Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

Kinh tế TPHCM ảm đạm chưa từng thấy, báo hiệu nguy hiểm

Đọc bài này tôi rất tán thành 3 ý kiến của bác Nguyễn Trí Hiếu và đây cũng là những vấn đề then chốt của đất nước, không giải quyết thì đất nước không thể phát triển được: (i) Tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, kinh doanh cần phải được cải tổ cho thông thoáng hơn; đặc biệt là luật pháp về đất đai. Luật Đất đai đang sửa đổi không đề cập tới tư nhân hóa đất đai là vứt đi, chẳng có tác dụng gì. (ii) Nạn tham nhũng phải được tiêu trừ một cách tận gốc thì kinh doanh sẽ được khởi sắc. Điều này rất đúng. Chống tham nhũng phải thực sự không có vùng cấm. Phải tử hình ít nhất 10 tên, tốt nhất là 100 tên, như một số tên trong đám AVG, Việt Á hay Giải cứu, thì đất nước mới thay đổi được. Và quan trọng hơn, đất nước phải tự do dân chủ, báo chí phải được tự do lên tiếng trong mọi vụ tham nhũng, người dân phải có quyền phát biểu ý kiến riêng của mình..., thì mới thực sự chống được tham nhũng; còn chống tham nhũng kiểu nhà nước làm hiện nay chẳng có tác dụng gì, hoặc nếu có thì hiệu quả vô cùng thấp. (iii) Cần có các chính sách hỗ trợ về thuế từ chính phủ, tức là chính phủ phải giảm thuế đi, đừng đánh thuế người dân đến mức tàn nhẫn như những năm vừa qua nữa. Cái gì cũng nghĩ cách thu tiền của dân, cần giảm thuế và bỏ rất nhiều loại phí; từ BOT bẩn tới biến Hội An thành pháo đài ai vào đều mất phí... là không được. Ngược lại, tôi rất không đồng tình với các ông Nên, ông Mãi là cần "tập trung đầu tư công"; hoàn toàn sai. Không có nước nào thành công khi tập trung vào đầu tư công hay dựa vào vốn nước ngoài cả; đầu tư tư nhân trong nước mới là nhân tố quyết định. Thành thực mà nói, ông Nguyễn Văn Nên về làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã được 2 năm rưỡi nhưng dường như không làm được bất cứ cái gì có ích cho thành phố. Ngược lại tên ông được gắn với khoảng 4 vạn người dân ở đây tử vong do Covid, một điều không có ở bất cứ đâu trên đất nước này. Bây giờ thì "kinh tế TPHCM ảm đạm chưa từng thấy"; trách nhiệm của ông Nên ở đâu ? Nghe đồn ông ra thay ông Chính vì "chỉ dân Nam mới biết làm kinh tế", tôi thấy thế thì đất nước và nền kinh tế sẽ càng loạn.
Kinh tế TPHCM ảm đạm chưa từng thấy, báo hiệu một năm không như kỳ vọng
RFA 2023.04.06 - Kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực TPHCM trong quý 1 vừa qua sụt giảm nhiều hơn dự kiến, báo hiệu một năm 2023 kinh tế ảm đạm hơn dự báo.

1. Kinh tế Việt Nam tụt giảm trong quý 1

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống còn 3,32% trong quý đầu tiên, từ 5,92% của quý 4 năm 2022. Trong khi đó, lạm phát cả nước tăng 4,18% trong quý 1.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập, đánh giá đây là mức tăng trưởng rất thấp. Thậm chí nó còn tệ hơn cùng kỳ năm 2022, khi mà kinh tế Việt Nam vừa được mở cửa trở lại sau thời gian dài phong toả do dịch.

Nguyên do, theo tiến sỹ Hiếu, thứ nhất là từ tình hình kinh tế thế giới. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn. Khi kinh tế toàn cầu gặp vấn đề là ngay lập tức Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng theo.

Hiện, các nước là đầu mối xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ hay Châu Âu đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến nền kinh tế của họ bị chững lại, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất giảm xuống. Kinh tế Việt Nam do đó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi không có đơn hàng xuất khẩu. 

Nguyên do thứ hai đến từ thị trường trong nước: “Thứ hai là thị trường quốc nội của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ cho đến tất cả những lĩnh vực kinh doanh khác như chứng khoán, bất động sản. Do đó làm cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng chậm trong năm 2023.”

Theo Reuters, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý đầu tiên giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vốn FDI giải ngân giảm 2,2%.

Ngân hàng nhà nước đã giảm lãi suất từ ngày 15/3. Theo tiến sỹ Trí Hiếu, hành động này có điểm lợi là nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước.

Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam bởi Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới là tiếp tục tăng lãi suất. Nếu lúc này Việt Nam giảm lãi suất thì nó sẽ làm tăng tỷ giá đồng đô-la Mỹ so với tiền Đồng, điều này có thể tạo ra bất ổn trên thị trường ngoại hối và làm tăng giá của hàng nhập khẩu.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%. Tiến sỹ Trí Hiếu cho rằng với tất cả khó khăn, thách thức vừa nêu, kinh tế Việt Nam rất khó có thể cán đích tăng trưởng 6,5% vào cuối năm nay:

“Theo tôi thì có lẽ mức 6% là mục đích rất cao vọng bởi vì với tất cả những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, mà chúng ta thấy rằng ngay cả thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm thương mại, kinh tế của cả nước mà tăng trưởng ở mức rất thấp. Thành ra tôi nghĩ rằng trong cả năm để đạt mức tăng trưởng 6% là có lẽ là rất khó khăn, theo tôi tăng trưởng ở mức 5% có lẽ sẽ hợp lý hơn.”

Với kết quả quý 1 được báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng phải thừa nhận hôm 3/4 rằng “kịch bản tăng trưởng 6,5% năm 2023 như mục tiêu đề ra là rất thách thức”.

2. Kinh tế TPHCM tăng trưởng thấp chưa từng thấy

Tình hình kinh tế chung của cả nước đang đi xuống, nhưng thành phố HCM, đầu tàu kinh tế tài chính cả nước là nơi đang chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất trong vài tháng qua.

Cũng theo báo cáo từ Cục Thống kê, tăng trưởng của TPHCM trong quý một chỉ đạt 0.7%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong năm thành phố trực thuộc trung ương, và thuộc nhóm 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết ngoài các yếu tố tác động từ bên ngoài như Hoa Kỳ tăng lãi suất hay các nước đối tác của Việt Nam giảm đơn hàng sản xuất, thì các yếu tố trong nước sau đây là lý do khiến TPHCM chứ không phải là nơi nào khác chịu ảnh hưởng xấu nhất.

Đầu tiên là do bất ổn trên thị trường bất động sản và trái phiếu. Theo tiến sỹ Huy Vũ, số tiền của các nhà đầu tư thay vì bỏ vào các ngành sản xuất phát triển vùng Sài Gòn thì nó đã chôn cứng trong bất động sản hay trái phiếu.

Lãi suất Việt Nam hiện nay vẫn còn đang rất cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng sản xuất, dẫn đến nền kinh tế bị chững lại.

Thêm một nguyên do khác nữa là vì các dự án đầu tư công hiện nay triển khai rất chậm. Theo ông Huy Vũ, Đáng ra, trong trường hợp nền kinh tế bị khủng hoảng thì chính phủ có thể triển khai đầu tư công để tạo công ăn việc làm, đưa tiền vào sản xuất:

“Nhưng mà vấn đề hiện nay là cuộc chiến chống tham nhũng, đốt lò, của ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đến việc các quan chức họ ngần ngại trong việc triển khai đầu tư công.

Bởi vì khi triển khai đầu tư công thì trước sau gì họ cũng rất dễ mắc những sai lầm và nếu làm đầu tư công mà quan chức không có ăn được phần trăm ở trong đó thì họ không dại gì mà làm.”

3. Người dân đối mặt khó khăn

Không chỉ kinh tế TPHCM tụt dốc, trong thời gian sắp tới, theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ, nơi đặt các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn của cả nước như Bình Dương hay Đồng Nai sắp tới cũng đều sẽ bị trì trệ:

“Nếu nhu cầu hàng Việt Nam trên thế giới giảm thì chắc chắn là những khu chế xuất công nghiệp tại các thành phố vệ tinh của TPHCM sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính vì thế mà quý 2, GDP của thành phố Hồ Chí Minh có lẽ cũng sẽ không khả quan lắm so với quý 1 đâu.”

Tiến sỹ Trí Hiếu dự báo, do giá dầu thô trên thế giới tăng sẽ khiến cho lạm phát vốn đã cao sẽ tăng cao hơn nữa. Trong khi đó thu nhập người lao động lại giảm vì đơn hàng bị giảm ở các khu công nghiệp:

“Với sự phát triển trì trệ như thế mà lạm phát lại tăng thì chắc chắn là đời sống của người dân sẽ khó khăn hơn rất nhiều.”

Tiến sỹ Huy Vũ cho rằng trong thời gian vừa qua và sắp tới đây, các doanh nghiệp phải giảm lượng công nhân hoặc thậm chí là đóng cửa. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn nạn xã hội khác ví dụ như là tội phạm tăng cao hơn…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong ba tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh này tạo thêm việc làm cho 11.000 người nhưng cũng có hơn 36.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

4. Giải pháp

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định tình hình ảm đạm của nền kinh tế TPHCM có thể được khắc phục nếu chính quyền trung ương thực hiện một số các biện pháp khắc phục sau, từ đó có thể vực dậy nền kinh tế Việt Nam.

Ông Hiếu đề nghị chính phủ nên trở lại chương trình xây dựng một trung tâm tài chính cho TPHCM, ví dụ như theo mô hình trung tâm tài chính của Thâm Quyến hay các trung tâm tài chính như ở New York. Một trung tâm tài chính như thế giúp doanh nghiệp có thể được tiếp cận với tất cả những dịch vụ, sản phẩm tài chính, từ ngân hàng cho đến các quỹ đầu tư và tất cả những dịch vụ liên quan đến pháp lý thương mại, xuất nhập khẩu…

Thứ hai là tất cả các thủ tục hành chính tại TPHCM liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, kinh doanh cần phải được cải tổ cho thông thoáng hơn. Nạn tham nhũng phải được tiêu trừ một cách tận gốc thì có thể kinh doanh sẽ được khởi sắc.

Các khu công nghiệp cũng cần có các chính sách hỗ trợ về thuế từ chính phủ và các nhà kinh doanh của TPHCM nên đi tìm những thị trường mới, thay vì những thị trường truyền thống về xuất khẩu như là Mỹ hay châu Âu. Tìm ra những thị trường mới để phân tán rủi ro và phát triển ngoại thương một cách mạnh mẽ hơn…

TPHCM cũng cần cải tổ mạnh mẽ trên tất cả những thị trường, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến thị trường bất động sản, ngân hàng, ngoại tệ hay vàng… phải bơm thanh khoản vào để vực dậy các thị trường đó, từ đó “bơm máu” vào trong nền kinh tế để vực dậy thành phố.

Bí thư TPHCM Nguyễn Văn Nên hôm 4/4 phát biểu rằng lãnh đạo thành phố đã tìm ra “toa thuốc” để thành phố có thể tăng trưởng trở lại. Một trong các giải pháp mà ông đề cập tới là tập trung vào đầu tư công. Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc để các dự án ngoài ngân sách có thể chạy.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, dĩ nhiên tình hình có thể xoay trở ngược lại được nếu thực hiện những chính sách tốt để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, ông cho biết “tại thời điểm này thì tôi chưa thấy có chính sách khả thi và cụ thể từ phía chính quyền Trung ương cũng như là chính quyền địa phương để vực dậy hoạt động kinh tế của khu vực TPHCM.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ho-chi-minh-city-economy-gloomy-as-ever-04062023215729.html


Bí thư Nguyễn Văn Nên: Đã có 'toa thuốc' lấy lại tăng trưởng, cần sử dụng ra sao

04/04/2023 Bí thư Nguyễn Văn Nên ví những góp ý của các chuyên gia sau buổi tổng kết kinh tế - xã hội quý 1-2023 như những “toa thuốc” giúp TP.HCM lấy lại mức tăng trưởng.

Sáng 4-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức Hội nghị lần thứ 20 (mở rộng). Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.

1. Nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng thấp

Phát biểu khai mạc, ông Nên yêu cầu hội nghị cần đánh giá đúng mức những khó khăn, hạn chế, yếu kém dẫn đến tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM chỉ đạt 0,7%.

"Vì sao TP.HCM chưa làm được một số nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, ví như đầu tư công hay tháo gỡ khó khăn liên quan tới doanh nghiệp. TP.HCM cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả trong thời gian tới", ông Nên đề nghị.

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước đã góp ý giúp TP tìm ra toa thuốc cho tăng trưởng kinh tế. Chúng ta phải tự xem lại mình, vấn đề quan trọng của chúng ta là nhìn nhận đúng, chọn lựa và chúng ta sử dụng nó như thế nào - BÍ THƯ THÀNH ỦY TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN

Phát biểu sau đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phân tích sâu những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng TP.HCM quý 1-2023 thấp và dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong quý 2-2023 sẽ tiếp tục khó khăn.

Về mặt xã hội sẽ nổi lên khi người mất việc, ngừng việc cũng như giảm thu nhập tăng. Các loại hình tội phạm cũng sẽ nhiều hơn...

Trong khó khăn đó, ông Mãi cho biết TP.HCM phải tập trung làm tốt những việc đang có trong tay. Ví dụ để kích thích tăng trưởng, phải tập trung đầu tư công.

"Chúng ta phải làm nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ những cái có thể tháo gỡ được ngay để các dự án ngoài ngân sách có thể chạy", ông Mãi nhấn mạnh và cho biết trong tháng 4 và toàn bộ quý 2-2023, trước hết sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc về hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tăng trưởng GRDP của TP quý 1-2023 chỉ tăng 0,7% - Ảnh: Q.H.

2. Chất lượng công vụ chưa như mong muốn

Theo ông Mãi, ở TP.HCM hiện có một số hạn chế, vướng mắc. Trong đó việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính để làm sao các dự án, các công việc kinh doanh được nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Có tình trạng một vấn đề nhưng phải gửi qua gửi lại các sở nhiều lần, nhiều văn bản đi ra đi vào mà không giải quyết được vấn đề. Lần này thì lấy ý kiến, lần sau thì bổ sung ý kiến mất rất nhiều thời gian.

TP mong Thành ủy chỉ đạo các địa phương nâng cao năng lực quản lý, điều hành và trách nhiệm công vụ từng cán bộ, công chức. Mặt khác kiến nghị Thành ủy, đặc biệt là các lãnh đạo địa phương tập trung quan tâm công tác giải phóng mặt bằng. Theo số liệu năm 2023, lĩnh vực giao thông, TP có khoảng 50 dự án, với 100ha đất cần giải phóng mặt bằng.

"Nếu việc giải phóng mặt bằng được hoàn thành ở 6 tháng đầu năm, công việc phía sau rất thuận lợi. Có mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ làm dự án cũng là một hình thức giải ngân, nên rất mong đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho tốt", ông Mãi đề nghị.

3. "Rã băng" dần các dự án bất động sản "đóng băng"

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng cho hay đối với các nhóm doanh nghiệp, ngoài các vấn đề vướng mắc về đất đai như quy hoạch, xây dựng đầu tư, thủ tục về thuế, còn vấn đề về phòng cháy chữa cháy. Rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, nhà xưởng… đều vướng phòng cháy chữa cháy.

Việc này trách nhiệm gỡ vướng không chỉ Công an TP, mà còn thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an nên TP sẽ báo cáo tập trung giải quyết.

TP phấn đấu làm sao 90% dự án khối xây dựng và bất động sản đang đóng băng sẽ được "rã băng" từ từ. Từ đó giúp các ngành kinh doanh khác tạo công ăn việc làm và giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp kết nối với các ngân hàng.

"Ngày mai (ngày 5-4), lãnh đạo của các ngân hàng thương mại sẽ ngồi lại với Hiệp hội Doanh nghiệp TP để kết nối cụ thể các nội dung vướng mắc của các dự án. TP cũng sẽ cố gắng hằng tuần có danh mục các việc đã và đang giải quyết", ông Mãi cho hay.

https://tuoitre.vn/bi-thu-nguyen-van-nen-da-co-toa-thuoc-lay-lai-tang-truong-can-su-dung-ra-sao-20230404102843974.htm?fbclid=IwAR1uYMP3WPsxt4GMShCWmJRy52tYShxjeYjcT3zIqQc0BT6psYqT208kaq4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét