Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

Ukraine cũng 'không có cửa' gia nhập NATO

Tình hình chiến sự Nga - Ukraine trên mạng rất loạn, thông tin giả chiếm chắc tới 90% vì họ đưa theo sở thích bịa đặt. Bên thân Nga toàn đưa tin Nga thắng lợi; bên thân Ukraine cũng toàn đưa tin Ukraine thắng lợi. Vì vậy, độ này dù ủng hộ Nga nhưng tôi cũng ít đưa tin về Nga. Tuy nhiên, quan điểm trong bài dưới đây  rất đúng. Đúng là Ukraine không có cửa gia nhập NATO, trừ khi NATO làm cho Nga tan rã thành nhiều quốc gia nhỏ; nhưng điều này chắc cũng cực khó khi Putin hoặc những người yêu nước Nga như Putin còn nắm quyền. 
Dù thắng hay bại trong cuộc chiến với Nga, Ukraine cũng 'không có cửa' gia nhập NATO
16/09/2023 Có nhiều lý do để chắc chắn rằng, khả năng Ukraine gia nhập NATO là không thực tế dù nước này giành chiến thắng hay thất bại trong cuộc chiến với Nga, theo Geopolitical Monitor.

Ukraine được cho là "không có cửa" gia nhập NATO dù thắng hay thua trong cuộc chiến với Nga. Ảnh IT

1. Ukraine gia nhập NATO - ý tưởng không thực tế

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, kết thúc với việc liên minh này một lần nữa từ chối tư cách thành viên của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự không hài lòng với việc NATO thiếu mốc thời gian hoặc tiêu chuẩn rõ ràng đối với tư cách thành viên của nước này.

Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh chỉ tuyên bố rằng Kiev sẽ được kết nạp vào liên minh nếu đáp ứng các điều kiện và nhận được sự chấp thuận của các đồng minh.

Điều này thể hiện sự mâu thuẫn giữa 31 thành viên NATO về vấn đề hội nhập Ukraine. Anh kêu gọi Mỹ và các đồng minh do dự khác như Đức ít nhất truyền đạt phần nào sự tán thành của họ bằng lời nói về việc Ukraine trở thành thành viên NATO, trong khi nhiều nước Đông Âu ủng hộ việc đưa Ukraine vào NATO.

Bất kể cách tiếp cận khác nhau, các thành viên NATO đều nhất trí về một khía cạnh: Việc Kiev liên kết với NATO sẽ kích hoạt Điều 5 và làm leo thang khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga chừng nào cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

Do đó, Ukraine không nên tham gia tổ chức này trong thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do cơ bản để trì hoãn việc Ukraine gia nhập NATO cho đến một thời điểm không xác định trong tương lai.

Tình trạng khó khăn sau chiến tranh mà Ukraine sẽ gặp phải cũng có thể kéo NATO vào một cuộc xung đột không mong muốn, cùng với chi phí cắt cổ của cuộc chiến. Điều đó chứng tỏ rằng tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh này là không thực tế, ít nhất là trong trung hạn.

2. Những thách thức đối với NATO sau chiến tranh Ukraine

Việc Ukraine gia nhập NATO sau chiến tranh có thể tạo ra hai khó khăn cho liên minh này. Thứ nhất là Mỹ có thể phải đối đầu trực tiếp với Nga do đảm bảo an ninh quy định tại Điều 5. Có khả năng sẽ xảy ra những vấn đề biên giới chưa được giải quyết giữa Ukraine và Nga sau chiến tranh. Điều đó sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi phong trào dân tộc của cả hai nước và làm xấu đi mối quan hệ của họ ngay cả khi họ đạt được thỏa thuận hòa bình.

Nếu Ukraine là thành viên NATO và tình hình biên giới trở nên căng thẳng, Washington phải hỗ trợ Kiev bằng cách triển khai lực lượng hoặc thậm chí là vũ khí hạt nhân. Điều này có thể dẫn đến kịch bản Thế chiến III khủng khiếp.

Thứ hai, việc áp dụng Điều 5 đối với Ukraine có thể gây nguy hiểm cho tính hợp pháp của nước này. Chính phủ Mỹ đã thể hiện qua lời nói và hành vi của họ rằng, Ukraine không quan trọng đến mức để họ phải xung đột trực tiếp với Nga. Vì thế một khi chấp nhận Ukraine gia nhập NATO, nếu Mỹ không bảo vệ nước này khi xảy ra xung đột, thì các thành viên NATO khác - đặc biệt là những nước vùng Baltic gần Nga - sẽ mất niềm tin vào các cam kết an ninh của Mỹ. Điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng về uy tín đối với NATO, biến liên minh trở thành một tổ chức không đáng tin cậy và không ổn định.

3. Chi phí chiến tranh

Vấn đề chi phí bao nhiêu để bảo vệ Ukraine cũng rất quan trọng. Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy rõ ràng rằng chiến tranh hiện đại và chiến tranh thông thường đòi hỏi nguồn lực vô cùng to lớn. Về mặt này, việc mời Ukraine gia nhập NATO sẽ dẫn đến những chi phí khổng lồ hơn - một gánh nặng đè lên vai nhiều quốc gia trong liên minh.

Trên thực tế, thành tích quân sự đáng chú ý của Ukraine phần lớn là nhờ vào số lượng và chất lượng hỗ trợ quân sự vượt trội của Mỹ. Nếu Ukraine trở thành thành viên của liên minh, gánh nặng cung cấp nguồn lực để bảo vệ Ukraine trong trường hợp xảy ra chiến tranh thông thường hoặc chiến tranh hạt nhân sẽ chủ yếu đè lên Washington.

Sự tham gia của Ukraine vào NATO vào thời điểm có những thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu và sự xuất hiện của các mối đe dọa an ninh mới khiến Mỹ cũng không thể giải quyết các lợi ích và ưu tiên thực sự của mình, đồng thời về lâu dài làm trầm trọng thêm các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này. Trong mọi trường hợp, với việc Ukraine gia nhập NATO, Mỹ sẽ phải gánh chịu rất nhiều cái giá phải trả vào thời điểm đòi hỏi Washington phải dành thời gian, sự chú ý và các nguồn lực ở nơi khác.

Trong khi đó, khác với phương Tây, Nga cho thấy sẵn sàng đấu tranh vì định hướng chiến lược tương lai của Ukraine. Lời đề nghị để Ukraine gia nhập NATO nhiều khả năng sẽ tạo cơ hội cho Nga tiếp tục chiến tranh. Nếu Ukraine bắt đầu quá trình gia nhập NATO sau khi chiến tranh kết thúc, Moscow sẽ ngăn chặn quá trình này hoàn tất. Theo nghĩa này, lời mời NATO tham gia liên minh tương đương với việc tiếp tục hoặc nối lại chiến tranh, làm giảm khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận ngoại giao nào và do đó làm tăng chi phí bảo vệ Ukraine.

https://danviet.vn/du-thang-hay-bai-trong-cuoc-chien-voi-nga-ukraine-cung-khong-co-cua-gia-nhap-nato-20230916091306928.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét