Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

Leo lên được chức đó thì nó không hiền đâu em!

Sáng nay mình đăng bài nhan đề "Vụ giải cứu: Tô Anh Dũng bị truy tố tới khung tử hình", trong đó mình bình luận: "Mình rất mong có vài chục án tử hình cho quan chức Đảng và Nhà nước biết sợ, chứ trong 6-7 năm qua, lò cháy đôi lúc rừng rực kinh hồn, nhưng dường như không đứa nào biết sợ". Có bạn bình luận ở dưới: "Mình thấy thương thương thương thế nào ấy". Mình đã viết bình luận trả lời: "Nếu cứ để tình cảm lấm át lý trí thì xã hội còn loạn lạc như bây giờ. Chúng ta đều là cán bộ nhà nước; điểm khác nhau giữa chúng ta và họ là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ tham nhũng đến đâu, chúng ta vẫn nhất định không tham nhũng. Họ tham nhũng thì họ phải trả giá". Do đó mình rất đồng ý với bác Chu Mộng Long trong bài dưới đây. Ông Nguyễn Quang Tuấn thừa biết mình làm sai, lại nhận hối lộ, đã nộp hơn 6,2 tỷ đồng khắc phục; lại được viện kiểm sát đề nghị mức án chỉ 4-5 năm tù, trong khi nếu theo khung thì 10-20 năm tù. Rõ ràng đây đã là một ân huệ vì Chính quyền tôn trọng ông dù sao cũng là một bác sĩ và một nhà khoa học. So sánh với những bản án khắc nghiệp dành những người đấu tranh cho dân chủ dân quyền hay bất công xã hội rất ôn hòa như phản đối BOT BẨN thì thấy sự ưu ái dành cho ông Tuấn rất rõ. Do đó, bác Long viết đúng: "Thật ngây ngô khi có nhiều trí thức tỏ ra tiếc nuối cho tài năng Nguyễn Quang Tuấn". Người VN sống kiểu duy tình chứ không duy lý nên đất nước không có kỷ cương luật pháp, người làm sai chẳng chịu trách nhiệm gì cả, dẫn tới coi thường việc làm sai (thua keo này thì ta bày keo mới, không sao cả) và tiếp tục nghênh ngang coi thường pháp luật. Quan điểm của tôi là từ việc nhỏ đến việc lớn, bất kỳ việc gì làm sai đều phải trả giá, thì người sai phạm mới quan tâm tới việc phải làm đúng.
Leo lên được chức đó thì nó không hiền đâu em!
FB Chu Mộng Long 18-4-2023 - Thật ngây ngô khi có nhiều trí thức tỏ ra tiếc nuối cho tài năng Nguyễn Quang Tuấn bị sa lưới pháp luật. Một tài năng được đi du học ở nước ngoài, được đánh giá như là… nếu không có ông ta, nhiều người sẽ chết vì tim mạch! Nhiều người còn chiêu tuyết cho tài năng, rằng thì là, làm quan trong cơ chế này ai cũng phải tham nhũng. Cơ chế mà họ nói không chỉ là cơ chế chung mà cụ thể ở đây là cơ chế thầu trang thiết bị y tế.

Cựu giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại tòa. Ảnh: BT

Bề ngoài những lời tiếc nuối, những lập luận chiêu tuyết tưởng có lý, nhưng rất cảm tính đến vô lý.

Đi du học thì sao? Kim Jong Un chẳng phải du học ở nước dân chủ để trở về Triều Tiên thành nhà độc tài? Vô số con ông cháu cha đi du học về làm gì, ngoài kế thừa bố mẹ chúng, không làm quan thì cũng làm đại gia bằng cách phá nát cái đất nước này? Theo tôi, với thành phần đó, bất tài thì tham lam trắng trợn, nếu có tài năng thì thành lưu manh và tham lam trá hình với nhãn hiệu nhân văn, nhân đạo. Đằng nào cũng phá hoại hơn là có ích!

Ừ thì do cơ chế. Một cơ chế lỏng lẻo như trước đây, đúng là cái cửa mở toang hoác cho các dự án, đặc biệt là các gói thầu chui hết vào bụng quan. Nhưng chuyện gì xảy ra khi nhà nước siết cơ chế? Chỉ một Nghị định siết cơ chế đấu thầu mà từ Nam chí Bắc, các quan chức y tế đã đồng loạt “đình công”, hô hoán không thể nhập thuốc, nhập vật tư, mặc cho con bệnh nằm chờ chết để gây áp lực Chính phủ mở cửa cơ chế như cũ.

Do cơ chế thì sao chính nhà nước lại tóm cổ các nhóm lợi ích này vào lò?

Tham lam là cái gene truyền thống Việt. Cái truyền thống giáo dục toàn rao giảng đạo đức giả, nhân văn giả, cho nên mỗi cá nhân luôn bộc phát tham vọng, từ chạy đua quyền lực đến tham lam, vơ vét vô độ cho cái túi tham của mình.

Nhớ một lần, ngồi nói chuyện với thầy cũ của tôi. Tôi khoe ông bạn đồng môn đã lên sếp và khen anh ta hiền. Cũng là học trò của thầy, nhưng thầy cười rất mỉa mai: “Nó đã leo lên đến chức đó thì nó không hiền đâu em!” Có nghĩa là những người này đã tham từ gốc bằng con đường chạy quan chứ không phải do làm quan mới tham. Người ta đã tham ngay từ khi chưa làm quan chứ không phải làm quan rồi mới tham. Tôi không tin có cái gọi là “tha hóa quyền lực”!

Một lần tôi hỏi một đồng nghiệp: “Mày đua quan để làm gì?” Anh ta nói: “Vì dân vì nước!”. Tôi chửi: “Dối! Vì dân vì nước thì hy sinh ở chiến trường, không phải đua quan!”

Tóm lại là, anh ta phải như thế nào mới được cất nhắc, bổ nhiệm. “Như thế nào” ấy không thể là phẩm chất đạo đức tốt và tài năng xuất chúng.

Với tôi, thằng quan nào vào lò cũng đều đáng ghét. Không thương tiếc được! Tài năng như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát,… mắc tội chống triều đình thối nát phải gặp họa tru di thì mới đáng chiêu tuyết, chứ đủ bằng chứng tham lam vô độ thì có oan đâu mà chiêu tuyết?
-----------------------

Lời sau cùng của cựu giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn

19/04/2023 (PLO)- Nói lời sau cùng, cựu giám đốc BV Tim Hà Nội gửi lời xin lỗi toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế của BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội. 
Về bản thân mình, ông Tuấn trình bày những thành tích trong lĩnh vực tim mạch cũng như những đóng góp với BV Tim Hà Nội, được công nhận là giáo sư năm 2017. Ông Tuấn mong HĐXX có sự đánh giá nhân văn để sớm được trở về với gia đình.

Ngày 18-4, phiên tòa xét xử vụ án vi phạm đấu thầu tại BV Tim Hà Nội tiếp tục phần tranh luận. HĐXX đã nghe quan điểm luận tội của VKS, bào chữa của luật sư và nghe các bị cáo nói lời sau cùng.

Có sự thông đồng để doanh nghiệp trục lợi

Đại diện VKS cho rằng nhiều vụ án trong ngành y tế bị phát hiện có sự thông đồng thể hiện lợi ích nhóm. Vụ án này là minh chứng, có sự thông đồng câu kết giữa cán bộ BV và doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng.

BV Tim Hà Nội làm thủ tục đấu thầu chỉ là hợp thức hóa việc thanh toán. Sau đó, doanh nghiệp trúng thầu chi 2%-5% để chăm sóc BV.

Theo đại diện VKS, các bị cáo ở BV đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, phạm vào tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn là giám đốc, chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động của BV, có vai trò chủ mưu. Các bị cáo khác (nhóm BV) đã có hành vi giúp sức cho bị cáo Tuấn để thực hiện việc thông đồng giá với các doanh nghiệp.

Với mong muốn bán vật tư vào BV để thu lợi, bị cáo Nguyễn Đức Đảng (chủ tịch Công ty Hoàng Nga) và bị cáo Phan Tuấn Đạt (chủ tịch Công ty Kim Hòa Phát) đã gặp và đề nghị bị cáo Tuấn cho bán vật tư vào BV.

Sau khi được bị cáo Tuấn đồng ý, Nguyễn Đức Đảng, Phan Tuấn Đạt và các nhân viên đã cùng các bị cáo tại BV có hành vi gian lận trong đấu thầu, giúp sức cho bị cáo Tuấn.

Các bị cáo tại Công ty AIC đã vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá, giúp sức cho các bị cáo.

Đại diện VKS cho rằng vụ án là ví dụ điển hình về móc ngoặc, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga trúng năm gói thầu, Công ty Kim Hòa Phát trúng bốn gói thầu.

Theo cáo buộc, từ năm 2015, BV Tim Hà Nội có chủ trương cho doanh nghiệp ký gửi vật tư tiêu hao để sử dụng trước. Sau đó, BV hợp thức hóa thanh toán bằng hình thức đấu thầu.

Quá trình thanh toán vật tư ký gửi của hai công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát, 12 bị cáo có nhiều sai phạm về đấu thầu, gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng cho BV và Quỹ BHXH.

Đội ngũ bác sĩ gặp áp lực vì thiếu vật tư

Bào chữa cho các bị cáo, các luật sư đều thừa nhận tội danh VKS truy tố nhưng đề nghị xem xét mức độ, hoàn cảnh, nguyên nhân của hành vi phạm tội để cho các bị cáo được hưởng mức hình phạt giảm nhẹ. Theo các luật sư, các bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh BV thiếu vật tư, hóa chất để điều trị cho bệnh nhân, không có mục đích vụ lợi, không được hưởng lợi.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn nêu năm 2017, BV có rất nhiều văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Sở Y tế, Sở Tài chính, Trung tâm Mua sắm tài sản công Hà Nội báo cáo tình hình vật tư, hóa chất. Trong đó, BV đề nghị được mua sắm khẩn cấp, dự kiến được khoảng 2-3 tháng/lần. Hết đợt 1 mà chưa có kết quả đấu thầu tập trung lại báo cáo, đề xuất mua đợt 2… Do đó năm 2017 mới có việc tổ chức mua sắm khẩn cấp tới bốn lần.

Bút lục trong hồ sơ vụ án thể hiện dự kiến chỉ ba tháng đầu năm 2017, BV sẽ phải thực hiện 910-1.170 ca mổ tim; 3.250-3.900 ca can thiệp tim mạch. Trước tình hình khẩn cấp không chỉ ở BV Tim Hà Nội mà còn ở các BV Đức Giang, Xanh Pôn; đa khoa Hà Đông…, liên ngành Sở Y tế, Tài chính cũng có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cho phép các BV được mua sắm theo hình thức chỉ định thầu khẩn cấp và sau đó được chấp thuận.

Theo luật sư, khi nghiên cứu các tài liệu này mới thấy được sức nóng, sự áp lực đối với các bác sĩ nên việc BV xin được mua sắm khẩn cấp theo hình thức chỉ định thầu rút gọn là cấp thiết, là có thật chứ không phải chỉ là lý do để hợp thức hóa việc thanh toán.

Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo hưởng mức án nhẹ nhất, tạo điều kiện cho các bị cáo sớm trở về với gia đình.

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn gửi lời xin lỗi toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế của BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội vì hành vi của ông đã làm ảnh hưởng đến uy tín của BV.

Ông Tuấn mong HĐXX xem xét giảm án cho các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là các bị cáo ở BV, có nhiều người lớn tuổi, có bệnh nặng. “Họ là nhân viên dưới quyền, mắc sai lầm do sự lãnh đạo không đúng của tôi, họ đã thành khẩn nhận lỗi và đã khắc phục trong khả năng tối đa” - ông Tuấn nói.

Về bản thân mình, ông Tuấn trình bày những thành tích trong lĩnh vực tim mạch cũng như những đóng góp với BV Tim Hà Nội, được công nhận là giáo sư năm 2017. Ông Tuấn mong HĐXX có sự đánh giá nhân văn để sớm được trở về với gia đình.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 21-4.

Ông Nguyễn Quang Tuấn bị đề nghị 4-5 năm tù

VKS đề nghị mức án với 12 bị cáo về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

Nhóm bị cáo tại BV Tim Hà Nội: Ông Nguyễn Quang Tuấn (giám đốc) bị đề nghị 4-5 năm tù, Hoàng Thị Ngọc Hưởng (phó giám đốc) 30-36 tháng tù, Nguyễn Thị Dung Hạnh (kế toán trưởng) 24-30 tháng tù, Đoàn Trọng Bình 30-36 tháng tù và Nghiêm Tuấn Linh (phó trưởng phòng Vật tư y tế) 36-42 tháng tù.

Tại Công ty cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga: Nguyễn Đức Đảng (chủ tịch HĐQT) bị đề nghị ba năm sáu tháng đến bốn năm tù, Phạm Huy Lập (giám đốc) 20-30 tháng nhưng cho hưởng án treo, Phạm Thị Kim Oanh (kế toán trưởng) 24-30 tháng tù.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC: Hai phó tổng giám đốc Trần Phú Hưng và Nguyễn Hồng Dũng cùng bị đề nghị 30-36 tháng tù; Nguyễn Trung Dũng (nhân viên thẩm định giá) 24-30 tháng tù.

Tại Công ty Công nghệ sinh học Kim Hòa Phát: Phan Tuấn Đạt (chủ tịch HĐQT) bị đề nghị 24-30 tháng nhưng cho hưởng án treo.


https://plo.vn/loi-sau-cung-cua-cuu-giam-doc-bv-tim-ha-noi-nguyen-quang-tuan-post729418.html

1 nhận xét:

  1. ăn cái gì thải ra cái đó người viết dòng này dám cam kết những kẻ nào đã, đang và sẽ đi học băng tiên không minh bạch thì đừng mong kẻ đó phụng sự đất nuiwcs phụng sự dân tộc, nhân dân vì họ không biết TRĂN TRỞ TRƯỚC SỰ KHÓ KHĂN CỦA DÂN TỘC....

    Trả lờiXóa