TQ: Thiết bị điện giá rẻ như cho, nhiều nhà xuất khẩu cảm thấy tuyệt vọng
Hội chợ Hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, hay còn gọi là Hội chợ Quảng Châu (Canton Fair) 2024, đã khai mạc tại Quảng Châu vào ngày 15/4 và kéo dài đến ngày 5/5. Do nền kinh tế Trung Quốc ảm đạm và dư thừa công suất, một số nhà xuất khẩu cho biết họ cảm thấy tuyệt vọng vì sản phẩm của họ rẻ như cải thảo. Theo số liệu từ trang 21food của Trung Quốc, giá cải thảo trên thị trường Trung Quốc ngày 17/4 là 1,99 nhân dân tệ (khoảng 7.000 VND)/kg.Reuters ngày 17/4 đưa tin, nhà máy sản xuất TV Trung Quốc của ông Wu Huazhan từng đặt quy định về số lượng đặt hàng tối thiểu để quản lý sản xuất một cách hiệu quả. Nhưng hiện nay do thị trường quá ảm đạm, miễn là có đơn đặt hàng thì họ đều nhận làm và tạm bỏ qua quy định về số lượng tối thiểu kia.
Tại Hội chợ Quảng Châu năm nay, ông Wu Huazhan cho biết tỷ suất lợi nhuận của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Top Winning Phật Sơn đã giảm từ mức 2% của khoảng ba, bốn năm trước xuống còn 0,5%. Ông Wu là đối tác của nhà máy này và cũng là một trong nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang cảm thấy lo lắng về việc kinh doanh.
“Các thiết bị mà chúng tôi bán rẻ như cải thảo”, ông Wu nói. “Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thêm một hoặc hai năm nữa, chúng tôi sẽ phải thay đổi hoạt động kinh doanh của mình”.
1. Giá thấp khiến không khí ở Hội chợ Quảng Châu ảm đạm
Số liệu mới nhất cho thấy, xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 3, thấp hơn dự kiến. Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 12/4:
- Trong quý I năm nay, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 1,4313 nghìn tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái;
- Trong tháng 3 vừa qua, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc là 500,81 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, tốc độ tăng trưởng cũng giảm 14,6 điểm phần trăm so với hai tháng đầu năm nay; nhập khẩu giảm 1,9 % so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu xuất nhập khẩu ảm đạm này đã làm suy giảm hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng bền vững sau đại dịch.
Do tình trạng dư thừa công suất, các nhà sản xuất ở Trung Quốc, đặc biệt là các nhà sản xuất có trình độ kỹ thuật thấp hơn, đã rơi vào cuộc chiến giá cả để tranh giành thị phần, giá sản phẩm ngày càng bị đẩy xuống thấp, các nhà máy rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài. Hiện tại một bầu không khí u ám đang bao trùm Hội chợ Quảng Châu.
Ở một góc độ khác, điều này cũng có nghĩa là khả năng định giá sản phẩm của các công ty Trung Quốc ở trong và ngoài nước này đang suy yếu, đồng thời áp lực về tỷ suất lợi nhuận ngày càng tăng. Vào cuối tháng 4 này, dữ liệu tài chính công nghiệp tháng 3 của Trung Quốc sẽ được công bố và sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trước khi Hội chợ Quảng Châu bắt đầu, ông Trần Chí Vũ (Chen Zhiwu), Giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Hong Kong, nói với Reuters rằng từ khóa của Hội chợ Quảng Châu năm nay sẽ là “giá thấp”.
Ông Trần nói: “Do nhu cầu hàng hóa ở nội địa của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với bình thường và hầu hết các ngành nghề đều dư thừa công suất nghiêm trọng, vậy nên các nhà sản xuất sẽ phải giảm giá để có thể xuất khẩu nhiều hơn”.
2. Căng thẳng giữa Trung Quốc với Âu - Mỹ ngày càng gia tăng, đơn đặt hàng nước ngoài giảm
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng phải đối mặt với căng thẳng kinh tế và chính trị gia tăng giữa Mỹ - Trung, cũng như sự suy giảm thương mại toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Trung Đông.
Một số đại diện các công ty tới tham dự hội chợ này cho biết, họ cảm thấy hoạt động kinh doanh đã chậm lại. Ông Lois Zhang, Giám đốc bán hàng của Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Shuangyi Enping - một công ty sản xuất loa và micrô ở tỉnh Quảng Đông, cho biết: “Vào ngày đầu tiên của [Hội chợ Quảng Châu] năm ngoái, tôi đã nhận được hơn 10 lời chào giá, nhưng hôm nay tôi chỉ nhận được 3 tấm danh thiếp”.
Ông Fan, Giám đốc một nhà sản xuất máy sưởi ngoài trời ở tỉnh Giang Tô cho biết, ông không đặt nhiều hy vọng vào thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ, nơi tập trung hầu hết khách hàng của ông.
Ông Fan yêu cầu chỉ tiết lộ họ của mình và cho hay: “Năm nay, đơn đặt hàng từ một trong những khách hàng lớn của chúng tôi đã giảm 25% so với năm ngoái và các khách hàng khác vẫn chưa quyết định có tiếp tục đặt hàng hay không”.
Ông Fan cho biết, các khách hàng của ông vẫn đang giảm lượng hàng tồn kho và ông hy vọng đơn hàng của họ có thể tăng vào cuối năm nay.
Khả năng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và Châu Âu gia tăng hơn nữa cũng là một mối lo ngại lớn. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nếu tái đắc cử vào Nhà Trắng, ông sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Pan Feng, Giám đốc bán hàng của Công ty Thiết bị điện Jinhuan Jiangmen - một nhà sản xuất máy sấy quần áo ở tỉnh Quảng Đông, cho biết: “Dù là ông Biden hay ông Trump [tái đắc cử], họ đều mang đến cho mọi người một dự cảm về sự bất ổn định”.
Ngoài ra, Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đã lần lượt tuyên bố rằng, các biện pháp chiến lược của Bắc Kinh nhằm tăng cường và nâng cấp ngành sản xuất đã làm tình trạng dư thừa công suất trầm trọng thêm và đẩy giá cả xuống mức mà các nền kinh tế khác không thể cạnh tranh được.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trên một chương trình của CNN vào ngày 15/4 rằng, Mỹ sẽ không loại trừ “bất kỳ biện pháp” nào có thể thực hiện được để đối phó với tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc, bao gồm khả năng áp đặt thuế quan, nhằm ngăn chặn một lượng lớn hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường Mỹ.
Các đồng minh G7 của Hoa Kỳ như Canada, Pháp và Đức đã bày tỏ quan ngại về hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Tổng thống Brazil Lula da Silva đã bày tỏ mối lo lắng của mình và gần đây đã cho tiến hành một loạt cuộc điều tra về nghi vấn thép và các sản phẩm công nghiệp khác bị bán phá giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét