Cái chết của nhà văn Ngô Tất Tố qua lời kể của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
FB Nguyễn Thị Hiền, 20-9-2023, FB Kim Văn Chính: Ngô Tất Tố qua lời kể của hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn Kim Lân. Cụ Ngô Tất Tố mất năm 1954 lúc bắt đầu cải cách ruộng đất lần 1. Cụ bị “đấu tố” và cụ đã ra đi rất tức tưởi.Công chúng văn học biết đến Ông – nhà văn Ngô Tất Tố với tác phẩm Tắt Đèn nổi tiếng và còn biết đến ông như một nhà báo tài năng sắc sảo, một nhà nho học uyên thâm. Nhưng qua trang viết của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (họa sĩ Nguyễn Thị Hiền con gái của nhà văn Kim Lân, người yêu – người đàn bà không tên trong thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ), chúng ta thấy được nhân cách cao đẹp, khí tiết lẫm liệt của ông. Xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:
***
Trên quả đồi Cháy, Ấp Cầu Đen, Yên Thế, Bắc Giang những năm tản cư chống Pháp, có mấy gia đình văn nghệ sỹ ở đó. Giữa đồi là nhà bố tôi (Nhà văn Kim Lân). Sát cạnh nhà tôi là nhà bác Hồng (Nhà văn Nguyên Hồng). Rồi đến nhà bác Bình (Họa sĩ Tạ Thúc Bình). Phía đầu quả đồi là nhà vợ cả bác Tố (Nhà văn Ngô Tất Tố và Họa sĩ Trần Văn Cẩn). Cuối quả đồi cũng là nhà bác Tố, nhưng đấy là nhà vợ hai của bác. Rồi sau có thêm cô Anh Thơ; bác Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm; cô Túc vợ bác Nhạc sỹ Đỗ Nhuận cùng về ở.
Tôi thường hay lấp ló đứng ngoài cửa xem bác Trần Văn Cẩn, bác Nguyễn Tư Nghiêm, bác Tạ Thúc Bình vẽ. Tôi có thể đứng im hàng giờ nhìn các bác vẽ.
Một hôm không nhịn được tôi đã đánh cắp 1 viên phấn của bác Tạ Thúc Bình ngồi hí hoáy vẽ. Tôi đã vẽ những nét đầu tiên nguệch ngoạc trên nền đất đỏ của quả đồi. Vẽ một hồi nhìn hòn phấn vừa lấy cắp của bác Tạ Thúc Bình trên tay, bỗng tôi xấu hổ quá! Bố mẹ đã dạy không được lấy bất kỳ cái gì của ai, tần ngần tiếc rẻ bức tranh vẽ trên nền đất đỏ, hối hận vì đã không nghe lời bố mẹ, tôi vội đứng lên rón rén trở lại nhà bác Bình, trả lại viên phấn vào chỗ cũ, thở phào nhẹ nhõm, lòng sao lâng lâng nhẹ nhàng thế…
Nhà bác Ngô Tất Tố trồng một khóm hồng, ra hoa đẹp lắm, mùi thơm ngát, thích quá, suốt ngày tôi đi vòng quanh cây hoa, ngắm nhìn, chỉ muốn hái một bông, nhưng nhớ lại chuyện viên phấn lấy của bác Bình, tôi lại đứng yên chỉ dám ghé mũi hít hà hương thơm của hoa, và cứ đi vòng quanh khóm hồng, không sao về nhà nổi.
Thấy tôi cứ đi loanh quanh hít hà xun xoăn bên khóm hoa hồng không về được, bỗng bác Tố bất thình lình xuất hiện. Tôi sợ quá, đứng im, miệng lí nhí: Cháu chào bác ạ.
Bác nhìn tôi hỏi: Sao bác thấy cháu cứ vòng quanh cây hoa của bác lâu lắm rồi?
Tôi líu ríu nói, cây hoa của bác ra hoa đẹp và thơm quá, cháu thích lắm nhưng không dám hái chỉ dám ngắm và ngửi mùi thơm thôi ạ.
Nghe tôi nói vậy, bác nói: Thế để bác hái tặng cháu một bông hồng nhé.
Nói rồi, bác nhẹ nhàng ngắt một bông hoa hồng đỏ thắm, cúi xuống đưa cho tôi và nói:
– Bác tặng cháu bông hồng này!
Vừa sợ vừa cảm động, tôi ngước nhìn bác, bác cao lớn nghiêm nghị, tôi lúc nào cũng tò mò nhìn bác và sợ bác lắm, vậy mà bác lại cúi xuống trìu mến nhìn tôi và tặng tôi bông hồng. Cầm bông hồng bác tặng trong tay, tôi líu ríu cám ơn bác, rồi chạy một mạch về nhà.
Bác Ngô Tất Tố cũng làm tôi thắc mắc lắm. Khi đó tôi nghĩ bác đã là già lắm rồi. Bác có hai vợ, bà cả sống ở đầu quả đồi phía đường đất đỏ, bà hai sống ở cuối đồi phía cánh đồng. Cứ buổi chiều chập choạng, bác Tố chống gậy đi xuống nhà bà hai, có một con vịt lạch bạch theo sau, buổi sáng bác lại chống gậy lên nhà bà cả, con vịt lại lạch bạch theo về.
Ngày nào cũng y như ngày ấy, chẳng hiểu bác luyện con vịt thế nào mà nó cứ theo bác không rời. Tôi cứ lấp ló đứng ở vườn nhà, đợi bác sáng đi, tối về qua cổng nhà tôi cùng con vịt, lòng lấy làm kỳ lạ lắm.
Ở trên đồi, tôi sợ bác Tố nhất, bác già rồi, lại uy nghiêm, không ồn ào vui vẻ như bố tôi và các bạn của bố. Đến như bố tôi vẫn phải gọi là cụ Tố, bác Tố. Chẳng ai dám cười nói kha kha, khơ khơ trước mặt bác như lúc các bạn của bố tôi bác Hồng, bác Nguyễn Huy Tưởng, bác Tô Hoài, bác Nguyền Đình Thi, bác Văn Cao, bác Trần Dần, chú Phùng Cung, Phùng Quán… uống rượu, cười nói với nhau cả. Vì thế, tôi cũng sợ bác lắm, chỉ dám đứng từ xa nhìn bác thôi.
Thế rồi, bỗng một hôm tôi thấy bố tôi cùng các bác buồn rầu, lo lắng ra mặt, đi ra đi vào thì thầm nói, cụ Tố quyết không chịu ăn uống gì, kiểu này chết mất thôi. Mọi người bồn chồn lo lắng, nhưng không ai làm được gì…
Rồi bác Tố mất vào năm 1954. Việc bác mất là một bí ẩn đối với tôi. Suốt 12 ngày bác tuyệt thực không ăn gì, bác quyết ra đi!!!
Mãi sau này tôi mới biết bác đã tuyệt thực đến chết để quyết tâm phản đối cải cách ruộng đất.
Sau này tôi đã tìm đọc các tác phẩm “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Lều chõng”, “Kinh dịch”… Bác còn dịch nhiều sách nữa. Hóa ra bác là một học giả uyên thâm, một nhà báo nổi tiếng với 59 bút danh, gần 1500 bài báo.
“Di sản báo chí ông viết để lại đã là những tư liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toàn diện và trung thực xã hội Viêt Nam đầu thế kỷ 20” (NXB Hội Nhà Văn Hà Nội 2004).
Bác thông hiểu kim cổ, tác phẩm của bác để lại, có những tác phẩm đến bây giờ người bình thường đọc cũng khó khăn và không hiểu nổi, cần phải có kiến thức cao, nghiên cứu nhiều mới hiểu được.
Bác Ngô Tất Tố được coi là nhà văn hàng đầu của trào lưu văn học hiện thực phê phán của Việt Nam trước năm 1945.
Bác đã quyết ra đi ngày 20 tháng 4 năm 1954 tại quả đồi Cháy, Yên Thế, Bắc Giang.
Bác được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1.
Để tưởng nhớ bác, Bố tôi và bác Nguyễn Tuân đã đóng trong phim “TẮT ĐÈN” theo tác phẩm của bác, do đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa làm đạo diễn.
Bông hồng bác tặng tôi lần đầu tiên trong tuổi thơ của mình. Mầu hoa đỏ thắm, âm thầm mãnh liệt, mùi thơm như còn phảng phất đâu đây, khiến tôi mỗi lần nhìn thấy lại nhớ đến bác với tấm lòng vừa kính trọng, vừa ngưỡng vọng, kèm theo nỗi sợ hãi cao vợi. Cảm giác đúng như cầm bông hoa đẹp trong tay, mùi thơm phảng phất, cao xa, mong manh mà vô cùng mạnh mẽ như cuộc đời của bác khó lòng ai với tới mà bác đã gửi lại trong tâm hồn của tôi mãi mãi.
______
Cập nhật: Sau khi đăng bài này, chúng tôi đọc được bài viết của bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái nhà văn Ngô Tất Tố, nói về việc cha của bà qua đời, từ Facebook của nhà văn Phan Thúy Hà. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, chúng tôi xin đăng lại toàn bộ nội dung như sau:
Ông cụ ốm, yếu dần, rồi ra đi. Cụ từng bị ngã dưới chân đồi, được hai người dìu về nhà.
Sau đợt ốm đó cụ vẫn đi làm, sức khoẻ yếu dần.
Anh tôi Ngô Mạnh Duẩn, uỷ viên ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc, anh bị hen, nghỉ việc về nhà vừa dưỡng sức vừa chăm bố.
Trước đó bố ăn uống đã rất kham khổ, có quả trứng gà nào chúng tôi nhường cho bố bồi bổ, bố cho rất nhiều tương vào để chia ra được cho các con cùng ăn và còn để phần sang bữa khác. Bố lại thường xuyên bị sốt rét. Có lần anh tôi mua được một lọ dầu cá về, bố cầm lọ dầu cá, lắc lắc và nói, uống hết lọ dầu cá này may ra khoẻ. Nhưng bố không khoẻ lên được chút nào mà lả dần, ăn gì vào cũng nôn, không nôn thì đi ngoài ngay lúc đó. Khoảng chục ngày trước khi bố mất, các cô chú ruột rà ngày nào cũng đến, ngồi quây quanh giường, mẹ và các con cứ ngồi vậy nhìn bố. Rồi bố trút hơi thở cuối cùng lúc khoảng 1 giờ sáng.
Tôi khi đó 16 tuổi. Tôi biết chứ. Nếu bố tôi tuyệt thực thì tôi nói là tuyệt thực. Tại sao phải giấu, tại sao phải chối. Sợ cái gì chứ, liên luỵ cái gì chứ. Có gì mờ ám hay bí mật đâu mà phải giấu. Bố chết như thế nào ngay trong nhà chẳng lẽ là con mà không biết, bố chết như thế nào chẳng lẽ cả gia đình anh em họ hàng không ai biết. Có gì bí ẩn mờ ám đâu mà chúng tôi phải ngại.
Tôi không hiểu tại sao người ta gán cho bố tôi cái chết như vậy.
https://m.facebook.com/login.php?next=https%3A%2F%2Fm.facebook.com%2Fminhquan.tranphan%2Fposts%2Fpfbid0HrevDi9qQyx3b4nbGxzPzFJFCvw9TMN1zmwgu4ZBAgTxckpefivhzNDV4KkA1GWbl&refsrc=deprecated&_rdr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét