Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Chiến tranh thế giới xảy ra vì... sản xuất dư thừa

Chiến tranh thế giới xảy ra vì... sản xuất dư thừa
Xung đột đang leo thang khắp toàn cầu, thúc đẩy các cuộc chiến sâu xa hơn về tiền tệ và vai trò dẫn dắt thế giới. Có vô vàn lý do hợp lý cho các cuộc xung đột, nhưng từ góc nhìn kinh tế và công nghệ thì xung đột có nguồn gốc từ các cuộc cách mạng công nghệ. Hiện nay chúng ta đang trải qua cách mạng công nghệ 4.0 với vô số rủi ro tài chính - tiền tệ, và đây cũng là nguồn gốc của các xung đột trên thế giới.

Một người lính Ukraine được nhìn thấy gần xe chiến đấu Bradley khi chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục ở Avdiivka, Donbas, Ukraine vào ngày 4/12/2023 

1. Leo thang xung đột

Trong ngày cuối cùng của tuần thứ hai tháng Tư, 2024, ngày 14/4/2024, Iran đã chính thức tấn công bằng máy bay không người lái sang lãnh thổ Israel. Cuộc tấn công đã được dự báo trước đó và thị trường giá dầu thô giao tương lai đã tăng mạnh để phản ứng với lo ngại rằng việc leo thang xung đột ở Trung Đông.

Đòn tấn công của Iran nhắm vào Israel chỉ là một mồi lửa được nhóm thêm lên trong rất nhiều "đám cháy" xung đột địa chính trị đang lan rộng, âm ỷ bùng phát trên toàn cầu. 

Rủi ro xảy ra Thế chiến thứ 3 có nhiều lý do để trở thành hiện thực.

Có thể mỗi chúng ta, từ các góc độ khác nhau có những lý giải nguyên nhân gia tăng xung đột khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giải thích nguồn gốc của xung đột địa chính trị từ góc nhìn kinh tế: dư cung từ các cuộc cách mạng công nghiệp. Vừa vặn, làn sóng công nghiệp 4.0 có thể giải thích cho cuộc chiến lần này.

2. Cách mạng kỹ thuật và chiến tranh

Mỗi khi làn sóng cách mạng công nghệ xuất hiện, chúng ta có công nghệ mới, sản phẩm mới, cấu trúc kinh tế thay đổi mạnh mẽ trong lòng mỗi quốc gia. Người tiêu dùng, các nền kinh tế phấn khích với lợi ích mà sản lượng tăng (chất lượng và số lượng) mà các cuộc cách mạng công nghiệp mang lại. Nhưng không lâu sau đó, khi công nghệ mới lan toả khắp nơi, trở nên phổ biến hơn, sản lượng bắt đầu dư thừa, nhu cầu với tài nguyên phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh ở những nền kinh tế lớn, nơi cách mạng công nghệ đã và đang diễn ra thành công.

Nhưng đi cùng với sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống, chúng ta không thể không thừa nhận rằng công nghệ mới thúc đẩy những cải cách đáng kinh ngạc về vũ khí, theo Chin.W (2023) [1] và Billington, Stephen D. (2018) [2]. Sự xuất hiện của vũ khí mới, tối tân hơn, khả năng sát thương cao hơn đã thay thế vũ khí lạc hậu trong quân đội và trong các kho dự trữ quốc phòng quốc gia.

Lúc này các đế chế công nghệ mới cần giải quyết cả 3 vấn đề: 

(i) sự dư thừa sản lượng đầu ra, cần tìm thị trường mới; 

(ii) tìm kiếm lợi thế tiếp cận tài nguyên; 

(iii) giải quyết kho vũ khí công nghệ lạc hậu và thậm chí là thử nghiệm vũ khí mới. 

Bản thân các cường quốc, các đế chế công nghệ cũng cạnh tranh thị phần, cạnh tranh nguồn tài nguyên và chiến địa với nhau; họ có cùng mục tiêu, năng lực cạnh tranh tương xứng.

Các nghiên cứu của Chin.W (2023) [1] viết rằng: "Tầm quan trọng của công nghệ đã tăng lên đáng kể trong việc tiến hành chiến tranh từ thế kỷ 19 trở đi. Phân tích kinh tế của Schumpeter về chủ nghĩa tư bản và mối quan hệ của nó với công nghệ chứng minh rằng bốn chu kỳ kinh tế dài trong cuộc cách mạng công nghiệp [lần thứ hai] đã dẫn đến những thay đổi mang tính đột phá trong phương thức sản xuất trong vòng chưa đầy một trăm năm. Những thay đổi này cần có thời gian để thấm nhuần vào ý thức của quân đội, nhưng nửa sau thế kỷ 19 chứng kiến sự nhiệt tình áp dụng những ý tưởng và công nghệ mới trong chiến tranh". 

Nghiên cứu của Billington, Stephen D. (2018) [2] thậm chí còn chỉ ra chiều ngược lại rằng chiến tranh thúc đẩy phát minh, sáng chế và sáng tạo trong công nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghệ lần 1 bắt đầu vào khoảng năm 1784. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất này là việc sử dụng năng lượng nước, hơi nước và cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp này được đánh dấu bởi dấu mốc quan trọng là việc James Watt phát minh ra động cơ hơi nước năm 1784. Phát minh vĩ đại này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ 19 lan rộng từ Anh đến châu Âu và Hoa Kỳ. Kết quả của cách mạng công nghệ đầu tiên của loài người là thúc đẩy cuộc chiến chiếm lĩnh thuộc địa của các đế quốc sở hữu công nghệ mới và khao khát tài nguyên, thị trường tiêu thụ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra từ khoảng năm 1870 đến khi Thế Chiến I nổ ra. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. 

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 2 đã thúc đẩy Thế chiến I. Vì khi các cường quốc mới xuất hiện, sản phẩm dư thừa, thị trường và nhu cầu tài nguyên mở rộng, vũ khí hiện đại và cải thiện đã góp phần thúc đẩy Thế chiến I diễn ra; một cuộc chiến phân chia lại thuộc địa, tài nguyên và thực nghiệm vũ khí do công nghệ mới mang lại. Hiển nhiên, còn có những lý do sâu xa hơn, đó là những mâu thuẫn xã hội trong lòng chủ nghĩa tư bản, các luồng tư tưởng chủ nghĩa xã hội đối chọi gay gắt với giá trị tư bản,...

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 xuất hiện vào khoảng từ 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990).

Có thể các bạn sẽ đặt câu hỏi vì vậy quy luật của chiến tranh vì sao không áp dụng lên cuộc cách mạng này? 

Quả thật, thế giới không xảy ra Thế chiến 3, nhưng các cuộc chiến vùng Vịnh (thập niên 1990), các cuộc xung đột lớn nhỏ ở Trung Đông, châu Phi, châu Á đã liên tiếp diễn ra. Ngoài ra, cuộc chạy đua vũ khí, cải cách vũ khí cũng mạnh mẽ hơn giữa các đối cực khi Mỹ cũng thúc đẩy mở rộng khối NATO về phía sườn đông của Nga (kể từ năm 1996) và buộc Nga phải trở thành kẻ thù lớn nhất của Mỹ và phương Tây trên truyền thông.

Về giải quyết dư cung, thế giới chứng kiến cuộc xâm lược "mềm", cuộc đổ bộ không tốn viên đạn nào của các quốc gia phát triển vào các nền kinh tế đang phát triển qua cái gọi là Tự do hoá thương mại toàn cầu. 

Chủ nghĩa kinh tế toàn cầu đã phát triển như vũ bão sau đó. Kết quả của nó định hình ra nền kinh tế như ngày nay: không một quốc gia nào tham gia vào WTO còn có thể công nghiệp hoá thành công, ngoại trừ Trung Quốc (do nước này vi phạm 100% cam kết với WTO). Nhờ có toàn cầu hoá, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một thế lực mới: nắm bắt công nghệ 2.0 và 3.0 của phương Tây. Trung Quốc nhanh chóng dư cung. 

Mối đe doạ dư cung từ Trung Quốc lớn đến mức tổng thống Donald. J. Trump của Mỹ đã phải phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Hiện nay, chính quyền đương nhiệm của tổng thống Joe Biden cũng nghĩ tới việc thúc đẩy chiến tranh thương mại với Trung Quốc theo cách mới hơn, khắc nghiệt hơn để giảm thiểu rủi ro kinh tế Mỹ khi Trung Quốc bị dư cung.

Đến nay, chúng ta đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. “Industrie 4.0” kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. 

Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

3. Tích tụ

Trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 và 4, kho vũ khí của các quốc gia khắp hành tinh ngày một đổi mới, hiện đại và năng lực sát thương cao hơn. Các làn sóng công nghệ mới diễn ra nhanh hơn, đổi mới công nghệ mạnh mẽ hơn và điều này khiến vũ khí đã sản xuất trở nên lạc hậu nhanh hơn.

Mọi quốc gia đều cần hiện đại hoá kho vũ khí của mình, không chỉ chạy đua công nghệ vũ khí mà còn cần huỷ đi vũ khí cũ. Chi tiêu với quân sự tăng mạnh khắp toàn cầu. Một báo cáo ngày 13/2/2024 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lên 2,2 nghìn tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có và dự báo rằng chi tiêu quân sự năm 2024 còn tiếp tục gia tăng.

Trong khi dư cung tích tụ, các thế hệ vũ khí mới cần phải được thay thế vũ khí cũ thì thế giới trải qua 4 năm 2016 - 2020 không có xung đột hay chiến tranh. Phải chăng đây là điều mà các hãng vũ khí, các ông chủ ngân hàng khó chấp nhận? Trong khi các chính trị gia phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế - tài chính do đại dịch, do chính sách tiền dễ dãi (lãi suất gần 0%) hàng thập kỷ đang thúc đẩy các thị trường tài sản vỡ nợ,... các cuộc chiến ngoài biên giới quốc gia có thể giải quyết các mâu thuẫn này. Đây phải chăng là lý do đằng sau động lực của Ukraine tham gia NATO, Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran, rút quân khỏi Afganistan, tất cả châm lên mồi lửa chiến tranh Nga - Ukraine, bùng nổ xung đột Israel và thế giới Hồi giáo cực đoan?

Dù sao câu hỏi trên vẫn là một nghi vấn chưa có bằng chứng xác đáng. Nhưng chắc chắn chúng ta đã và đang chứng kiến kho vũ khí cũ của châu Âu và Mỹ được thay thế mạnh mẽ, hiện đại hoá nhờ thành công uỷ nhiệm chiến tranh cho Ukraine, chứng kiến tên lửa thế hệ mới, các cuộc không kích bằng máy bay không người lái áp dụng công nghệ mới được phát triển trong làn sóng cách mạng công nghệ 3.0 và 4.0 xuất hiện trên khắp các địa điểm có xung đột. 

Và dù các xung đột đang leo thang ở nơi nào trên thế giới, nguồn gốc của các loại vũ khí này đều xuất phát từ các quốc gia hùng mạnh, nơi làm chủ cuộc chơi phát triển, sáng chế và đổi mới công nghệ trong hai làn sóng công nghệ gần đây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Chin, W. (2023). "3: The Industrial Revolution and the Rise of Modern War". In War, Technology and the State. Bristol, UK: Bristol University Press. Retrieved Apr 12, 2024, from https://doi.org/10.51952/9781529213430.ch003

[2] : Billington, Stephen D. (2018) : "War, what is it good for?": The industrial
revolution!, QUCEH Working Paper Series, No. 2018-12, Queen's University Centre for
Economic History (QUCEH), Belfast

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét