Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

NƯỚC MỸ

NƯỚC MỸ
 
[19.02.2012 17:54 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) “Dân Bờ biển Vàng vẫn muốn thong dong cưỡi ngựa chơi, chấp nhận trả thuế hàng trăm ngàn mỗi năm chỉ để được yên tĩnh. Muốn giữ lại cuộc sống kiểu cũ, giá trị cũ đã ngủ hàng trăm năm. Mà sao không thấy chính phủ mang quân đội vào cưỡng chế nhỉ, công trình an ninh quốc phòng cơ mà”.



1. Mùa ma quái

Mình đến New Yorrk vào một ngày đầu tháng 10-2003. Trời thu bắt đầu lạnh, gần như mùa đông Hà Nội. Chưa quen ai, chưa biết lái xe hay các tuyến xe buýt đi lại, mình đóng vai vợ yêu ở nhà, nấu nướng, dọn dẹp, xem tivi suốt ngày, từ sáng đến 5 giờ chiều.là giờ bày bàn ăn tối chờ chồng về cùng ăn.

Ngày thứ nhất, mình xem hết 3 bộ phim, thấy toàn ma quỷ.

Ngày thứ 2, mình xem thêm 4 phim cũng toàn ma quỷ.

Chuyển kênh nào cũng thấy ma quỷ, cứ phim là ma quỷ, là nghĩa địa, là mộ chí rung rợn. Ma, quỷ, ma cà rồng, côn trùng… thống trị tất cả các chương trình truyền hình trên toàn nước Mỹ. Ấn tượng đầu tiên của mình về nước Mỹ là ma quỷ.

Kết quả là đêm ngủ thấy toàn ác mộng, toàn hồn ma luẩn quẩn mọi nơi mọi chỗ.

Ngày thứ ba…

Ngày thứ tư…

Cả tuần…

Cả hai tuần…

Vì sao người Mỹ chỉ chiếu toàn ma quỷ trên tivi? Hồn ma chết đuối ướt lước thướt, hồn mà chết cháy đầu dựng ngược. Những cảnh hôn nhau cũng đỏ lòm lưỡi thè ra cả gang. Những phim Mỹ ướt át mình xem ở nhà sao không thấy đâu, mấy cái giải Oscar biến mất tăm mất tích. Chả lẽ người Mỹ không ai có nhu cầu xem phim hài hay phim tình cảm gì đấy trên tivi?

Sau hơn hai tuần, mình kiệt quệ vì những cơn ác mộng, mình sợ mở TV…

Mình đi ra ngoài chơi. Trước cửa nhà nào cũng cắm đầy mộ chí vẽ nguệch ngoạc, những hình nộm ma quái, những bộ xương người chết y như trong phim. Có bộ xương còn biết gầm gừ khi mình đi qua, sởn hết cả da gà…

Mình đành ấm ức hỏi chồng…

- Đang mùa Halloween, vợ ơi… mai là Halloween đấy…

Nước Mỹ chào đón Halloween như thế đấy.

2. Bờ biển Vàng

Ở Việt Nam, mỗi khi có một con đường mới mở, một dự án mới làm ở đâu đó, là giá bất động sản tăng vọt. Dân tình ai cũng ước mơ con đường ấy sẽ đi qua ruộng nhà mình… ẵm liền một mớ tiền ăn chơi nhảy múa.

Hòn đảo Long Island ở New York bao gồm bốn quận. Hai quận “nội thành” New York là Queens và Brooklyn, và hai “huyện ngoại thành” Nassau và Suffolk. Về địa lý là thế, nhưng khi nhắc đến Long Island, người ta thường chỉ nhắc đến Nassau và Suffolk.

Vùng phía Bắc của Nassau được gọi là “the gold coast” tức là Bờ biển Vàng, cho đến tận thế kỷ 21 này vẫn là một vùng vắng người. Từ ngày mình sang Mỹ, vẫn luôn thắc mắc về khu vực này: mỗi lần lái xe vào, là có cảm giác lọt vào mê cung, chẳng biết đi đường nào, chẳng có ai để hỏi đường... cây cối, đồi dốc lên xuống… Mà nào có xa xôi gì, chỉ 5-10 phút lái xe, đã tới những khu thương mại sầm uất nối tiếp nhau toàn người với người.



Những con đường chỉ có một làn xe, các khu thương mại lẻ tẻ thỉnh thoảng gặp lèo tèo 2-3 cửa tiệm vắng người. Nhà ở chìm lút trong rừng đồi cây lá. Con đường ven biển mê hồn không bóng người qua lại… địa thế hiểm trở đồi, rừng, biển, cảng tạo nên cảnh quan đẹp như mơ. Mùa xuân như lạc vào rừng hoa.

Nhìn vào bản đồ, Bờ biển Vàng là nốt lặng dài trong bản nhạc New York toàn móc kép bận bịu. Các đường cao tốc như có ai dùng tay kéo xuống phía Nam, đường vòng thêm xa, như tránh đi qua. Những con đường nội bộ lưa thưa, cong queo thay thế cả một rừng giao thông ngang dọc. Bờ Biển Vàng là sự thắc mắc mà mình không hiểu nổi. Cho đến khi…

Ba năm trước, mình kinh ngạc đọc tin dân vùng Bờ biển Vàng bỏ phiếu chống, không thông qua dự án đường hầm dưới đáy biển nối Long Island với khu vực Up State của New York, dự kiến là dự án rất hữu ích, và có thể hoàn vốn nhanh chóng, trong thời gian gần, làm giảm tắc nghẽn giao thông qua thành phố New York vốn vẫn là vấn đề nhức đầu biết chính quyền địa phương trong nhiều thập kỷ. Dự án đồng thời làm giảm thuế bất động sản vốn rất cao, cao nhất nước Mỹ cho dân cư toàn khu vực.

Bao nhiêu lợi ích cho dân, mà dân bỏ phiếu chống! Mà chống không phải với tỷ lệ nhỏ…

Kinh ngạc hơn, mình phát hiện ra không phải lần đầu tiên dân khu vực này bỏ phiếu chống.

Từ những thập kỷ 50-60 của thế kỷ trước, những dự án cầu qua biển vĩ đại nối Long Island từ Bờ biển Vàng tới vùng Up State đã được bàn thảo và mang ra phê duyệt. Dự thảo đường cao tốc 135 xuyên Bắc Nam hòn đảo ban đầu khi được Robert Moses đệ trình, kéo dài lên đến Oyster Bay, sát bờ biển, và sau đó sẽ làm tuyến phà nối Oyster Bay và Connecticut. Đến khi xây dựng, đường cao tốc 135 chạy từ bờ biển phía Nam, khẽ chạm vào Syoset bao ngoài Bờ biển Vàng là dừng lại. Tất nhiên tuyến phà Oyster Bay- Connecticut chỉ còn trong bản vẽ.

Bản thiết kế năm 1965, được gọi là Cầu Oyster Bay- Rye, nếu được xây dựng, sẽ là một trong những cây cầu dây văng đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ (cầu dây văng ở Việt Nam đầu tiên được xây dựng là cầu Cần Thơ, xây trong thập kỷ 90), cũng dự định nối Oyster Bay với Rye, một thị trấn ở Upstate New York.

Công nghệ Mỹ sẵn có, vốn sẵn sàng, giá trị kinh tế không phải nhỏ.

Nhưng người ta sợ giao thông qua cầu sẽ làm mất sự yên tĩnh của Bờ biển Vàng, Người ta sợ khi giao thông trở nên nhộn nhịp, sẽ kéo theo thương mại tràn vào, dân tứ xứ tràn vào, sẽ phá vỡ cuộc sống êm đềm truyền thống của khu dân cư. Người ta bỏ phiếu chống. Dự án chỉ còn trên mô hình trong nhà bảo tàng và trong một kho giấy tờ nhà nước .

Nhưng nhu cầu giao thông vẫn còn đấy, ngày một tăng nhức nhối. Dân số Long Island tăng chóng mặt nhờ vào những cuộc di dân vĩ đại từ khắp các nơi trên thế giới. Dân số tăng trên toàn New York… nhưng Bờ Biển Vàng thì không. Mỗi lần cần đi lên Connecticut, Massachuset hay Upstate New York, dân Long Island vẫn phải lái xe vòng qua thành phố New York, vừa xa, vừa tốn kém, mà giao thông qua New York City chưa bao giờ dễ dàng.

Vụ khủng bố 9-11-2001 làm cho dân Long Island phát hiện ra sự cô lập của cả hòn đảo khi các nút cổ chai giao thông qua thành phố tê liệt. Người ta nhận thấy sự nguy hiểm tiềm tàng một khi hòn đảo bị tấn công hay gặp thiên tai, sẽ không có con đường nào trốn thoát. Không có đường chở nhu yếu phẩm. Long Island sẽ cách biệt hoàn toàn với thế giới. Người ta nhận ra sự thiết yếu của một tuyến đường, bất kể là đường gì, nối Long Island với bất kể vùng nào đấy phía Bắc.

Một lần nữa, những dự án cũ lại được lôi ra thảo luận.

Nhưng dân cư Bờ Biển Vàng vẫn là những người cuối cùng đưa ra quyết định có hay không. Câu trả lời vẫn là không.

Dự án đường ngầm 3 năm trước bao gồm hai đường ngầm cho hai chiều xe chạy, mỗi đường bố trí ba làn xe. Đường ngầm thứ ba nằm ở giữa hai chiều dành cho các hoạt động chức năng (cấp cứu, cảnh sát, bảo dưỡng…). Vì dân sợ ô nhiễm, sợ hỏng cảnh quan, sợ ồn ào, thì thôi, ta làm đường ngầm đi dưới chân họ vậy. Ở trên mặt đất, vẫn là sự yên bình, vẫn thế đồi thế biển, không có gì thay đổi, chỉ có thuế bất động sản sẽ giảm hẳn.

Và đường ngầm sẽ cứu Long Island (bao gồm cả Bờ biển Vàng) nếu có thiên tai hay chiến tranh, sẽ nối Long Island với thế giới bên ngoài nếu thành phố New York có bề gì.

Và dân Long Island sẽ rút ngắn được khoảng cách, thời gian, tiền bạc mỗi khi đi lên các tiểu bang phía Bắc, Connecticut, Massachuset, New Hamshia, hay chỉ lên vùng phía trên của tiểu bang là Upstate New York hoặc sang chơi Canada…

Và giao thông qua New York City sẽ không còn là nỗi kinh hoàng.

Báo chí, truyền hình ra sức làm PR, giới vận động hành lang cũng ráo riết làm việc. Suốt mấy tháng trời, mình đọc tin hàng ngày mà vẫn không hiểu vì sao người ta phải tranh cãi nhiều thế, phải bàn bạc nhiều thế, tốn biết bao nhiêu giấy mực. Ở Việt Nam làm gì có chuyện ấy… nhà nước bảo xây, là xây thôi. Bố thằng nào dám ngăn.

Cuối cùng, kết quả vẫn phiếu chống.

Phát triển, chưa chắc đã được chào đón mọi nơi mọi chỗ. Dân Bờ biển Vàng vẫn muốn thong dong cưỡi ngựa chơi, chấp nhận trả thuế hàng trăm ngàn mỗi năm chỉ để được yên tĩnh. Muốn giữ lại cuộc sống kiểu cũ, giá trị cũ đã ngủ hàng trăm năm.

Mà sao không thấy chính phủ mang quân đội vào cưỡng chế nhỉ, công trình an ninh quốc phòng cơ mà.
Phan Ngọc Linh, từ Long Island, New York

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét