Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

Vụ ô tô đâm liên hoàn ở ngã tư Xuân La - Võ Chí Công

Vụ ô tô đâm liên hoàn ở ngã tư Xuân La - Võ Chí Công
Nhà tôi ở khu Đoàn Ngoại giao Xuân Tảo, cách ngã tư Xuân La - Võ Chí Công chỉ khoảng 800 mét. Hôm vụ ô tô đâm liên hoàn ở ngã tư này (7/4) cư dân ở đây rất xôn xao vì lo lắng không biết có người thân của mình bị tai nạn không. Tôi không quan tâm nhiều vì tai nạn giao thông ở VN quá phổ biến. Tuy nhiên đọc thông tin trong bài dưới đây thấy tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh đi loại dép lê để lái xe thì tôi không thể chấp nhận được.

Các bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E Hà Nội. 

Tôi đã lái xe từ năm 2000, đã lái xa là phải đi giày rất nghiêm chỉnh, đảm bảo điều khiển chân phanh chân ga cực kỳ thuận tiện và linh hoạt. Thậm chí tôi còn có 2 đôi giầy chỉ chuyên để lái xe. Một đôi thể thao của hãng Nike mua ở Thụy Sĩ và một đôi giầy nhà binh mua ở Pháp. Giầy Nike nhẹ tôi dùng để lái xe hàng ngày Giầy của lính Pháp trong đế có sắt nên nặng, dùng để lái xe đường dài, vì đi đường dài chân ga phải ấn liên tục hàng chục giờ nên chóng mỏi, nếu dùng giầy nặng ấn thì có thêm trọng lượng giầy hỗ trợ.

Theo kinh nghiệm của tôi, tài xế Vĩnh đi dép lê để lái xe cực kỳ nguy hiểm vì khó điều khiển dép theo ý muốn, thậm chí dép có thể tuột ra kẹt vào chân ga, chân phanh, là chúng cứng đờ ở một điểm. Nếu nó gây kẹt chân ga, coi như ấn ga liên tục, làm xe liên tục chạy với tốc độ cao nhất, thì tai nạn là không thể tránh khỏi. Tôi sợ rằng ông Vĩnh gặp phải đúng trường hợp này, vì theo lời của ông Vĩnh, "chỉ khoảng 30 giây sau khi lên xe, chiếc xe của ông đã vọt tốc độ lên tới 50-60 km".

Nhiều ý kiến trên mạng cũng cho rằng nam tài xế đã lớn tuổi (63 tuổi) không còn nhanh nhẹn, lại đi loại dép lê dùng trong nhà dạng đế trơn thì càng nguy hiểm vì khó điều khiển chân ga, chân phanh nhuần nhuyễn nếu gặp sự cố.

Bây giờ đi đường VN tôi rất sợ vì dân Việt đi cực kỳ ẩu, phóng nhanh vượt ẩu, đi ngược chiều, vừa đi vừa nói chuyện và nhắn tin điện thoại, cứ ra đường là thấy ngay đủ thứ làm người ta kinh sợ. Vì thế cho nên người nước ngoài thường bảo du lịch VN là du lịch mạo hiểm, vì vừa ra khỏi sân bay lên ô tô là đã có nguy cơ bị tai nạn giao thông.

Mấy năm nay tôi thường xuyên đi buýt, thấy lái xe buýt cũng hành xử vo văn hóa y như vậy. Đi xe số, vậy mà các lái xe vẫn một tay cầm điện thoại tán gẫu suốt hành trình, chỉ lái xe 1 tay còn lại, vừa xoay volant, vừa chuyển số; mắt thì nhìn nhắn tin điện thoại... Vậy mà tôi ít thấy xe buýt gây tai nạn, đúng là quá tài. Ngược lại xe máy, xe ô tô của dân thì mấy hôm lại thấy một vụ va quệt.

Tôi rất mong các lái xe VN hãy nghĩ đến văn hóa giao thông, nghĩ đến cuộc sống rất khó khăn của người dân, mà lái xe sao cho an toàn nhất, đừng để người dân đã khổ lại thêm khổ vì bị tai nạn giao thông.

PS: Tôi chép đoạn sau tôi viết thêm trong phần bình luận trên FB:

Ở xứ văn minh, muốn làm gì thì trước hết đều phải tham gia các lớp học, ở đó họ dạy rất bài bản, từ cách ăn mặc, sử dụng giầy dép... tới tác phong cư xử và quy định của pháp luật liên quan, chứ không phải chỉ dạy toàn nghiệp vụ như ta.

Ví dụ họ dạy đã vào bếp là phải đi loại giầy hay dép nào mà lỡ làm rơi con dao hay cái bát... xuống trúng chân thì chân không sao. Với lái xe cũng vậy. Dân ta hầu như không học những điều này, nên ra đường cái gì cũng không biết, rất chán.

Mà nhiều lúc tôi nghĩ:
1) Lái xe là tầng lớp kém văn hóa nhất xã hội vì do đặc điểm nghề nghiệp nên họ sống quá tự do.

2) Vì lái xe nghênh ngang thế nào cũng được thành quen nên sinh ra cư xử trong xã hội cũng nghênh ngang bất cần pháp luật, sẵn sàng đánh chửi nhau bất cứ lúc nào.

3) Toàn dân đi xe máy, mà xe máy leo lên vỉa hè, vượt đèn xanh đỏ, đi ngược chiều, chạy thẳng vào nhà, chỉ thiếu chạy lên gường..., nên con người VN từ khi đổi mới sống vô cùng thiếu kỷ luật, xã hội mất kỷ cương (có từ thời bao cấp, thời pháp). Ở nước ngoài họ đi ô tô nên không ai vi phạm được, muốn chen lấn, đi lên vỉa hè cũng không được.

Sai lầm lớn nhất của nhà nước ta là không cho dân đi ô tô (thuế cực cao) mà khuyến khích đi xe máy, tạo ra thứ văn hóa xe máy thống trị xã hội hiện nay.

Dưới đây là một số thông tin về vụ ô tô đâm liên hoàn gần nhà tôi:

1. Tài xế vụ tai nạn liên hoàn: Nếu lúc đó có vật cản thì tôi sẽ đâm xe vào

Tài xế Vĩnh cho biết ông đã cố phanh chân nhưng không tác dụng, sau đó ông lại giật phanh tay và cũng có kết quả tương tự.

Khoảng một ngày sau vụ tai nạn liên hoàn xảy ra ở Hà Nội làm 18 người bị thương, tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (sinh năm 1960, trú tại Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cho biết trong tâm trí ông, cảm xúc thường trực nhất là hối tiếc và mong muốn gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân, đồng thời khắc phục hậu quả cho họ.

Tại trụ sở công an, ông Vĩnh cố gắng giữ bình tĩnh khi kể lại sự việc. Theo lời của ông Vĩnh, chỉ khoảng 30 giây sau khi lên xe, chiếc xe của ông đã vọt tốc độ lên tới 50-60 km.

Luống cuống giữa chân ga và chân phanh

Ông Vĩnh nói ông đã cố gắng xử lý sao cho ít gây thương vong nhất cho những người xung quanh. Tài xế còn cho biết ông đã cố phanh chân nhưng không tác dụng, sau đó ông lại giật phanh tay và cũng có kết quả tương tự.

Nam tài xế sau đó đưa số về 0 nhưng chiếc xe tiếp tục lao đi với tốc độ nhanh. Ông cho biết, quá trình đó diễn ra trong khoảng 40 giây khiến ông rất luống cuống giữa chân ga và chân phanh.

Theo ông Hoàng Ngọc Vĩnh, vào thời điểm đó ông cố tập trung vào việc điều khiển xe để tránh va chạm với người đi đường. Trong khi đó, người vợ bên cạnh kêu lên đầy hoảng sợ, khiến ông thêm rối trí.

Ông Vĩnh miêu tả thời điểm xảy ra tai nạn như có gì đó khiến ông luống cuống, thậm chí không nhớ chính xác đã đạp chân ga hay chân phanh. Trong xe, ông nghe tiếng vợ hét "ối trời ơi chết mất".

"Cách ngã tư khoảng mấy chục mét, tôi còn cố gắng lách được. Nhưng đến ngã tư, tôi lách không được và chỉ còn biết nhắm mắt", ông Vĩnh nói với báo Dân trí.

“Nếu lúc đó có vật cản hoặc một thứ gì đó kích thước lớn thì tôi nhất định sẽ đâm xe vào đó nhưng đáng tiếc phía trước chỉ là người và xe máy”, người đàn ông nói với báo Zing News. Ông Vĩnh cho biết khi đến ngã tư ông đành nhắm mắt phó mặc cho số phận.

Sau va chạm kinh hoàng đó, ông Vĩnh đã xuống xe và chứng kiến nhiều người bị chảy máu, trong đó có một người bị kẹt dưới bánh ô tô. Ông thừa nhận đã rơi nước mắt và chỉ có thể kêu lên: “Sao lại ra nông nỗi này”.

"Khi xuống xe, tôi đã khóc. Tôi thấy một người nằm ở bên phải đang chảy máu, một người ở bên trái, một người khác đang nằm kẹt dưới bánh xe", ông Vĩnh nhớ lại.

2. Lái xe từ năm 2007

Ông Vĩnh kể tiếp, có người khuyên ông đi khỏi hiện trường đề phòng người nhà nạn nhân ra không giữ được bình tĩnh nhưng ông vẫn quyết định ở lại, cố gắng tìm cách cứu người.

Ông Vĩnh cho hay vợ chồng ông hàng tháng đều phải đi khám ở Bệnh viện Tim Hà Nội. Người vợ bị tăng huyết áp và đái tháo đường. Người tài xế nói ông lái xe từ năm 2007 tới nay và đây là lần đầu tiên ông gặp sự cố khi điều khiển phương tiện.

“Nếu cho tôi gửi lời tới người nhà nạn nhân, tôi chỉ muốn gửi lời xin lỗi chân thành và chắc chắn tôi sẽ có trách nhiệm khắc phục hậu quả với họ”, ông nói với báo Zing News.

3. Tranh cãi về đôi dép lê

Trong khi đó, bức ảnh tài xế Vĩnh bước xuống xe với cặp dép lê làm "dậy sóng" tranh cãi nguyên nhân gây tai nạn liên quan đến trang phục lái xe.

Nam tài xế bước xuống xe bằng cửa bên phụ sau tai nạn vì cửa bên lái bị kẹt cứng. Ảnh cắt từ clip.

Nhiều ý kiến cho rằng tài xế đi loại dép lê dùng trong nhà dạng đế trơn thì càng nguy hiểm khi khó sử dụng chân ga, chân phanh nhuần nhuyễn nếu gặp sự cố.

Bên cạnh những chỉ trích, nhiều người lại cho rằng chiếc dép không ảnh hưởng mấy, chỉ có tài xế kém mới để xảy ra chuyện.

Một số nghiên cứu cho thấy những người mang dép xỏ ngón, dép không quai hậu sẽ mất gấp đôi thời gian di chuyển giữa hai bàn đạp. Chưa kể, khi đạp phanh sẽ khiến thao tác của tài xế chậm đi 0,1 giây.


Trao đổi với PV VietNamNet, anh Nguyễn Quốc Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) nhận định chiếc KIA Forte không phải loại xe quá cũ để dễ có hư hỏng bất ngờ. Qua hình ảnh clip ghi lại tại ngã tư, anh Tuấn đã liên tưởng đến tình huống mình gặp phải cách đây chưa đến một tuần.Anh kể, hôm đó, trời mưa và anh Tuấn đã điều khiển chiếc KIA Forte của gia đình để đưa con đi học. Sự cố đã xảy ra chỉ sau 15 phút rời khỏi nhà.

Sẵn thói quen hàng ngày nếu đi đâu loanh quanh, anh Tuấn chỉ xỏ vội đôi dép tông là lên xe. Anh vốn nghĩ đi thế cho thoải mái, nhất là trời mưa gió thì đỡ ướt giầy ướt tất. Thế nhưng khi đang di chuyển trên đường đê gần Cổ Loa, bất chợt người phụ nữ đi xe máy phía trước bị áo mưa kẹt vào bánh xe ngã ra đường ngay trước mũi ô tô, anh Tuấn chỉ kịp phản xạ đánh hết lái sang trái và đạp phanh.

Trong khoảnh khắc chỉ tính bằng tích tắc ấy, chân phải anh trượt khỏi bàn đạp phanh do dép tông ngậm nước mất độ ma sát. Chiếc xe vì thế không thể kìm lại lao thẳng về phía triền dốc của con đê. Hoảng hốt tìm cách kiểm soát nhưng như "ma làm", anh Tuấn tỳ chân nhầm sang cả chân ga, chiếc xe KIA rú lên rồi lao càng nhanh xuống con dốc.

May mắn phía dưới dốc có gốc tre rậm rạp nên xe anh Tuấn đã dừng lại được. Thiệt hại cho sự cố là toàn bộ cản trước, két nước hư hại và túi khí nổ bung. Anh Tuấn may mắn không gặp nguy hiểm nhưng sau một tuần ngực vẫn nhói đau do dây bảo hiểm siết lại lúc va chạm.

"Hồi học bằng lái xe, tôi được thầy giáo yêu cầu phải đi giày hoặc dép có quai hậu. Sau này lái quen rồi nghĩ xuề xoà cũng không sao. Nhưng khi việc xảy ra rồi thì mới thấm chuyện giữ an toàn trước khi lái xe đúng là không thừa", anh Tuấn nói. Thực tế những tài xế có thói quen như anh Tuấn không hiếm.

Theo anh Vũ Thanh Tùng – giảng viên trường Trung cấp Nghề Bắc Giang, việc mang giày, dép có quai khi lái xe cũng giống nguyên tắc "đã lên xe là cài dây an toàn", nếu muốn được "thượng lộ bình an".

Anh Tùng nói: "Đôi chân của người tài xế rất quan trọng vì bạn cần nhấn ga, đạp phanh, giữ côn (xe số sàn) đòi hỏi sự cơ động và nhịp nhàng. Những đôi dép không chắc chắn có thể khiến tài xế bị trượt khỏi bàn đạp phanh trong các tình huống khẩn cấp".

Một số nghiên cứu quốc tế cho thấy những người mang dép xỏ ngón, dép không quai hậu sẽ mất gấp đôi thời gian di chuyển giữa hai bàn đạp. Chưa kể, khi đạp phanh sẽ khiến thao tác của tài xế chậm đi 0,1 giây. Nghe qua thì có vẻ chẳng đáng kể gì, nhưng nếu đang chạy tốc độ cao thì mỗi một 0,1 giây có thêm đều đáng quý trong quy tắc an toàn 3 giây.

Để hạn chế những tai nạn hoặc sự cố liên quan đến giày dép khi lái xe, các tài xế cần lưu ý như sau:

- Tuyệt đối không dùng dép lê, dép không có quai hậu khi lái xe
- Dùng giày hoặc dép có quai hậu phải đúng cỡ chân, không rộng quá và cũng không chật quá
- Nếu dùng thảm trải sàn nên kiếm loại cài chặt xuống sàn xe hoặc dán cố định, đặc biệt lưu ý khu vực chân ga, chân phanh phải thoáng và không vướng víu.

4. Khởi tố vụ án hình sự

Như đã đưa tin, chiều 5/4, ông Vĩnh điều khiển ô tô chở vợ từ phường Bồ Đề (quận Long Biên) đến Bệnh viện Tim để khám bệnh.

Khi đi đến ngã tư Võ Chí Công - Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ), ô tô của ông Vĩnh va chạm liên hoàn với 17 xe máy. Vụ việc khiến 18 người bị thương, phải đi cấp cứu.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng không phát hiện nồng độ cồn hay ma túy trong người ông Vĩnh. Cùng ngày, Công an quận Tây Hồ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông, tạm giữ hình sự ông Vĩnh để tiếp tục điều tra, xử lý.

5. Nguyên nhân vụ tai nạn liên hoàn tại ngã tư Võ Chí Công - Xuân La

Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế đạp nhầm chân ga khiến ô tô tông liên hoàn 17 xe máy ở ngã tư Võ Chí Công - Xuân La (TP Hà Nội).

Theo truyền thông trong nước, nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (ở quận Long Biên, Hà Nội) đạp chân phanh nhầm thành chân ga và dẫn đến vụ tai nạn liên hoàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, lái xe không có nồng độ cồn và âm tính với chất ma túy.

Ngay trong tối 5/4, Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông" và ra quyết định tạm giữ hình sự tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh.

Trước đó, khoảng 13h30 ngày 5/4, ông Hoàng Ngọc Vĩnh điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Kia Forte đi từ nhà tại 59/200/28 phố Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) đến Bệnh viện Tim Hà Nội (cơ sở 2) trên đường Võ Chí Công để khám bệnh. Đến 16h cùng ngày, trên đường chở vợ về nhà, ông Vĩnh đã không kiểm soát được tốc độ khiến chiếc xe ô tô va chạm với 17 xe mô tô đang di chuyển tại khu vực ngã tư Võ Chí Công - Xuân La. Hậu quả làm 18 người bị thương trong đó có 2 cháu nhỏ.

Qua trích xuất toàn bộ camera từ cổng Bệnh viện Tim Hà Nội đến khu vực xảy ra tai nạn, cảnh sát xác định sau khi ra khỏi bệnh viện khoảng 30 m, chiếc xe lao rất nhanh cho đến nút giao Xuân La - Võ Chí Công thì tông vào hàng loạt xe máy.

Hai cháu bé, trong đó có một bé 3 tuổi tình trạng rất nặng, đa chấn thương được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trong số ca cấp cứu tại Bệnh viện E có 2 ca nặng khác là bệnh nhân nam, 28 tuổi, quê Thái Bình, bị hôn mê sâu do chấn thương sọ não và bệnh nhân nam, 37 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội phải mổ cấp cứu do sốc đa chấn thương, gồm chấn thương bụng kín, chấn thương ngực kín, xương cẳng chân dập nát.

Ô tô đâm liên hoàn, nhiều xe máy nằm ngổn ngang ở ngã tư Xuân La - Võ Chí Công. (Ảnh: Facebook/VOV Giao thông)

7 trường hợp bị nhiều tổn thương ở cẳng chân, cẳng tay, cánh tay và đa vết thương phần mềm đã được cấp cứu, chuyển vào khoa Chấn thương chỉnh hình và Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao.


6. Các nạn nhân nói gì sau vụ ô tô tông 17 xe máy trên đường Võ Chí Công?

Nhắc lại vụ tai nạn kinh hoàng trên đường Võ Chí Công khi ô tô tông hàng loạt xe máy, nhiều nạn nhân không giấu nổi sự bàng hoàng, kinh sợ.

Anh Nguyễn Đức Thắng, 34 tuổi, là một trong 22 nạn nhân vụ ôtô lao vào dòng xe máy tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công, quận Tây Hồ, chiều 5/4. Sau vụ tai nạn, anh bị gẫy chân phải.

Trả lời phỏng vấn VNExpress, anh Thắng cho biết rời tiệm sửa xe trên đường Xuân La về nhà ở ngõ 38 Xuân Đỉnh lúc 16h. Quãng đường chỉ một km nhưng xe cộ rất đông nên không thể đi nhanh.

Dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công khoảng một phút, anh đi chậm hòa vào dòng người qua ngã tư rộng chừng 60 m. Vừa đi được 5-6 m, chiếc ôtô màu đen từ đường Võ Chí Công lao thẳng vào dòng xe chạy phía trước anh Thắng. "Hàng loạt xe máy đổ xuống đường, trong đó 2-3 chiếc dồn cục, tôi bị hất ngã ra đường bất tỉnh", anh kể.

Tỉnh lại, anh Thắng thấy mình nằm trên đường không thể cử động, chân bị càng xe máy đè cứng, xung quanh hỗn loạn. Hàng chục người nằm giữa ngã tư la khóc, có người bất động. Chiếc xe máy của anh nằm xa khoảng 5 m, dính chặt vào những xe khác. Cố gắng trấn tĩnh, anh lần tìm điện thoại gọi cho vợ.

Hơn 10 phút sau, vợ anh có mặt, cùng nhân viên y tế đưa chồng đi cấp cứu. "Nếu chỉ đi nhanh hơn 2 giây, xe tôi sẽ bị ôtô húc bay và tình trạng có lẽ còn thê thảm hơn thế này", anh Thắng nói với VNExpress. "Đây là lần đầu trong đời tôi gặp phải cảnh tượng hãi hùng như vậy", người đàn ông nói, giọng chưa hết bàng hoàng.



Cũng là nạn nhân trong vụ tai nạn đầy bất ngờ trên đường Võ Chí Công, Đỗ Hải Linh (27 tuổi, trú Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) sau nhiều giờ nằm viện, vẫn chưa hình dung mình bị chiếc xe ô tô đâm từ hướng nào, theo Dân Trí.

Cô gái kể lại khoảng 16h, sau khi tan làm thì đi xe máy từ đường Xuân La về Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). Trong lúc dừng đợi đèn tín hiệu ở ngã tư Xuân La - Võ Chí Công, Linh, cũng giống như hàng chục nạn nhân khác, bất ngờ bị xe ô tô đâm trúng.

"Khi đó mọi thứ xảy ra quá nhanh khiến tôi không kịp biết gì. Đến giờ tôi vẫn chưa định hình được chiếc xe đâm mình từ hướng nào", Hải Linh nói.

Theo Dân Việt, ở diễn biến mới nhất, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ để điều tra đối với lái xe Hoàng Ngọc Vĩnh (SN 1960, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 BLHS.



Camera hành trình của một số ôtô cho thấy, lúc 16h07, tại nút giao Xuân La - Võ Chí Công, đèn tín hiệu ở trạng thái đỏ, buộc phương tiện trên đường Võ Chí Công dừng lại để nhường đường cho dòng xe hai chiều trên đường Xuân La. Tuy nhiên, chiếc ôtô 4 chỗ màu đen từ đường Võ Chí Công đã vượt đèn đỏ, đâm hàng loạt xe máy đổ rạp rồi rẽ trái vào đường Xuân La.

Ôtô dừng lại ở góc ngã tư phía đường Xuân La, bị nổ hai lốp, toác đầu, kẹp một xe tay ga dưới gầm. "Sự việc chỉ diễn ra trong 3 giây. Ôtô lao như tên bắn, những người xung quanh không kịp phản ứng gì. Một phụ nữ bị hất lên capo rồi văng xa vài mét", ông Nguyễn Chiến Thắng, bảo vệ nhà hàng ngay gần ngã tư Xuân La - Võ Chí Công, kể lại, theo VNExpress.

Mặt đường cũng cho thấy không có dấu phanh ôtô, chỉ có những vệt máu, dầu mỡ và vết cà xước của xe máy bị kéo lê. Gần 20 xe máy nằm ngổn ngang ở giữa ngã tư và dưới điểm dừng đèn xanh đường Xuân La. Tất cả bị hư hỏng, có chiếc vỡ nát, biến dạng. Xung quang la liệt đồ dùng, hàng hóa của nạn nhân. Mảnh vỡ của xe vương vãi trong bán kính khoảng 200 m.

Theo các bệnh viện, đến khuya 5/4 có 3 nạn nhân rất nặng gồm: Bé 3 tuổi bị chấn thương ổ bụng, vỡ lách, dập gan, rách cơ hoành, chấn thương lồng ngực, sọ não; người đàn ông 28 tuổi hôn mê sâu do chấn thương sọ não và người đàn ông 37 tuổi bị chấn thương bụng, ngực kín, dập nát xương cẳng chân. 5 người bị xây xát nhẹ đã về nhà.

Tổng hợp từ trên báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét