Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

(4) Phân tích kinh tế lượng vai trò của đầu tư nhà nước

Bài viết cũ của tôi:
Phân tích kinh tế lượng vai trò của đầu tư nhà nước trong thời kỳ đổi mới 
D) ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ CỦA KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN
1) Một số quan điểm về ảnh hưởng của đầu tư nhà nước đối với đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân
Có lẽ không ai có thể bác bỏ vai trò tích cực của đầu tư nhà nước đối với phát triển khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nước ta trong những năm đầu đổi mới. Tuy nhiên, quá trình đổi mới càng tiến xa thì càng có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng nhanh đầu tư nhà nước có thể đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng đầu tư ngoài quốc doanh vì nó làm giảm nguồn tín dụng và làm tăng chi phí huy động vốn của khu vực này. Hơn nữa, trong những năm gần đây, đầu tư nhà nước đã lấn sân của khu vực đầu tư nước ngoài; nhiều dự án không thu hút được đầu tư nước ngoài thì được thực hiện bằng nguồn vốn nhà nước.
Thậm chí, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khá dồi dào mấy năm qua, nhiều ngành, địa phương đã không tích cực huy động vốn nước ngoài mà chủ trương dùng vốn ngân sách thay thế. Như vậy, bên cạnh một số mặt tích cực, đầu tư nhà nước đã phát sinh tiêu cực là làm giảm đầu tư của thành phần kinh tế ngoài nhà nước, trong khi đây lại là khu vực sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả nhất và tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất cho nền kinh tế.
Về mặt lý thuyết, đã có một số quan điểm cho rằng tăng chi tiêu nhà nước, bất kể cho đầu tư hay tiêu dùng, đều dẫn đến tăng thuế và giảm chi tiêu (trong đó có chi đầu tư) của khu vực tư nhân. Ảnh hưởng tiêu cực của đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân dường như còn rõ hơn nữa. Quan hệ này được gọi là hiệu ứng loại trừ.


Nhiều nhà kinh tế còn cho rằng hiệu ứng loại trừ có thể diễn ra không phụ thuộc vào trình độ tự do hoá tài chính hay phương thức bù đắp thâm hụt ngân sách. Thậm chí việc phát hành tiền tệ để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng không ảnh hưởng đáng kể tới quan hệ trên, vì phát hành tiền sẽ dẫn tới cơ cấu lại thu nhập xã hội theo hướng tăng thu nhập của nhà nước và giảm thu nhập của dân cư, đồng thời làm tăng tỷ lệ lạm phát và lãi suất thực, từ đó làm giảm thu nhập thực tế và khả năng chi tiêu của khu vực tư nhân. Lãi suất thực tăng do độ bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô tăng lên trong điều kiện lạm phát gia tăng và tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp đặt cho các trung gian tài chính tăng lên. Trong trường hợp bù đắp thâm hụt ngân sách bằng nguồn vốn vay trong nước, lãi suất thực sẽ tăng lên, nhất là tại các nước có thị trường tài chính kém phát triển, làm giảm tiền tiết kiệm trong dân, kéo theo giảm tiêu dùng và đầu tư của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, nhiều lý thuyết khác cũng như kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới lại cho thấy mối quan hệ trên không chắc chắn như vậy. Với một tổng tín dụng có sẵn và một lãi suất xác định, ảnh hưởng của đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân phụ thuộc vào việc đầu tư nhà nước có tác dụng thay thế hay bổ sung cho đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Nếu đầu tư nhà nước có tác dụng bổ sung cho đầu tư tư nhân thì ảnh hưởng của nó là tích cực[1]. Trong trường hợp ngược lại, cần giảm dần phạm vi của đầu tư nhà nước, trước hết là giảm những loại đầu tư có liên quan tới sản xuất trực tiếp; nếu đã làm như vậy mà đầu tư nhà nước vẫn tiếp tục có tác dụng thay thế đầu tư tư nhân thì cần giảm cả vai trò của nó trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và phát triển xã hội, nhường chỗ lại cho khu vực tư nhân.
Thực tế cho thấy, nếu đầu tư nhà nước tăng thêm được sử dụng vào phát triển cơ sở hạ tầng như xây dựng các tuyến đường giao thông (thuỷ, bộ, hàng không, đường sắt...), bến cảng, điện nước, thông tin liên lạc và phát triển con người thì ảnh hưởng của nó là tích cực. Cơ sở hạ tầng tốt hơn, năng lực, trình độ của người lao động tăng lên... sẽ làm cho năng suất lao động cận biên của khu vực tư nhân tăng lên, từ đó kích thích các nhà đầu tư tư nhân tăng thêm đầu tư phát triển. Các nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy chỉ khi đầu tư nhà nước được hướng vào các lĩnh vực sản xuất trực tiếp, liên quan mật thiết tới lợi nhuận của khu vực khu vực tư nhân như công nghiệp chế biến, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ và xuất khẩu thì nó mới làm giảm đầu tư tư nhân[2].
          Ở Việt nam, đầu tư nhà nước chủ yếu được dành để phát triển cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp cơ bản, cả hai đều rất cần cho sự phát triển của toàn nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Nhiều nghiên cứu cho thấy đầu tư nhà nước, nhất là đầu tư công cộng, ở nước ta đã có tác dụng bổ sung, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân, làm giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất vốn cho các nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, ở nước ta, tăng trưởng đầu tư nhà nước có nhiều khả năng đã phát huy tác dụng tích cực tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh.
Để đánh giá ảnh hưởng của đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân và đầu tư của toàn nền kinh tế, chúng tôi sử dụng kỹ thuật kiểm định nhân quả Granger-Sim. Kết quả kiểm định được trình bày trong bảng 6 cho thấy vốn đầu tư nhà nước có ảnh hưởng tới đầu tư tư nhân với độ tin cậy tới 90,4% khi độ trễ là 1 năm. Tuy nhiên, vốn đầu tư nhà nước đã không có tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài, và không tác động mạnh tới tổng đầu tư toàn nền kinh tế. Trái lại, đầu tư khu vực ngoài quốc doanh vừa có tác động tới đầu tư khu vực nhà nước (độ tin cậy qua kiểm định là 97,7% với thời gian trễ là 3 năm), vừa có ảnh hưởng mạnh tới đầu tư nước ngoài (độ tin cậy qua kiểm định là 95,2% với thời gian trễ là 1 năm).
Bảng 6: Quan hệ tác động nhân quả giữa các loại vốn đầu tư (1990-2001)*
Ảnh hưởng của các chỉ tiêu dưới đây tới :
Vốn đầu tư toàn xã hội
Vốn khu vực nhà nước
Riêng ĐT công cộng
trong đó: Vốn Ngân sách
trong đó: Vốn tín dụng NN
Riêng ĐT của DNNN
Vốn khu vực NQD
Vốn khu vực ĐTNN
Vốn ĐT toàn XH





0,0 (1) 0,5 (2)
5,6 (1) 1,8 (2)

Vốn khu vực NN


6,5 (2) 4,0 (3)
0,4 (2)
3,3 (1)
8,9 (1)
9,6 (1)

Riêng ĐT công cộng

6,0 (3)

9,9 (1) 2,2 (2)
5,1 (1)
8,9 (1)
3,3 (3)

trong đó: Vốn NS

3,5 (2)


5,1 (1)
0,8 (1) 4,7 (2)
2,5 (3)

trong đó: Vốn TDNN
9,0 (2)
6,6 (2)

9,9 (1) 2,2 (2)

8,9 (2)


Riêng ĐT của DNNN

6,0 (3)
6,5 (2) 4,0 (3)
6,4 (2) 3,7 (3)
9,4 (3)

2,9 (1) 0,2 (2) 6,1 (3)
6,5 (1)
Vốn KV ngoài QD

2,3 (3)
5,7 (3)




4,8 (1)
Vốn KV ĐTNN





3,1 (1)
6,2 (1) 1,2 (2)

* Số trong bảng là xác xuất bác bỏ quan hệ, %; số trong ngoặc là thời gian trễ, tính theo năm. Nguồn: tính toán của tác giả, các biến được dùng trong mô hình kiểm định là tỷ lệ của các loại vốn đầu tư trên GDP (bảng 7).
Bảng 6 cũng cho thấy đầu tư nước ngoài có quan hệ nhân quả rất mật thiết với đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh; ảnh hưởng qua lại gần như tức khắc (thời gian trễ 1 năm) với độ tin cậy rất cao. Đầu tư của khu vực DNNN cũng ảnh hưởng rất mạnh tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh. Những quan hệ trên là dễ hiểu vì đây là 3 loại hình doanh nghiệp cùng tham gia cạnh tranh trên thị trường nên có mối quan hệ chặt với nhau; hơn nữa khi môi trường đầu tư thuận lợi hơn hoặc khó khăn hơn thì đầu tư của chúng đều chịu ảnh hưởng như nhau.
          Đáng lưu ý là nguồn vốn đầu tư công cộng có tác dụng mạnh tới đầu tư của khu vực DNNN và đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh; trong đó vốn ngân sách tác động tới đầu tư của DNNN (độ trễ 1-2 năm) nhanh hơn so với thời gian tác động tới khu vực ngoài quốc doanh (trễ 3 năm). Riêng vốn tín dụng nhà nước chỉ ảnh hưởng tới đầu tư của các DNNN, không ảnh hưởng tới đầu tư của khu vực tư nhân; điều này chứng tỏ khu vực tư nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Thời gian trễ trong tác động của các loại đầu tư từ ngân sách là do đặc trưng dài hạn của các loại đầu tư này (đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp cơ bản).
Bảng 7: Các tỷ lệ đầu tư trên GDP (%)
Năm
Đầu tư xã hội
Đầu tư nhà nước
Đầu tư từ ngân sách
Đầu tư tín dụng NN
Đầu tư của DNNN
Đầu tư công cộng
Đầu tư ngoài quốc doanh
1990
18.07
7.26
4.49
0.00
2.78
4.49
8.45
1991
17.56
6.67
2.52
1.54
2.61
4.05
8.38
1992
22.46
7.89
5.39
0.85
1.64
6.25
9.83
1993
30.86
13.58
8.27
2.17
3.14
10.43
9.27
1994
31.98
12.25
4.66
2.71
4.89
7.36
9.52
1995
31.65
13.30
5.93
2.65
4.72
8.58
8.74
1996
32.13
15.77
7.18
3.04
5.54
10.23
8.01
1997
34.55
17.08
7.52
4.05
5.52
11.56
7.81
1998
32.45
18.01
7.28
5.10
5.63
12.38
7.70
1999
32.80
19.24
7.94
6.17
5.13
14.12
7.89
2000
32.91
18.92
7.81
6.10
5.01
13.91
7.83
2001
33.75
19.61
8.34
5.78
5.49
14.12
7.95
Chú thích: Đầu tư xã hội gồm đầu tư nhà nước, đầu tư khu vực ngoài quốc doanh và đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đầu tư nhà nước gồm đầu tư từ ngân sách, từ tín dụng nhà nước và từ đầu tư của các DNNN. Đầu tư công cộng gồm đầu tư từ ngân sách và từ tín dụng nhà nước. Nguồn: Niên giám thống kê 2001.
Như vậy, kiểm định nhân quả theo phương pháp Granger-Sim cho thấy đầu tư nhà nước cũng như các thành phần của nó đều có tác động mạnh tới tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh; chỉ trừ vốn tín dụng nhà nước có ảnh hưởng tương đối thấp, chứng tỏ khu vực ngoài quốc doanh vừa khó tiếp cận với nguồn vốn này, vừa ít chịu ảnh hưởng của nó. Vì giữa hai loại vốn đầu tư nhà nước và ngoài quốc doanh có quan hệ nhân quả với nhau nên có thể xây dựng các mô hình kinh tế lượng xác định ảnh hưởng của đầu tư nhà nước và các thành phần của nó tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh. Dưới đây là một mô hình minh họa và được sử dụng để phân tích cho trường hợp nước ta.
2) Mô hình kinh tế lượng phân tích ảnh hưởng của đầu tư nhà nước tới đầu tư ngoài quốc doanh
          Trong mục trên, các phân tích quan hệ nhân quả đã cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường quốc tế và chỉ chịu ảnh hưởng rất nhỏ của đầu tư nhà nước; do vậy, trong mục này chúng tôi chỉ tập trung phân tích ảnh hưởng của đầu tư nhà nước tới đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh (đầu tư tư nhân), chưa phân tích ảnh hưởng của nó tới đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặt khác, việc kiểm tra quan hệ nhân quả nêu trên chưa cho phép xác định quan hệ đó là tích cực hay tiêu cực. Để làm rõ điều này, chúng tôi đã thử xây dựng một số mô hình kinh tế lượng đơn giản dựa trên tiếp cận tăng trưởng nội sinh (hàm CES) nối hai loại chỉ tiêu trên.
          Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, đầu tư nhà nước tạo ra cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng rất cần thiết cho toàn nền kinh tế nói chung cũng như khu vực tư nhân nói riêng; do đó đầu tư nhà nước cũng là một nhân tố tăng trưởng quan trọng. Vì vậy, khác với nhiều lý thuyết khác (ví dụ lý thuyết hiệu quả loại trừ), lý thuyết tăng trưởng nội sinh cho rằng hiệu quả của đầu tư nhà nước là làm tăng năng lực sản suất của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó làm tăng năng suất đầu tư của khu vực này[3]. Barro và Sala Y Martin (1990) đã xây dựng một mô hình rất nổi tiếng để minh họa như sau[4]:
Y        =  A . Kpb . Kg1-b                                                              (1)
DKp     = s . Y        hoặc      DKp             = s . (Y - T)                                       (2)
DKg        =   T                                                                               (3)
hoặc  DKg        =   t . Y                                                                          (3')
với     0  <  b < 1
trong đó Y là tổng sản phẩm trong nước (GDP); Kp là vốn cố định khu vực tư nhân, Kg là vốn cố định khu vực nhà nước; T là thu thuế của chính phủ. Trong phương trình xác định Y, có thể bổ sung biến lao động, tức là:
          Y = f (L, Kp, Kg)
          Theo mô hình, năng suất kinh tế quy mô của khu vực tư nhân sẽ giảm dần vì một phần thu nhập của khu vực này bị chuyển sang khu vực nhà nước dưới dạng thuế. Cũng vì vậy nên tình hình ngược lại đối với khu vực nhà nước. Nếu tính cả vốn của khu vực nhà nước thì năng suất kinh tế quy mô chung sẽ không đổi (b + 1- b = 1). Mặt khác, vốn đầu tư khu vực nhà nước được tài trợ bằng nguồn thu thuế hoặc một tỷ lệ thuế trong GDP.
Nếu bất phương trình (4) dưới đây xảy ra:



thì năng suất cận biên của vốn cố định khu vực tư nhân tăng khi vốn đầu tư nhà nước tăng; ví dụ lợi nhuận khu vực tư nhân tăng lên khi nhà nước xây dựng thêm đường xá, cầu cống, phát triển thông tin liên lạc và nguồn năng lượng...      
          Mô hình trên luôn luôn tồn tại lời giải, tức là trong mọi trường hợp, luôn luôn tồn tại một tỷ lệ vốn nhà nước tối ưu so với vốn tư nhân. Nếu xét tới hiệu quả tương đối của 2 loại vốn này, và giả sử rằng giá của chúng như nhau, thì tỷ lệ vốn tối ưu giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân là ((1-b)/b). Đây cũng là cơ sở để xây dựng cơ chế cân bằng về đầu tư.
Tuy nhiên, việc thử nghiệm mô hình trên cho trường hợp Việt Nam không thể thực hiện được vì Việt Nam không có các thông tin về tài sản cố định. Vì vậy, đối với mô hình thực nghiệm, chúng tôi đi theo tiếp cận thứ 2, đơn giản hơn, dựa hoàn toàn vào mô hình ra quyết định đầu tư của cấp doanh nghiệp trong lý thuyết tân cổ điển. Đây là mô hình cân bằng bộ phận, trong đó chi phí cho vốn được coi là biến ngoại sinh; chính nhờ đặc trưng này nên mô hình không đưa ra những đánh giá hiệu quả kinh tế vĩ mô của gia tăng đầu tư nhà nước mà chỉ tập trung duy nhất vào việc đánh giá sự tồn tại của mối quan hệ thay thế hay bổ sung lẫn nhau giữa đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân.
Mô hình dưới đây[5] là mô hình tân cổ điển truyền thống, với giả định hàm sản xuất có hệ số co dãn thay thế cố định (CES). Tổng tài sản cố định mong muốn (K*) là:
K*      =   m . (p / c)s . Y                                                             (1)
trong đó ms là hai tham số biểu thị trọng số của vốn trong hàm sản xuất CES và hệ số co dãn thay thế; Y là kết quả sản xuất; c va p lần lượt là giá vốn và giá sản xuất. Giá vốn được xác định theo cách truyền thống là lãi suất thực cộng với tỷ lệ lạm phát. Trong một số mô hình thực nghiệm, có thể xác định giá vốn bằng cách thay tổng hai chỉ tiêu trên bằng lãi suất danh nghĩa.
          Về quyết định đầu tư, mô hình giả định cơ chế điều chỉnh từng phần theo logarit của vốn; do đó vốn đầu tư của nền kinh tế được xác định như sau:
Ln It   =    (1-l) . ln Kt* - (1-l).(1-d). ln Kt-1* + l . ln It-1           (2)
trong đó (1-l) và d lần lượt là hệ số điều chỉnh và tỷ lệ khấu hao.
          Giả thiết cuối cùng của mô hình là năng lực của vốn (tham số m) là hàm của tài sản cố định khu vực nhà nước. Cụ thể là:
                    m  = [a. (Kp)f ](1/s)                                                             (3)
trong đó dấu của f sẽ phản ảnh quan hệ thay thế hay bổ sung cho nhau giữa đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân.
Giải mô hình gồm 3 phương trình trên với giả thiết tỷ lệ khấu hao trong 2 khu vực là như nhau, chúng ta thu được phương trình rút gọn xác định đầu tư ngoài quốc doanh như sau:
ln (Ipt)    =    a1 + a2 . ln (Yt) - a3 . ln (Yt-1) - a4 . ln (p/c)t  +
+  a5 . ln (p/c)t-1 + a6 . ln (Ipt-1) + a7. ln (Igt)                  (4)
trong đó      a1 = (1-l) . d . ln (a) ;
a2 =  (1-l) ;
a3 = (1-l) . (1-d) ;
a4 = (1-l) . s ;
a5 = (1-l) . (1-d) . s ;
a6 =  l  ;
a7 = (1-l) . f  ;
với Ip là đầu tư tư nhân, Ig là đầu tư nhà nước (hay các thành phần của nó). Lời giải của mô hình cũng cho thấy dấu của f sẽ phản ảnh quan hệ thay thế hay bổ sung cho nhau giữa đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân (hệ số a7). Phương trình (4) là cơ sở để xây dựng các mô hình thực nghiệm.
          Để hạn chế tối thiểu vấn đề phương sai không đồng nhất, người ta thường ước lượng phương trình (4) dưới dạng tỷ lệ thay cho hàm logarit. Khi dùng hàm tỷ lệ, mô hình sẽ khác một chút so với phương trình (4). Theo Bean (1981)[6], trước tiên cần xuất phát từ quan hệ giữa tỷ lệ đầu tư trên GDP và tổng lượng tài sản cố định mong muốn, cụ thể là:



trong đó g là tỷ lệ tăng trưởng GDP. Đây thực chất là phương trình xác định quan hệ giữa sản xuất và đầu tư để tính hệ số ICOR. Thay các phương trình (1) và (3) ở trên vào phương trình trên và lấy xấp xỉ tuyến tính sẽ thu được phương trình cần ước lượng.
          Trong mô hình thực nghiệm đối với nền kinh tế Việt Nam, biến phụ thuộc là tỷ lệ đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh trên GDP, các biến độc lập được chọn là tỷ lệ đầu tư ngoài quốc doanh trên GDP tính cho năm trước ((Ip/Y)(-1)), tỷ lệ tăng trưởng GDP (g), lãi suất thực (ri) và tỷ lệ đầu tư nhà nước (hay các thành phần của nó) trên GDP (Ig/Y). Mô hình thực nghiệm như sau: 
Ip/Y  =  f ((Ip/Y)(-1) , g,  ri,   Ig/Y)                                 (5)
với dấu của biến Ip/Y)(-1) và g là dương; dấu của biến ri âm và dấu của biến Ig/Y có thể âm hoặc dương tuỳ theo ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực của đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân.    


[1] Chhibber A. and Dailami M (1993) "Fiscal Policy and Private Investment in Developing Countries" in R. Faini and J. de Melo (eds, 1993) "Fiscal Issues in Adjstment in Developing Countries", London, Mc Millan.
[2] Ricardo Faini (1994) "Investissement Public et Investissement Prive en A frique: Eviction ou Entrainement ?", dans: Patrick et Sylviane Guillaumont (1994) "Ajustment et Developpment - l'experience des pays ACP (Afrique, Caraibe, Pacifique); Edition Economica.
[3] Dominique Guellec (1992) "Croissance Endogene: les Principaux Mecanismes", Revue "Economie et Prevision", No 106, Mai 1992, INSEE, France.
[4] Barro và Sala Y Martin (1990) "Public Finance in Models of Endogenous Growth", NBER, Working Paper, No3419.
[5] Mô hình này được trình bầy trong : Ricardo Faini (1994) "Investissement Public et Investissement Prive en A frique: Eviction ou Entrainement ?", dans: Patrick et Sylviane Guillaumont (1994) "Ajustment et Developpment - l'Experience des Pays ACP (Afrique, Caraibe, Pacifique); Edition Economica.
[6] Bean C. (1981) An Economic Model of Manufacturing Investment in the United Kingdom , Economic Journal

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét