GS Nguyễn Huệ Chi:
“Nhân cách chỉ có được trong một xã hội thực sự có độc lập, dân chủ, tự do…”
LTS: Nhân cách hiện nay đang dần trở nên hiếm đi và là “đặc sản” đối với một số ít người? Là cái thứ mà nay con người ta rất khó giữ gìn? Hay là thứ không quan trọng nữa?... Phỏng vấn sau đây với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, văn học cổ, đặc biệt về thời kỳ Lý - Trần sẽ phần nào giải đáp về những điều này.
PV: - Người có nhân cách là người như thế nào, thưa Giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Người có nhân cách phải thể hiện nhân cách ấy ra ngoài bằng một thái độ sống nhất quán và bằng những hành động cho thấy chỗ đứng trước sau như một của anh trong xã hội; nó đóng góp một phần nào đó vào nền tảng đạo lý của cộng đồng. Người có nhân cách đòi hỏi phải tiếp nối và giữ vững được đạo lý truyền thống của dân tộc để không làm gì phức tạp thêm cho xã hội, trái lại làm điểm cố kết cộng đồng xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đối với một trí thức thì điều đó là quan trọng hàng đầu, chứ không phải là kho kiến thức trong anh.
PV: - Tại sao nhân cách lại quan trọng vào bậc nhất khiến chúng ta phải giữ gìn như vậy?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Vì xã hội loài người gồm nhiều cộng đồng khác nhau, trong mỗi một cộng đồng phải có sự giao lưu giữa cá nhân với cá nhân bằng những nguyên tắc sống lâu dài nhằm bảo đảm cho cái xã hội mà cộng đồng ấy lấy làm nền tảng luôn luôn hài hòa và ổn định.