Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Nguyên lý, Bổ đề và Bổ đề pháp luật!

Tôi rất thích các bài viết của TS Hiệp vì chúng vừa mang tính lý thuyết, vừa có tính thực tiễn rất cao. Tôi đặc biệt quý mến TS Hiệp vì bác là một trong những chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất mà tôi thương yêu nhất trong số 7 vùng kinh tế của cả nước. Hồi làm ở Bộ KH và ĐT, tôi được giao phụ trách chung về phát triển 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng này (13 tỉnh thành là An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, và Vĩnh Long), nên tôi cũng có một số hiểu biết về vùng. Tôi rất thương đồng bào ở đây vì họ rất hiền lành, sống thật thà chân chất, làm việc chăm chỉ và đóng góp rất nhiều cho đất nước. Người dân ở đây sản xuất phần lớn lúa gạo, lương thực thực phẩm nuôi sống nhân dân cả nước và xuất khẩu mang lại số ngoại tệ quý giá cho quốc gia, nhưng lại được hưởng lợi rất ít, cuộc sống ở đây còn rất nghèo, hệ thống đường xá giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa... đều ít được đầu tư nên kém phát triển. Trong bài này, TS Hiệp viết “Bổ đề là mệnh đề có tính chất bổ trợ cho một hay nhiều định lý”; “Bổ đề là một giả thuyết đã được chứng minh hoặc sẽ được chứng minh, dùng làm nền tảng để từ đó các nhà toán học tiếp tục nghiên cứu và đạt tới một kết quả cao hơn”. Trong bài "Bổ Đề Cơ Bản của GS Ngô Bảo Châu…???" của tác giả Lam Hồng viết "Thông thường trong toán học, bổ đề là một mệnh đề phụ trợ cho một mệnh đề chính và thường là dễ chứng minh"; "Trong toán học, bổ đề là một giả thiết đã được chứng minh hoặc chắc chắn sẽ được chứng minh dùng làm nền tảng để từ đó các nhà toán học tiếp tục nghiên cứu và đạt tới một kết quả cao hơn. Về bản chất, hầu như không có phân biệt chính thức giữa bổ đề và định lý ngoài mặt tác dụng và quy ước"; "Thuật ngữ bổ đề (lemma) thường dùng để chỉ một cái gì đó dễ chứng minh, một kết quả kỹ thuật giản đơn cần thiết trên con đường chứng minh một định lý đích thực. Thế nhưng, trong trường hợp Bổ Đề Cơ Bản của GS Ngô Bảo Châu, cụm từ bổ đề cơ bản (fundamental lemma) lại gắn liền với một giả thiết quyết định, một bộ phận không thể tách rời của Chương trình Langlands...". Tác giả cũng viết, nhiều nhà toán học đã đề ra các giả thuyết và "nếu các giả thuyết này đúng, thì sẽ mang lại những kết quả vô cùng to lớn cho toán học". Khi giảng 10 nguyên lý của kinh tế học cho sinh viên, tôi luôn luôn nhấn mạnh Nguyên lý hoặc Tiên đề là những phát biểu được đông đảo các chuyên gia và dư luận khắp nơi coi là đúng và thừa nhận là đúng, không cần chứng minh (và cũng không chứng minh được); chúng được dùng làm tiền đề, làm điểm xuất phát để xây dựng lên một ngành khoa học. Mỗi ngành khoa học đều có một nhóm các Nguyên lý hoặc Tiên đề là cơ sở để xây dựng ngành khoa học đó. Nếu 1 trong những Nguyên lý hoặc Tiên đề đó khác đi thì không còn ngành khoa học đó, hoặc sẽ sang một ngành khoa học khác. Ví dụ nếu thừa nhận tổng các góc trong 1 tam giác là 180 độ (tương đương với qua hai điểm phân biệt, chỉ vẽ được duy nhất một đường thẳng nối chúng với nhau) và 4 tiên đề khác, thì chúng ta có hình học phẳng Euclit. Nhưng nếu bác bỏ tiên đề trên, cho rằng qua một điểm có thể vẽ được vô số đường thẳng khác cũng song song với đường thẳng gốc, hay tổng các góc trong 1 tam giác lớn hơn 180 độ, thì chúng ta sẽ có hình học địa cầu Lobachevsky. Trong trường hợp thừa nhận tổng các góc trong 1 tam giác luôn luôn nhỏ hơn 180 độ, thì chúng ta sẽ có hình học lõm Riemann... Bổ đề, như các tác giả trên mô tả, thực chất chỉ là một định lý, một kết quả dẫn xuất được suy ra từ các nguyên lý hay tiên đề, nên không phải là cơ sở để xây dựng lên một ngành khoa học. Có điều có những bổ đề không ai chứng minh được là đúng, nên vẫn phải tạm cứ công nhận chúng là đúng để có cơ sở xây dựng ra ngành khoa học đó, và tạm thời các nhà khoa học gọi là Bổ đề, tức là Phó Tiên đề, tức là Bổ trợ cho tiên đề, để đến khi ai đó (như GS Ngô Bảo Châu chứng minh được), thì người ta sẽ hạ cấp nó xuống chỉ còn là một định lý hay định luật, và sẽ còn rất ít người quan tâm đến nó.




Bổ đề pháp luật!
26/01/2020 Kinh tế Sài Gòn Online, TS. Trần Hữu Hiệp - (TBKTSG Xuân) – “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là khẩu hiệu quen thuộc mang ý nghĩa thượng tôn pháp luật. Nhưng khi “pháp luật” chậm chân trước cuộc sống muôn màu, bị bỏ lại phía sau trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, thì chúng ta sống và làm việc theo cái gì? Câu hỏi đó là một “bổ đề pháp luật”.

Từ “bổ đề toán học”, ngẫm “bổ đề pháp luật”

“Bổ đề cơ bản của toán học” là một công trình nghiên cứu làm nên giải thưởng danh giá Fields năm 2010 của Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhưng nhiều người ngoại đạo như tôi chắc hẳn còn mù mờ khái niệm “bổ đề cơ bản của toán học”.

Bổ đề là gì? Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Tự điển học Vietlex, NXB. Đà Nẵng, 2011 định nghĩa: “Bổ đề là mệnh đề có tính chất bổ trợ cho một hay nhiều định lý”. Từ điển Bách khoa toàn thư mở giải thích: “Bổ đề là một giả thuyết đã được chứng minh hoặc sẽ được chứng minh, dùng làm nền tảng để từ đó các nhà toán học tiếp tục nghiên cứu và đạt tới một kết quả cao hơn”.

Chưa nghe ai gọi “bổ đề pháp luật”, nhưng với ý nghĩa đó, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ tạo ra nhiều cái mới chưa từng có, làm đảo lộn nhiều “trật tự cũ” với những quy phạm pháp luật vốn được hình thành trước đây, nay không còn là “khuôn mẫu hành vi” mà đã trở thành “rào cản”. Cùng với nó là nhu cầu ngày càng đa dạng, đòi hỏi ngày càng cao của con người, đặt ra nhiều thách thức mới. Đó chính là những “bổ đề pháp luật” cần lời giải bằng quy định pháp luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Pháp luật cũng là “ẩm thực” của người dân, là bệ phóng cho đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ. Nên nó cần một tư duy làm luật, cách thức xây dựng và thực thi pháp luật kiến tạo, mở đường hơn là cấm đoán.

Kỳ họp cuối năm vừa qua, Quốc hội lại bàn về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, tuổi thọ của các đạo luật thường rất ngắn, chất lượng không cao, chậm đi vào cuộc sống. Trong khi nhiều đạo luật được Quốc hội thông qua phải chờ nghị định hướng dẫn. Đến lượt mình, nghị định của Chính phủ lại phải “nhờ vả” thông tư của các bộ quy định chi tiết. Trong khi từ lâu đã có quy định, cơ quan trình dự thảo luật, phải đồng thời chuẩn bị nghị định hướng dẫn, trình nghị định, phải dự thảo thông tư, nhưng “tình trạng chờ” vẫn cứ diễn ra.

Đó là chuyện làm luật. Còn thực tế cũng đang tồn tại nhiều “khoảng trống pháp luật”. Nhiều vấn đề khung liên quan như xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về lao động, việc làm được cam kết thực thi theo các hiệp định thương mại tự do còn là khoảng trống pháp lý trong hiện tại.

Khi câu chuyện Asanzo sản xuất tại Việt Nam bằng linh kiện nhập từ Trung Quốc, gắn mác “Made in Vietnam” được đưa lên báo chí, thì đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận chưa có quy định về hàng sản xuất tại Việt Nam. Nếu thiếu các quy định pháp lý rõ ràng sẽ là những rủi ro khó lường. Câu chuyện Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép từ Việt Nam vì cho rằng không đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa là một cảnh báo.

“Trạng thái có vấn đề” đang tồn tại ở nhiều lĩnh vực đời sống, phát sinh nhu cầu giải quyết văn minh bằng công cụ pháp luật, nhưng lại thiếu vắng pháp luật, thì làm sao để “sống và làm việc việc theo hiến pháp và pháp luật”?

Pháp luật cũng là “ẩm thực” của người dân

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có một so sánh lý thú: “Cũng như xúc xích, muốn dùng được, luật pháp phải gần với cuộc đời, phải thỏa cơn đói của người dân và từng bước chắp cánh cho họ vươn tới những giá trị ẩm thực ngày một thanh cao… Người nước ta phải nắm bắt lấy những kỹ nghệ tân tiến mà sản xuất ra các quy phạm có giá trị áp dụng chung, mang tính khái quát cao, dễ hiểu và tự nhiên đi vào lòng người tới mức chẳng những dân ta mà người ngoại quốc cũng vui lòng cung kính mà tuân thủ”.

“Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là khẩu hiệu quen thuộc nhiều năm qua, mang ý nghĩa thượng tôn pháp luật, cần cho một xã hội kỹ trị. Nhưng ngay cả khi ta tiếp cận vấn đề bằng khẩu hiệu tuyên truyền cũng gây thắc mắc. Mang cái trừu tượng của “pháp luật” nói chung đặt bên cạnh “hiến pháp” – Một văn bản pháp luật cụ thể là một khẩu hiệu khập khiễng. Hiến pháp lẽ nào không phải là một phần của pháp luật nói chung?

Nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền, là nội dung cơ bản của nhân quyền được thế giới thừa nhận là “Công dân có thể làm những gì mà luật không cấm, phù hợp với các chuẩn mực xã hội”. Nguyên tắc này giúp phát huy mọi sáng tạo của các chủ thể phục vụ lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của công dân. Theo đó, pháp luật chỉ quy định những điều cấm, không quy định danh mục những hành vi cho phép mà nhiều thể chế đã “quen thói ban phát” thông qua cách thức quy định quyền này, quyền nọ. Liệu các nhu cầu bức thiết của đời sống, sự phát triển sôi động của công nghệ phải chờ các cơ quan Nhà nước hoàn thiện pháp luật để làm theo?

Trong khi công nghệ trên thế giới đang phát triển rất nhanh, nhiều vấn đề mới phát sinh từ thành tựu trí tuệ nhân tạo (AI). Tiếp sau Sophia – Robot đầu tiên trong lịch sử được Ảrập Saudi cấp quyền công dân, sẽ là những thế hệ người máy nào có nhân quyền? Những vấn đề pháp lý mà nhiều nước đang đặt ra, tìm lời giải như cách thức nào để bảo hộ tác quyền cho những sáng tạo từ robot để khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo AI, dường như còn rất xa vời trước nhu cầu làm luật xứ ta.

Trong khi nhiều người dân lắp camera, nhiều địa phương không tiếc tiền trang bị hàng trăm tỉ đồng để sắm “cái ghi hình”, thì ít người quan tâm đến quyền riêng tư của cá nhân đối với hình ảnh khi sử dụng công nghệ. Trong khi mạng xã hội phát triển theo cấp số nhân, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, nó đồng thời cũng trở thành phương tiện trộm cắp công khai của kẻ xấu nhưng lại ít được quan tâm ngăn chặn. Nhiều thông tin cá nhân trong quá khứ có thể dễ dàng bị “cởi trần” trước thế giới mạng chỉ sau một cú nhấp chuột. “Quyền được lãng quên” đang bị xâm hại, tương lai của giới trẻ đang bị gặm nhấm hàng ngày lại chưa được quan tâm bảo vệ bằng pháp luật.

Pháp luật là đúng sai, là mệnh lệnh, là phương tiện điều hành xã hội. Nhưng pháp luật cũng là “ẩm thực” của người dân, là bệ phóng cho đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ. Nên nó cần một tư duy làm luật, cách thức xây dựng và thực thi pháp luật kiến tạo, mở đường hơn là cấm đoán.

“Bổ đề toán học” trừu tượng, khó hiểu với số đông, nhưng nó vẫn là nền tảng nghiên cứu, ứng dụng của nhiều ngành khoa học khác, được các nhà toán học mở đường. Còn “bổ đề pháp luật” là nhu cầu thiết thực của của đông đảo người dân, rất cần các “nhà làm luật” làm cho dễ hiểu, dễ áp dụng như món ăn sạch hàng ngày để “vui lòng cung kính mà tuân thủ”.

https://thesaigontimes.vn/bo-de-phap-luat/?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR2NUObDFQA4VE9zMvqmG110kQXk-UPZmSNW0pLOhppo9O_SEE0RivB9RWI_aem_AR_aInEXqfmnVg56M_PoQO5oTM2bHMsaRHzC3jvgOltpgFm1Lh8TDbQwzVxM6xqUMQdI619CTHvkwN8TIXgge_1w

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét