Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

KT Mỹ giảm quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới XK của VN

Kinh tế Mỹ giảm quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của VN
Các tin xấu nối tiếp nhau xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ. Các thông tin này không chỉ khiến các nhà đầu tư và người tiêu dùng Mỹ không yên mà còn khiến các nền kinh tế đang phát triển, phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam "lo lắng" và "sốt ruột".

1. Sản xuất và tiêu dùng Mỹ suy giảm mạnh hơn kỳ vọng
Tháng 3/2023, doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ giảm 1% so với tháng trước, sau khi giảm điều chỉnh 0,2% trong tháng 2/2023. Sức tiêu dùng của người Mỹ giảm mạnh hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế khi dự đoán rằng doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng 3/2023 chỉ giảm khoảng 0,4%.

Số liệu này cho thấy lạm phát lõi đã và đang tác động tiêu cực lên túi tiền của người Mỹ, đặc biệt là mức độ giảm chậm chạp của lạm phát lõi; giá cả đã tạo mặt bằng mới khiến người Mỹ thắt chặt chi tiêu. Thêm vào đó, lãi suất tăng khiến sản xuất bị thu hẹp; Ngân hàng Trung ương Mỹ đã buộc phải hy sinh việc làm trong cuộc chiến chống lạm phát. Điều này cũng tác động tiêu cực tới thu nhập của người Mỹ, thị trường tiêu dùng thịnh vượng nhất toàn cầu đang thu hẹp nhanh hơn dự đoán của các nhà kinh tế.

Trên thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số Dow Jones giảm hơn 140 điểm vào thứ Sáu, trong khi S&P 500 và Nasdaq 100 lần lượt giảm 0,2% và 0,3%. Thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực khi một loạt kết quả doanh thu bán lẻ, dữ liệu vĩ mô mới công bố có thể cung cấp cho Fed thêm không gian tăng lãi suất. Ngoài ra, cú số giá dầu tạo ra bởi OPEC+ trong tháng 5 tới đây (cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/ngày) có thể tác động tiêu cực lên lạm phát ở Mỹ, bởi vậy sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên tiêu dùng, lãi suất điều hành của Fed và ổn định tài chính của nền kinh tế này.

Không chỉ tiêu dùng, thông tin vĩ mô về sản xuất cũng xấu đi. Sản xuất công nghiệp tại Hoa Kỳ giảm 0,5% vào tháng 3/2023, mức giảm sâu hơn dự đoán của thị trường là giảm 0,1%.

Chỉ số sản xuất hàng hóa bền và hàng hóa không bền giảm lần lượt 0,9% và 0,1% trong tháng 3, trong khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khác (chủ yếu là xuất bản và lâm nghiệp) giảm 0,7%. Hầu hết các ngành công nghiệp hàng lâu bền đều ghi nhận mức giảm; sản phẩm gỗ giảm mạnh nhất, đạt 2,9%, tiếp đến là sản phẩm khoáng sản không kim loại, giảm 2,6%. 

Trong số hàng hóa không bền, các ngành may mặc và da cùng với sản phẩm dầu và than đều đạt mức tăng ít nhất 1%; trong khi ngành hóa chất ghi nhận mức giảm lớn nhất, là 0,9%. 

Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất cho ngành sản xuất giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 78,1% vào tháng 3, tỷ lệ này thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với trung bình dài hạn của nó. Tính trong quý 1/2023, ngành công nghiệp sản xuất chỉ tăng nhẹ 0,3% so cùng kỳ năm ngoái.

2. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam có bị thu hẹp?

Sản xuất và tiêu dùng của thị trường Mỹ giảm sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu của VN, tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP cũng như suy giảm việc làm nội địa.

Với Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất; kim ngạch xuất khẩu 2022 là 109,38 tỷ USD. Theo thống kê của Cục Thống kê Hoa Kỳ, trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt 17,5 tỷ USD, thặng dư thương mại lên tới 15,98 tỷ USD; nằm trong nhóm 15 nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ.

So với 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Mỹ đã giảm nhẹ, khoảng 500 triệu USD.

Theo TCTK, mặc dù vẫn đạt thặng dư thương mại nhưng kim ngạch xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm trong vài tháng qua.

Tính chung quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

https://www.reuters.com/markets/us/us-retail-sales-fall-more-than-expected-march-2023-04-14/
https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5520.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét