Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

(1) Quan tài bạc tỷ của đại gia Sài Gòn

Thú chơi quan tài bạc tỷ của đại gia Sài Gòn
Nhiều người có tiền luôn thích chơi đồ độc để thể hiện đẳng cấp của mình. Ngoài chuyện sống sao cho thiên hạ nể thì việc... chết như thế nào cũng được các đại gia chú trọng.

Quan tài giá hơn 7 tỷ đồng của một đại gia Sài Gòn
 được lấy mẫu từ trang web nước ngoài. Ảnh: DA
Để có một cỗ quan tài có thiết kế lạ, không đụng hàng cho người thân, các đại gia sẵn sàng chi ra vài tỷ đồng để chạm trổ, dát vàng...
Những quan tài bạc tỷ
Trong vai một người giàu có, đi tìm mua quan tài cho người nhà, chúng tôi ghé vào trại hòm T.L trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận (TP.HCM). Tỏ vẻ e dè nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm mua một cỗ quan tài đặc biệt cho người thân chuẩn bị hậu sự, bà chủ trại hòm tỏ ra niềm nở và giới thiệu rất chi tiết. Theo lời bà và những gì chúng tôi quan sát được, tại trại hòm này chỉ bán những cái hòm có một không hai chủ yếu làm từ gỗ pơ mu, giáng hương, gụ, xà cừ. Giá mỗi chiếc hòm dao động từ 170 đến 250 triệu đồng tùy từng loại gỗ và hình chạm khắc trên đó.
Chỉ vào chiếc hòm làm bằng gỗ giáng hương, bà cho biết loại hòm này giới có tiền rất ưa chuộng, giá là 170 triệu đồng nhưng nếu chúng tôi muốn chạm trổ thêm hình rồng thì giá sẽ được tăng thêm vài triệu cho đến vài chục triệu. 

Một chiếc hòm cầu kỳ thường có 2 nắp, phía dưới nắp gỗ là một nắp thủy tinh trong suốt cho mọi người khi viếng có thể nhìn mặt người thân mình. Vì vậy bà còn tư vấn cho chúng tôi, nếu muốn tạo ấn tượng với người đi viếng nên mua hoa hồng đen rải xung quanh người mất, rất đẹp và sang trọng. Bà ta sẽ cung cấp loại hoa hồng đen nhập từ nước ngoài về nên “cứ yên tâm về chất lượng”.

Theo lời giới thiệu của một đại gia, chúng tôi tiếp tục đến trại hòm H.T trên đường Nguyễn Duy, quận 8. Người đàn ông tên T. niềm nở giới thiệu hàng với chúng tôi. Sau khi biết chúng tôi muốn tìm mua loại hòm đặc biệt, ông T. bảo: “Sao các chú không nói sớm, trại hòm của tôi có nhiều loại đặc biệt nhưng nếu khách hỏi và có ý mua mới mang về chứ không chưng ra vì sợ bị ăn cắp mất kiểu dáng?”. Thấy chúng tôi có vẻ không hiểu, ông T. giải thích thêm, chỗ ông thường được các đại gia lắm tiền lui tới và yêu cầu những cỗ quan tài lạ, độc nên phải thiết kế riêng cho các vị ấy. Nếu bày ra sẽ có nhiều người thấy đẹp mà muốn đặt giống như vậy hoặc ăn cắp kiểu dáng kinh doanh. 

Trại hòm của ông T. có rất nhiều mẫu quan tài dành cho đại gia và được chia làm hai dạng: Một là làm theo mẫu của cửa hàng có sẵn; Hai là khách hàng cung cấp mẫu, chất liệu gỗ, cơ sở của ông sẽ thuê thợ làm đúng theo yêu cầu của khách hàng. Các đại gia thường ưa chuộng hòm làm bằng gỗ vàng tâm, pơ mu và giáng hương, vì đây là những loại gỗ chống được mối mọt, có thớ gỗ đẹp và mùi thơm.

Cũng theo ông T., chỉ tầm 25-30 triệu đồng là đã có thể mua được một quan tài bền và đẹp nhưng những người có tiền tìm đến trại hòm của ông đều không chuộng loại này. Thường thì họ chọn gỗ pơ mu, giáng hương và kích thước quan tài phải to, 4 thành quan tài dày 8 cm trở lên, nắp dày 11 cm, đáy từ 6-8 cm, quan tài phải được đục đẽo tinh xảo. Kiểu dáng ưa chuộng của các đại gia là rồng, cọp, đại bàng, đính vàng 24k, 18k hoặc đá quý. Giá cả cũng theo đó mà thay đổi, thấp nhất là 1,5 tỷ đồng, cao thì lên đến cả chục tỷ đồng.

Sau mấy ngày lân la trong giới quan tài, chúng tôi làm quen được với Sơn Đ., một trùm buôn đồ gỗ Bắc - Nam. Sơn Đ. cho chúng tôi biết, một số đại gia Sài thành không thích dùng đồ trong nước nên thường liên lạc đến anh để mua gỗ làm quan tài rồi gửi ra nước ngoài bằng đường hàng không để những người thợ tinh xảo bên ấy làm. Sau khi chế tác xong, các tấm gỗ lại được gửi về nước và ráp thành một quan tài hoàn chỉnh. Để làm được một quan tài, thường các đại gia phải bỏ ra khoảng 200-400 triệu đồng tiền mua gỗ.

Sơn Đ. giới thiệu cho chúng tôi một ông chủ trại hòm ngoài Hà Nội. Khi chúng tôi gọi điện đến số máy này, ông ta cho biết: “Bên anh chuyên nhập khẩu và sản xuất các loại quan tài, kiểu dáng mẫu mã đa dạng, hoa văn tinh xảo, muốn kiểu nào cũng có, tất cả đều hàng nhập khẩu cao cấp nên em cứ yên tâm”. Khi biết tôi muốn đặt mua quan tài chuyển vào miền Nam, ông cho biết có thể giao hàng toàn quốc, “đến Mỹ còn chuyển được thì từ Bắc vào Nam là chuyện bình thường”.

Ông này hỏi chúng tôi người quá cố là ai, già hay trẻ vì kiểu hòm phương Tây rất đa dạng chứ không như hòm truyền thống của Việt Nam. Cụ thể, nếu người mất đã lớn tuổi, hòm sẽ được làm theo hình dáng sang trọng, chạm khắc nhiều. Nếu người mất còn trẻ hòm sẽ có dáng thanh mảnh và đường nét chạm khắc sẽ uyển chuyển hơn. Ông cũng giới thiệu những kiểu quan tài theo sở thích như hồi trẻ thích chơi đàn, chơi cá cảnh, chơi đá gà thì quan tài sẽ tạo dáng giống như vậy. Nhưng đối với loại quan tài làm theo sở thích này thì phải đặt hàng từ 6 tháng cho đến 1 năm vì nó rất công phu. Tất cả nguyên vật liệu đều phải đặt hàng từ nước ngoài. Một quan tài như vậy sẽ có giá 6 tỷ trở lên. Đặt mua quan tài cũng như một cách để khẳng định vị thế của mình. Quan tài đặt ở nước ngoài thì kiểu dáng trong nước khó mà sánh được, rất độc đáo.

Giàu có nhờ quan tài


Qua nhiều lần trò chuyện, PV báo GĐ&XH đã khám phá ra những câu chuyện bi hài chưa bao giờ “hé lộ” của những chiếc quan tài chỉ dành cho đại gia. Chúng tôi tìm xuống Thủ Dầu Một (Bình Dương) để gặp ông Ba X. - một nghệ nhân khắc gỗ có tiếng chuyên chạm khắc quan tài cho các đại gia ở Sài Gòn. Trước mặt chúng tôi là một cỗ quan tài đang làm dở, ông Ba X. tỉ mỉ phác thảo từng đường nét cho con đại bàng. Ông cho biết cỗ quan tài mà mình đang đóng là của một đại gia Sài Gòn đặt từ nửa năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành vì gỗ làm quan tài phải được sấy, để lâu khoảng 2 đến 3 tháng cho khô hẳn rồi mới tạo hình nét vẽ và khắc lên gỗ. Theo quan sát của chúng tôi, cỗ quan tài này nhìn rất bình thường nhưng đường nét chạm trổ vô cùng cầu kỳ, tinh xảo.

Sau chén rượu khề khà, ông Ba X. hứng chí lên bèn kể cho chúng tôi nghe về những cỗ quan tài của các đại gia mà ông rất ấn tượng cũng như không tưởng tượng được về độ xa hoa, đắt đỏ. Đó là quan tài của ông P., kinh doanh vàng bạc đá quý ở Chợ Lớn (TP.HCM). Đại gia này sai nhân viên của mình xuống gặp ông Ba X. đưa trước 500 triệu tiền cọc để làm một cỗ quan tài theo yêu cầu. Ngoài tiền công, nếu làm đẹp, ông Ba X. sẽ được nhận thêm 1,5 tỷ đồng tiền thưởng. Ông P. vốn là người làm kinh doanh nên rất mê tín. Khi ông đi xem bói thì được thầy phán, nếu chết xuống cõi âm mà muốn gia đình tiếp tục ăn nên làm ra thì phải chạm trên quan tài một đôi cá chép, thỏi vàng và 2 chữ Tài - Lộc. Khi cỗ quan tài của ông P. làm xong, rất nhiều người kéo đến xem vì trong đời họ chưa bao giờ thấy một cỗ quan tài nào chạm trổ kỳ công, lại dát vàng, đá quý bóng loáng như thế. 

Ông Ba X. cũng cho biết, một quan tài trung bình mà các đại gia đặt ở chỗ ông thường không dưới 3 tỷ đồng. Giá thành phụ thuộc vào họa tiết nhiều hay ít, nếu yêu cầu chạm khắc công phu thì loại gỗ làm quan tài đó phải thuộc loại tốt và dày trên 10cm. Tuy nhiên, đó mới là là tiền gỗ với tiền công của thợ mộc, các đại gia còn công phu đầu tư không ít tiền để đính thêm các loại chất liệu quý, dát vàng... Đó là chưa kể một số đại gia còn chưa yên tâm về chất lượng trong nước nên phải gửi qua nước ngoài để cỗ quan tài của mình hoàn chỉnh hơn.

Theo như lời chị bán nước gần nhà ông Ba X. thì cơ ngơi của ông khang trang như vậy chính là nhờ ông đóng quan tài cho đại gia. Ông Ba X. cũng thừa nhận điều đó. Kể từ ngày ông nhận làm quan tài cho đại gia, ngoài số tiền công vài tỷ mỗi sản phẩm, họ còn biếu ông thêm tiền trà nước. Một năm ông chỉ cần bỏ ra 6 tháng để đóng một cỗ quan tài cho đại gia là cả nhà ông đã có tiền ăn cả năm mà không phải lo lắng gì.
“Biệt thự” 6 tấm ván

Lật cuốn sổ ghi chép của mình, ông T. cho chúng tôi xem danh sách các đại gia, địa chỉ giao hàng và những mẫu quan tài họ yêu cầu. Đưa cho chúng tôi xem hình cỗ quan tài của một đại gia vừa mất cách đây ít tháng, ông T. khoe: “Để gia đình ông ấy ưng ý, chúng tôi phải đánh gỗ từ Tây Nguyên về, mất mấy tháng mới rã được 6 tấm gỗ ưng ý, rồi phải xuống tận Thủ Dầu Một, Bình Dương để thuê thợ khắc gỗ có tiếng về chạm rồng, dát vàng 24k trên thân rồng và khắc chữ Tâm đính đá quý lên quan tài”. Số tiền mà vị đại gia ấy bỏ ra để người khác phải “lác mắt” khi đưa tiễn mình là 3,5 tỷ đồng.

Dương Anh

  • Hiếu (25/06/2013 08:01)
    Thừa tiền như vậy chưa chắc đã sướng... Canh giữ không thôi bọn trộm lại đổ xác ra lấy hòm bán lại thì nguy...
  • Lưu Thị Tố Uyên (24/06/2013 16:04)
    Thật là lãng phí. Tại sao không để giành một số tiền đó làm từ thiện khi trong cuộc đời còn bao số phận chịu thiệt thòi, bao mảnh đời bất hạnh....Cuộc đời chằng thật công bằng chút nào?
  • Quan (24/06/2013 11:29)
    xa xỉ thế này, khi chôn xong bị trộm cạy mả lên thì chớ kêu. Rồi lúc ấy quan tài cũng còn không có mà nằm!
  • Nguyễn Trang (24/06/2013 11:18)
    Thật là quá phung phí. Biết rằng quý vị có tiền nhiều thì có quyền xài tiền của mình nhưng các vị nghĩ rằng điều này có thể được ngưỡng mộ sao. Tôi chẳng thèm ngưỡng mộ cái thú chơi vô bổ này. Nói như bạn Ledieuanh đúng là giàu có thì rửng mỡ quá mà. Chết là hết, sống trên đời mày khoe của thế, chết cũng có mang theo được, kể cả cái quan tài rồi cũng mục nát theo thời gian. Sao không đem tiền thì giúp đỡ người thân, giúp đỡ người nghèo, giúp các trẻ em bị bỏ rơi thì khi các vị chết đi, người đời sẽ nhớ mãi.
  • Mai Thanh Tâm (23/06/2013 21:08)
    Ông bà ta có câu"chết là hết", một khi chúng ta rời bỏ cuộc sống này, thì chúng ta không đem theo được gì sang thế giới bên kia. 
    Thay vì bỏ tiền tỷ để làm 1 quan tài thì chúng ta dùng số tiền đó quyên góp từ thiện giúp đỡ những người khốn khó, giúp các em học sinh nghèo tiếp tục đến trường hay những cụ già neo đơn thì thiết thực hơn... 
    Chứ bỏ ra tiền tỷ để làm 1 cái quan tài,có thể cái quan tài đó giữ nguyên được vài trăm hay cả ngàn năm nhưng còn thân xác chúng ta có giữ được lâu hay không?
  • Ledieuanh (23/06/2013 20:55)
    Con nguời và xã hội ngày một lộn xộn quá. Giàu có sinh rửng mỡ bày vẽ. Nếu tôi có tiền, chết đi tôi chia cho con tiền làm ăn, cho họ hàng mỗi ng chút ít, cho xã hội chút ít. Còn mình thì vào lò thiêu là xong.
    Vấn đề ở chỗ, cái quan tài không tạo đuợc phuớc cho con cái huởng, mà phuớc nằm ở chỗ mình làm bao việc thiện đề nguời đời thuơng nhớ cảm ơn mình.
    Đến những ngôi mộ cổ làm bằng chất liệu vững chắc thế, trải qua hàng trăm năm còn có nguời cạy ra đuợc, nữa là cỗ quan tài gỗ yếu ớt. Chi bằng thiêu đốt, rồi cho hoà với sống để thân thể trở về đất mẹ, có hơn là xây mộ kiên cố để một ngày lũ trộm thăm viếng giày xéo xác mình, có nên chăng? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét