Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Đạo lý tu luyện đằng sau câu chuyện “Sư tử Hà Đông”

Đạo lý tu luyện đằng sau câu chuyện “Sư tử Hà Đông”
Tác giả Hữu Đức • Thành ngữ "Sư tử Hà Đông" cũng như câu chuyện đằng sau nó đã quá nổi tiếng, được biết đến rộng rãi, thậm chí đã đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân. Nhưng phải chăng đó chỉ là chuyện phiếm dân gian, châm biếm thói dữ tợn, ghen tuông của các bà vợ? Hay thực ra đằng sau còn ẩn chứa đạo lý uyên thâm nào đó?
Câu chuyện “Sư tử Hà Đông”

Vào thời Bắc Tống ở Trung Quốc, ở vùng Vĩnh Gia có người tên Trần Tháo, tự là Quý Thường, về sau lấy hiệu là Long Khâu cư sỹ. Lúc nhỏ, Trần Tháo thích chơi trò đấu kiếm, lớn lên thường lân la tìm gặp các khách giang hồ học võ nghệ. Khi đứng tuổi, ông bỗng thay đổi tính nết, chán cuộc sống giang hồ và muốn bước vào chốn văn chương, chữ nghĩa. Thế nhưng, do tài non trí đoản nên chẳng đâu vào đâu, quá nửa đời người mà công chưa thành, danh chưa toại.

Trần Quý Thường bất đắc chí, quay về sống ẩn dật rồi lấy vợ, sớm hôm vui thú ruộng vườn, tự nhận là cư sỹ nghiên cứu Phật pháp, Đạo lý. Thế nhưng, anh em bạn hữu - trong đó có thi hào Tô Đông Pha - vẫn thường xuyên lui tới cùng giải khuây bên chén rượu cuộc trà. Các cuộc vui như thế thường có sự xuất hiện của các ca nương xinh tươi, hát hay, múa đẹp. Thói đời tài tử giai nhân vẫn hay dập dìu như vậy.

Thấy thế, vợ Trần Quý Thường là Liễu Nguyệt Nga rất không bằng lòng. Lần nọ, bà cầm gậy vụt mạnh vào tường, vừa vụt vừa la mắng, quát tháo ầm ĩ. Khách khứa cùng hết thảy ca nữ thấy vậy thì vội vã rút lui. Còn Trần Quý Thường thì sợ đến đờ cả người, rơi cả gậy.

Nghe tin, Tô Đông Pha làm bài thơ đùa:

Long Khâu cư sĩ diệc khả liên
Đàm không thuyết hữu dạ bất miên
Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên

Tạm dịch:

Long Khâu cư sĩ đáng thương thay
Luận đàm Phật Pháp mấy canh chầy
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống
Bàng hoàng run sợ gậy rời tay
Biểu tượng và đạo lý đằng sau

Tương truyền kiếp trước của Tô Đông Pha là Hòa thượng Ngũ Giới, vì không vượt được ải nữ sắc, cảm thấy quá xấu hổ bèn tọa hóa mà đi đầu thai. Nhưng đến đời Tô Đông Pha thì vẫn chưa bỏ được cái nết ham vui, thậm chí ban đầu ông tìm đến Phật, Đạo cũng chỉ là để thỏa cái tính ham tìm tòi, nghiên cứu mà thôi. Tất nhiên đó cũng là thói chung của giới sĩ phu, trí thức - một phần thì hướng thượng, một phần thì vẫn đầy dính mắc, chấp trước.

Tô Đông Pha. Nguồn: Wikimedia.

Ngay trên bề mặt câu chữ bài thơ hài hước kia của Tô Đông Pha đã có những điều liên quan đến nhà Phật. Họ Liễu có đất tổ là Hà Đông, nên Liễu Nguyệt Nga được gọi là sư tử đất Hà Đông. “Sư tử rống” là chữ của nhà Phật, ví lời nói sang sảng uy nghiêm có thể trấn áp tà ác của các vị Bồ Tát, Phật như tiếng rống của sư tử, khiến các loài thú khác phải im lặng. Phật dạy người tu luyện phải dũng mãnh tinh tấn như hùng sư, trong chùa còn có “Đại Hùng Bảo Điện”, rất nhiều Bồ Tát, Thần Tiên cũng cưỡi sư tử.

Trần Quý Thường vẫn nhận là cư sĩ ngưỡng mộ Phật Pháp nên Tô Đông Pha bèn dùng chữ ấy để trêu. Ngoài ra, nhà thơ còn có ý đối sư tử với rồng: Long Khâu (hiệu của Trần Quý Thường) có nghĩa là Gò Rồng. Nam nhi ôm chí lớn vẫn thường ví von mình như rồng, gặp thời thì là rồng trên mây, không gặp thời thì là rồng ở ẩn. Con rồng đã bất đắc chí phải sống ẩn trong gò, lại còn không biết đường tinh tấn, chỉ chơi bời vô tích sự, thì bị hùng sư mắng cũng không oan. Liễu Nguyệt Nga vợ Trần Quý Thường, ở đây có khác nào thần thú hộ pháp, nghiêm khắc cảnh tỉnh đức lang quân.

Liễu (chữ Hán: 柳) là một họ người, đồng thời cũng có nghĩa là cây liễu, vốn là một biểu tượng tốt lành trong tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa. Cành, lá của cây liễu thon dài, mềm mại, đem cành lá ấy mà nhúng vào nước để rẩy thì được rất nhiều, rất đều và rất xa.

Bồ Tát Quán Âm của Phật gia dùng cành dương liễu để rảy nước cam lồ trong bình tịnh thủy, phổ độ chúng sinh. Thái Ất Thiên Tôn của Đạo gia cũng dùng cành dương liễu để rảy nước quỳnh tương trong chén ngọc, cứu khổ sinh linh.

Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn

Kinh Quán Đỉnh của Phật giáo có ghi lại câu chuyện Tỳ kheo Kiến Thiện Đề cắm cành liễu xuống đất liền mọc thành cây, dưới tàng cây có nước suối chảy ra, người dân bẻ cành cây, nhúng nước suối đem về nhà rảy lên người bệnh thì họ đều khỏe lại, cảm thấy thanh sạch, sảng khoái.

Quả thực, theo khoa học, cây liễu là loài cây mang dược tính quý báu. Cả cành, lá, hoa, quả đều có thể sử dụng để giải độc, tiêu viêm, thanh nhiệt.

Với nội hàm trừ tà, tiêu tai như vậy, cây liễu đã đi vào đời sống sinh hoạt xã hội, có địa vị cao trong văn hóa. Người Trung Quốc còn gọi cây liễu là “quỷ bố mộc” - “loài cây làm quỷ khiếp sợ”, mỗi khi đến Tiết Thanh minh thì trồng liễu bên mộ tổ tiên.

Người xưa có câu: “Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở; Vô tình cắm liễu, liễu thành rừng”, ẩn chứa nhiều tầng đạo lý sâu sắc. Hoa, tượng trưng cho nhan sắc đời người, sớm nở tối tàn, đã thế còn phải đôn đáo nâng niu săn sóc; liễu, vốn là pháp khí nơi Thần Phật, sức sống bền bỉ, không đòi hỏi gì nhiều. Con người mang nhân tâm, tình ý vô thường mà làm việc thì thường việc không thành, tự chuốc phiền não; nhưng buông bỏ nhân tâm, thuận theo tự nhiên, hướng đến Thần Phật, tâm linh, thường hằng, thì sẽ an lạc, tốt đẹp.

Quay trở lại câu chuyện sư tử Hà Đông. Cái tên Trần Quý Thường, tuy bề mặt chữ nghĩa không có gì đặc biệt, nhưng theo sự hài âm của tiếng Hán, lại gợi lên hàm ý "ở trong cõi trần, quý tiếc những điều thường nhân", còn cái tên Liễu Nguyệt Nga thì theo sự hài âm tiếng Hán mang ý nghĩa “liễu giải được nữ sắc Tiên nữ Nguyệt Nga - Hằng Nga), thế nên nó mang lại cảm giác cao khiết, hướng thượng, Thần Tiên hơn hẳn.

Vậy nên mới nói, cái lý đằng sau, cái lý tu luyện là khác biệt, thậm chí ngược hẳn với biểu hiện bề mặt chốn nhân gian. Người phụ nữ lo toan nấu nướng giặt giũ cho chồng con, có khác gì cành liễu rắc rẩy nước mát; người đó thấy chồng con sai quấy, có trách mắng, thì cũng như Hộ Pháp nhắc nhở quy chính nhân tâm quay về với Đạo. Lấy được người như thế, chẳng những không được chán ghét mà còn phải thấy vui.

Do đó có thơ rằng:

"Chưa tu ngỡ vợ như quỷ sứ
Học Phật nhìn lại hóa hùng sư"

Hữu Đức

Xem thêm: Sự tích sư tử Hà Đông

Tất cả đàn ông đều biết phụ nữ hay được gọi là sư tử Hà Đông. Nhưng tại sao lại thế và loài sư tử ấy như thế nào thì gần như thiên hạ mù tịt.

Ngày xưa, ở vùng Hà Đông có một loài sư tử khác với thứ sư tử nhìn thấy trên phim ảnh hiện nay, đặc biệt là phim hoạt hình, sư tử Hà Đông rất đặc biệt. Nó không to lắm cũng không cao lắm, nhưng nặng khoảng năm, sáu chục ký. Nó có lông đủ màu, từ vàng, trắng, đen, xanh, cam nhưng loài lông trắng là đẹp nhất.

Sư tử này ăn đủ thứ, từ thịt, cá, xúc xích, lạp xưởng cho đến khoai tây, rau củ, chuối, đu đủ, mãng cầu. Nó cũng không từ các món ăn vặt như xí muội, mít, cóc, ổi. Thỉnh thoảng vào một số ngày nó cũng ăn chay. Rất hiếm khi ăn thịt người, nhưng nếu đã thịt là thịt đàn ông, không khi nào ăn thịt trẻ em, phụ nữ và người già.

Sư tử này dáng đi mềm mại, cử chỉ dịu dàng, da mượt như nhung, kêu gừ gừ khiến nhiều người tưởng nhầm là hiền. Thực ra, nó vồ mồi rất nhanh, nuốt những con mồi sau đó lại ngồi cười e lệ. Nó cũng biết giả nai, chơi với cả chó, cả mèo nhưng thỉnh thoảng lại đánh đập chó mèo không hề báo trước.

Sư tử này rất quan tâm đến hình thức của mình. Nó có thể đứng bên bờ suối hàng giờ để soi xuống nước. Nhiều người đã tính bẫy sư tử bằng cách để gương trong rừng, nó cứ thế đứng ngắm trước gương và thợ săn chỉ việc đến tóm. Nó cũng không sợ cọp, không sợ trâu rừng, voi rừng nhưng cực kỳ sợ những con sư tử đẹp hơn nó. Nó thích hoa, đặc biệt là những hoa ăn được.

Sư tử Hà Đông cũng là loài duy nhất tự sửa đổi. Nó biết mài răng cho nhọn trên tảng đá bờ suối, biết kẹp mũi vào cành cây rồi kéo ra cho mũi thẳng và dài. Nó còn thường xuyên nhảy để hy vọng chân cao hơn, nhưng nó không hề để ý tới tỷ lệ nên nhiều con chân dài thì lưng lại ngắn.

Sư tử này có tính tích trữ. Gặp cái gì đẹp là nó tha về. Một hòn đá lấp lánh, một nhánh cỏ thơm, một lá cây đẹp là nó rước về để trong hang, tuy chả biết dùng làm gì mà ai xin cũng không cho. Về bản chất, nó rất tiết kiệm, ăn không ăn, mặc không mặc, dùng không dùng nhưng lại không buông.

Ưu điểm lớn của sư tử Hà Đông là khoái nhảy múa. Nó có khả năng uốn mình rất mềm mại và kêu những tiếng nho nhỏ rất đáng yêu. Tuy nhiên, nó có thể bất thình lình chuyển từ nhảy múa sang vồ mồi khiến các con vật khác chả làm sao tránh kịp. Khi nó không múa, nó thường xuyên ậm ừ trong cổ nghe như tiếng cằn nhằn.

Sư tử Hà Đông sống đơn độc nhưng chiều chiều hay tụ tập với nhau. Chả biết chúng tụ tập làm gì, nhưng qua chính diện và cử chỉ, có thể đoán là ngồi nói xấu các loài khác và các con sư tử khác. Rất buồn cười là khi ngồi với nhóm này chúng lại nói xấu nhóm kia.

Hằng năm, sư tử Hà Đông có một cuộc hội ngộ đông đủ ở một bãi cỏ trong rừng. Theo như tin đồn thì đấy là thi hoa hậu. Năm nào chúng cũng thi và năm nào cũng phàn nàn về kết quả. Khi trở thành hoa hậu, sư tử chỉ việc ngồi đấy, sẽ có đứa khác cho đồ ăn thức uống nhưng cũng có vài hoa hậu bị xơi tái cả thịt lẫn xương.

Lúc tóm được mồi, sư tử Hà Đông không ăn ngay mà mang chế biến. Cũng có món chế biến ngon, cũng có món chế biến dở nhưng đứa nào chê thì liệu hồn, có khả năng bị xé xác ngay. Cũng như tất cả các loài thú ăn thịt khác, trước khi xơi con mồi, nó còn tung lên ném xuống, quần cho tơi tả cho nên phần lớn con mồi đều chết trước khi bị cắn.

Sư tử Hà Đông đi lại rón rén, uyển chuyển khiến những người nhìn thấy rất say mê. Nó có hàng chục kiểu đứng, kiểu ngồi, có nhiều kiểu rất dễ thương và nhiều kiểu rất lộ liễu. Tuy nhiên, khi bắt mồi, nó nhanh như cắt, rồi sau đó lại ỏn ẻn cười.

Sư tử Hà Đông ghét cay ghét đắng những sư tử trẻ hơn mình. Gặp loại này, chúng thường húc cho rơi xuống vực hoặc ngã xuống sông. Hễ hỏi một sư tử Hà Đông tuổi bao nhiêu là bị nó ăn thịt liền.

Cuối cùng, sư tử Hà Đông ngày trước rất nhiều ở vùng Hà Đông, nhưng ngày nay đã phân tán đều sang các vùng khác. Tới đâu chúng cũng thay đổi, ngụy trang rất khéo, thậm chí có nhiều con còn bị nhầm là thỏ hoặc cừu, nhưng thỉnh thoảng bản chất sư tử vẫn lộ ra và khi kẻ nào không biết điều đó thường trả giá rất đắt.

https://thanhnien.vn/su-tich-su-tu-ha-dong-18585690.htm

1 nhận xét:

  1. cau truyen ngo ngan cua nhung ke tam than -doc truyen lam hu lop tre .

    Trả lờiXóa