Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

“Nhân cách chỉ có được trong một xã hội thực sự có độc lập, dân chủ, tự do…”

GS Nguyễn Huệ Chi:
“Nhân cách chỉ có được trong một xã hội thực sự có độc lập, dân chủ, tự do…” 
LTS: Nhân cách hiện nay đang dần trở nên hiếm đi và là “đặc sản” đối với một số ít người? Là cái thứ mà nay con người ta rất khó giữ gìn? Hay là thứ không quan trọng nữa?... Phỏng vấn sau đây với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, văn học cổ, đặc biệt về thời kỳ Lý - Trần sẽ phần nào giải đáp về những điều này.
PV: - Người có nhân cách là người như thế nào, thưa Giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Người có nhân cách phải thể hiện nhân cách ấy ra ngoài bằng một thái độ sống nhất quán và bằng những hành động cho thấy chỗ đứng trước sau như một của anh trong xã hội; nó đóng góp một phần nào đó vào nền tảng đạo lý của cộng đồng. Người có nhân cách đòi hỏi phải tiếp nối và giữ vững được đạo lý truyền thống của dân tộc để không làm gì phức tạp thêm cho xã hội, trái lại làm điểm cố kết cộng đồng xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đối với một trí thức thì điều đó là quan trọng hàng đầu, chứ không phải là kho kiến thức trong anh.
PV: - Tại sao nhân cách lại quan trọng vào bậc nhất khiến chúng ta phải giữ gìn như vậy?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Vì xã hội loài người gồm nhiều cộng đồng khác nhau, trong mỗi một cộng đồng phải có sự giao lưu giữa cá nhân với cá nhân bằng những nguyên tắc sống lâu dài nhằm bảo đảm cho cái xã hội mà cộng đồng ấy lấy làm nền tảng luôn luôn hài hòa và ổn định.

PV: - Loài vật cũng có những quan hệ với nhau rất tử tế, hòa thuận… Đấy có phải là chúng cũng có nhân cách?
 Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Bầy đàn trong loài vật có khác so với loài người. Là ở chỗ loài vật lấy sức mạnh làm chính. Con vật nào mạnh thì sẽ thắng con khác và đứng ra thống trị bầy đàn. Con người thì không thế. Ai có trí tuệ cao và đạo đức sống quy tụ được đông đảo người khác thì người ấy mới thắng. Chính cái trí tuệ vượt người gắn liền với đạo đức nhất quán ấy nó góp phần hình thành nên một xã hội sống có nguyên tắc, có đạo lý, và làm cho nhân cách trong xã hội nẩy nở và nhân rộng. Xã hội càng phát triển về mặt nhân văn thì nhân cách con người càng được tôn trọng.
PV: - Con người cũng như loài vật, phải có cạnh tranh để sinh tồn. Liệu sự cạnh tranh này có gì mâu thuẫn với việc giữ gìn nhân cách?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Tôi cho rằng trong nền kinh tế thị trường, cuộc cạnh tranh bao giờ cũng hết sức khốc liệt, mà chúng ta mới chỉ tham gia trong một số thập kỷ gần đây thôi. Châu Âu đã đi qua rất lâu. Thế nhưng, cứ sang Âu, Mỹ mà xem, con người nói chung vẫn giữ được nhân cách rất cao và trong buôn bán, chữ “tín” luôn được giữ làm phẩm chất hàng đầu. Mác cũng đã nói rồi: Không phải sự gian dối tạo nên đồng lãi mà đấy vốn là một phần chia lại từ thặng dư của giá trị hàng hóa, do bù đắp chi phí lưu thông hàng hoá mà thôi.
PV: - Nhưng mà ở nước ta hình như lại đang có hiện tượng: Khi đời sống kinh tế phát triển thì cái chữ “tín” này lại có vẻ ngày càng mờ nhạt đối với không ít người, trong đó có cả những người có thế lực…?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Rất đúng! Bởi vì chúng ta đang tham gia vào xã hội thị trường nhưng chưa nắm được hết những quy luật cơ bản của nó. Mà những ngón nghề buôn gian bán lận lại cũng do xã hội thị trường khi chưa đi vào nề nếp quy củ, vận hành bằng các quy luật bền vững, đẻ ra.
PV: - Từ chức khi phải chịu trách nhiệm về một vụ việc nào đó cũng là để giữ gìn nhân cách. Nhưng, bàn về văn hoá từ chức có người nói: Ta khác, Tây khác! Cái gọi là sự khác biệt này (nếu có), chúng ta nên hiểu như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Giữa phương Đông và phương Tây đúng là văn hóa có khác nhau. Tuy nhiên, người nói như vậy, tôi cho là do thói quen, hoặc giả, đó là cách để người đó biện minh cho việc không từ chức của mình. Xét cho cùng, chúng ta đang xây dựng một Chính phủ không phải là Chính phủ thống trị mà là Chính phủ dịch vụ, tức là lấy việc phục vụ dân làm mục đích. Thế thì trong cách điều hành, tôi không thấy có gì khác biệt về cơ bản giữa họ và ta. Bởi vì, sinh ra Chính phủ chỉ để phục vụ dân, anh không làm tròn trách nhiệm, để xảy ra những chuyện tày trời, ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng, thì anh phải từ chức là điều đương nhiên, rất bình thường.
PV: - Tức là chúng ta đang tiệm cận đến vấn đề nhân cách của một chính phủ hay một dân tộc chứ không chỉ là nhân cách của cá nhân nữa. Trong lịch sử nước ta, có thời kỳ nào mà một triều đình được coi là có nhân cách?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Thời đại Lý - Trần chẳng hạn, có nhiều vương triều, nhân cách người đứng đầu Nhà nước rất nổi trội. Ông vua, khi làm xong nghĩa vụ lớn nhất của mình thì tự rút lui, nhường ngôi cho con để con tập sự điều hành việc nước, còn mình đứng phía sau làm cố vấn. Khi người con đã vững chãi rồi thì mình rút lui hẳn, tìm về rừng núi tu hành. Không tham quyền cố vị là một nhân cách lớn của của người đứng đầu Nhà nước đấy chứ! Hay có ông quan như Lý Thường Kiệt, sau khi nắm được chức vị cao nhất trong triều (Tể tướng) lại nhường lại chức vị ấy cho một người khác (Lý Đạo Thành) còn mình tự đứng ra đảm đương việc cầm quân để chuẩn bị đối phó với giặc Bắc đang lăm le xâm chiếm đất nước. Và sau khi đánh thắng giặc xong là rút lui về một địa phương, lo lắng xây dựng đời sống và văn hóa cho dân chúng nơi mình trị nhậm. Nếu không có nhân cách thì sao có thể làm được cái việc “tày trời” đó? Hoặc chuyện này còn nhiều ý nghĩa hơn nữa: cả một Triều đình (vua cha vua con) khi gặp tình thế khó khăn liền triệu tập dân chúng trong nước lại hỏi ý kiến, và thành tâm lấy ý kiến của dân làm ý mình. Một Triều đình như thế thì phải nói là có nhân cách hơn người. Vậy tức là nhân cách cá nhân (người đứng đầu đất nước) chỉ có được trong điều kiện được đặt trên nền tảng nhân cách một cộng đồng dân tộc, một quốc gia thực sự có khí thế làm chủ vận mệnh của dân tộc, quốc gia ấy. Nói một cách tổng quát thì nhân cách mỗi một con người bao giờ cũng được thăng hoa trên cơ sở một xã hội thực sự có độc lập, dân chủ, tự do.
PV: - Nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có lần tự hào thốt lên với thế giới rằng: Chính phủ của đất nước tôi bao gồm những người ưu tú nhất trong xã hội. Và không dễ dàng gì nếu ai đó muốn bác bỏ điều đó. Ông có đồng tình với nhận định này không, tại sao?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Tôi cũng cho là như vậy. Họ có hai tiêu chí cơ bản khi lựa chọn bộ máy, là nhân cách và tài năng. Chính vì thế mà họ có tầm nhìn sâu và rộng, khiến cho Singapore từ một thành phố nhỏ nay thành một đất nước có vị thế cao trên thế giới. Ngoài yếu tố về địa văn hóa, nguyên nhân chính là do họ có nội lực nhân cách, từ đó kết tinh nên được người đứng đầu ưu tú, dẫn đến có một bộ máy điều hành ưu tú.
PV: - Điều này có gợi gì cho ông về thực trạng ở đất nước ta hiện nay?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: - Chính phủ ưu tú - đó là niềm mơ ước lớn nhất của tôi!
PV: - Xin cảm ơn Giáo sư!
Trần Ngọc Kha (thực hiện)

Trần Ngọc Kha gửi cho viet-studies ngày 25-6-13

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét