Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Công chức lộng ngôn hay dốt ngữ pháp?

Công chức lộng ngôn hay dốt ngữ pháp?
Sau khi nói trống không 3 lần “Làm cái gì?” mà không thấy có ai trả lời, cô nhân viên trẻ măng ở cửa dịch vụ một dấu của UBND xã Mỹ Đình (Hà Nội) mới nhướng mắt hỏi một bác già: “Giấy tờ này của ai?”. Bác già nói: “Tôi chờ mãi tới giờ mới được nghe cô nói một câu đúng ngữ pháp”.
Người dân đến xin giải quyết thủ tục hành chính (ảnh minh họa)
Bác tôi vừa đi ra UBND xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, Hà Nội) về, sáng đó ông đến làm thủ tục để chuyển bảo hiểm y tế từ bệnh viện A. về viện B. để mỗi lần đi khám gần hơn cho tiện. Ra khỏi nhà chưa đến 1 tiếng, ông đã quay về với tâm trạng bực dọc và cáu kỉnh.
Hỏi ông có chuyện gì, ông kể lại: “Bác bực mình quá cháu ạ, lâu rồi mới đến cơ quan nhà nước, chứng kiến nhiều chuyện chướng tai gai mắt nên không chịu được. Thế này mà những người phải thường xuyên đi làm thủ tục giấy tờ liên quan đến cơ quan nhà nước hoặc phải rèn tính tình cho mình nhũn ra như con chi chi, hoặc phải có thần kinh thép mới chịu nổi”.

Và rồi ông tường thuật câu chuyện mà ông vừa phải chứng kiến sáng đó cho tôi nghe. Ở cửa dịch vụ thủ tục “ một cửa một dấu”, chỉ có một cô nhân viên trẻ măng ngồi, xung quanh là các ông già bà cả lố nhố, người trẻ hơn thì đến xin dấu má, làm thủ tục khai sinh cho trẻ con... Đông người mà chỉ có “một cửa một dấu” nên phải xếp hàng chờ đợi là đúng rồi, thế nên những người đến ủy ban sáng đó không ai bảo ai, đều phải khép nép ngồi chờ đến lượt mình.

Xếp trước ông bác tôi, có một bác già cỡ tuổi 75-80, tức là tầm tuổi ông nội ông ngoại của cô nhân viên trẻ măng kia, đến lượt giải quyết giấy tờ của ông, cô nhân viên gọi xách mé “Nguyễn Văn A.”. Ông già tiến đến gần bàn, cô nhân viên không buồn nhìn lên hỏi: “Làm cái gì?” Bác già không đáp. Cô lại tiếp tục lặp lại câu hỏi: “Làm cái gì?” thêm 2 lần nữa, bác già vẫn không đáp. Cuối cùng cô gái chuyển câu hỏi: “Giấy tờ này của ai?”. Bác già nói: “Của tôi”. Cô nhân viên sửng cồ: “Của ông mà tại sao nãy giờ tôi hỏi làm cái gì ông không trả lời?”. Bác già thủng thẳng nói: “Tôi chờ mãi tới giờ mới được nghe cô nói một câu đúng ngữ pháp”.

Cô nhân viên hình như bây giờ đã bắt đầu biết ngượng, cắm cúi làm thủ tục cho xong. Nhưng bác già vẫn chưa muốn kết thúc câu chuyện ở đó. Ông quay ra đám đông đang ngồi chờ làm thủ tục nói rất to: “Tôi bằng này tuổi rồi, nghề nghiệp giúp tôi đi nhiều nước rồi nhưng tôi chưa thấy có nước nào tồi tệ như nước mình. Từ khi có cái nước Việt Nam đến nay, hình như người ta quên mất việc phải giáo dục những điều sơ đẳng nhất công chức, viên chức. Tại sao một người không biết nói một câu cho đúng và đủ ngữ pháp mà cũng được ngồi ở vị trí tiếp dân này?
Nếu là ở nước ngoài, tôi chỉ cần báo chuyện này với ông thị trưởng, thì cô nhân viên hôm nay sẽ bị cúp một ngày lương vì không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí bị sa thải. Nên nhớ các nhân viên công chính là những người dân chúng tôi bỏ tiền ra thuê để ngồi ở vị trí này mà giải quyết thủ tục hành chính, không phải là cha mẹ dân mà xách nhiễu chúng tôi”.

Rất đông người ngồi chờ ở ủy ban xã hôm ấy đã lên tiếng ủng hộ bác già, họ gật gù “Ông này nói đúng thế!”, nhưng cũng có người bĩu môi: “Ông già lẩm cẩm ơi, muốn được thế thì ông đi nước ngoài mà sống nhé”.

Kết thúc bài phát biểu oai dũng, bác già chống ba toong ra về. Bác tôi chứng kiến xong câu chuyện cũng chán chường bỏ ra về theo mặc dù thủ tục của ông chưa làm xong. Bác bảo: “Bác chán quá cháu ạ! Ở ngay giữa thủ đô, giữa những con người có học thức và có tuổi tác mà còn bị khinh khi xách mé thế này, thì ở những nơi khác, dân trí thấp hơn, người dân thấp cổ bé họng hơn, tình hình còn tệ đến đâu. Thôi thà rằng phải đi khám bệnh xa một tý cũng được, chứ bác không thể ra ủy ban xã để chạm mặt cái lũ công chức người Việt mới nứt mắt ra mà đã quên tiếng Việt, không nói nổi một câu cho đúng ngữ pháp và ngữ cảnh”.
Tôi nghe xong câu chuyện của bác tôi, cũng bần thần hết cả người. Vừa thương cảm lại vừa xót xa cay đắng. Một cô nhân viên ở ủy ban nhân dân xã thôi, nhưng cũng là hình ảnh điển hình cho hàng triệu nhân viên ở các cơ quan công quyền mà người dân có thể gặp ở bất cứ đâu, xấc láo, hỗn hào, bắt ne bắt nẹt dân với khuôn mặt vênh vác, thi hành công vụ mà như người bố thí cho kẻ hành khất.

Họ là sản phẩm của cái lò đào tạo nào? Họ từ đâu mà ra? Khi nào thì họ mới ý thức được rằng mình được nhận lương từ tiền thuế của dân để phục vụ nhân dân chứ không phải là ông trời bà trời ăn trên ngồi chốc và bố thí cho dân những con dấu và chữ ký của họ?

Đám công chức ấy, lạ một nỗi là khi tiếp dân, giải quyết thủ tục cho dân thì quên sạch cách nói một câu thế nào cho có đủ chủ ngữ vị ngữ, vậy nhưng có thể lom khom ngồi vắt óc hàng giờ cho đủ những lời hay ý đẹp để nịnh hót bề trên hoặc học thuộc lòng trích dẫn những câu dài hàng sải tay từ các chỉ thị nghị quyết. Không hiểu lò đào tạo nào tạo ra được những nhân viên “đa diện” như vậy?

Tôi chợt nhớ đến trong một bản tin mới đọc gần đây, Bộ Nội vụ cho biết, trong đợt thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp của các bộ, ngành có khoảng 30% thí sinh không đạt yêu cầu, trong đó, số lượng trượt phần nhiều rơi vào các lãnh đạo cơ quan. Chắc chắn trong đề thi nâng ngạch chuyên viên ấy không có môn ngữ pháp Tiếng Việt, chứ giá kể người ta mà đưa cái môn oái oăm ấy vào, chỉ hỏi vài câu đơn giản thôi, kiểu như: “Khi tiếp dân, công chức phải nói thế nào mới đúng ngữ pháp” thì tôi tin rằng số lượng công chức bị trượt không phải là 30% mà có khi gần hết số người đi thi ấy chứ.

Mi An


( Theo Phunutoday

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét