Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Người dân Trung Quốc còn rất nghèo ?

Người dân Trung Quốc còn rất nghèo ?
Chương Thiên Lượng • Trong thời gian gần đây, ông Tập Cận Bình đã đi thăm Trùng Khánh, và vào ngày 23/4, ông Tập đã chủ trì Hội nghị Thảo luận về việc kích thích Phát triển khu vực phía tây Trung Quốc trong thời đại mới.

Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường trong kỳ họp Lưỡng Hội năm 2024. Ảnh chụp màn hình từ video kênh Youtube của CCTV.
Đi cùng ông Tập có 3 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đó là ông Lý Cường, Thái Kỳ và Đinh Tiết Tường. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng đã đến thăm một số tỉnh phía tây, tuy nhiên, không biết vô tình hay cố ý, vào ngày 24/4 khi đang khảo sát tại tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), ông Lý Cường đã nhấn mạnh với các quan chức địa phương rằng: Phải kiên quyết không để xảy ra tình trạng nghèo đói trở lại trên quy mô lớn.

Câu nói của ông Lý Cường không khác gì là nói chương trình xóa đói giảm nghèo của ông Tập Cận Bình không đạt được hiệu quả.

Vào thời điểm đó, phương pháp xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc là chính phủ Trung Quốc hỗ trợ người nghèo để họ thoát nghèo. Nhưng trên thực tế, tình trạng đói nghèo vẫn không được giải quyết hoàn toàn. Cho nên, khi ông Lý Cường nói rằng ‘không để xảy ra tình trạng nghèo đói trở lại trên quy mô lớn’, trên thực tế đã ám chỉ rằng chính sách xóa đói giảm nghèo là không hiệu quả.

Chúng ta biết rằng, chương trình xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ chính trị lớn được ông Tập Cận Bình đề ra vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh cần phải hoàn thành việc đó một cách triệt để trong vòng 5 năm. Vào cuối năm 2020, một tỉnh nghèo của Trung Quốc là tỉnh Quý Châu đã tuyên bố toàn tỉnh đã thực hiện được việc thoát nghèo.

Nhưng điều này thực sự khó tin, bởi vì Quý Châu là địa phương được mô tả là ‘không có tuần nào trời nắng ba ngày, không có con đường nào bằng phẳng trải dài ba dặm, không có ai có ba xu bạc’. Quý Châu là tỉnh miền núi, khí hậu ẩm ướt, địa hình gập ghềnh trắc trở và mỗi gia đình đều vô cùng nghèo khổ, thậm chí không có nổi ba xu bạc.

Ngày 25/2/2021, ông Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị để vinh danh cuộc chiến xóa đói giảm nghèo và chiến thắng toàn diện. Nhưng Thủ tướng Quốc vụ viện khi đó là ông Lý Khắc Cường thì chưa bao giờ tin rằng ông Tập Cận Bình đã thực sự xóa đói giảm nghèo trên toàn quốc. Cho nên, vào tháng 5/2020, ông Lý Khắc Cường đã có một tuyên bố rất nổi tiếng, đó là có 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 1000 nhân dân tệ (khoảng 150 đô-la Mỹ, hơn 3 triệu đồng).

Sau đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng đã xác nhận những gì ông Lý Khắc Cường nói là đúng. Vấn đề này đã tạo ra nhiều đồn đoán về mối bất hòa giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường. Sau đó, vào ngày 27/6/2022, khi sắp rời nhiệm sở, ông Lý Khắc Cường đã công khai tuyên bố rằng, số người nghèo đang tăng do ảnh hưởng của đại dịch và thiên tai.

Giờ đây, Thủ tướng đương nhiệm Lý Cường cũng nói như vậy, đương nhiên sẽ khiến người ta nhớ đến số phận của cố Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Lý Khắc Cường đã không thể vào Bộ Chính trị, sau đó mất một cách bí ẩn.

Trung Quốc nói rằng toàn quốc đã thoát nghèo, nhưng thực tế là họ dùng thủ đoạn thống kê. Trung Quốc đặt tiêu chuẩn thoát nghèo là khi thu nhập cá nhân trên 4000 nhân dân tệ mỗi năm. Nhưng theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới được công bố vào năm 2018, nếu mỗi người mỗi ngày kiếm được trên 5,5 đô-la Mỹ, họ sẽ được xem là sống trên mức nghèo. Lấy 5,5 nhân với 365 ngày, thì một năm thu nhập trên 2000 đô-la Mỹ mới được xem là thoát nghèo. Mà 2000 đô-la Mỹ bằng khoảng 14.000 nhân dân tệ. Trung Quốc đã đặt tiêu chuẩn nghèo là 4000 nhân dân tệ, thậm chí không đạt đến 30% tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Cho nên, trên thực tế vào thời điểm đó, Trung Quốc đã dùng thủ đoạn thống kê để nói rằng toàn dân đã thoát nghèo. Nhưng thực tế, ở Trung Quốc vẫn còn rất nhiều người rất nghèo.

Không chỉ các tỉnh phía tây hoặc vùng nông thôn Trung Quốc đang trở lại tình trạng nghèo, mà người dân thành thị cũng vậy.

Ngày 24/4, tờ New York Times đăng bài viết với tiêu đề: ‘Ngôi nhà hạnh phúc của người nghèo: Tại sao việc ăn uống ở bếp ăn công cộng lại trở nên phổ biến trong giới trẻ Thượng Hải?’.

Mở đầu, tờ New York Times viết rằng, trong một căng tin dành cho người cao tuổi ở trung tâm thành phố Thượng Hải, cô Maggie Xu 29 tuổi đang chuẩn bị ăn xong món cơm với bông cải xanh thì người dọn dẹp từ từ đến chỗ cô và lau dọn. Nhưng cô Xu đã phớt người dọn dẹp.

Chúng ta biết rằng, khi người phương tây đưa tin tức, thông thường họ bắt đầu bằng câu chuyện của một người nào đó để cho chúng ta thấy một con người cụ thể, sống động. Người phương tây làm như vậy để chúng ta có thể cảm nhận được trải nghiệm cuộc sống và cảm xúc của một người thật, chứ họ không thích kể chuyện suông. Cho nên, phóng viên của tờ New York Times mới bắt đầu câu chuyện bằng việc kể về một cô gái rất trẻ tại trung tâm thành phố Thượng Hải, cô ấy tên là Maggie Xu và chỉ mới 29 tuổi.

Tại sao cô Xu lại ngồi trong một bếp ăn công cộng dành riêng cho người cao tuổi? Cô ấy đến đây mỗi ngày là để tiết kiệm tiền. Tuy rằng cô Xu làm việc cho một công ty nước ngoài và công việc của cô là kế toán, thu nhập cũng không tồi, nhưng tại sao cô ấy lại muốn tiết kiệm tiền như vậy? (Điều này không giống như những người trẻ hiện nay là tiêu xài, vay mượn, dùng thẻ tín dụng...) Bởi vì cô ấy nói rất thẳng thắn rằng, chỉ khi tiết kiệm tiền thì cô ấy mới cảm thấy an toàn. Cô ấy luôn có một loại lo lắng về tương lai mù mịt của bản thân. Cô ấy nói rằng, tình hình kinh tế của Trung Quốc hiện nay không tốt.

Trên thực tế, đây không chỉ là nỗi lo lắng của những người trẻ, mà cả tầng lớp trung lưu cũng đang rất lo lắng. Bởi vì khi bong bóng bất động sản đổ vỡ, giá bất động sản giảm mạnh, thì tài sản của những người dân bình thường và tầng lớp trung lưu sẽ đột ngột giảm. Còn đối với những người có thu nhập cao, mặc dù họ có tiền, nhưng họ cũng đầu tư vào bất động sản thông qua các quỹ tín thác. Mà các quỹ tín thác của Trung Quốc hiện nay cũng đang sụp đổ, kết quả là người giàu cũng mất tiền.

Điều này đang khiến rất nhiều người Trung Quốc cảm thấy không chắc chắn về tương lai của mình. Ngay cả như cô Maggie Xu, một phụ nữ trẻ làm việc cho một công ty nước ngoài, nhưng cô ấy vẫn muốn tiết kiệm tiền bằng cách đến các bếp ăn công cộng có sự hỗ trợ từ chính phủ.

Giá cả ở những căng tin này cũng rẻ, thực đơn phong phú và có nhiều món đặc sản địa phương. Có thể chỉ với 10 nhân dân tệ (khoảng 33 nghìn đồng) thì cũng có thể ăn được các món như mì xào tỏi hoặc thịt ram. Đây là lý do vì sao nhiều người trẻ đến ăn tại bếp ăn công cộng dành cho người cao tuổi. Những người trẻ như cô Maggie Xu cũng đi tìm những bếp ăn công cộng trong khu vực mình ở, sau đó chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người, ví như là ở đâu có món ăn rẻ, ở đâu có món ngon…

Kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng như hiện nay, mọi người cũng biết nguyên nhân là gì, nhưng không ai dám nói ra. Bởi vì nếu ai đó nói rằng kinh tế Trung Quốc là do ông Tập Cận Bình làm ra, rất có thể người ấy sẽ bị mời đi ‘uống trà’.

https://cn.nytimes.com/china/20240424/shanghai-tongxinhui-community-canteen/zh-hant/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét