Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Án tử hình dành cho bà Lan, làm quan chức VN lo ngại

Tôi đồng tình với nhận định cuối bài này là "Các quan chức nhà nước chột dạ trước án tử của bà Lan, và được cho là ngày càng lo sợ sẽ bị buộc tội làm sai, đến mức giờ đây họ ngần ngại đưa ra những quyết định có tính rủi ro, đặc biệt là ký hoạt động đối với các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết. Vì một quyết định sai lầm có thể khiến họ phải chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến việc họ bị buộc tội thất thoát tiền, và cả chuyện vào tù". Chính vì thế nên bộ máy nhà nước càng ngày càng hoạt động trì trệ. Việt Nam đang đứng trước tình thế rất nan giải. Chống tham nhũng rất cần thiết, nhưng càng chống mạnh thì quan chức càng lo sợ, dẫn tới bộ máy càng trì trệ, kinh tế sẽ không phát triển được. Mặt khác chống tham nhũng cũng có thể chống cả những quan chức bản chất là tốt; chỉ có điều họ được đào tạo không bài bản nên không nắm được luật pháp, không hiểu thế nào là làm đúng, làm sai; họ thấy những người khác đã làm như thế và không bị kỷ luật gì cả, thì họ nghĩ làm thế là đúng, nên họ cứ thế làm theo; không ngờ họ lại bị đưa vào lò; lúc đó họ mới hiểu ra thì đã muộn. Thêm nữa, luật pháp ở VN chồng chéo, mâu thuẫn nhau và thay đổi liên tục, nên làm theo luật này thì đúng, luật kia thì sai; cuối cùng họ trở thành nạn nhân. Thế cho nên giải pháp tốt nhất là học theo phương Tây: Phải xây dựng được một nền giáo dục thật tốt, thật khoa học, để trang bị kiến thức, đạo đức... cho con người ngay từ khi học mẫu giáo, phổ thông, đồng thời phải kết hợp chống tham nhũng với giáo dục đạo đức và làm gương cho các quan chức nhà nước. Đừng để đến cấp Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ chính trị... cũng làm sai và bị mất chức như hiện nay.
Án tử hình dành cho bà Lan, làm quan chức VN lo ngại
Văn Nam – 
Trong câu chuyện tỷ phú Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vì đã gian lận chiếm số tiền tương đương 3% GDP Việt Nam, Hà Nội nói án tử này là để làm gương, thế nhưng các đối tác từ Liên Minh Châu Âu lại lên tiếng chỉ trích. Nhà phân tích thời sự Việt Nam, David Hutt, nhận định trên tờ DW rằng có cái gì đó cần phải được nhìn rõ hơn trong vụ án này.

Bà Trương Mỹ Lan, 67 tuổi, bị kết án tử hình do cáo buộc tham ô khoảng $12.5 tỷ (11.7 tỷ euro), tương đương khoảng 3% GDP năm 2022 của Việt Nam, toàn bộ rút ra từ Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB).

Bà Lan cũng nợ bất hợp pháp phần lớn cổ phần của ngân hàng, và bị kết tội cho phép các khoản vay dẫn đến khoản lỗ 25.2 tỷ euro.

Tòa án TP.HCM cho rằng án tử là đích đáng, vì hành động của bà “làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cầm quyền.” Đại diện Viện Kiểm Sát cho rằng Lan phải bị ‘tẩy chay khỏi xã hội mãi mãi.”

Nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh án tử hình này. Tường Vũ, giáo sư kiêm giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ-Việt tại đại học Oregon of University, cho biết Đảng Cộng Sản muốn gửi thông điệp tới xã hội Việt Nam rằng họ “nghiêm túc trong việc chống tham nhũng,” và muốn nhắc nhở cộng đồng doanh nghiệp rằng những sai phạm đang bị che giấu, đừng ảo tưởng mọi thứ có thể thoát khỏi sự điều tra của chính quyền.

Tuy nhiên, một thành viên cấp cao của cộng đồng doanh nghiệp Âu châu tại Việt Nam yêu cầu giấu tên cho biết, việc tuyên án tử hình Trương Mỹ Lan thật sự là một “con dao hai lưỡi.”

Người này nói: “Một mặt, điều đó cho thấy Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết nạn tham nhũng, và điều đó đáng được hoan nghênh. Nhưng từ quan điểm tình cảm của người Âu châu, dùng án tử hình là điều khó chấp nhận được.”

Người phát ngôn của EU, Peter Stano, từng nói với tờ DW rằng Brussels phản đối mạnh mẽ án tử hình vào mọi lúc và trong mọi trường hợp. Ông cho biết thêm, EU kêu gọi Việt Nam “đưa ra lệnh tạm dừng áp dụng hình phạt tử hình nhằm xóa bỏ hình phạt tử hình.”

Còn ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cấp cao tại Chương Trình Nghiên Cứu Việt Nam của Viện ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore, cho biết có thể tòa phúc thẩm sẽ hủy bỏ bản án tử hình.

Ông lưu ý, trước đây các tòa án đưa ra các bản án tử hình để gây áp lực buộc các bị cáo phải tiết lộ thêm thông tin về tội của họ, giúp nhà nước bù đắp những tổn thất.

“Nếu bà Lan hợp tác hơn, có thể mức án của bà ấy có thể được giảm xuống còn chung than,” ông Hiệp nói.

Các nhà phân tích cũng cho rằng Đảng Cộng Sản VN phải cân bằng giữa việc đề nghị khoan hồng để có thêm thông tin về nơi ở của tài sản bị đánh cắp, từ yếu tố răn đe rõ ràng của bản án tử hình dành cho bà Lan.

Việt Nam mở rộng mạng lưới chống tham nhũng

Năm 2016, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản phát động một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, dẫn đến việc sa thải hoặc bỏ tù hàng ngàn quan chức đảng và lãnh đạo doanh nghiệp.

Hai chủ tịch nước, trong đó có ông Võ Văn Thưởng vào tháng trước, từ chức vì bị cáo buộc có dính líu tham nhũng.

Bà Lan và gia đình bà kiếm được một khối tài sản nhỏ trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng trong những ngày đầu của chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát vào những năm 1990, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam áp dụng nền kinh tế thị trường vào năm 1986.

Năm 2001, bà đứng đầu việc sáp nhập giữa SCB đang bị bao vây và hai tổ chức cho vay khác. Các công tố viên, những người được cho là cung cấp hàng tấn tài liệu in làm bằng chứng, khẳng định bà Lan đã sử dụng ngân hàng làm máy rút tiền cá nhân của riêng mình.

Theo cơ quan công tố, bà Lan mua khoảng 90% cổ phần của SCB thông qua các công ty vỏ bọc và các công ty ủy quyền, bất chấp luật pháp Việt Nam cấm các cá nhân nắm giữ hơn 5% cổ phần của bất kỳ ngân hàng nào.

Nhưng cách rút ruột ngân hàng SCB của bà Lan không mới, mà tin đồn về sự tham nhũng của bà Lan xì xầm trong nhiều năm, đặc biệt qua các dấu hiệu bà và các cộng sự thân cận mua rất nhiều bất động sản đắc địa ở TP.HCM.

Chồng của bà, ông Eric Chu Nap-kee, quốc tịch Hong Kong, bị kết án 9 năm tù vì vai trò của ông trong vụ bê bối, trong khi cháu gái của bà bị phạt 17 năm tù. Bốn giám đốc điều hành, bao gồm cả cơ quan quản lý ngân hàng trung ương, bị tuyên án chung thân.

Những lo ngại về ngành ngân hàng Việt Nam

Trong những năm gần đây, chiến dịch chống tham nhũng được gọi là chiến dịch “đốt lò” của Việt Nam ngày càng nhắm vào các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực tài chính.

Chiến dịch này tạo ra hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang cố làm sạch nạn tham nhũng tràn lan ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nhưng Chỉ số Cảm Nhận Tham Nhũng năm 2023 của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế, dành cho Việt Nam giảm từ 42 xuống 41 trên thang điểm 0-100, trong đó 0 có nghĩa là tham nhũng cao.

Bên cạnh đó, quy mô các vụ án tham nhũng bị phát hiện trong những năm gần đây đặt ra câu hỏi về mức độ tham nhũng còn tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam, mà vụ án bà Lan chỉ là một trong vô số điểm tù mù đáng lo ngại của ngành ngân hàng và tài chính Việt Nam lúc này.

Người ta nhìn thấy sự yếu kém về quản lý, đặc biệt qua sự kiện bà Lan và các cộng sự có vẻ dễ dàng ăn cắp hơn $12 tỷ từ một ngân hàng tư nhân.

Phiên tòa xét xử một vụ lừa đảo quy mô lớn khác trên thị trường chứng khoán liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, nguyên chủ tịch Tập Đoàn Bất Động Sản FLC, nhiều khả năng sẽ bắt đầu trong năm nay. Các công tố viên đang tìm cách kết án ít nhất 51 người liên quan đến vụ bê bối này, sau khi cuộc điều tra kết thúc vào Tháng Hai.

Những nỗ lực chống tham nhũng đang ảnh hưởng rõ đến việc ra quyết định hoạt động ở cấp địa phương. Đây thật sự là con dao hai lưỡi.

Các quan chức nhà nước chột dạ trước án tử của ba Lan, và được cho là ngày càng lo sợ sẽ bị buộc tội làm sai, đến mức giờ đây họ ngần ngại đưa ra những quyết định có tính rủi ro, đặc biệt là ký hoạt động đối với các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết. Vì một quyết định sai lầm có thể khiến họ phải chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến việc họ bị buộc tội thất thoát tiền, và cả chuyện vào tù.

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/an-tu-cua-truong-my-lan-lam-chot-da-ca-he-thong-quan-chuc-csvn/#google_vignette

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét