Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Luật đất đai rắc rối của Việt Nam – Phần 2: Tiếng súng ở Tiên Lãng

Luật đất đai rắc rối của Việt Nam – Phần 2

Tiếng súng ở Tiên Lãng

Tác giả: David Brown
Người dịch: Đan Thanh
Hiệu đính: David Brown
Ngày 2-2-2012

Đây là phần hai trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.

Đầu tháng qua, dân chúng Việt Nam mệt nhoài sau một năm lạm phát cao vọt và tăng trưởng kinh tế thấp, đã dồn cả sự chú ý vào Tết (âm lịch) với vài tuần được nghỉ ngơi. Ở nơi xa, miền Nam, cuộc thử thách kéo dài với nữ anh hùng lao động Trần Ngọc Sương cũng đã sắp kết thúc – chính quyền địa phương quyết định hủy bỏ bản án buộc tội bà biển thủ công quỹ từ cái nông trường thịnh vượng cuối cùng của đất nước.
Sau đó một bản tin bất thường từ huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng – thành phố cảng phía đông Hà Nội – đã gây chấn động cho toàn thể dư luận. Một ngư dân cùng gia đình ông ta đã chống lại cả một lực lượng lớn thực thi lệnh cưỡng chế. Sử dụng mìn tự chế và súng hỏa mai mua ở chợ đen, họ đã làm bị thương hai bộ đội và bốn công an, trong đó có cả chỉ huy công an địa phương.
Giống như trong vụ Nông trường Sông Hậu, ở đây, quyết tâm của chính quyền trong việc giành quyền kiểm soát đất nông nghiệp màu mỡ cũng lại là nguyên nhân kích động vụ việc xảy ra.

Năm 1997, Đoàn Văn Vươn chuyển đến sinh sống ở làng Vinh Quang và thuê 9 hecta đất ngập mặn ven biển từ Ủy ban Nhân dân xã. Vốn là kỹ sư có qua đào tạo, Vươn bắt đầu xây các con đập, cống thoát nước và ao chuôm cần thiết để nuôi cá nuôi tôm. Không ai nghĩ Vươn cùng gia đình sẽ thành công, nhưng sau nhiều năm phấn đấu và thử nghiệm, trại cá đã thu được nguồn lợi nho nhỏ. Những người đi tiên phong khác cũng đã theo gương Vươn. Cho đến năm 2004, khoảng 20 hộ gia đình ở huyện Tiên Lãng đã có trại cá, bao phủ một diện tích xấp xỉ 250 hecta đất mà trước đó được coi như là vô giá trị. Bản thân Vươn đã khai hoang thêm 11 hecta lấn biển, đưa doanh nghiệp gia đình của mình tới chỗ khai thác 20 hecta ao cá.
Tuy nhiên, vào năm 2005, các ngư dân ở Tiên Lãng đã nhận được một thông báo kinh hoàng từ chính quyền huyện. Thông báo nói rằng vùng đầm lầy mà họ thuê sẽ bị chính quyền thu hồi lại khi hết hạn cho thuê. Sẽ không có đền bù nào cho những gì họ đã cải thiện được.
Tất cả đất đai của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên kể từ năm 1993, cá nhân và doanh nghiệp đã được trao “quyền sử dụng đất”. Đối với phần lớn nông dân thì điều đó có nghĩa là họ được phân phối một mảnh đất từ hợp tác xã trước kia, để sử dụng trong thời hạn 20 năm.
Vì lý do nào đó không rõ, ông Vươn chỉ được thuê đất có 14 năm kể từ năm 1993. Ông nhận lệnh phải rời đi vào thời hạn cuối cùng là năm 2007.
Vươn và những người nông dân nuôi cá khác cho biết, họ tin rằng – theo truyền thống ở nông thôn – thời hạn thuê mảnh đất mà họ đã khai hoang, phát triển sẽ thường xuyên được gia hạn. Hơn thế nữa, cũng như tất cả những nông dân khác, họ tưởng là nếu chính quyền lấy lại một mảnh đất nào đó, vì mục đích công nào đó, thì họ sẽ được đền bù cho những nỗ lực phát triển đất đai của họ.
Các ngư dân nuôi thủy sản phản đối. Chính quyền huyện không động lòng. Tòa án huyện giữ nguyên lệnh của chính quyền, yêu cầu nông dân trả lại đất. Nông dân kháng án lên tòa cấp thành phố.
Như đã thành thông lệ ở Việt Nam, tòa Hải Phòng đưa đơn kháng án ra trọng tài – một thẩm phán tòa địa phương – với hy vọng là vụ tranh chấp sẽ được giải quyết ngoài hệ thống tòa án. Thủ tục ấy đưa đến một bản ghi nhớ vào tháng 4/2010, “tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận tìm phương án giải quyết”.
Theo tin tức từ báo chí, huyện Tiên Lãng đồng ý gia hạn cho thuê đất sau khi hết hạn, còn các nông dân nhất trí rút lại khiếu nại. Văn bản do Vươn và đại diện của các gia đình nông dân nuôi cá khác ký, cùng với đại diện chính quyền huyện là Giám đốc Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng. Trọng tài sau đó cộp con dấu đỏ vào phán quyết của tòa phúc thẩm.
Không chần chừ, chính quyền huyện chơi bài nuốt lời hứa. Các nông dân chỉ vừa rút lại đơn khiếu nại thì chính quyền huyện tuyên bố rằng phán quyết của tòa địa phương vẫn có hiệu lực. Một lần nữa họ buộc Vươn phải giao nộp trại cá. Tuyệt vọng, Vươn quyết tâm chống lại. Khi công an, có thêm viện binh là bộ đội – tổng cộng 80 người có vũ trang – tiến vào nông trại của ông vào buổi sáng mồng 5 tháng 1, Vươn cùng gia đình đã bắn những phát đạn làm cả nước bừng tỉnh.
Không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây. Trại cá của Vươn bị tàn phá, ba ngôi nhà bị san phẳng và số cá trị giá khoảng 250.000 đôla bị những kẻ lạ khoắng sạch. Vươn cùng em trai bị tống giam với tội danh cố ý giết người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, đối với công luận Việt Nam, anh em Vươn là anh hùng.
T.S. Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình luận rằng “Có thể coi sự việc vừa qua ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về cả luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Một người nông dân tốt, thuần chất, ham lao động mà phải bảo vệ quyền lợi đất đai của mình bằng vũ khí tự tạo thì quả là cùng cực. Con người ai cũng tin vào công lý và tin vào công lý đó được pháp luật bảo vệ. Những người nông dân khai phá đất nuôi thủy sản ở Tiên Lãng chắc chắn cũng tin như vậy. Rồi tới tòa án, nơi rất công bằng, mà những chân lý giản dị như họ tự hiểu cũng vẫn không nhìn thấy. Họ phải tự quyết liệt một mình trong vô vọng”.
Ông Võ và các chuyên gia về chính sách đất đai khác phê phán giới chức Tiên Lãng, và Phó Chủ tịch TP Hải Phòng biện hộ cho các sai lầm căn bản trong việc giải thích và thực thi pháp luật, nhưng đó không phải vấn đề thực sự ở đây. Vấn đề thực sự là lương tri và sự đúng đắn, tôn trọng mối quan hệ gắn kết giữa người nông dân với mảnh đất mà họ lao động trên đó – như nhiều người đã bình luận.
Thủ tướng Dũng ra lệnh cho chính quyền TP Hải Phòng tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra vụ nổ súng ở Tiên Lãng, và cách xử lý tình hình ở nơi này. Có lẽ vài cái đầu sẽ rơi; công luận Việt Nam rõ ràng rất hy vọng là anh nông dân Vươn sẽ không ở trong số đó.
Tuy nhiên, chính ông Nguyễn Tấn Dũng và các đồng sự của ông ta trong chính phủ và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản là những người phải xử lý một vấn đề còn rộng lớn hơn thế. Luật đất đai hiện thời của Việt Nam đang là một quả bom nổ chậm, sẽ nổ vào năm 2013 – nếu không có những cải cách căn bản thì những bi kịch kiểu như vụ Đoàn Văn Vươn sẽ là mối đe dọa đối với một nửa dân số trong nước.
Kỳ sau: Sự khôn ngoan của người nông dân
Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét