Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Kênh đào Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây VN ?

Kênh đào Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây VN ?
Dự báo miền Tây chịu tác động lớn khi lượng nước từ sông Mekong đổ về giảm 50%, chuyên gia đề nghị tạm dừng dự án kênh Funan Techo để nghiên cứu, đối thoại sâu hơn.

Ngày 19/5/2023 Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phê chuẩn dự án Hệ thống Logistics và Điều hướng Tonle Bassac, còn gọi là kênh đào Funan Techo, sau 26 tháng nghiên cứu.

Kênh dự kiến dài 180 km, nối từ Prek Takeo trên sông Mekong đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra Vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia. Kênh chảy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, hai bên có khoảng 1,6 triệu người sinh sống.

Công trình dự kiến có chiều rộng 100 m ở thượng nguồn, 80 m ở hạ nguồn, sâu 5,4 m, cho phép tàu hàng tải trọng toàn phần lên đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô, 5.000 tấn vào mùa mưa.

Dự án có tổng chi phí ước tính 1,7 tỷ USD, gồm ba đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên, dự kiến do công ty Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao. Theo kế hoạch, kênh đào được khởi công cuối năm nay, hoạt động năm 2028.

1. Chuyên gia nói gì?

TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, cho biết kênh Funan Techo khi hình thành chắc chắn tác động tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào còn phụ thuộc vào quy mô và mục đích sử dụng của phía hình thành, xây dựng dòng kênh.

Mặt khác, theo TS Tuấn, điều đáng quan tâm là đoạn một của kênh kết nối sông Mekong (sông Tiền) đến sông Hậu, sau đó mới tiếp tục đào ra hướng Vịnh Thái Lan. Nước bạn lấy lý do phát triển giao thông, nhưng rất có thể sẽ sử dụng nguồn nhiều nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Trong cơ cấu lượng nước sông Mekong, sông Tiền chiếm 90%, sông Hậu 10%. Vì thế lượng nước từ sông Hậu không đủ nên dự án mới có đoạn kênh đào nối thông với sông Tiền.

Điều này sẽ dẫn đến việc chia lại nguồn nước giữa hai dòng sông nói trên trước khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Tùy lượng nước đổ về sông Hậu nhiều hay ít khi vào tỉnh An Giang sẽ có những tác động gây nên sạt lở từ địa phận TP Châu Đốc đến huyện Châu Phú (ngã ba với sông Vàm Nao) vì đoạn sông này nhỏ, bề ngang chỉ vài trăm mét. Từ đó vai trò điều tiết nước của sông Vàm Nao (nối sông Tiền và sông Hậu) bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều vấn đề liên quan...

"Kênh Funan Techo khi vận hành, miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn", TS Tuấn chia sẻ tại hội nghị tham vấn ngày 23/4.

2. Những lo ngại về tác động tới dòng chảy, môi trường

Đã có lo ngại rằng dự án kênh đào lớn của Campuchia có thể gây ra các vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến nghề cá và nông nghiệp ở ĐBSCL. Người dân ĐBSCL từ đời này qua đời khác đều phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa và nguồn cá của dòng sông.

Dòng chảy tự nhiên của con sông đang bị gián đoạn do tác động tiêu cực của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Điều này cũng khiến nguồn cung cấp trầm tích sông của đồng bằng giảm hơn 90%, gây nên những thay đổi về sản lượng cá, đa dạng sinh học, chế độ dòng chảy lưu vực, phá vỡ các hệ sinh thái mong manh và gây nguy hiểm cho sinh kế của 18 triệu người sinh sống dọc hai bờ.

Dự án kênh đào Phù Nam Techo cũng có thể gây ra tác động hơn nữa cho cộng đồng dân cư ở hạ lưu vốn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, bởi kênh đào sẽ cần hơn 80 triệu m3 nước cho hoạt động, từ đó sẽ góp phần làm cạn kiệt mực nước của sông Tiền và sông Hậu.

Mối quan tâm đặc biệt là sự thay đổi dòng chảy trong sông Mekong. Kênh đào có thể hoạt động như một con đê, ngăn nước chảy vào các khu vực quan trọng của đồng bằng ở miền Nam Việt Nam, gây ra khô hạn ở phía nam kênh và vùng ẩm ướt ở phía bắc, do dòng nước của sông Mekong có thể mở rộng trong mùa mưa vào những tháng cuối năm.

Kênh sẽ hoạt động như một con đập khi nước chảy xuôi dòng chạm vào kênh và chuyển hướng về phía đại dương. Sự thay đổi dòng nước như vậy sẽ tác động đáng kể đến các hoạt động nông nghiệp và gây nguy hiểm cho môi trường sống của các loài dễ bị tổn thương trong khu vực.

Vấn đề thiếu nước ngày càng gia tăng tác động không nhỏ tới tăng trưởng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhu cầu năng lượng... Khi giá trị kinh tế và chiến lược của nước tăng lên, sự cạnh tranh để tiếp cận nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm cũng tăng theo. Quan hệ giữa các quốc gia vốn có lịch sử lâu dài cùng chung dòng nước Mekong tiềm ẩn những tác động tiêu cực.

Mặt khác, kênh đào Phù Nam Techo liên quan tới quan hệ vận tải hàng hải giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Campuchia hiện dựa vào các cảng của Việt Nam để vận chuyển hàng may mặc xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu thô. Kể từ năm 2011, khoảng 30 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển trên các tuyến đường thủy Việt Nam - Campuchia. Việc vận chuyển giữa Campuchia và Việt Nam qua sông Mekong được tạo điều kiện thuận lợi nhờ Hiệp ước Vận tải Đường thủy ký năm 2009, đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và hải quan...

Dù Campuchia đã lên tiếng chính thức trấn an, nhưng nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về hạ tầng "sử dụng kép" của kênh đào Phù Nam Techo: Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kênh đào có thể đóng vai trò là nền tảng để tăng cường hiện diện quân sự. Điều này có khả năng tác động tới cán cân trong bối cảnh Biển Đông nhiều phức tạp.

Mặc dù Campuchia khẳng định kênh đào sẽ chỉ được sử dụng để thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp, nhưng Mỹ vẫn kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án này.

Việt Nam cũng nêu lên những quan ngại về môi trường đối với dự án kênh đào này dù Campuchia khẳng định tác động môi trường do kênh đào sẽ ở mức tối thiểu.

3. Dự án Kênh Phù Nam Techo là gì?

Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia còn được gọi là Dự án Hệ thống Hậu cần và Đường bộ Giao thông Tonle Bassac. Kinh phí dự án ước tính 1,7 tỷ USD.

Kênh đào nhân tạo này là dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn gần đây nhất gần đây ở khu vực và là một phần trong tham vọng của Campuchia nhằm trở thành một trung tâm kinh tế và hậu cần quan trọng ở Đông Nam Á bằng cách tăng cường kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa và con người trên khắp đất nước Campuchia.

Campuchia xác định, mục tiêu trọng tâm của kênh Phù Nam Techo là liên kết các khu vực khác nhau của nước này, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Con kênh được kỳ vọng tạo điều kiện tiếp cận hợp lý hơn tới cả thị trường trong nước và quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa một cách liền mạch, thúc đẩy thương mại; tạo cơ hội việc làm cho 5 triệu cư dân mà không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho quốc gia.

Campuchia hi vọng, kênh đào này sẽ góp phần tăng cường mạng lưới giao thông tổng thể, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận các khu vực bị cô lập và thúc đẩy hội nhập khu vực và tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, Campuchia có kết nối đường thủy với các cảng của Việt Nam qua sông Mekong, hàng may mặc xuất khẩu thường được vận chuyển bằng sà lan có động cơ từ cảng Phnom Penh đến các cảng xung quanh TP. HCM (như cảng Cát Lái và cảng Cái Mép). Kênh Phù Nam Techo về cơ bản sẽ đóng tuyến nối còn thiếu giữa Phnom Penh và cảng Sihanoukville, cho phép vận chuyển hàng hóa dễ dàng giữa hai cảng ở Phnom Penh và Sihanoukville, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào các cảng ở quốc gia lân cận.

Kênh đào này được xem là một phần của kế hoạch cải tổ hậu cần rộng hơn nhằm giảm tới 30% chi phí vận chuyển, giúp Campuchia cạnh tranh hơn trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng như ngành may mặc.

Kênh Phù Nam Techo sẽ phục vụ một cảng biển nước sâu của Kampot và đặc khu kinh tế. Xa hơn về phía bờ biển từ Kampot, kênh đào mới sẽ cho phép tiếp cận dễ dàng với Đặc khu kinh tế Sihanoukville, nơi nhận được khoản đầu tư đáng kể từ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, và cảng Sihanoukville, nơi xử lý phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia.

Gần đó là căn cứ hải quân Ream, nơi đang được nâng cấp với nguồn tài trợ từ Trung Quốc.

Năm 2021, công ty nhà nước Trung Quốc (China Communications Construction) đã tiến hành nghiên cứu khả thi. Tháng 9/2023, Cơ quan Hợp tác Cầu đường Trung Quốc (CBRC) đã ký thỏa thuận với Campuchia để tài trợ cho việc xây dựng kênh đào với kinh phí 1,7 tỷ USD. CBRC khẳng định là bên liên quan chính của kênh đào Phù Nam Techo.

Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, Trung Quốc có quyền quản lý độc quyền đối với kênh đào trong thời gian kéo dài từ 40 năm đến 50 năm để thu hồi vốn đầu tư và có lãi. Sau thời gian này, quyền quản lý kênh đào sẽ được chuyển giao cho Campuchia.

Đồng bằng sông Cửu Long rộng khoảng 40.000 km2, với hơn 17,4 triệu người, chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thủy sản nuôi trồng và đóng góp 17% GDP cả nước... Vùng đất này đang chịu ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng, là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Xem thêm: https://luagaoviet.com/ban-tin-tren-mang/chuyen-gia-du-an-kenh-funan-techo-co-the-khien-nuoc-ve-mien-tay-giam-50

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét