Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

Giẫm và ngồi lên thạch nhũ trong hang Sơn Nữ để chụp hình

Đi du lịch ở VN, nhiều khi tôi cũng rất bức xúc khi thấy người dân thiếu ý thức bảo vệ các di sản thiên nhiên cũng như các công trình văn hóa - kiến trúc. Điển hình như ở gềnh đá đĩa Phú Yên, dân thoải mái giẫm đạp đủ các loại giầy guốc dép lên các đá đĩa; cứ như thế thì chỉ ít năm là hỏng mất. Rồi rác rưởi vứt đầy xung quanh vì không có bảo vệ nhắc nhở. Ở nước ngoài, những di sản quý thế này luôn luôn được chính quyền cho làm rào chắn, rồi làm các đường đi bằng gỗ, đá xung quanh để du khách đứng gần ngắm chứ không được sờ mó, và tuyệt đối không được giẫm đạp. Do đó trách người dân một thì phải trách chính quyền mười; cụ thể là trách Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Lãnh đạo các tỉnh, thành phố có di sản đang bị người dân hàng ngày đối xử vô văn hóa.
Vô tư giẫm và ngồi lên thạch nhũ trong hang Sơn Nữ để chụp hình
Người dân địa phương vừa phát hiện một hang động mới trên địa bàn bản Đìu Đo, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Sau khi phát giác hang động tuyệt đẹp này, người dân gọi đó là “hang Sơn Nữ”. Hang động cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 7km, đường đi vào cửa hang thuận tiện.

Hang dài 1.5 km, cửa hang cao 30m, bên trong có dòng sông ngầm bắt nguồn từ biên giới Việt – Lào chảy qua bản Dốc Mây và xuyên qua hang. Đẹp nhất là trong hang có những khối thạch nhũ trắng chảy xuống, tràn ra như tấm lụa trắng khổng lồ lấp lánh.

Nhà cầm quyền địa phương và một công ty du lịch đã tổ chức chuyến khảo sát để đánh giá tổng thể, khám phá hang động kỹ hơn.

Tuy nhiên, khi xem các tấm hình chụp hiện trường bên trong hang của nhóm khảo sát này khiến giới chuyên môn kêu trời, về sự vô tư giẫm/ngồi/đứng trên thạch nhũ để chụp hình! 
Đoàn khảo sát của địa phương xã Trường Sơn đã vô tư ngồi trên thạch nhũ tuyệt đẹp nhưng mong manh của hang Sơn Nữ để chụp hình – Ảnh khoe trên mạng
Không chỉ ngồi, mà nhóm này còn đứng và đi lại trên thạch nhũ của hang Sơn Nữ để chụp hình – Ảnh khoe trên mạng

Thanh Niên ngày 13 Tháng Chín dẫn lời giáo sư tiến sĩ (GS-TS) Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam, nhận định Sơn Nữ là hang có nhiều nhũ đá đẹp (giới chuyên môn gọi là karst – hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn, chủ yếu là do khí carbon dioxide (CO2) trong không khí hòa tan vào nước, cộng với các ion dương của hydro (H+) tạo thành acid carbonic, là các nhũ đá, măng đá, sông suối ngầm, hang động tuyệt đẹp.

Thế nhưng, nhóm khảo sát đã làm việc không chuyên nghiệp. Họ đạp, ngồi, đứng trên các khối thạch nhũ tuyệt đẹp, đối tượng chính cần được bảo vệ trong một hang karst có thể phục vụ du lịch sau này!

Ông than: “Nếu để du khách tự do đi lại, leo trèo lên thạch nhũ thế này sẽ gây nguy hại, cản trở quá trình phát triển bình thường của chúng, dẫn đến thoái biến, mài mòn, mất đi vẻ tươi mới đầy sức sống của một hang hoạt động.

Cảnh leo trèo lên thạch nhũ như thế chứng tỏ nhóm bạn trẻ chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về bảo tồn hang động, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Tôi nghĩ việc ghi lại những tấm hình công khai như vậy thật phản cảm”.

Ôm nhau đứng trên thạch nhũ trong hang Sơn Nữ để chụp hình của đoàn khảo sát địa phương, rõ nhiệt tình cộng ngu dốt thành phá hoại – Ảnh khoe trên mạng

Tiền Phong ngày 17 Tháng Chín 2023 dẫn lời ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cho biết thạch nhũ, măng đá trong hang động là các thực thể rất mỏng manh.

Thạch nhũ là một kiệt tác được tạo thành từ tinh chất của đá và nước trong thời gian rất dài, có thể là hàng trăm triệu năm, ước tính cứ 10,000 năm thạch nhũ mới tăng được 1cm. Ở Việt Nam, quá trình này có thể nhanh hơn một chút do điều kiện khí hậu nhiệt đới, mặc dù vậy, thạch nhũ, măng đá phải mất một thời gian rất dài để tạo ra.

Vì thế ông Howard cho rằng việc giẫm/ngồi/đứng/đi lại trên thạch nhũ trong hang Sơn Nữ được phát tán trên mạng xã hội thời gian gần đây là những tác động thô bạo, gây hại đến thạch nhũ.

Thậm chí khi chạm tay vào, mồ hôi trên tay cũng có thể gây ảnh hưởng đến thạch nhũ. Ông so sánh: Các hang động đang phục vụ du lịch tại Quảng Bình, đơn vị khai thác không cho phép bất cứ ai chạm vào thạch nhũ hay đứng trên măng đá!

Chuyên viên Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh cũng mong muốn các đơn vị liên quan cần phải khảo sát chính xác, kiểm tra các yếu tố trong hang Sơn Nữ để xem liệu có khả năng khai thác du lịch hay không, đồng thời kịp thời có biện pháp để bảo vệ hệ thống thạch nhũ trong hang động này.

Ngồi lên thạch nhũ để chứng tỏ mình đã hiện diện trong hang Sơn Nữ của nhóm khảo sát địa phương – Ảnh khoe trên mạng

Độc giả báo Thanh Niên đã lên án hành vi giẫm đạp lên thạch nhũ của nhóm khảo sát địa phương. Độc giả Chương Trần thẳng thắn: “Đoàn khảo sát gì mà chuyên môn kém vậy trời. Nên xem lại trình độ nghiệp vụ của những người này”.

Độc giả Thanh Huỳnh viết: “Đây là minh chứng cho câu “có lớn mà không có khôn”. Nếu không vì thiếu ý thức thì cũng vì kém hiểu biết. Các anh chị cần phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình. Đáng buồn thay khi chính những hành vi thiếu ý thức của chúng ta đang “góp phần” tự tay phá hoại những cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng”.

Nhiều ý kiến khác đề nghị các cơ quan chức năng Quảng Bình có biện pháp bảo vệ hang động hữu hiệu, độc giả Ngoc An thẳng thắn: “Khảo sát hang động là việc của các nhà khoa học, nhà địa chất, còn chính quyền địa phương nên bảo vệ, giữ gìn cho đến khi có kết quả khảo sát tốt nhất, còn như nói trên, để cho nhóm người công ty du lịch vào khảo sát là quá xem thường “mỏ vàng” của địa phương rồi”.

Độc giả Nguyễn Linh đề nghị: “Trước mắt, các cơ quan chức năng cần làm việc với nhóm người này và đưa ra hình thức xử lý nếu thấy phù hợp. Sau đó phải có các giải pháp bảo vệ hang động, cũng như ngăn chặn các hành động xâm hại tương tự có thể xảy ra trong tương lai”.

Làm việc với Người Lao Động hôm 14 Tháng Chín, ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, thừa nhận vì còn thiếu kinh nghiệm, lần đầu tiến hành khảo sát trong hang Sơn Nữ nên mới để xảy ra sự việc có một số người đi lại, ngồi lên các khối thạch nhũ để quan sát, chụp hình và điều này vô tình “xâm hại” thạch nhũ mà đoàn chưa ý thức được tính nghiêm trọng của nó.

Sau chuyến đi, UBND xã Trường Sơn đã tổ chức họp rút kinh nghiệm và có văn bản nghiêm cấm người dân đi vào trong hang Sơn Nữ, tránh việc có thể gây ảnh hưởng đến thạch nhũ trong hang động này.

Xem thêm:
https://baomoi.com/dong-thai-cua-chinh-quyen-sau-khi-doan-khao-sat-vo-tinh-xam-hai-thach-nhu-trong-hang-son-nu/c/46948368.epi





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét