Cảm tưởng khi thử đi tàu Cát Linh - Hà Đông
Tối thứ tư ngày 30/8 vừa rồi tôi đã thử đi tàu Cát Linh - Hà Đông lần đầu tiên trong đời. Dạy xong ở trường lúc 18h, tôi ra bến xe buýt ở cạnh trường đi 3 bến đến ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, xuống xe vào bưu điện gửi thư. Xong việc quay ra nghĩ phải đi bộ gần nửa km mới tới bến xe buýt mà trời rất nóng nên tôi hơi ngại. Đang băn khoăn suy nghĩ thì đi ngang ga Vành Đai 3 của đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thế là tôi đổi phương án, quyết định đi thử xem nó thế nào.Thủ tục dành cho người già quá đơn giản. lên tầng 2 chỉ cần giơ thẻ đi buýt miễn phí ra là nhân viên trực đưa ngay một tấm thẻ từ cho tôi và hướng dẫn tôi tiến đến máy tự động để quẹt thẻ. Thao tác rất nhanh, thoáng cái thanh chắn ngang cửa ra vào mở. Vì đã quá quen với đi tầu điện ngầm ở nhiều nước trên thế giới nên tôi lên tầng 3 vào khu chờ tàu được ngay.
Lúc tầu đến là 18h30. Trước khi tàu đến, quan sát gare, tôi thấy thiết kế và xây dựng cực kỳ đơn giản với vật liệu rẻ tiền. Bốn phía của ga đều trống hoắc nhìn ra ngoài trời xanh mây trắng, khác với ga tầu điện ngầm ở các nước kín đáo vì thường nằm dưới mặt đất. Trên tường cũng có bàng điện tử và bản đồ hướng dẫn như ở các nước; ngoài ra có thêm bảng điện tử báo còn bao nhiêu phút thì chuyến tàu tiếp theo sẽ đến. Tôi thấy chênh lệch giữa 2 tầu khoảng 10-12 phút. Mỗi phía của hai bên ke chờ tầu xuôi ngược đều có 1 nhân viên trực hướng dẫn, nhắc nhở khách đi tàu an toàn.
Tầu vào ga, khách xuống khách lên. Tôi cứ tưởng vào giờ cao điểm thì lượng khách đi tàu sẽ đông, nhưng thực tế mỗi toa chưa đến chục khách. Lượng khách ít như vậy thì làm sao thu hồi vốn được nhỉ ?
Toa tầu sạch sẽ, màu sơn còn khá mới. Điểm khác biệt so với tàu metro ở các nước châu Âu là tầu châu Âu thường lắp ghế ngồi theo hàng như xe buýt, từng cặp ghế đôi nối nhau hoặc đối diện nhau nhìn ra phía trước và phía sau tàu; lối đi bé ở giữa.
Ngược lại tàu Cát Linh - Hà Đông đặt hai hàng ghế song song với chiều dài của tàu; khách ngồi đối diện nhau và nhìn sang hai bên thành tàu. Nếu đi tàu Cát Linh - Hà Đông, những người không quen ngồi ngang với chiều đi của tàu sẽ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nhìn sang tàu Nhổn và tàu Bến Thành thì thấy bố trí ghế ngồi cũng y như vậy.
Hơn nữa, ghế băng dài của tầu làm chúng ta có cảm tưởng như ngồi tàu chợ bẩn thỉu ngày xưa, và khách phải ngồi dính sát vào nhau sẽ bất tiện. Cứ tưởng tượng phải ngồi dính sát một bà béo hay một ông say rượu, lúc tàu chạy, họ bị xô đẩy ngả ngốn vào mình, thì mình đã thấy khiếp. Lúc đó chỉ còn đường xuống tàu bỏ chạy.
Thấy cách bố trí chỗ ngồi trên tàu Cát Linh - Hà Đông bất hợp lý như vậy, lúc đó tôi đã nghĩ hay là nhà thầu Trung Quốc lắp ghế thế cho tiết kiệm. Vừa tiết kiệm ghế, vừa có thể thu hẹp chiều rộng của tàu. Quả thật đi dưới lòng đường Trần Phú - Nguyễn Trãi nhìn lên cao, tôi luôn có cảm tưởng bề ngang đường sắt Cát Linh - Hà Đông rất ngắn, nhất là so với đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội của nhà thầu Pháp đang thi công.
Tuy nhiên về nhà tra cứu, thì thấy bề ngang tàu Cát Linh - Hà Đông cũng không ngắn. Theo thông tin trên mạng, tàu Cát Linh do BSRS (TQ) sản xuất; Toa tàu Cát Linh rộng 2,8m. Tàu Nhổn do Alstom (Pháp) sản xuất; Toa tàu Nhổn rộng 2,7m. Tàu metro Bến Thành do Hitachi (Nhật Bản) sản xuất; Toa tàu Bến Thành rộng 2.9m. Bề ngang tàu metro ở các nước châu Âu thường cũng chỉ 2,65-2,8 mét.
Tàu chạy chậm nên khá êm. Loa thông báo chi tiết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nhìn cảnh tượng phố phường từ trên cao không thấy gì hấp dẫn. Tầu lần lượt đi ngang qua một số ga như Thượng Đình, Láng, Hoàng Cầu, La Thành...
Từ trên tàu nhìn xuống tôi thấy ở nhiều ga lối lên xuống tàu khá dài vì quanh ga diện tích đất thấp; phải đi trên cao khá xe mới có chỗ xuống. Đi lại trong ga và ra ngoài ga để chuyển tiếp sang đi xe buýt sẽ mất nhiều thời gian, và vất vả nếu ai mang xách hành lý nặng. Ngược lại, nếu đi buýt, việc chuyển từ xe này sang xe khác thường đơn giản, nhiều khi xuống xe rồi đứng nguyên ở chỗ đó chờ xe khác.
Tôi xuống ga Cát Linh, ở lối ra chỉ cần nhét thẻ vào khe là thanh chắn ngang được rút cho phép khách đi ra. Xuống tầng 1 thấy trống không. Ra ngoài thấy bãi gửi xe cho người đi tàu, cũng không có nhiều xa gửi. Tôi ra bến buýt cách đó 100 mét để chuyển sang đi xe buýt về nhà.
Cảm tưởng chung là tàu mới, sạch sẽ, đi êm. Ngoài ra cũng khó đánh giá các tiêu chí khác vì tàu mới được đưa vào sử dụng, tốc độ chạy rất chậm, lượng khách ít... Theo chế độ hoạt động này thì tàu chạy an toàn là đương nhiên. Chỉ khi nào cường độ hoạt động của tầu tăng lên, hành khách đầy toa, thì mới dễ đánh giá.
Tôi chỉ đi một lần cho biết, hoặc sẽ đi khi các tuyến đường bộ bên dưới bị tắc nghiêm trọng. Bình thường tôi sẽ vẫn đi xe buýt vì thuận tiện hơn, thời gian chờ đợi ít hơn và ít phải đi bộ hơn.
Tôi xuống ga Cát Linh, ở lối ra chỉ cần nhét thẻ vào khe là thanh chắn ngang được rút cho phép khách đi ra. Xuống tầng 1 thấy trống không. Ra ngoài thấy bãi gửi xe cho người đi tàu, cũng không có nhiều xa gửi. Tôi ra bến buýt cách đó 100 mét để chuyển sang đi xe buýt về nhà.
Cảm tưởng chung là tàu mới, sạch sẽ, đi êm. Ngoài ra cũng khó đánh giá các tiêu chí khác vì tàu mới được đưa vào sử dụng, tốc độ chạy rất chậm, lượng khách ít... Theo chế độ hoạt động này thì tàu chạy an toàn là đương nhiên. Chỉ khi nào cường độ hoạt động của tầu tăng lên, hành khách đầy toa, thì mới dễ đánh giá.
Tôi chỉ đi một lần cho biết, hoặc sẽ đi khi các tuyến đường bộ bên dưới bị tắc nghiêm trọng. Bình thường tôi sẽ vẫn đi xe buýt vì thuận tiện hơn, thời gian chờ đợi ít hơn và ít phải đi bộ hơn.
Ảnh ga vành đai 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét