền thông tiếp tục vững tâm đấu tranh bảo vệ QL3 lịch sử...

Một lần nữa, kính thưa mọi người!
Khác với các lần trước, ở lần này QTV chúng tôi không chỉ trân trọng thân mời các Hội, Nhóm, Group và các CLB trong, ngoài tỉnh Thái Nguyên mà còn trân trọng kính mời các cán bộ, công chức của Cơ quan ban, ngành tỉnh Thái Nguyên đến dự và giao lưu chung vui với chúng ta.

Do đó để buổi Giao lưu kỷ niệm 6 năm bà con ATK nói không với BOT Bờ Đậu được thành công tốt đẹp, chúng tôi rất mong sự có mặt của mọi người!.

Thời gian tổ chức: 16h00 ngày 08 tháng 4 năm 2023
Tại: Trung tâm tổ chức sự kiện Dũng Minh
Địa chỉ: Xóm 6, xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên.
(Cách Đảo tròn Tân Long 100m hướng QL3 (cũ) Thái Nguyên - Bắc Kạn)

* Để công tác đón tiếp và tổ chức được chu đáo, kính đề nghị quý khách liên hệ qua các số điện thoại để đăng kí và biết thêm thông tin khác:
- fb Tiên Lương: 039.7300956
- fb Giang Nguyễn: 097 4153288
- fb Hoa Nguyễn: 097.5021888

* Chúng tôi chuẩn bị phù hiệu, quý vị đến tham dự đề nghị nhận tại bàn đón tiếp trước khi vào hội trường, xin cám ơn!.
* Chương trình mở rộng vì vậy ai cũng có thể gia mong mọi người ibox cho chúng tôi, xin trân trọng!
-----------------------------

Dưới đây chủ Blog http://toithichdoc.blogspot.com/xin tóm tắt một số thông tin về các dự án BOT giao thông BẨN và những sai phạm của chúng

1. BOT giao thông

BOT giao thông là dự án hạ tầng giao thông được thực hiện theo mô hình đầu tư BOT, qua đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhà đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và có quyền thu phí trong một thời hạn nhất định, sau đó chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nhà nước.

Vì những dự án giao thông BOT đều là vốn của nhà đầu tư nên khi chạy xe trên đường là các công trình giao thông BOT, người tham gia giao thông đều phải trả tiền tại các trạm thu phí BOT.

Hình thức hợp tác đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân đã bắt đầu được triển khai ở Việt Nam khi Chính phủ ban hành Nghị định 77 ngày 18/6/1997 về quy chế đầu tư BOT. Từ 1997-2007 trong lĩnh vực hạ tầng giao thông chỉ có những dự án quy mô nhỏ như: Cầu Cỏ May trên QL51, Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư (TMĐT) 120 tỷ đồng; cầu Yên Lệnh nằm trên QL38 thuộc địa phận hai tỉnh Hà Nam - Hưng Yên với TMĐT trên 300 tỷ đồng, gồm phần BOT có giá trị 159 tỷ đồng, còn lại ngân sách Nhà nước hỗ trợ,…

Tuy nhiên trong giai đoạn ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng đã đẻ ra gần 100 dự án BOT với những khoản tiền đầu tư khổng lồ và cực kỳ minh bạch, thực chất là mờ ám. Riêng trong 5 năm 2011-2015 có tới 62 dự án gồm: 58 dự án BOT (TMĐT 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (TMĐT 16.305 tỷ đồng).

Sau khi Dũng mất chức, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tổ chức thanh tra các dự án BOT. Kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 7 tháng 9 năm 2017 cho biết, phần lớn các dự án BOT là cải tạo, nâng cấp tuyến đường cũ, đường độc đạo, nên càng làm tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc.

Đáng ngạc nhiên là trong cả nhiệm kỳ 2016-2020 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông cũng không làm gì để giải quyết những sai phạm của ông Dũng, ngược lại còn đẩy những bức xúc của người dân lên mức cao hơn.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai lầm, sai phạm và trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó có ba sai phạm lớn:

a) Coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định đầu tư dự án; đặt một số trạm thu phí khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí tăng cao, tăng nhanh, gây khó khăn với người tham gia giao thông, không có sự lựa chọn nào khác.

b) Việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án thiếu chuẩn xác, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính, sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông.

c) 100% là chỉ định thầu. Chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT vào tháng 1 hàng năm theo quy định của Chính phủ. Điều này dẫn đến thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, dự án chưa được công bố toàn diện, kịp thời đến các nhà đầu tư, làm hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia. 

Thực tế, hơn 70 dự án đã thực hiện không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu trong đó có nhiều nhà đầu tư được chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều bất cập, sai sót làm hạn chế hiệu quả thực hiện dự án.

Nhiều nhà đầu tư lợi dụng BOT, nâng cấp đường đã đầu tư từ vốn đóng góp bằng tiền thuế của dân, chỉ tráng thêm một lớp nhựa mặt đường rồi thu phí: Ở tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang) nhà đầu tư đã làm như vậy. Hơn nữa, mức phí thu ở đây còn cao hơn cao tốc Trung Lương.

Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, thực tế chưa mở rộng, mới chỉ cải tạo mặt đường, đã thu phí. Từ Hà Nội về Thái Bình chỉ hơn 100km nhưng có 4 chặng đường BOT, 4 trạm thu phí. Có đoạn gần hết hạn thu phí đường chính thì lại mở thêm đường tránh để thu phí tiếp... 

Qua kiểm toán lần đầu năm 2017, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT giao thông so với phương án tài chính ban đầu tới 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 01 tháng, 12 ngày. Số năm giảm thời gian thu phí hoàn vốn tiếp tục tăng thêm hàng trăm năm trong những lần kiểm toán tiếp theo.

TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, cho là, "Hầu hết các hợp đồng BOT giao thông hiện nay đều có điều khoản bí mật ràng buộc các bên không được tiết lộ thông tin về tài chính, pháp lý hay kỹ thuật của dự án, là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật... Bên cạnh đó, quá trình mời gọi nhà đầu tư, thẩm định, đàm phán ký kết hợp đồng cũng là một quá trình mật, vì anh chỉ định thầu không ai biết cả. Các nhà thầu có năng lực về phát triển hạ tầng khác cũng không biết để tham gia. Như vậy, Bộ GTVT đã triệt tiêu sự cạnh tranh về chất lượng, năng lực về công nghệ và cạnh tranh cả về giá, phí...Chúng ta thấy rất rõ có lợi ích nhóm trong các hợp đồng BOT giao thông, bởi có phải nhà đầu tư nào cũng vào đó được đâu và có phải ai cũng được chỉ định thầu đâu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nói phải minh bạch với người dân: “Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng nên thu thì không phải cho miễn phí đâu. Người đó phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học. Đằng này các ông lại tự quyết với nhau. Đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm. Dân mà phản đối thì nói dân ngu, dân hỗn…”

2. Bức xúc của người sử dụng ngày càng dâng cao, làm giảm lòng tin vào Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Vào năm 2017, điều tra trong tổng số 70/88 trạm đang thu phí trên các tuyến quốc lộ thì có 10 trạm khoảng cách 60 – 70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.

Các trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách trên cùng tuyến đường hoặc được cho là đặt không đúng chỗ khiến người dân đi một đường nhưng lại phải nộp phí một tuyến đường khác, thậm chí không đi cũng phải nộp phí, gây nên bức xúc, như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài ở Hà Nội thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chuyên gia kinh tế Chung Thành Tiến cho là đặt trạm thu phí Cai Lậy ở vị trí trên quốc lộ 1 để thu phí toàn bộ xe cộ đi trên tuyến quốc lộ 1 và tuyến đường tránh là bất hợp lý: "Bộ GTVT cần nhanh chóng di dời trạm về đúng vị trí để yên lòng dân, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Nhà đầu tư chỉ xây dựng tuyến đường tránh, trạm thu phí bắt buộc đặt trên đường tránh. Còn quốc lộ 1 là hạ tầng cơ bản, được xây dựng từ ngân sách nhà nước thì không được thu phí của nhân dân. Về phần chi phí cải tạo quốc lộ mà nhà đầu tư đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả".

TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nói tại tọa đàm khoa học "Các dự án BOT - chính sách và giải pháp" sáng 8-9-2017 tại Hà Nội, cần chấm dứt ngay việc thu phí BOT như kiểu "trấn lột" như hiện nay. Tình trạng người dân không qua đường BOT, làm đường ở một chỗ nhưng trạm thu đặt trên một con đường khác và vẫn bắt người dân nộp phí là bất hợp lý cần phải chấm dứt ngay.

3. Kiến nghị Thủ tướng chấp thuận dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu

8/10/2022 - Công dân và cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi đơn kiến nghị kèm 10.000 chữ ký với mong muốn Thủ tướng chấp thuận dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu do đặt sai vị trí.

Văn phòng Chính phủ vừa chuyển Bộ GTVT xử lý đơn kiến nghị của đại diện cử tri tỉnh Thái Nguyên liên quan đến trạm thu phí Bờ Đậu thuộc dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

Trong văn bản kiến nghị, nhóm đại diện làm đơn gồm 12 người cho biết UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu. Nhóm kiến nghị bày tỏ đồng thuận hoàn toàn với với văn bản của tỉnh Thái Nguyên và mong muốn Thủ tướng sớm chấp thuận.


Tài xế mang băng rôn phản đối trạm BOT Bờ Đậu. Ảnh: Anh Dũng.

Vấn đề bất cập tại trạm BOT Bờ Đậu đã gây căng thẳng suốt nhiều năm giữa người dân tỉnh Thái Nguyên và Bộ GTVT. Đại diện người dân đã nhiều lần trực tiếp đến trụ sở Bộ GTVT đòi đối chất. Nhiều lần công dân đòi gặp trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Theo các tài xế và người dân, vị trí đặt trạm không hợp lý khi nhiều trường hợp đi Tuyên Quang theo hướng QL37 - tức là không đi đường BOT nhưng vẫn phải trả phí. Sau đó, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu và trạm thu phí cũng bị tạm dừng thu phí.

“Không ăn phở nhưng phải trả tiền” là cách nói dân dã của những người dân Bờ Đậu - Thái Nguyên, những người suốt 6 năm qua, một cách ôn hoà, kiên trì, nhẫn nại đang phản đối đến cùng BOT Bờ Đậu.

Đơn giản, vì đó là BOT đặt trên Quốc lộ 3, nhưng để thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

Làm đường một nơi, thu phí một nẻo khiến dân “Không đi một mét đường vẫn đóng phí”. Dân nói dân dã nhưng vô cùng chính xác.

Không ăn phở vẫn phải trả tiền. Đó không chỉ là một cách bày tỏ thái độ, đó còn là một câu hỏi không thể không trả lời, đó là một bất công không thể không xoá bỏ.

Bởi Chính phủ và 
Bộ GTVT không thể nếu thế này, nếu thế nọ mãi được, nhất là khi đằng sau những cái “nếu” ấy là những bức xúc của người dân, là lẽ công bằng, và còn là sự ổn định an ninh trật tự. Lưu ý là chính tỉnh Thái Nguyên cũng lo ngại có thể phát sinh các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông khi triển khai thu phí.

Rõ ràng không phải không có hướng giải quyết, và cách thức giải quyết duy nhất đúng  nằm chính trong báo cáo của Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội: Nhà nước mua lại, để xoá bỏ những trạm BOT kiểu này.


Đến tháng 8 năm 2022, Bộ GTVT đã đưa ra 4 phương án xử lý bất cập tại trạm BOT bờ Đậu, trong đó Bộ đề xuất phương án Nhà nước thanh toán tiền cho nhà đầu tư để chấm dứt việc thu phí bị người dân phản đối tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới được khởi công năm 2015, hoàn thành tháng 5/2017. Theo hợp đồng, nhà đầu tư huy động 2.746 tỷ đồng xây đường Thái Nguyên - Chợ Mới dài 40 km, quy mô 2 làn xe, đồng thời nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 đoạn km93 - km100 và quản lý bảo trì đoạn đường này trong suốt vòng đời dự án.

Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, Nhà đầu tư được đặt 2 trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và trên quốc lộ 3 (trạm Bờ Đậu) để hoàn vốn trong 16 năm 1 tháng. Trạm thu phí đường Thái Nguyên - Chợ Mới hoạt động từ ngày 25/1/2018 đến nay. Còn trạm Bờ Đậu chưa được thu phí do người dân tụ tập phản đối, ngăn cản việc thu phí và yêu cầu tháo dỡ trạm thu phí.

Bộ GTVT cho biết việc trạm thu phí trên quốc lộ phải dừng hoạt động khiến cho nhà đầu tư BOT bị vỡ phương án tài chính. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, hầu hết phương tiện lựa chọn trạm quốc lộ 3 để không mất phí. Bình quân doanh thu trong 4 năm chỉ đạt khoảng 9% so với doanh thu dự kiến tại hợp đồng.

4. Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài: Điển hình BOT BẨN

Dù đã xác nhận vị trí đặt trạm ngoài phạm vi dự án và liên tục nhận được đề nghị xóa bỏ trạm từ chính quyền địa phương (UBND TP Hà Nội) và người dân, thậm chí người dân đã nhiều lần tụ tập ở trạm để phản đối, nhưng đến nay Chính phủ và Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm giữ lại Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài.

Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài không phải là trạm thu phí dịch vụ hoàn vốn của đường Võ Văn Kiệt, mà là hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP Vĩnh Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc chứ không phải thuộc Hà Nội. Do đó, việc yêu cầu người dân không sử dụng tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên phải nộp tiền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi đi qua Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài tại vị trí hiện nay là cực kỳ vô lý.

Vì lý do trên, trong hàng chục năm qua kể từ khi trạm thu phí này đi vào hoạt động, cử tri TP Hà Nội đã bức xúc và có nhiều ý kiến về sự vô lý này. Do đó, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dỡ bỏ Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài hiện tại và đưa về vị trí đúng quy định. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn tồn tại và hoạt động bình thường như chưa hề có bất cứ đề xuất nào từ người dân và chính quyền TP Hà Nội.

Đặc biệt trong những năm 2018-2019, người dân quá bức xức đã tụ tập ở 
Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài để phản đối thì Chính quyền đã điều lực lượng công an khổng lồ đến trấn áp, bắt giữ hàng chục người; nhiều người đã bị đưa ra tòa xét xử và kết án nhiều năm tù. Có người đã phải ngồi tù từ năm 2019 đến cuối năm 2022 mới được trả tự do.

5. Kiến nghị

Việc Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài đặt sai vị trí hoàn toàn là câu chuyện cả nước đều biết và nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong hàng chục năm qua. Trong khi nhiều trạm thu phí khác, trong đó điển hình là BOT Cai Lậy hay BOT Bờ Đậu đã phải tạm dừng thu phí để giải quyết những bất cập, vướng mắc, thì Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài lại gần như không bị động chạm gì, đây là điều cực kỳ khó hiểu.

Trong hàng chục năm qua, đã có biết bao người dân phải trả tiền qua Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài một cách vô lý mà vẫn phải cố chịu đựng. Họ đã có ý kiến, nhiều cấp chính quyền TP Hà Nội đã lên tiếng, nhiều cơ quan truyền thông, giới chuyên gia cũng lên tiếng phản đối sự có mặt của trạm thu phí này, song kết quả đến nay vẫn không có gì chuyển biến. Sự im lặng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thật đáng sợ.

Là người trực tiếp tham gia phản đối thu phí tại BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài và trực tiếp gửi thư kiến nghị dỡ bỏ BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài tới các vị lãnh đạo cao nhất của cả nước gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và hàng chục quan chức cao cấp nhất khác của quốc gia và của Hà Nội và Vĩnh Phúc, tôi khẳng định trách sai phạm và nhiệm xử lý thuộc về Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chính Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã cố tình duy trì BOT BẨN Bắc Thăng Long – Nội Bài chứ không phải Bộ GTVT.

Biết Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sai phạm, nhưng bản thân mình lại là người thực hiện, tội vạ chính mình phải chịu, nên Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng (2013-2015) rồi Bộ trưởng Bộ GTVT (2017-2022), đã tìm mọi cách tháo chạy khỏi Bộ này; và ông ta đã thành công khi được Bộ Chính trị cho thôi chức Bộ trưởng và phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương ngày 21 tháng 10 năm 2022.

Do đó dư luận cho rằng nếu Đảng và Nhà nước muốn dư luận đồng tình và muốn cho các vấn đề bức xúc do các trạm BOT đang gây ra hiện nay được giải quyết dứt điểm thì cần đích thân đồng chí Tổng bí thư và Bộ Chính trị ra tay dẹp bỏ chúng.

Do vậy tôi đề nghị đồng chí Tổng bí thư và Bộ Chính trị phải chỉ đạo, thậm chí ra lệnh Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải dẹp bỏ ngay các Trạm BOT vô lý như Bờ Đậu và Bắc Thăng Long – Nội Bài cũng như các trạm thu phí sai vị trí khác.

Những trạm BOT sai thì phải kiên quyết gỡ bỏ thì mới giữ nghiêm kỷ cương pháp luật được.

Các đời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã làm sai mà nhất định không sửa thì đều không phải là chính phủ của dân, do dân và vì dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét