Biển Đông dưới góc nhìn của Trung Quốc:
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
BIỂN ĐÔNG VÀ QUAN HỆ VIỆT-TRUNG
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ hai, ngày 27/2/2012
TTXVN (Bắc Kinh 23/2)
Mạng Tân Hoa dưới sự chủ quản của Tân Hoa xã lưu hành bài viết của tác giả Lăng Đức Quyền, nguyên Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội, hiện là nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu vấn đề quốc tế của Tân Hoa xã, về những vấn đề liên quan đến tình hình tranh chấp ở Biển Đông hiện đang được các giới quan tâm rộng rãi như: tranh chấp đã phát sinh thế nào, chính sách, chủ trương của Trung Quốc và triển vọng quan hệ Trung Quốc-ASEAN cũng như quan hệ Trung Quốc-Việt Nam liên quan tình hình Biển Đông tới đây ra sao. Dưới đây là nội dung bài viết:
I -Tranh chấp Nam Hải và “vấn đề Nam Hải”
Theo định nghĩa của Cục thủy văn quốc tế, Nam Hải (Biển Đông) là vùng biển chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, biên giới phía Nam ở vị trí 3 độ vĩ tuyến Nam, giữa Nam Xumatra và Kalimantan, phía Bắc và Đông Bắc đến Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Đài Loan và Eo biển Đài Loan, biên giới phía Đông đến quần đảo Philíppin, phía Tây Nam đến” Việt Nam và bán đảo Mã Lai, thông qua Eo biển Bashi, biển Sulu và Eo biển Malắcca nối liền với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hầu như cả Nam Hải bị vây quanh bởi đại lục, bán đảo và các đảo, diện tích hơn 3,5 triệu km2, bằng khoảng ba lần tổng diện tích của Bột Hải, Hoàng Hai và Đông Hải (Biên Hoa Đông). Xung quanh Nam Hải có 9 quốc gia, gồm Trung Quốc (cả Đài Loan), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Xinhgapo, Inđônêxia, Brunây và Philíppin.
Trong vùng biển nói trên có hai vịnh là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Vịnh Bắc Bộ là vịnh chung giữa Trung Quốc và Việt Nam, không liên quan đến nước khác. Năm 2000 Chính phủ-hai nước Trung-Việt đã ký Hiệp định phân định biên giới Vịnh Bắc Bộ. Các nước xung quanh Vịnh Thái Lan có Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Malaixia. Việc giải quyết vấn đề quyền lợi về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở Vịnh Thái Lan đã có rất nhiều tiến triển, giữa Việt Nam và Campuchia, giữa Malaixia và Thái Lan, giữa Malaixia và Việt Nam đã ký các hiệp định song phương nhưng giữa Campuchia và Thái Lan còn chưa ký được hiệp định, vấn đề Nam Hải như mọi người thường nói không bao gồm Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan.
Tranh chấp Nam Hải tập trung ở vùng biển quần đảo Nam Sa (quốc tế thường gọi là Spratly, Việt Nam gọi là Trường Sa), liên quan đến Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) và 5 nước (Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Inđônêxia và Brunây), dân gian thường gọi là “6 nước 7 bên”. Sáu nước Đông Nam Á khác gồm Xinhgapo, Thái Lan, Campuchia, Lào, Mianma và Timo Leste không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Nam Hải.