Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Ủy ban Kinh tế QH: Nợ công vượt xa ngưỡng an toàn

100 đồng GDP, 95 đồng nợ
Nợ công của Việt Nam, nếu tính hết phần vay nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, có thể lên đến 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn các tổ chức quốc tế khuyến cáo.
Đến hết năm 2011, nợ công Việt Nam theo báo cáo của Bộ Tài chính vẫn chỉ chiếm khoảng 54,9% GDP. Tuy nhiên, trong báo cáo "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai" vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố hôm qua cho rằng mầm mống đe dọa tính bền vững lại đến từ những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà ngân sách nhà nước có thể phải đứng ra trả thay.
Số liệu nợ công từ năm 2003 (tính trên %GDP)
 theo thống kê của Bộ Tài chính (MoF).
Theo cách tính của World Bank và Tổ chức tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công được xác định là tổng khoản vay mượn và trái phiếu phát hành hoặc được bảo lãnh phát hành bởi chính quyền Trung ương, địa phương và cả doanh nghiệp Nhà nước. 
Trong khi đó, cách định nghĩa nợ công của Việt Nam lại chỉ tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước bảo lãnh mà "gạt" đi nhiều khoản nợ rất lớn của doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn.

Do đó, nếu tính thêm cả khoản nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà không được Chính phủ bảo lãnh như nợ nước ngoài, trái phiếu trong nước và nợ hệ thống ngân hàng thì nợ công Việt Nam lên xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP được các tổ chức quốc tế khuyến cáo. Như vậy, tổng sản phẩm quốc nội được làm ra của đất nước là 100 đồng nhưng người dân cũng đang "cõng" 95 đồng vay nợ.

Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những con số khác xa về thâm hụt ngân sách của Việt Nam so với báo cáo của Bộ Tài chính. Chỉ tính riêng năm 2009, thâm hụt không bao gồm chi trả nợ gốc theo báo cáo của MoF là 3,7% GDP nhưng theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và IMF cao hơn nhiều, lần lượt là 3,9% và 7,2% GDP. Các tác giả của báo cáo này cũng cho rằng, nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu cho các dự án giáo dục, thủy lợi, y tế.. không được tính đầy đủ vào thâm hụt ngân sách (xem biểu đồ dưới đây)
Những con số về thâm hụt ngân sách qua báo cáo của Bộ Tài chính (MoF) được cho rằng chưa phản ánh đúng thâm hụt tài khóa của Việt Nam.

"Vì hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước đều thuộc diện 'quá lớn' nên các khoản nợ xấu cuối cùng vẫn do Ngân sách Nhà nước gánh trả", các tác giả của bản báo cáo này nêu. Nhiều các công ty nhà nước lâm vào cảnh phá sản đã được Chính phủ hỗ trợ ở mức tối đa dưới hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ. Những "ngân sách mềm" này theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, cuối cùng sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng và trở nên liên tục thâm hụt. "Để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước buộc phát hành trái phiếu. Như vậy nợ công sẽ càng tăng", báo cáo này phân tích.

Đầu tiên là những khoản vay gián tiếp mà khối doanh nghiệp Nhà nước vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Nợ xấu của VDB vào cuối năm 2010 ở mức 12,05%. Thế nhưng, với tình hình nợ xấu toàn hệ thống năm 2011 cao hơn năm 2010 và năm 2012 lại tiếp tục cao hơn 2011 thì nợ xấu của VDB theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế còn cao hơn rất nhiều con số 12,05%.

Thứ hai là nguy cơ đến từ các khoản vay nợ tại những ngân hàng thương mại mà khi khó khăn, Nhà nước cũng thu xếp trả thay bằng nguồn ngân sách. Số lượng doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện này đã giảm nhưng mức hỗ trợ lại tăng lên nhiều lần.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đã dẫn ra một loạt những dẫn chứng cho thấy, tuyên bố cơ chế "tự vay tự trả" nhưng khi các “ông lớn” gặp khó, ngân sách “mềm” vẫn được rót để cứu. Đầu tiên là với hình thức khoanh nợ áp dụng cho "quả đấm thép" Vinashin, trên thực tế Chính phủ vẫn phải bỏ ra một phần tiền để bù đắp. Tương tự, khi chuyển nợ của Vinashin, Vinalines hay PetroVietnam thì các doanh nghiệp Nhà nước khác sẽ lâm vào khó khăn và để rồi, gánh nặng vẫn đè lên vai ngân sách Nhà nước. "Hình thức bổ sung vốn qua việc tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ lên 14.655 tỷ đồng thì vẫn là tiền từ ngân sách Nhà nước", nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế dẫn giải.

Báo cáo cho rằng các khoản ngân sách "mềm" 
vẫn được rót để cứu các "ông lớn". Ảnh: AFP

Một ví dụ khác là với khoản vay 45 triệu USD từ Ngân hàng ANZ cho dự án Xi măng Đồng Bành. Dự án này do Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) hay Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp (MIE) đầu tư và khi rơi vào thua lỗ mà không còn khả năng chi trả, Bộ Tài chính vẫn phải đứng ra bảo lãnh.

Không những vậy, đóng góp của các "quả đấm thép" còn chưa tương xứng với kỳ vọng và sự đầu tư của toàn xã hội. Báo cáo niên độ ngân sách năm 2011 được Kiểm toán Nhà nước gửi đại biểu Quốc hội cũng cho thấy, khu vực này khá dựa dẫm vào nguồn vốn tín dụng. Trong số 27 đơn vị được kiểm toán có rất nhiều doanh nghiệp nợ phải trả chiếm gần 70% tổng nguồn vốn. "Điều này cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng", Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Chiếm 40% tổng đầu tư cả nước nhưng khu vực này chỉ tạo ra khoảng 10% việc làm. Ngược lại, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ nhận được 35% tổng đầu tư nhưng mang tới 87% việc làm cho xã hội.

Do đó, không ít chuyên gia cho rằng cần thay đổi tư duy đối với doanh nghiệp Nhà nước. Nếu vẫn giữ quan niệm doanh nghiệp Nhà nước "khó được phép" phá sản và đối tượng này vẫn dễ nhận được ngân sách "mềm" từ Chính phủ thì gánh nặng nợ sẽ dồn ép khá lớn lên nợ công.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng đã đến lúc cần có một cuộc cải cách tài khóa triệt để và toàn diện để đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng nhằm bảo đảm tính bền vững của nợ công và duy trì sự ổn định cho nền kinh tế.

Hơn nữa, một bài học đau xót nhất từ cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp là việc Chính phủ giấu giếm, che đậy các con số thống kê về nợ công. Chính phủ vay nợ rất nhiều trên các thị trường tài chính để đảm bảo bù đắp bội chi ngân sách. Đến khi vượt quá sức chịu đựng và khủng hoảng bùng nổ thì đã quá muộn, họ đã phải thừa nhận sai lầm và điều chỉnh tăng vọt tới 110% GDP.

Thanh Thanh Lan


Ý kiến bạn đọc ()
Qúa chính xác, vì tôi thấy năm nào báo cáo GDP tăng đều ít nhất cũng từ 6.5%, nhưng cuộc sống tôi thấy càng ngày càng khó khăn.
hoi BV - 5 giờ trước
các nước khác, đặc biệt là các nước lớn và là con nợ vừa là chủ nợ lớn, chỉ có VN là con nợ thuần chủng. Tuy nhiên cách sử dụng tiền nợ không có hiệu quả, đặc biệt là tiền nợ không đến được tay doanh nghiệp cần mà vòng vèo khi đến được tay họ thì chỉ còn 30 40% tổng giá trị.  
lee - 4 giờ trước
Nước ngoài thì chủ yếu chính phủ nợ nhân dân (trái phiếu), còn vn thì nợ nước ngoài
Tôi thấy việcquản lý và vận dụng nguồn vốn vay của nhà nước chưa thật hiệu quả, hầu hết các nguồn vốn vay hiện tại đều được đầu tư vào các dự án lớn của nhà nước, thấy nhiều công trình của nhà nước bị đầu tư hết sức lãng phí, chưa nói đến các công trình kém chất lượng, nếu cứ như thế này chúng ta khi nào mới trả được hết nợ, hay gánh nặng lại ngày càng tăng???  
tram.tm - 5 giờ trước
Đọc đoạn đầu không dám đọc tiếp nữa. Cầu mong quê nhà vượt qua được cơn hoạn nạn này.
Mới nhìn thấy tảng băng trôi thôi bạn ơi
dtne - 4 giờ trước
like ý kiến của bạn
méuda - 4 giờ trước
Cái quan trọng nhất để giải quyết khủng hoảng là thông tin phải minh bạch.
nset - 5 giờ trước
Và phải cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước. Phải cải tổ toàn diện từ nhân sự đến các kế hoạch hành động và tài nguyên của đơn vị đó. Đừng xem ngân sách như bầu sữa mẹ mà phải xem như cái bình bi đông đựng nước giảm khát chứ không phải uống cho đã khát rồi thôi. Có như thế thì hy vọng nợ công mới giảm.  
vohoanganh - 1 giờ trước
Thấy nước nào cũng nợ, cả nước lớn cũng nợ. Nhưng ai là chủ nợ vậy
Nợ lòng vòng mà bạn, các nước lớn có tín nhiệm cao vay lãi suất thấp, cho các nước có tín nhiệm thấp hơn, như VN vay lại với lãi suất cao hơn.
tieuphong2013 - 4 giờ trước
Các nước nợ lẫn nhau, hoặc nhà nước nợ của khu vực tư nhân (các tập đoàn hoặc định chế tài chính quốc tế)
tintin199198 - 4 giờ trước
Hình ảnh minh họa cho bài viết về kinh tế Việt Nam rất hay. Thực tế khoảng cách giàu nghèo ở nước ta ngày càng tăng, thật đáng buồn
Nước này nợ nước kia bạn ạ. Hiện nay Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn trên thế giới.
thien hai - 5 giờ trước
Người dân gửi tiền vào ngân hàng, thông qua ngân hàng cho các doanh nghiệp trên vay tiền Do vậy chủ nợ thực chất chính là người dân và toàn xã hội đấy bạn.
Các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế là chủ nợ. Một số quốc gia đang nợ nhưng vẫn cho vay (ví dụ Nhật bản viện trợ ODA cho VN chẳng hạn).
Cobra - 5 giờ trước
Nhiều lúc đọc thấy thông số như thế như khi kiểm tra thì lại không biết đúng như thế không.
Kavil - 5 giờ trước
Bài viết rất hay và có ý nghĩa sâu....Cảm ơn tác giả, và cố gắng cho ra đời những bài báo tâm đắc như thế này
Cứ làm theo hình thức ai làm sai, thua lỗ ra sao thì bỏ tù tương ứng với số tiền, như người dân đi vay ngân hàng mà không trả được là cứ luật mà áp dụng. Thì tôi nghĩ sẽ chẳng có thất thoát mấy đâu.
Cái cốt lõi là ở chỗ chi tiêu thiếu ý thức. Muốn tăng trưởng GDP bền vững thì phải hỗ trợ và đầu tư vào các ngành nghề tạo ra công ăn việc làm. Người lao động có thu nhập, tất yếu sẽ kích được Cầu dịch vụ phát triển. ...  
Nam Hưng - 2 giờ trước
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Nếu như thế này thì các thế hệ sau làm sao mà trả hết nợ được.
hung - 2 giờ trước
Đi vay tiền để giải quyết những khó khăn thì chắc chắn khó khăn đó sẽ càng trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
đi vay nợ mà không sử dụng đông vôn hiệu quả thì nhân dân sẽ phải gánh nợ, tài nguyên đất nuớc sẽ phải moi lên để bán, chúng ta và con cháu chúng ta sẽ bị đám chủ nợ vắt kiệt.
hoang lan - 4 giờ trước
Hoảng quá, chỉ khổ cho các thế hệ sau è cổ ra mà trả nợ
NTV - 4 giờ trước
Nợ công thì công dân Việt Nam phải đứng ra trả chứ ai vào đây, tăng thu phí, thuế,......là chúng ta đang trả nợ đấy.
Donal2007 - 4 giờ trước
Báo cáo GDP hàng năm đánh giá sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng cũng khó có thể tim được báo cáo hay con số phản ánh mức chi công ở Việt Nam.
Hưng - 4 giờ trước
trách nhiệm trả nợ thì chắc chắn là chúng ta và con cháu chúng ta rồi.
Như vậy làm sao mà thu hút được đầu tư từ nước ngoài đây, làm sao mà duy trì ngoại hối đây. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét