Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2025

Đua làm giàu là đua làm gì?

Bà Vũ Kim Hạnh từng là một tổng biên tập rất nổi tiếng của báo Tuổi trẻ (thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Theo tiểu sử bà trên wiki, đầu thập niên 1990, bà Hạnh chủ trương đẩy mạnh việc chống tiêu cực và đã thực hiện được một số vụ điều tra chấn động dư luận thời điểm đó. Loạt bài điều tra đầu tiên được ghi nhận là Xóm video đen. Và loạt bài điều tra thực thụ về vụ "Đường Sơn Quán" đã khiến số lượng phát hành của báo Tuổi trẻ tăng vọt từ vài chục ngàn bản mỗi kỳ lên hơn 100.000 bản mỗi kỳ rồi đứng vững ở mức số lượng đó. Năm 1992 bà Vũ Kim Hạnh bị xem là "phạm khuyết điểm" khi cho đăng một số tư liệu chưa được công bố liên quan đến đời tư của ông Hồ Chí Minh, như việc ông đã từng có vợ là người Trung Quốc. Bà bị đình chỉ chức vụ Tổng Biên tập. Khi "tổng kết" về bà Kim Hạnh trong giai đoạn này, Thành đoàn đi đến một nhận định là bà còn "non kém chính trị" trong khi một số bạn hữu cho rằng bà đã quá nhiệt tình và quá tin vào công cuộc Đổi Mới. Dù là người có khả năng tổ chức, đầy nhiệt huyết và kinh nghiệm, song sau vụ kỷ luật, bà Kim Hạnh vẫn bị "ngồi chơi" một thời gian dài. Ảnh bà ở cuối.
Đua làm giàu là đua làm gì?
FB Vũ Kim Hạnh 21-5-2025 Tôi cũng nghĩ, đâu có cần “phát động” thi đua làm giàu. Ai mà không ham làm giàu, cái chính là tạo sân chơi công bằng, lành mạnh; tạo điều kiện thực sự, minh bạch, là thiên hạ nhảy vô làm thôi. Vậy cổ vũ làm giàu thì xin quan tâm hai chuyện cùng lúc được không: Tạo điều kiện, môi trường thật ổn và cũng răn đe, chế tài thật nghiêm thì “đua làm giàu” mới làm nên ích nước lợi dân, chứ đâu có cần kêu gọi thi đua làm giàu mà chi?
1. Chuyện của Dương Ngọc Thái
Sáng nay mình vừa đọc bài Dương Ngọc Thái viết, qua email. Giọng vẫn luôn… rất Thái, hóm hỉnh, duyên dáng và có chút cà khịa. Xin đăng luôn ở đây vì nó thời sự và ngắn thôi.

“Hưởng ứng lời kêu gọi cả nước làm giàu (nói thiệt tôi hơi hoang mang, không hiểu trước khi có phong trào này thì cả nước chúng ta đã làm gì), tôi xin góp một chút trải nghiệm của tôi.

Tôi thấy công thức làm giàu như sau khá hiệu quả, ít nhất là ở quy mô siêu nhỏ như Calif:

1. Thu hút những kỹ sư đẳng cấp thế giới

2. Giao cho họ những vấn đề thú vị

3. Đặt ra mục tiêu chất lượng cực cao

4. Tránh ra một bên

5. Đếm tiền!

Tất nhiên, nói dễ hơn làm. Mỗi dấu chấm ở trên đều đặt ra những thách thức riêng và đôi khi chúng còn mâu thuẫn với nhau.

Chẳng hạn, làm sao để “đứng sang một bên” mà vẫn đảm bảo chất lượng? Công ty nào rồi cũng phải đối mặt với những công việc nhàm chán hoặc không mấy hấp dẫn. Vậy làm sao để giữ cho các kỹ sư giỏi luôn cảm thấy hứng thú và có động lực?

Làm giàu bền vững là làm giàu chung, không thể chỉ có một vài người giàu trong khi cả đám còn lại nghèo khổ. Vả lại muốn thu hút nhân tài thì phải trả lương bổng xứng đáng. Tức là phải chịu chi, nhưng làm sao để vẫn có lời, nhất là khi không dựa vào vốn đầu tư bên ngoài?

Chắc hẳn đã có cuốn sách nào đó trả lời những câu hỏi này. Ai biết chỉ giùm! Còn nếu chưa có, hi vọng rồi ai đó sẽ viết.

Còn hiện tại, tôi thấy có quá nhiều điều để học và thử nghiệm. Thật sự tôi không nghĩ làm giàu lại có thể vui như vầy”. (Hết trích)

***

Cũng trùng hợp khá hay là tối qua, một anh bạn tôi làm ở cơ quan xúc tiến thương mại một Bộ, vừa gửi cho tôi một tấm ảnh anh vừa chụp và nói vui vẻ: Thấy hai anh này đều là bạn chị, gửi chị xem cho vui. Ngoài Dương Ngọc Thái, mình bật cười, là anh Lương Việt Quốc, sếp hãng drone RtR chứ ai?

Thái ngồi ăn với Quốc tại nhà hàng ở phi trường DC. Thì ra cả hai đi dự một sự kiện mà một Bộ của Việt Nam 
qua Mỹ gặp các đối tác để đàm phán việc mua các sản phẩm của Hoa Kỳ.

Ảnh bà Vũ Kim Hạnh

Làm đúng nghề báo, mình nhờ anh Quốc trao đổi với Thái xem là Thái có “ẩn ý” gì không khi viết bài đó.

Trả lời: Anh Quốc cho biết, Thái nói, viết thực lòng lắm đó chị. Chỉ có chút vui vui khi đề cập chuyện “cả nước làm giàu”, còn lại thì Thái trải lòng thực sự khi kể về cách mà công ty của Thái đã và đang thực hiện thành công. Đó là công ty đã làm giàu bằng cách: “Kiếm cho được người giỏi thiệt giỏi, đưa đề tài khó thật khó cho người này làm, rồi tránh qua một bên cho người ta làm (đừng có micro-manage) để người đó tự do làm, là sẽ thành công”.

Thái nói, cách đó thực sự là cách mà công ty Calif của Thái đã thực chứng.

À ra thế, tôi cũng nghĩ, đâu có cần “phát động” thi đua làm giàu. Ai mà không ham làm giàu, cái chính là tạo sân chơi công bằng, lành mạnh; tạo điều kiện thực sự, minh bạch, là thiên hạ nhảy vô làm thôi, đâu có cần “đá vô cánh cửa đã mở” làm chi?

Thái đặt tựa đề cho bài viết, công thức làm giàu đâu? Rồi Thái tự trả lời. Ổn, sòng phẳng.

Đọc bài đó, tôi cũng chiêm nghiệm được một cách trả lời khác, thú vị không kém. Đó là đưa ra những câu chuyện, những trường hợp ngược lại, nói rõ ra là các “phản chính sách” và “phản điển hình” cho thiên hạ ngẫm nghĩ. Ắt là kiểu nói ngược ấy sẽ khiến nổi bật cách làm đúng, chính sách đúng, công thức đúng và lộ trình đúng, tất sẽ đem lại kết quả tốt.

Không biết là ngẫu nhiên hay do sự đời đưa đẩy mà gần đây mình thấy cách đưa ra công luận các “phản đề” này được thể hiện khá nhiều.

Như khi bàn góp ý việc thực hiện Nghị quyết 66, đã có ý kiến mạnh mẽ là trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp hãy cung cấp những quan niệm, cách làm không đúng, đi ngược hay đi trật tinh thần 66 cho các bộ phận chức năng (cho nhà nước và cho Đảng) như VCCI, Quốc Hội và các Hiệp Hội, là sẽ được ghi nhận và nhanh chóng xem xét, chấn chỉnh liền.

Hay nói chuyện thực tế, thì vụ án bắt tạm giam nguyên Cục trưởng ATTP ăn hối lộ, tiếp tay các doanh nghiệp làm trái pháp luật, tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm chức năng giả là một ví dụ về sự chế tài gắt gao. Cũng vậy, câu chuyện lần đầu tiên một hoa hậu sa lưới cũng còn đang nóng và rất rõ tính chất “phản đề” với NQ 66. Dù KOL được xã hội ưu ái tới đâu mà vi phạm pháp luật thì cũng phải xử.

Gần hơn nữa, hôm qua, mình vừa viết bài, nên chăng coi cách mà Cục quản lý ATTP của Bộ Y Tế trình tới 7 dự thảo sửa đổi nghị định 15 mà dự thảo mới nhất có hơi hướng “quay lại tình đầu” (tức trở lại nội dung tương tự dự thảo đầu tiên) thì nên xem kỹ, đúng thực như thế thì đây là bệnh gì trong hai bệnh mà Thủ tướng đã chẩn đoán: Một là thiếu ý chí chiến đấu, hai là bị bọn tội phạm mua đứt rồi.

2. Chuyện hoa hậu mới bị bắt Thùy Tiên

Mình vốn khinh cái trò “dậu đổ bìm leo” nên không nhắc Thùy Tiên để “lên án” cô, mà chỉ nhắc lại những điều mình thích Thùy Tiên và đang tiếc quá mà thôi.

Tháng 5 năm 2023 mình có may mắn đi chung chuyến đi thăm bộ đội Trường Sa với Thùy Tiên. Ấn tượng của mình là: Thùy Tiên thì đẹp vừa phải (vừa đủ là hoa hậu) nhưng em giản dị và thông minh hơn mức thường thấy của các nàng hậu. Em đấu cờ tướng với quý anh trong đoàn (cả trăm người) và vào đến chung kết, một buổi thi đấu phấn khích tưng bừng (nàng đấu với anh Phó ban thi đua của TPHCM) mà hầu hết cổ động viên chủ yếu cổ động cho người đẹp chứ không cho đấu thủ đấu giỏi (có cả hai ông sư trẻ nữa chứ).

Lúc đi thăm dàn khoan, em được các anh nhiếp ảnh “sắp xếp” một khung ảnh rất đặc sắc là đi từ dưới chân chiếc cầu thang rất cao leo lên tầng cao nhất của dàn khoan, và vì bận việc gì đó nên đến trễ, em xin lỗi rất thông minh-dễ thương (mình thích thái độ đó, chứ không phải vì nàng trễ mà mọi người rủ mình điền vô, nên mình cũng chụp được mấy bô ảnh đẹp và lạ, mà cả đời mình mấy khi được dàn cảnh công phu vậy để chụp ảnh?).

Hoa hậu Thùy Tiên trong chuyến đi thăm bộ đội Trường Sa. Từ trang Vũ Kim Hạnh

Thú vị nhất là khi đoàn đến thăm một đảo có cuộc sống khá đầy đủ như đất liền (có chùa, trường học, sân bóng…) thì bộ đội đón nàng hậu khá đông đủ. Cô đến, thong dong và hồn nhiên đặt một số câu đố vui có thưởng khiến các anh bộ đội trẻ càng hào hứng. Mà nàng đi hai tay không, thì phần thưởng đâu? Xin thưa, nàng nói rất dịu dàng, anh nào đáp trúng thì em xin ôm anh đó một cái nha. Chao ôi, phần thưởng sao mà “vô giá” và thông minh (và cũng quyền lực thế?). Nàng thưởng cho các chú bộ đội trẻ phần thưởng thật thân thiện, nhẹ nhàng và hữu nghị mà ai cũng vui hết.

Ngoài ra, đến đảo Trường Sa lớn, nàng còn tự đệm đàn hát tặng bộ đội (chứng tỏ nàng chịu khó tập đàn và hát công phu lắm, dù hát cũng… trung bình thôi)

Vậy mà, vậy mà… nàng hậu thông minh dễ thương đó cuối cùng cũng… sụp bẫy. Nàng thông minh, giỏi ngoại ngữ và nhiều tài mà, sao không hình dung được sẽ phải trả giá cái sự làm giàu thế nào?

Chỉ vì con quỷ giết người đó nó hung hiểm quá, sát thương quá ác, không từ một ai, từ Tổng thống của quốc gia giàu nhất thế giới, tới ông tướng khả kính Việt Nam vừa “mượn” của “doanh nhân” Trương Mỹ Lan có 5 triệu đô (chứ có bao nhiêu đâu, cứ đếm số zero khi viết ra thành tiền đồng Việt Nam là cũng không dễ nha), cho tới nàng hậu thân thiện, thông minh của tôi.

Truy nguyên thì theo tôi, chủ yếu vì cái con quỷ vô cùng ác độc và lợi hại là: XÈNG. Nói theo kiểu Nam Bộ, trớ qua một chút là thành XIỀNG. Mà chỉ “xích qua” có chút xíu, ranh giới mỏng hơn sợi tóc tơ của nàng là từ Xèng đã thành Xiềng, thành cái Còng số 8 rồi.

Vậy cổ vũ làm giàu thì xin quan tâm hai chuyện cùng lúc được không: Tạo điều kiện, môi trường thật ổn và cũng răn đe, chế tài thật nghiêm thì “đua làm giàu” mới làm nên ích nước lợi dân, chứ đâu có cần kêu gọi thi đua làm giàu mà chi?
------------------

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Ngày 30 tháng 4 năm 2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đây là một văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tại Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Nghị quyết 66-NQ/TW được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và đứng trước yêu cầu cấp thiết phải phát triển đất nước nhanh chóng, bền vững. Nghị quyết ra đời nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua, đồng thời tạo hành lang pháp lý vững chắc để huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điểm nổi bật của Nghị quyết:

  • Đánh giá toàn diện tình hình: Nghị quyết thẳng thắn chỉ rõ những thành tựu quan trọng đã đạt được trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng không né tránh chỉ ra những tồn tại, hạn chế như tư duy xây dựng pháp luật còn thiên về quản lý, chất lượng pháp luật chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thủ tục hành chính rườm rà và cơ chế phản ứng chính sách còn yếu.
  • Xác định bối cảnh mới: Nghị quyết nhận định rõ những thay đổi mang tính thời đại của thế giới, sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặt ra yêu cầu phải có những đột phá trong công tác pháp luật để tạo động lực cho sự phát triển.
  • Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: Nghị quyết nhấn mạnh vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng thời, tăng cường kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực này, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm.
  • Mục tiêu cụ thể, tầm nhìn dài hạn: Nghị quyết đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là hoàn thiện hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng hệ thống pháp luật đạt chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
  • Nhiệm vụ và giải pháp đột phá: Nghị quyết đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, bao gồm:
    • Bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng.
    • Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo phát triển, giải phóng nguồn lực.
    • Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm sự nghiêm minh, công bằng và hiệu quả.
    • Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật.
    • Xây dựng giải pháp đột phá về nguồn nhân lực pháp luật.
    • Tăng cường ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong công tác pháp luật.
    • Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
  • Tổ chức thực hiện khoa học: Nghị quyết chỉ rõ vai trò và trách nhiệm của từng chủ thể trong hệ thống chính trị, từ Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, Quốc hội, Chính phủ, đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nghị quyết số 66-NQ/TW thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý hiện đại, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Việc quán triệt và triển khai thành công Nghị quyết này sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao vị thế trên trường quốc tế và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét