Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Chiến đấu vì độc lập tự do

Chiến đấu vì độc lập tự do

 



Cách nay vừa đúng 33 năm, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tự lột mặt nạ cộng sản tàn bạo của chúng bằng việc tung hàng chục vạn quân xâm lược tiến đánh đồng loạt 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta, từ tờ mờ sáng 17.2.1979. Tôi còn nhớ như in, chiều 17.2, thầy hiệu trưởng trường Dự bị đại học TP.HCM Nguyễn Văn Năm chỉ đạo mấy thầy giáo trẻ chúng tôi kẻ ngay một loạt khẩu hiệu "Tổ quốc lâm nguy, tất cả sẵn sàng" kêu gọi giáo viên và học sinh chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhập ngũ cứu nước. Khí thế sôi sùng sục. Từ được người ta nhắc đến nhiều nhất lúc ấy là cụm từ "bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh". Tin tức từ biên giới phía bắc báo về càng làm lòng căm hờn cháy bỏng. Những tấm gương Hoàng Thị Hồng Chiêm, Bùi Nguyên Khiết... hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu khích lệ chúng tôi ghê lắm. Ai cũng muốn, cũng bừng bừng tinh thần ra trận. Chỉ vài ngày sau, làn sóng phát thanh đã vang lên bài hát này, Chiến đấu vì độc lập tự do, của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

33 năm đã trôi qua, hàng vạn người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước ấy đã yên nghỉ nơi rừng xanh núi đỏ. Họ không có cái may mắn như những anh hùng thời chống Mỹ. Họ ít được nhắc đến. Người ta cố tình quên các anh các chị. Đáng thương, đáng giận thay.
Bản hùng ca này do tốp ca nam nữ đài Tiếng nói VN trình bày.
Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.
16.2.2012
Nguyễn Thông

Chiến đấu vì độc lập tự do là bài hát do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào đêm ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi nghe tin chiến tranh biên giới Việt-Trung bùng nổ vào sáng ngày hôm đó. Đây là bài hát mở đầu cho dòng nhạc "biên giới phía Bắc".[1] Ca khúc này thường được gọi bằng cái tên không chính thức là Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới - câu đầu tiên trong ca từ.
Bài hát được phổ biến rất nhanh chóng. Dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam thu thanh ngày 20 tháng 2. Ngày 9 tháng 3, bài hát được đăng trên báo Nhân Dân. Quân nhạc biểu diễn vào tháng 4.[1]
Khi quan hệ ngoại giao Việt Nam Trung Quốc được cải thiện, theo thỏa thuận giữa hai nước, nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, bài hát này cùng với một số bài khác không còn được lưu hành trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có nhà xuất bản muốn in bài hát này trong một tuyển tập ca khúc của thời kỳ nhưng đề nghị nhạc sĩ sửa lại một số từ trong lời bài hát. Ông không đồng ý và bài hát không được đưa vào tuyển tập.[1]

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương.
Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương
Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa...đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!

Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!
Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường.
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người
Độc Lập - Tự Do!

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét