Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

OPEC+ giảm sản lượng dầu thô khiến Mỹ càng lao đao

OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu thô, khiến Mỹ càng lao đao
Rõ ràng thế giới Ả-rập ngày càng 'thù địch' với Mỹ và phương Tây, ngày càng gắn bó gần gũi với Nga và Trung Quốc. "Đòn phản kích" bất ngờ vào đúng lúc Ngân hàng Trung ương Mỹ đang cân nhắc chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất vì rủi ro khủng hoảng ngân hàng gia tăng, tăng trưởng kinh tế suy yếu... đã giáng rất mạnh vào mục tiêu phục hồi tăng trưởng và ổn định kinh tế Mỹ. Giá vàng lập tức thiết lập kỷ lục mới, giá dầu thô tăng thêm 7% chỉ trong một tuần...

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với ông David Rubenstein, chủ tịch Câu lạc bộ Kinh tế Washington, tại khách sạn Renaissance ở Washington, Mỹ, ngày 07/02/2023. 

1. Giá dầu thô bật tăng mạnh sau quyết định sốc của OPEC+

Giá dầu thô Brent tương lai tăng vọt trong mấy ngày qua, hôm nay (thứ Tư ngày 5/4/2023) đạt 85,4 USD/thùng. Giá dầu chuẩn quốc tế tăng khoảng 7% trong tuần này, theo số liệu của Trading Economics.

Đây là kết quả của việc khối OPEC+ (Tổ chức bao gồm Nga là thành viên) bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/ngày; một mức cắt giảm gây sốc cho thị trường.

Các nhà lãnh đạo của Ả-rập Xê-út biện minh cho quyết định chính sách này là "biện pháp phòng ngừa", nhằm ổn định giá dầu. Tuy nhiên, việc tăng giá dầu mang lại lợi thế nguồn thu cho Nga, một thành viên của OPEC+ và một đồng minh ngày càng thân cận của Ả-rập Xê-út, để giúp Nga tiếp tục duy trì cuộc chiến tranh đang leo thang tàn khốc hơn ở Ukraine.

Ngoài cú sốc cắt giảm sản lượng của khối OPEC+, giá dầu tăng còn có nguyên nhân là các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan triển vọng nhu cầu của Trung Quốc; cầu và sản xuất của Trung Quốc tăng làm tăng cầu dầu thô toàn cầu. Điều này cũng làm giảm bớt tiến trình tăng trưởng đang chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Cùng với giá dầu tăng, giá USD đang hạ nhiệt khi triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) có thể ngừng chu kỳ tăng lãi suất trước các số liệu thị trường việc làm bị thu hẹp, tăng trưởng chậm lại trong khi khủng hoảng ngân hàng vẫn đang có rủi ro tiếp tục bùng phát. Cùng với các dấu hiệu, này, hôm nay thứ Tư (5/4/2023), giá vàng thiết lập mức giá kỷ lục mới 2022,9 USD/ounce.

2. Ả-rập Xê-út đổ thêm dầu vào chảo lửa ở Mỹ

Dường như thế giới Ả-rập đang muốn đổ thêm dầu vào lửa, để đẩy Mỹ vào cảnh ngày càng khốn đốn và không lối thoát.

Vấn đề ở chỗ, quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, dù với lý do gì, thì dường như 
khối OPEC+ đang muốn xoá sổ thành tích hạ lạm phát của Fed. Dường như khối OPEC+ không muốn Fed chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất.

Trụ sở OPEC ở Vienne.

Thật tình cờ, OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu ở mức sốc 1,16 triệu thùng/ngày sau khi Fed giảm tốc tăng lãi suất 0,25%. Tình cờ, OPEC+ ra quyết định này khi lạm phát ở Mỹ đang xuống dần và Phố Wall đang ép Fed phải đảo chiều chính sách lãi suất để cứu ngân hàng đang bốc khói...

Lịch sử luôn chứng minh rằng các biến động của giá dầu là do xung đột địa chính trị, các cuộc chiến tranh, căng thẳng và đấu đá chính trị toàn cầu, không hoàn toàn do tổng cầu thế giới. Nó không phải là câu chuyện của thị trường. Giá dầu là câu chuyện chính trị. Nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của 8 tỷ dân cư khắp toàn cầu.

3. Lần cắt giảm sản lượng thúc đẩy tăng giá này khiến Mỹ thiệt đơn, thiệt kép.

Thứ nhất, lạm phát ở Mỹ chưa giảm như kỳ vọng, chủ yếu giảm nhờ giá năng lượng giảm. Dù vậy, lạm phát lõi (đã loại trừ giá năng lượng và lương thực) của Mỹ vẫn lỳ lợm ở mức 5,5% (vào tháng 2/2023), cao hơn lãi suất của Fed. Điều này nói lên rằng cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ còn phải kéo dài. Và rõ ràng, giá cả ở Mỹ đã thiết lập mặt bằng giá mới trong một thời gian dài. Lạm phát tổng thể của Mỹ hoàn toàn có thể bùng phát trở lại nếu giá năng lượng và lương thực tăng.

Lúc này, giá năng lượng tăng là thách thức lớn với ổn định và tăng trưởng của Mỹ. Bởi vì, giá dầu thúc đẩy lạm phát có thể khiến Fed tăng lãi suất tiếp thay vì dừng lại chu kỳ này. Vấn đề ở chỗ, thị trường tài chính Mỹ và các khối tài sản của các tổ hợp tài chính Mỹ đã không thể chịu được mức lãi suất đang dâng cao này.

Đồ thị: Lạm phát lõi ở Mỹ gần như không giảm đáng kể so với tháng trước đó vào tháng 2/2023 cho thấy giá cả đã thiết lập một mặt bằng mới, lạm phát vẫn cao và có thể bùng phát trở lại nếu giá dầu và giá lương thực tăng cao trở lại (Nguồn: Trading Economics)

Thứ hai, cơn bĩ cực của ngân hàng Mỹ chưa đi qua. Xác suất đổ vỡ các ngân hàng kế tiếp còn khá cao lãi suất. Với lãi suất hiện tại, các NHTM Mỹ ước tính mất 620 tỷ USD. Nhưng một nghiên cứu của Đại học New York ước tính tổn thất thực của các NHTM, chưa bộc lộ ra là 1,75 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 80,9% vốn điều lệ của hệ thống NHTM Mỹ. Đây là các con số được trích dẫn bởi một trong những nhà kinh tế học đáng kính nhất thế giới, ông Nouriel Roubini, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Roubini Macro Associates, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

GS. Roubini nói với Bloomberg Television: "Chúng ta không thể đạt được sự ổn định về giá cả, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính cùng một lúc. Vì vậy, cuối cùng, chúng ta sẽ gặp phải sự sụp đổ về kinh tế và tài chính".

Vấn đề ở các ngân hàng là các khoản đầu tư thiếu lành mạnh, các khoản đầu tư đó quá rủi ro với lãi suất. Mà lãi suất không thể không tăng sau khi lạm phát bùng nổ bởi suốt 13 năm Fed bơm tiền không giới hạn. Gần đây nhất, vào tháng 8/2021, chính sách tiền tệ của Fed vẫn là bơm tiền không giới hạn, có hiệu lực vĩnh viễn cho các ngân hàng Phố Wall; đảm bảo các ngân hàng của Mỹ thoải mái dùng tiền rẻ với bầu sữa không giới hạn từ Fed, đầu cơ và đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ở bất kỳ tài sản rủi ro vào.

Không chỉ Mỹ, giá dầu sẽ thúc đẩy lạm phát ở châu Âu và các nền kinh tế khắp toàn cầu bùng phát trở lại. Khiến các NHTW khác cũng chưa thể sớm chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất điều hành, vốn đang tác động tiêu cực tới bảng cân đối của các ngân hàng, các quỹ đầu tư, đầu cơ khắp toàn cầu.

4. Thế giới Ả-rập ngày càng bất mãn công khai với Mỹ

Sự khó chịu, chán ghét Mỹ đến mức không thèm lấp liếm bằng các ngôn từ ngoại giao chuẩn mực của các lãnh đạo Ả-rập Xê-út dành cho chính quyền ông Biden đã không  cần giấu giếm. 

Ngay từ khi đang tranh cử, ông Biden đã không ngừng chỉ trích Ả-rập Xê-út về cái chết của nhà báo ở Đại sứ quán tại Đức. Và ông Biden tiếp tục không ngừng chỉ trích sau khi đã bước chân vào Nhà Trắng.

Lựa chọn đối ngoại này của chính quyền ông Biden đã dâng tặng cho đối thủ chiến lược hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc hai đồng minh sáng giá nhất: Nga và Ả-rập Xê-út, những kẻ có quyền quyết định về sản lượng dầu, giá dầu thô của thế giới ngày nay.

Thực tế là, chính quyền của ông Biden chưa bao giờ thuyết phục được OPEC+ tăng sản lượng dầu để điều chỉnh giá. Nhà Trắng đã buộc phải xả dầu dự trữ để nhanh chóng chặn lại đà lây lan của lạm phát. Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm còn một nửa sau hơn 2 năm ông Biden tại vị trong Nhà Trắng. Hiện tại, dự trữ dầu thô của Mỹ tương đương mức dự trữ hồi năm 1984 (317 triệu thùng dầu). 

Mỹ đánh mất an ninh năng lượng. Đồng minh thân thiết của Mỹ là châu Âu càng khó khăn hơn khi các đòn trừng phạt Nga cũng đẩy nhiều nước thành viên vào thế khó về năng lượng.

Nga - Trung Quốc - Ả-rập và các đồng minh Trung đông chưa bao giờ thắm thiết như lúc này; kẻ thù của kẻ thù là bạn. Liên minh này nắm thứ vũ khí lớn nhất: năng lượng, lương thực, phân bón. Và rõ ràng, một đòn cắt giảm 1,16 triệu thùng dầu của OPEC+ đang chứng minh nhận định này.

5. Việc phá huỷ ngành khai thác dầu ngay trong nước Mỹ đang giúp kẻ thù của Mỹ

Trong nước, chính quyền tổng thống Biden ban hành các chính sách nhằm triệt hạ ngành khai thác dầu với lý do "chống biến đổi khí hậu"; từ việc huỷ dự án đường ống Keystone cho đến ngừng đấu thầu khai thác các dàn khoan dầu thô của Nhà nước khắp nước Mỹ. Rất nhiều dàn khai thác dầu thô bị đóng cửa.

Cuộc chiến với kẻ thù vô hình "biến đổi khí hậu" đang đẩy Mỹ và khó khăn: người dân ít tiền chi tiêu hơn, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, an ninh năng lượng tiêu điều, ngành ngân hàng nổ bong bóng nợ, người gửi tiền tháo chạy,.... Đại suy thoái và khủng hoảng, mẹ của tất cả các cuộc khủng hoảng, không cách nào không xảy ra như cảnh báo của GS. Roubini.

Giá dầu tăng, Nga hưởng lợi lớn. Nga có thể tăng nguồn thu từ bán dầu với giá tốt để nuôi chiên tranh. Trung Quốc không lo phải mua dầu với giá đắt. Trung Quốc sẽ được mua dầu của Nga với giá ưu đãi dành cho quốc gia thân thiện. Chỉ Mỹ và Eu sẽ chịu thiệt hại lớn hơn từ quyết định này.

Tuy nhiên, liên minh Nga - Trung Quốc - Ả-rập cũng đang chịu tổn thất không nhỏ: kinh tế suy yếu, bị thế giới cô lập (???). Vì thế, họ càng phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn, đoàn kết hơn, thúc đẩy không chỉ chiến tranh mà còn có thể là cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ hơn ở phía trước tại Mỹ và châu Âu, những kẻ thù cuả họ.

Bài viết sử dụng tiếp cận và phân tích của trang Facebook của bà Nguyễn Hà.
Nguồn: Trên mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét