“Mày giả vờ làm việc, tao giả vờ trả lương!”
Giới thiệu của người dịch: Đây là đoạn cuối Chương 18 cuốn Post War của Tony Judt. Sau khi bàn về trí thức Tây Âu và Đông Âu, tác giả nói về nền kinh tế bế tắc và vờ vịt tại Đông Âu, bối cảnh của những biến động chính trị và xã hội dẫn đến cách mạng 1989.Nếu nghịch lý là gốc của cái hài thì nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có thể được xem như một vở kịch khôi hài đen, dù đỏ ngầu. Trong những vở đỏ đen nhiều tập kia, Tony Judt nhắc đến hai quái tật chết người của chế độ, ở Đông Âu trước đây, và cũng không khó thấy ở cả Việt Nam lâu nay, có thể tóm tắt nôm na như sau:
1. Lỗ vẫn làm: Thay vì kinh tế định đoạt chính trị như người cộng sản vẫn nói, ở đây chính trị* lại xúi bậy kinh tế. Kinh tế không xuất phát từ nhu cầu người tiêu dùng mà từ ý chí chủ quan của bề trên. Trên bảo sao dưới nghe vậy, làm khác là mất việc, phản biện thì phớt lờ, phản đối thì bỏ tù. Hậu quả là lỗ vẫn làm, càng làm càng lỗ, hoặc thấy lỗ mà/là cứ đâm đầu vào. Không chỉ lỗ tiền, còn lỗ cả mạng người, môi trường, lãnh thổ...
2. Sai không sửa: Tất cả những thất bại, vờ vịt của nền kinh tế kia lãnh đạo biết cả nhưng vẫn im lặng, như một nấm mồ. Họ không dám phẫu thuật, chỉ dám dùng thuốc giảm đau tại chỗ. Thực ra, khi kinh tế đã đan xen vào chính trị thành một “khối thống nhất” thì đứt dây động rừng, sửa sẽ sụp. Học thuật thì nói như Tony Judt: Giữa hai cái xấu, Đảng chọn cái xấu ít hơn. Huỵch toẹt thì cũng có thể nói rằng: cấp trên rất hiểu cố đấm ăn xôi là xấu, nhưng vẫn đỡ xấu hơn, đỡ đau hơn và khó chết hơn là thực tâm thay đổi. (Chẳng lạ, bao nhiêu kiến nghị, phản biện, góp ý của trí thức trên cứ giả vờ như không có. Hóa ra, những kiến nghị kia không đánh thức được lãnh đạo mà đánh thức xã hội dân sự.) Nhưng, cũng như ung thư không chữa, đang sống ở giai đoạn cuối, Judt gọi là mượn thời gian để sống, được ngày nào hay ngày ấy, dân gian gọi là chờ chết.
Phan Trinh