Vùng đồng bằng sản xuất ra 85% gạo xuất khẩu của Việt Nam đang bị đe dọa bởi lưu lượng sông Mê Kông sút giảm. Đó là cảnh báo do một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về nguồn nước thuộc Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) đưa ra hôm nay.

Ông Arjun Thapan, cố vấn cấp cao của ADB về cơ sở hạ tầng và nguồn nước, cho biết lưu lượng sông không đủ và các phương thức tưới tiêu tại vùng châu thổ này đang đe dọa trầm trọng tới vựa lúa của Đông Nam Á.

Vẫn theo chuyên gia của ADB, ngành công nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì trên thế giới, bị đe dọa bởi tình trạng ngập mặn ở vùng châu thổ sông Mê Kông do việc tận dụng con sông này quá mức ở thượng nguồn.

Ông Thapan cũng đồng thời khuyến cáo rằng nếu tất cả các dự án thủy điện được xây dựng như hoạch định thì sản lượng cá xuyên khắp Tiểu vùng Sông Mê Kông Mở rộng có phần chắc sẽ giảm đi gần phân nửa.

Các nhận định này được đưa ra nhân cuộc hội thảo 2 ngày ở Bangkok về phát triển nguồn nước, lương thực, và năng lượng tại Tiểu vùng Sông Mê Kông Mở rộng. Hội nghị khai diễn hôm nay 20/2, quy tụ sự tham gia của Việt Nam, Campuchea, Lào, Miến Điện, Thái Lan, và miền Nam Trung Quốc.



Phó Chủ tịch ADB, ông Stephen Geoff, cho hay khó khăn hiện nay là làm sao tăng cường tính hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên, đồng thời bảo vệ chất lượng môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Vì vậy, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Á Châu kêu gọi các nước trong vùng hợp tác trong một kế hoạch phát triển chung nhằm sử dụng nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất lương thực và năng lượng một cách bền vững.

Nguồn: VOA, DPA