Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

Quan trí và chữ nghĩa thời nay

Quan trí và chữ nghĩa thời nay
Hậu quả của một nền giáo dục vứt văn vứt sử vào sọt rác. Để phê duyệt, làm và treo được cái băng rôn này lên đây thì phải có hàng chục quan chức và nhân viên tham gia; vậy mà không một ai có ý kiến là sao ?

Chỉ mấy chữ trên cái băng rôn này đã cho nhân dân thấy quan trí thời nay thấp khủng khiếp như thế nào.
Quan trí như thế bảo sao đất nước thời nay nhìn đâu cũng thấy cảnh quái dị.
-------------------

Biết thì thưa thốt

Xưa nay ta vẫn hay kêu dân trí ta thấp, chuyện này rõ ràng như ban ngày, có điều ít ai nghĩ dân đẻ ra quan, nếu dân trí thấp thì quan trí làm sao mà cao được. Tất nhiên chẳng ai sinh ra đã giỏi giang, ai cũng bắt đầu từ không biết đến biết. Thấp cao không thành vấn đề nếu biết mình đang ở đâu. Biết sở học của mình còn nhiều thiếu sót để phấn đấu tu dưỡng là chuyện của mỗi người hằng này, từ quan đến dân ai cũng thế. 

Chuyện đáng nói là nhiều người khi đã ra làm quan, ăn trên ngồi tróc, lại tự cho mình là Anh biết tuốt, chỉ biết phán xét dạy dỗ mà quên mất lắng nghe học hỏi người khác, tự đó gây ra nhiều tấn bi hài cười ra nước mắt.

Chuyện xưa kể rằng có mấy ông lính ngồi buồn nghêu ngao mấy câu Kiều, thủ trưởng đi qua, nói thơ ai mà hay thế. Mấy ông lính nói thơ của Nguyễn Du. Thủ trưởng gật gù, nói đồng chí nào biết đồng chí Nguyễn Du ở đơn vị nào, trung đoàn đang cần có người phụ trách bích báo. Chuyện nay một ông quan chức tỉnh nọ gặp gỡ anh em văn nghệ trong tỉnh, nói các đồng chí phải học tập Nguyễn Tuân, ông viết Chị Dậu rất sâu sắc triết lý. Có người đùa, nói chị Dậu bây giờ làm ở Nông trường Sông Hậu đấy thủ trưởng ơi. Lập tức ông này vỗ đùi đánh đét, nói đúng rồi, chính là bà Ba Sương, tôi còn lạ gì.

Xưa, hầu hết các quan đều xuất thân từ văn, tức muốn làm quan phải đỗ đạt văn chương, nay khác, quan chức yếu kém văn chương chẳng ai lấy làm vì, làm nghề này yếu kém nghề khác chẳng ai cười chê cả. 

Có điều như ông bà ta dạy: biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe, làm quan cũng phải biết dựa cột nghe dân nói thế mới gọi là biết làm quan, chứ cứ gồng lên cao đàm khoát luận mấy thứ mình mù tịt chỉ tổ cho thiên hạ cười chê.

Một vị quan đầu tỉnh, khi được mời lên nói chuyện với anh em văn nghệ sĩ, đã khoát tay hùng hồn, nói nước Pháp vĩ đại đã sinh ra hai anh em nhà văn Rô Manh và Rô Lăng! Giá ông cúi xuống hỏi Romain Rolland là ai để người ta giải thích cho đó là nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1915,tác giả của Giăng Kristôv, khi đó ông được tiếng là ông quan hay, hơn là nhắm mắt nói bừa, gọi Rô họ Rô tên là hai ông Rô, lòi cái đuôi dốt của mình ra có phải khổ không.

Chủ tịch Hội Văn nghệ của một tỉnh tiếp đoàn văn nghệ sĩ Trung Quốc ghé thăm. Nếu ông thật thà nói rằng ông chẳng biết gì nhiều về văn hoá Trung Hoa, mong được chỉ giáo thì hay biết mấy. Đằng này ông ra sức chứng tỏ cái sở học của mình. Ông nói về Khổng Tử, Mặc Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử… vân vân Tử. Toàn những Tử ông chỉ mới nghe tên, còn sách họ dày mỏng, hay dở thế nào tất nhiên ông mù tịt. Cao hứng ông khua tay cao giọng, nói tôi ghét Đát Kỉ, Lữ Hậu nhưng yêu Lã Thị Xuân Thu. Lã Thị Xuân Thu là người đàn bà đáng trọng nhất lịch sử Trung Quốc!

Các văn sĩ Trung Quốc ngơ ngác không hiểu ra làm sao. Suốt năm ngàn năm lịch sử Trung Quốc không hề có bà nào nổi danh tên là Lã Thị Xuân Thu. Hóa ra ông nhầm cuốn sách với tên một người đàn bà. Lã Thị Xuân Thu là sách sử luận của ông họ Lã (tương truyền của Lã Bất Vi) viết về thời Xuân Thu, trăm sự do cái chữ thị mà ra.

Cũng vậy đối với một vị đứng đầu một thành phố nổi danh về văn hoá khi đến chỉ đạo một hội nghị khoa học. Đứng trước bao nhiêu giáo sư tiến sĩ, tiếng tây thuộc như cháo chảy, ông đã lớn tiếng khoe ông đọc báo Tây hằng ngày, ông nói “ Tôi có đọc tờ Niu oóc ti mét, người ta có nói rằng…”. Mọi người cười ầm, tờ New York times ông lại phát âm ra Niu oóc ti mét. Phát âm không được thì đọc cái gì.

Tuần vừa rồi nhân Quốc hội bàn về việc có nên làm tàu sắt cao tốc hay không, nhiều vị ủng hộ hăng hái lắm. Một vị nói:: “Xi măng, sắt thép đang dư thừa sẽ được dùng hết. Hàng nghìn lao động sẽ có việc làm”. Chả hiểu khi nói vậy vị này có bíêt vốn ODA là gì, phải dùng nó thế nào không và số tiền 56 tỉ đô la là bao nhiêu. Không lẽ vay vốn ODA để giải quyết số xi măng sắt thép tồn động? Nếu biết xếp tờ một đô la nối đuôi nhau thì 56 tỉ đô la sẽ có chiều dài 6.400 km*, hơn ba lần chiều dài nước mình, thì chắc chắn vị này sẽ không nói liều như thế.

Một vị khác cũng hăng hái ủng hộ làm tàu cao tốc đã nói: “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm… ”. Củng chả hiểu vị này có phân biệt tàu cao tốc, ga này cách ga kia hàng trăm km, với tàu điện hay không mà dám nói làm tàu cao tốc để “trẻ em đi học, bà mẹ đi làm”. Còn như bảo “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc” thì e rằng vị này không biết chỉ số IQ dùng để làm gì. Cũng có khi vị này nhầm IQ với ông AQ, một nhân vật của Lỗ Tấn bên nước Tàu chăng?

Than ôi quan trí nước nhà.
………………………….

* Lấy từ tính toán của bác Hiệu Minh

Nguồn: Bài của nhà văn Nguyễn Quang Lập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét