Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Rắn thần Naga và thả chim phóng sinh ở Lào (Phần II)

Rắn thần Naga và thả chim phóng sinh ở Lào (Phần II)


Sang Viên Chăn lần này tôi không có điều kiện để trở lại Luang Prabang, nhưng lại có dịp trở lại thăm ngôi chùa nổi tiếng ở Thủ đô Lào và cũng nổi tiếng trên thế giới. Đó là chùa Thạt Lung. Thạt Luổng  được xây từ năm 1566 dưới triều vua Xệt-thả-thi-lạt, theo hình một nậm rượu, trên một phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Bên ngoài ngôi chùa được dát vàng.

        
            Trước chùa Thạt Luổng ở thủ đô Viên Chăn



Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Thạt Lung đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ 19 nhưng sau đó đã được khôi phục nguyên trạng. Kiến trúc ngôi chùa tháp mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào và đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Theo truyền thuyết, Thạt Luổng lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Thạt Lung gồm tháp chính cao 45 thước, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng.
Thạt Luổng là kiến trúc trung tâm của chùa Thạt Luổng và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào (chân rộng 90m x 90m và cao 45m). Trung tâm của tháp là một khối lớn uy nghi, trang nhã, vươn lên cao như một mũi tên. Đế của khối trung tâm là một đài sen hình vuông đang nở tung những cánh vàng ra bốn phía. Trên đài sen là bệ cao có hình vuông và có cấu trúc khá phức tạp. Chân bệ là những nấc vuông càng lên cao càng nhỏ lại để rồi phình ra ở trên thành một gờ nổi lớn hơi ngả ra ngoài làm làm chỗ đứng vững chãi cho hình quả bầu thon thả phía trên. Đến thăm Thạt Luổng khách du lịch có thể bắt gặp khá nhiều người bán chim phóng sinh. Chim phóng sinh được nhốt trong những chiếc lồng tre nhỏ xíu, mỗi lồng thường có từ 4 đến 6 con. Phần lớn chim phóng sinh được bán là chim sâu, cũng  có chim sẻ nhưng không nhiều. Tôi để ý không thấy có nhiều người mua chim phóng sinh tại khuôn viên khá rộng trước cửa chùa Thạt Luổng này.




Trái lại, sau Tết âm lịch năm ngoái, tôi cùng bà lão Đầu Gối làm một chuyến du lịch “ta ba lô”, từ Viên Chăn sang Luông Phrbang, lang thang ở cố đô nước Vạn Tượng một ngày trước khi về Hà Nội. Một ngày thôi, cũng đủ thời gian để cưỡi ngựa xem hoa và cùng thả chim phóng sinh khi lên thăm ngôi chùa cổ trên núi Phou Si (khá giống tên núi Phú sĩ ở Nhật Bản) ở cố đô này.


                            Trong sân bay Luang Prabang
Luang Prabangnghĩa là Phật Vàng Lớn,trước kia từng là kinh đô của một vương quốc tên Lan Xang ("vương quốc triệu voi") từ thế kỉ 14 đến năm 1946. Trước năm 1975, nó vẫn là thủ đô hoàng gia, trung tâm của Vương quốc Lào. Ngày nay, nó là tỉnh lỵ của tỉnh Luang Prabang, có khoảng 22.000 dân.
 Luang Prabang nằm cách Viêng Chăn 425 km về phía Bắc, bên sông Mê Công, trong vùng Tam giác vàng giáp Thái-lan và Mi-an-ma về phía tây, giáp Việt Nam về phía đông. Luang Prabang được UNESCO công nhận là di tích lịch sử và văn hóa của thế giới năm 1995, có nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, chùa và làng cổ kính với những kiến trúc và chạm trổ độc đáo, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, được Tạp chí Travel and Leisure của Mỹ xếp hạng là một trong mười thành phố du lịch hấp dẫn nhất ở châu Á.
Với 129 điểm du lịch, hằng năm Luang Prabang đón nửa triệu khách thập phương, những người thích khám phá những di tích, phong cảnh tự nhiên, ẩm thực của Lào và giao lưu với người dân địa phương..
Chỉ có chưa đầy một ngày ở thăm Luang Prabang mà chúng tôi đã dành gần nửa buổi chiều để đến thăm ngôi đền Vat That Chomsi rất nổi tiếng nằm trên núi Phou Si trong trung tâm của thị trấn. Ngôi đền này này được xây dựng năm 1804 dưới thời trị vì của vua Anourou. Chúng tôi được giới thiệu phải leo 328 bậc từ chân núi mới lên tới Tháp cao 20m Chomsi. Lên tới đây có thể ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của cố đô Luang Prabang, nhất là được ngắm dòng sông Mê Kông và sông Khan uốn lượn quanh cố đô đất Vạn Tượng.

Thả chim (phóng sinh) trên núi Phou Si
Đứng trên núi Phou Si, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, nhất là bầu trời quang đãng và dòng sông uốn lượn, được lời mời chào của mấy người bán chim phóng sinh, vợ chồng tôi mua một lồng chim, toàn chim sâu và mở cửa lồng cho những con chim bé nhỏ tung cánh bay lên bầu trời xanh đang được dát nắng vàng của một buổi chiều ngày đầu xuân. Tôi cảm nhận sự sống và tự do từ những chú chim sâu bé nhỏ thoát lồng đang bay vút lên kia như có sức mạnh tiếp thêm cho đôi chân đã già và có phần mỏi mệt và tù túng cùa mình. Tôi nghĩ, phóng sinh âu cũng là việc làm và ước muốn lương thiện của con người đem sự sống đến muôn loài trên thế gian này!
Nhưng rôi, sau chuyến đi Lào trở về, tôi có dịp lang thang trên mạng thì bất ngờ đọc được một số bài báo phản đối việc bán chim và phóng sinh chim này. Một số phóng viên các báo chứng kiến cảnh những người bán chim phóng sinh đã cho chim uống thuốc để chim bị lả đi. Sau khi được người mua phóng sinh chim không đủ sức bay xa, xà xuống đất và lại bị người bán chim bắt lại, nhốt vào lồng, cứ thế quay vòng bán kiếm lời. Hành động đó của những người bán chim có thể coi là độc ác, hành hạ động vật, xâm hại môi trường, một hành động không thể chấp nhận được. Điều tệ hại hơn, là nó lại diễn ra ngay trước cửa chùa, nơi ai đến đây cũng cầu xin Đức Phật để mong cho lòng được từ bi hỉ xả.


 Nhiều người không đồng tình với việc thả chim phóng sinh vì cho rằng đó là hành động tiếp tay cho cái ác, phá hoại sự sống và môi trường. Tất nhiên tôi cũng đọc được các ý kiến khác về việc này, như ý kiến của một cư sĩ Phật giáo cho rằng, trong những con chim đã bị người bán chim uống thuốc kia, khi được phóng sinh nhất định có con còn sức và bay được xa, thoát khỏi tầm tay độc ác của người muốn bắt chúng lại. Và những con chim này đã thoát chết, đã được phóng sinh thật sự. Điều đó cũng tốt, còn hơn là những con chim đó không được ai mua phóng sinh, rồi chết ở trong lồng!
Một chuyện nhỏ tưởng chẳng mấy ai quan tâm nhưng lại có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến rất gay gắt. Tôi viết mấy dòng từ sự trải nghiệm của mình qua chuyện nhỏ này trên blog Đầu Gối. Mong được bạn đọc thông cảm và chia sẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét