Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Công thức hòa bình: Donbass và Crimea thuộc Nga

Tôi ủng hộ công thức hòa bình Nga - Ukraine - NATO dựa trên việc thế giới công nhận vùng đất thuộc Ukraine đã được Nga sát nhập vào Nga hiện nay chính thức thuộc về nước Nga như lịch sử trước kia. Đây là cái giá Ukraine phải chịu do sai lầm theo Phương Tây chống Nga. Đây cũng là bài học cho các nước Đông Âu khác đang có ý định đi theo con đường của Ukraine. Tác giả viết đúng, phương Tây chỉ muốn đè bẹp nước Nga, thực tế đã và đang làm mọi cách để xé tan nước Nga. Do đó Nga buộc phải hành động để tìm kiếm đảm bảo an ninh cho mình. Nga đã hy sinh xương máu, cửa cải, thì nhất định phải được cái gì, ví dụ được vùng Donbass và bán đảo Crimea, thì mới có thể dừng chiến dịch quân sự này.
Xung đột Ukraine có thể chấm dứt ngay nếu phương Tây áp dụng công thức sau
22/04/2023 VOV.VN - Trong xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine hiện nay, hòa bình vẫn có thể được kiến tạo và là kết quả của sự lựa chọn nhiều bên. Chấm dứt xung đột này là điều khả thi nếu công thức sau được phương Tây chấp nhận.
Hỏa lực pháo phản lực phóng loạt TOS-1 của Nga. Ảnh: Eurasian Times.

Lời giải không đâu xa

Hòa bình và an ninh ở châu Âu thực ra là có sẵn, tương đối dễ dàng và nằm sẵn trong tầm tay. Tuy vậy, dường như không ai nắm quyền ở phương Tây muốn hòa bình và phương Tây chỉ muốn đè bẹp nước Nga. Đấy là mối bận tâm hàng đầu. Các mối quan tâm khác bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Để chấm dứt chiến sự ở Ukraine, phương Tây trước tiên phải thay đổi ưu tiên của họ đã.


Hãy cùng xem xét 3 mục tiêu nên có để thúc đẩy chính sách của Mỹ: 1- An ninh của nước Mỹ; 2- An ninh và hạnh phúc của dân chúng Ukraine, và 3- An ninh và hạnh phúc của các đồng minh NATO ở châu Âu.

Nếu đây là các ưu tiên hàng đầu của Mỹ (thay vì làm suy yếu nước Nga như Mỹ đang làm hiện nay), thì hòa bình đáng lẽ đã đạt được cách đây nhiều tháng.

Công thức đạt hòa bình

Sau đây chúng ta sẽ xem tiếp những gì là thực tế đang diễn ra, sự cân bằng quyền lực giữa các nhân tố khác nhau và những gì thực sự khả thi, chứ không phải những thứ là mong muốn chủ quan của phương Tây (như Ukraine phải thắng, Nga phải thua và Ukraine phải gia nhập NATO - tất cả những điều này đều rơi vào thể loại khó khả thi về mặt quân sự và chính trị). Nói một cách hình ảnh, thuốc đắng mới dã tật. Đa phần người ta không thích thuốc đắng nhưng chính thuốc đắng giúp con người bảo tồn mạng sống.

Để có được nền hòa bình bền vững, các lãnh đạo phương Tây cần nói riêng với Tổng thống Zelensky rằng sự hậu thuẫn mang tính mở về mặt quân sự, chính trị và tài chính mà phương Tây dành cho Ukraine sẽ kết thúc vào một thời điểm định trước và ông ấy do vậy phải tạo ra một thỏa thuận tốt nhất với Tổng thống Nga Putin để chấm dứt xung đột quân sự.

Cây bút Daniel Davis - cựu trung tá lục quân Mỹ, cho rằng đường nét chính của công thức hòa bình này tập trung vào việc công nhận vùng Donbass và bán đảo Crimea sẽ không quay trở lại trong sự kiểm soát của Kiev trong thời gian ngắn trước mắt.

Như tinh thần của các hội nghị Istanbul tháng 3/2022 giữa Nga và Ukraine, các lãnh thổ sẽ được hoãn đàm phán trong 15 năm. Theo đó, Nga cũng sẽ đóng băng các cuộc tấn công của mình tại đường tiếp xúc hiện tại trên chiến trường và sẽ bị cấm lấy thêm lãnh thổ ở Lugansk, Donetsk, Zaporizhia hoặc Kherson.

Ngoài ra, một lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (gồm các quân nhân bên ngoài châu Âu) sẽ được lập ra để bảo đảm không bên nào vượt qua hoặc tấn công lên đường phân tách đã được hai bên nhất trí.

Vẫn theo đường hướng này, Ukraine sẽ tuyên bố mình trung lập về quân sự; đáp lại, Nga sẽ không can thiệp vào việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (nếu sau này EU đồng ý như vậy).

Sẽ còn có nhiều yếu tố quan trọng nữa trong thỏa thuận hòa bình nhưng trên đây là các yếu tố cơ bản cần thiết cho việc chấm dứt chiến sự và khôi phục trạng thái ổn định cho châu lục.

An ninh của NATO và Mỹ vẫn được bảo đảm

Nếu những điều trên được thực hiện thì an ninh của NATO và an ninh quốc gia của Mỹ vẫn sẽ ở trạng thái mạnh, và trên thực tế, còn được bảo đảm hơn so với trước tháng 2/2022. Có 4 lý do thực tế làm cơ sở cho tuyên bố này. 

Thứ nhất, quân đội quy ước của Nga đã bộc lộ một số nhược điểm nhất định trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Thứ hai, hầu hết các nước NATO đã đặt mình vào tiến trình nâng đáng kể chi tiêu quốc phòng của mình.

Thứ ba, với việc Phần Lan (và sắp tới là Thụy Điển) gia nhập NATO, sườn phía Đông của khối quân sự này sẽ mạnh hơn nhiều và gắn kết hơn khi đối diện với Nga so với bất cứ thời điểm nào kể từ thập niên 1980.

Thứ tư, quân đội Nga đã có những tổn thất nhất định trong quá trình giao tranh ở Ukraine và có thể sẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa để hồi phục như trước năm 2022.

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng cao là cả Mỹ và châu Âu sẽ không chọn lựa con đường an ninh có sẵn nói trên. Thay vào đó, gần như chắc chắn phương Tây tập thể sẽ tiếp tục theo đuổi những nguyện ước không thể đạt về mặt quân sư, đó là muốn Nga thất bại còn Ukraine chiến thắng. 

Nghĩa là khi ấy phương Tây sẽ tiếp tục tiêu tốn kho vũ khí đạn dược của mình và gửi cho Ukraine hàng tỷ USD chỉ để thỏa mãn bản thân về mặt cảm xúc. Nhưng, như đã nêu, con đường này chỉ khiến các thành phố của Ukraine bị hủy diệt thêm, và đất nước này mất thêm hàng chục ngàn người lính, thậm chí mất thêm lãnh thổ.

Tác giả Daniel Davis đánh giá: Không có cửa cho chiến thắng quân sự bên phía Ukraine. Ukraine và các nước phương Tây hậu thuẫn cho họ có thể phớt lờ hiện thực quân sự và cố gắng giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào nhưng rốt cuộc, chỉ có 2 kết quả khả dĩ nhất: hoặc là đàm phán hòa bình, hoặc là thất bại về quân sự. 

Theo tác giả Davis, trong bất cứ tình huống nào, Ukraine và đồng minh khó có thể khôi phục sớm biên giới của năm 1991./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: 19fortyfive
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/xung-dot-ukraine-co-the-cham-dut-ngay-neu-phuong-tay-ap-dung-cong-thuc-sau-post1015520.vov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét