Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Putin tiếp tục thể hiện sức mạnh phi thường của nước Nga

Putin tiếp tục thể hiện sức mạnh phi thường của nước Nga
Tổng thống Nga-Thổ Nhĩ Kỳ gặp mặt ở Sochi: 
Mối quan hệ ấm lại sau thời gian lạnh nhạt
Tác giả: Mustafa Arshid - Tại cuộc gặp với Erdogan ở Sochi, Putin đã bày tỏ rõ ràng lập trường cứng rắn của Nga về các vấn đề Ukraine, Syria và thỏa thuận ngũ cốc. Mục tiêu nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen theo đề nghị của Erdogan đã không đạt được. Tổng thống V. Putin nhắc lại lập trường cứng rắn của mình rằng, Moscow sẵn sàng xem xét khả năng khôi phục thỏa thuận này ngay sau khi các điều khoản liên quan đến Nga được thực hiện, trong đó có yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, kết nối ngân hàng nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Putin. Ảnh Kremlin

Những thay đổi đang diễn ra ở Châu Phi là kết quả của việc Nga khôi phục lại vai trò của mình, sau sự sụp đổ của Liên Xô. 

Mỹ coi cuộc khủng hoảng này là vấn đề của Pháp-Châu Âu chứ không phải là vấn đề của toàn bộ phương tây.

Kết quả là, Nga đang củng cố vị thế của mình bằng cách thách thức các quốc gia liên quan đến hành vi ‘trộm cắp’ tài sản của Châu Phi, trong đó có Mỹ.

Điều này được thể hiện rõ ràng nhất tại cuộc gặp giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 4 tháng 9 năm 2023 ở Sochi, Nga.

Nhà lãnh đạo Nga bình luận về vấn đề liên quan đến việc khôi phục sáng kiến ​​ngũ cốc Biển Đen, cho rằng 70% số ngũ cốc lẽ ra phải được gửi đến các nước nghèo nhất thực tế lại đến Tây Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẵn sàng đóng vai trò tích cực và tạo điều kiện trong việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine, tin rằng bước đầu tiên hướng tới điều này có thể là gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.

Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của tổng thống Nga Vladimir Putin cùng những tuyên bố của Ngoại trưởng Sergei Lavrov, đã dập tắt sáng kiến ​​​​của Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ khi nó còn sơ khai.

Người Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chấp nhận các điều kiện của Moscow.

Nga đang đạt được thành công trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ ở Châu Phi như đã đề cập ở trên; ở Syria, nơi Nga cùng với các lực lượng chính phủ đang ‘chống lại’ người Mỹ và dự án “Lực lượng dân chủ Syria” (SDF) của người Kurd (do Mỹ hỗ trợ) ở phía đông sông Euphrates; cũng như trên đấu trường quân sự chính – ở Ukraine.

Cuộc phản công của quân đội Ukraine đã thất bại thảm hại, bất chấp mọi phương tiện hậu cần, quân sự, tình báo và điện tử mà phương tây cung cấp cho Kiev.

Chính quyền Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc biến Bộ trưởng quốc phòng của họ thành “vật tế thần” cho cuộc phản công thất bại và thay thế ông ta bằng một người khác.

Châu Âu đang trải qua sự mệt mỏi to lớn, vì cuộc xung đột Ukraine do người Mỹ kích động.

Họ thấy sự vô lý của việc Hoa Kỳ ủng hộ Zelensky, người không thể đánh bại Nga, ngay cả khi có vũ khí tiên tiến của phương tây.

Đối với người Châu Âu, cuộc xung đột này ngày càng trở nên nặng nề, không giống như Moscow.

Thêm vào đó là những vụ bê bối tham nhũng liên quan đến việc mua thiết bị cho Lực lượng vũ trang Ukraine đắt gấp 2 đến 3 lần so với chi phí thực tế.

Trong số những điều khác, quân đội Nga đã có thể phá hủy 4 tàu quân sự do Mỹ sản xuất chở lính dù Ukraine, cũng như ném bom cảng Izmail ở Biển Đen, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trông hốc hác và thiếu khả năng nhào lộn chính trị, trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nga, Putin.

Erdogan trông không còn mạnh mẽ như chúng ta thường thấy trong các cuộc gặp với lãnh đạo các nước khác.

Putin thậm chí còn ngắt lời Erdogan khi nói rằng, Ankara đã cử nhiều máy bay đến dập tắt cháy rừng ở Nga, đồng thời nhắc ngay rằng, các đội cứu hộ Nga là những người đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở nước này.

Những điều trên đã khiến người Ukraine phẫn nộ, đặc biệt là khi Erdogan phát biểu hoàn toàn khác trong cuộc họp báo này.

Erdogan lấy lòng Putin, nói rằng Ukraine cần mềm mỏng hơn trong cách tiếp cận của mình. Kiev chỉ trích Erdogan và gọi những tuyên bố của Erdogan là không thể chấp nhận được.

Putin đã không bỏ lỡ cơ hội lên tiếng về cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời nhắc lại, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế vẫn tiếp tục chiếm đóng các lãnh thổ Syria.

Putin đã khiến Erdogan nghe thấy điều mà ông ấy không muốn nghe.

“Tương lai của Syria phải do chính người Syria quyết định – không áp đặt bất kỳ công thức hay mô hình nào có sẵn từ bên ngoài. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại chung của Syria, là tuyệt đối cần thiết, nguyên tắc này là không thể nghi ngờ”, Putin nói như vậy.

Tác giả: Mustafa Arshid (مصطفى أرشيد) là một nhà khoa học chính trị có trụ sở tại Al-Kafrein (Jenin) ở Palestine bị chiếm đóng
---------------------

Tổng thống Nga-Thổ Nhĩ Kỳ gặp mặt ở Sochi: Mối quan hệ ấm lại sau thời gian lạnh nhạt

12/09/2023 
(Tổ Quốc) - Ngày 4/9/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp nhau tại thành phố Sochi của Nga. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trung tuần tháng 7 vừa qua. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều vấn đề, nhưng hai vấn đề nổi bật nhất là Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và mối quan hệ hợp tác giữa Ankara và Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Bối cảnh cuộc gặp Putin - Erdogan tại Sochi

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ gần đây trở nên khá lạnh nhạt. Sau khi chấp thuận việc Phần Lan gia nhập Liên minh NATO tháng 3/2023, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang xem xét khả năng đồng ý Thụy Điển gia nhập Tổ chức này. Ông R. Erdogan cũng tuyên bố về khả năng thảo luận tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Đặc biệt, quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng khi Thổ Nhĩ Kỳ trao trả các sĩ quan của tiểu đoàn Azov cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống V. Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, dù Moscow và Ankara có thỏa thuận về việc giữ các tù binh Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ đến khi xung đột kết thúc.

Để thể hiện sự không hài lòng của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống V. Putin đã quyết định không tới thăm Ankara theo lời mời của Tổng thống R. Erdogan dự kiến vào tháng 8/2023 và sau đó ông R. Erdogan đã phải tới Sochi.

Thêm vào đó là việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, mặc dù mục tiêu chính ban đầu là nhằm chống lại Ukraine và các nước châu Âu, nhưng đây cũng là một thông điệp gửi đến Ankara, nước đóng vai trò trung gian có lợi ích trong việc thực hiện thỏa thuận này và trước đó đã nhiều lần thuyết phục Moscow quay trở lại.


Tàu chở hàng Razoni treo cờ Sierra Leone, chở ngũ cốc của Ukraine, ở Biển Đen ngoài khơi Kilyos, gần Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/8/2022. Ảnh: Reuters

Việc Nga tấn công các nhà máy Ukraine chuyên sản xuất và xuất khẩu các bộ phận sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và việc khám xét các con tàu thuộc một công ty Thổ Nhĩ Kỳ đi tới các cảng Ukraine gần đây cũng là một thông điệp khác của Moscow gửi cho Ankara.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn, đặc biệt sau cuộc động đất kinh hoàng tháng 2/2023. Theo thống kê của Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ lạm phát hàng năm lên tới 58,95%. Tập đoàn Goldman Sachs Inc. cho biết kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước khả năng suy thoái vào cuối năm 2023. Đồng Lira vẫn tiếp tục mất giá.

Tháng 5/2023, sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 3 liên tiếp, ông Erdogan đang cố gắng thực hiện các cam kết của mình đối với cử tri và muốn có một tư thế vững vàng khi đến dự Thượng đỉnh G-20 tại Ấn Độ và sau đó đến New York dự ĐHĐ Liên hợp quốc vào tháng 9 này. Trong bối cảnh như vậy, các nhà quan sát cho rằng việc gặp Tổng thống Nga V. Putin và việc quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là của Nga.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2023. Ảnh: CFP

Kết quả cuộc gặp Sochi

Mặc dù không có văn bản nào được ký kết, nhưng bản thân cuộc gặp gỡ đã là một thành công. Cả Tổng thống V. Putin và R. Erdogan đều đánh giá tích cực kết quả cuộc gặp. Tuyên bố của hai Tổng thống sau cuộc gặp, đã thể hiện sự nồng ấm đã trở lại trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống V. Putin tập trung vào mối quan hệ song phương và nêu rõ quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Ông cho biết, thành tựu rõ ràng là sự gia tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ, vượt quá 10 tỷ m3 trong 8 tháng. Dự án trung tâm khí đốt chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu khởi động cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thứ ba.



Trong thanh toán các hợp đồng thương mại, tỷ lệ sử dụng đồng tiền địa phương gần đây đã tăng mạnh so với đồng USD và Euro. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 69,8 tỷ USD, trong đó Nga xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 60,5 tỷ USD (tăng 128%), trong khi đó xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đạt 9,3 tỷ USD (tăng 43%).

Nhiều hàng hóa nằm trong danh sách trừng phạt Nga đang được vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2022, khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh, lên tới 5,1 triệu người.

Một kết quả tích cực khác là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai ở Sinop theo các điều kiện tương tự như dự án Akkuyu, tức là bằng các khoản tiền vay của Nga.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Sochi, Nga, vào ngày 5/8/2022. Ảnh: AFP

Mục tiêu nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen theo đề nghị của Erdogan đã không đạt được. Tổng thống V. Putin nhắc lại lập trường cứng rắn của mình rằng, Moscow sẵn sàng xem xét khả năng khôi phục thỏa thuận này ngay sau khi các điều khoản liên quan đến Nga được thực hiện, trong đó có yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, kết nối ngân hàng nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Ông Putin cũng khẳng định lại lời hứa cung cấp ngũ cốc miễn phí cho 6 nước châu Phi và sẵn sàng cung cấp 1 triệu tấn ngũ cốc giá ưu đãi cho Thổ Nhĩ Kỳ với sự giúp đỡ tài chính của Qatar, sau đó chuyển cho những nước nghèo có nhu cầu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây không phải là một giải pháp thay thế cho thỏa thuận ngũ cốc. 1 triệu tấn so với khả năng xuất khẩu của Nga vào khoảng 60 triệu tấn là khối lượng không đáng kể để có thể nói về giải pháp thay thế.



Mặc dù cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Erdogan ở Sochi không đem lại kết quả rõ ràng đối với các vấn đề được nêu ra trong chương trình nghị sự, đặc biệt là việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhưng nó đã góp phần đáng kể vào việc làm ấm lên quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra hướng đi tích cực trong quan hệ song phương và khả năng đạt được thỏa thuận về việc xuất khẩu ngũ cốc trở lại trong thời gian tới.

Điều hết sức quan trọng là trong tình hình các nước phương Tây đang tìm mọi cách cô lập Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ với Nga.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

https://toquoc.vn/tong-thong-nga-tho-nhi-ky-gap-mat-o-sochi-moi-quan-he-am-lai-sau-thoi-gian-lanh-nhat-20230911153804353.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét