Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Cô giáo Lê Thị Dung với án 5 năm tù ở Nghệ An

Đọc bài báo rồi bình luận FB dưới đây về bản án tù của cô Dung thấy thương cô quá. Tòa cho rằng cô Dung "thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp", còn cô Dung khẳng định "quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi". Do đó cô Dung thấy mình không làm sai nên kiên quyết không nhận tội và không nộp tiền khắc phục hậu quả, và kết quả tòa đã tuyên mức án 5 năm tù. Tôi thấy việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cần can thiệp làm rõ vì khả năng oan sai rất lớn. Tôi thấy cô chỉ là phụ nữ, sai phạm nếu có thì không lớn vì cô đã giải thích nguyên nhân chi tiêu ở trên và tòa không bác bỏ. Việc này đơn giản mà họ làm quá chậm, đến mức phải tạm giam cô tới 1 năm để điều tra thì quá dã man. Hơn nữa, trong 10 năm chi thu thất thoát, sai nguyên tắc chưa đến 45 triệu mà phải đi tù tới 5 năm thì đúng là quá đáng thương. Quy chế chi tiêu công khai, có báo cáo và được các cấp lãnh đạo kiểm tra phê duyệt, kiểm tra hàng năm theo quy định hiện hành. Vậy nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì đâu phải chỉ có cô Dung sai mà cả hệ thống quan chức liên quan ở đó cũng phải chịu trách nhiệm; vậy tại sao không xử cả những đối tượng này. Bài thơ dưới đây như một lời trăn trối của người sắp kết thúc cuộc đời, nếu chẳng may như thế thật thì đau xót quá. Chính quyền và người thân nên lưu ý bảo vệ an toàn cho cô. Đọc bài thơ tôi tin là cô giáo bị tù oan vì khi thực hiện chi tiêu cô nghĩ mình làm đúng vì nội bộ đã thống nhất, công khai minh bạch và đã báo cáo và được cấp trên đồng ý. Nếu cô làm sai, thì tròng 10 năm nhất định cấp trên phải có nhắc nhở, nhưng thực tế không ai nhắc cả. Tôi thích đoạn này trong bài dưới đây: "Oan khuất nhường ấy, đắng cay nhường ấy vẫn dặn các con “đừng trả thù những kẻ đẩy mẹ vào tù”. Nhân cách ấy, người thường không làm được". Đúng là “Nhân cách ấy, người thường không làm được”, vì người bình thường thì không thể không "oán trách, trả thù". Tôi nghĩ có lẽ nên bổ sung thêm: "Bản án ấy, chế độ vì dân không thể có".
Về cô giáo Lê Thị Dung, án 5 năm tù ở Hưng Nguyên, Nghệ An
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng vụ nguyên giám đốc một đơn vị giáo dục nhận án 5 năm
FB Thanh Tú - Chiều nay, cả nước đang háo hức chào đón đợt nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Cũng chiều này, Cô giáo Lê Thị Dung, rời trại tạm giam sau hơn 1 năm bị giam giữ tại đó để chính thức đến với nhà tù với bản án quái dị, 5 năm tù giam. Đây là bức thư Cô để lại cho các con của mình. Oan khuất nhường ấy, đắng cay nhường ấy vẫn dặn các con “đừng trả thù những kẻ đẩy mẹ vào tù”.
Nhân cách ấy, người thường không làm được.

Đọc bài thơ bất an quá. Các bạn ở Vinh, nếu có thể thì đến thăm Dung nhé, mỗi tháng họ cho người nhà gặp một lần. Và nhắn Dung phải BẢO TOÀN THÂN THỂ để trở về. Những người tử tế sẽ đồng hành cùng Em.


Đây là bài thơ của cô giáo Lê Thị Dung:

DẶN CON

Con đừng buồn lỡ mẹ có ra đi
Đừng than khóc, đừng khổ đau con nhé
Đừng oán trách, đừng trả thù những kẻ
Đẩy mẹ vào tù, làm gia đình tan nát, xót xa

Con đừng đau lỡ mẹ có chia xa
Cõi dương gian đầy bất công, ngang trái
Cõi hồng trần đầy khổ đau, trống trải
Chính nghĩa thua hung tàn, đời có nghĩa gì đâu

Con đừng sầu con nhé những canh thâu
Không còn mẹ mái đầu cha thêm bạc
Hồn oan khuất, khổ đau lầm lạc
Mẹ trở về mà chẳng thể gọi ai

Con đừng nhớ thương, thương nhớ những ngày
Mẹ oan ức đớn đau trong tù ngục
Những lần thăm nom hiếm hoi, tủi nhục
Nước mắt chảy dài, chảy mãi con ơi

Hồn mẹ về lãnh lẽo, oan - côi.

(Lê Thị Dung)

--------------------------------

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng vụ nguyên giám đốc một đơn vị giáo dục nhận án 5 năm
QUANG ĐẠI - Thứ bảy, 29/04/2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các cơ quan pháp luật tỉnh Nghệ An xem xét vụ án nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên bị tuyên án 5 năm tù một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang Đại

Như Lao Động đã thông tin, vào ngày 24.4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tuyên án 5 năm tù đối với bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, từ ngày năm 2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.

Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bà Dung không nhận tội vì cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi.

Do bà Lê Thị Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án như trên.

Hồ sơ vụ án cho thấy bà Dung có nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gia đình có đóng góp kinh phí hỗ trợ phòng chống COVID-19.

Trước sự việc, trao đổi với báo chí, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết lãnh đạo Bộ rất quan tâm tới vụ việc này, đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung, của nhà giáo nói riêng.

Đồng thời thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, để tránh những sự việc vi phạm đáng tiếc xảy ra ông Đức bày tỏ rằng cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực quản trị, kỹ năng quản lý nhà trường; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để không xảy ra các vi phạm.

https://laodong.vn/phap-luat/bo-giao-duc-va-dao-tao-len-tieng-vu-nguyen-giam-doc-mot-don-vi-giao-duc-nhan-an-5-nam-1186240.ldo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét