Thứ Hai, 5 tháng 5, 2025

Khó như hòa giải

Nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng "Sự hòa giải dân tộc thực sự (nếu may mắn) chỉ có thể xảy ra khi những người làm nên lịch sử oai hùng và những người bị lịch sử hắt ra rìa nửa thế kỷ qua đều hóa thành một phần của lịch sử đất nước này". Tôi thì bi quan hơn bác Anh, vì tôi tin rằng dù những người làm nên lịch sử oai hùng và những người bị lịch sử hắt ra rìa đó mất đi thì con cháu họ với tư duy của người Việt hiện nay sẽ nối bước cha ông tiếp tục chiến đấu chứ nhất định không chịu hòa giải. Trong khi người phương Tây thường nhìn về tương lai, bỏ qua quá khứ, thì người Việt thường chỉ nhìn về quá khứ, không quan tâm tới tương lai. Cho nên người Việt luôn nhớ dai thù lâu, đời cha chưa đòi được thì đời con tiếp tục đòi. Thêm nữa, khi nhìn về tương lai, người phương Tây luôn luôn đặt ra các mục tiêu rất rõ ràng và quyết tâm phải đạt được. Họ cũng là những người duy lý nên làm gì cũng dựa trên phân tích khoa học. Họ rất hiểu các nguyên lý của khoa học xã hội, nhất là nguyên lý: "Con người đối mặt với sự đánh đổi, được cái này nhất định phải chấp nhận mất cái khác". Do đó, khi đàm phán để hòa giải, vì họ nhất định phải đạt được sự hòa giải nên trong đàm phán, họ chấp nhận có những nhượng bộ. Đây cũng là quy luật của kinh tế thị trường, cũng là cơ sở của lý thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith, theo đó người bán và người mua đều vui vẻ khi trao đổi mua bán hàng dù người bán chỉ muốn bán giá đắt, còn người mua chỉ muốn mua rẻ; người chủ và người lao động đều vui vẻ bắt tay nhau sau mỗi ngày lao động mặc dù người chủ chỉ muốn trả lương thấp và người lao động chỉ muốn được trả lương cao. Người Việt ngày nay vừa duy tâm vừa duy lợi, chỉ muốn "bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình", nên khắp nơi che giấu thông tin, dối trá, lừa đảo, và dĩ nhiên sẽ không chấp nhận nhân nhượng và do đó sẽ không thể hòa giải.
Khó như hòa giải
FB Tạ Duy Anh – Sự hòa giải dân tộc thực sự (nếu may mắn) chỉ có thể xảy ra sau một hai thậm chí nhiều thế hệ nữa, khi những người làm nên lịch sử oai hùng và những người bị lịch sử hắt ra rìa nửa thế kỷ qua đều hóa thành một phần của lịch sử đất nước này.
Năm 1990, lần đầu tôi gặp giáo sư Trần Quốc Vượng khi ông đến giảng bài. Lúc giải lao, ông tìm tôi để "khen" truyện ngắn "Bước qua lời nguyền" của tôi, đăng trên báo Văn nghệ trước đó mấy tháng. Ông bảo tôi :

- Mình rất thích cái kết... Cậu quái lắm. Đúng, các ông bà cứ thù hận nhau thế thì nên sớm chết đi, để bọn trẻ chúng tôi tự do yêu nhau.


Ngừng một lát, ông nheo mắt nhìn tôi, hỏi :

- Có đúng ý cậu không ?

Tôi đáp :

- Tùy thầy hiểu ạ.

Im lặng một lúc, vị giáo sư đầy cá tính nói bằng thứ giọng ngẫm ngợi :

- Xét cho cùng, phải một hai thế hệ nữa, sự hận thù gây ra bởi cuộc Cải cách ruộng đất may ra mới được hóa giải.

Không phải vô cớ tôi nhớ lại chuyện này. Nhưng trước hết xin trích lại đoạn kết của truyện ngắn vừa nhắc tới :

--------------

"Mọi việc tôi làm trong kỳ nghỉ phép đều không lọt mắt bố tôi. Ông đáp trả bằng sự im lặng. Đợi đến khi tôi xếp đồ vào ba lô, ông mới bất ngờ hỏi tôi :

- Tại sao con Quý Anh nó không đến ?

- Cô ấy sợ.

Bố tôi gục xuống và khi ông ngẩng lên tôi tưởng như không tin vào mắt mình : mặt ông bị vò nát bởi hàng trăm nếp gấp khắc nghiệt. Trên khuôn mặt ấy tôi thấy lại cái quá khứ vật vã đẫm máu và nước mắt mà bố tôi vừa căm ghét vừa hãnh diện. Trên khuôn mặt ấy như vừa thoáng hiện hình ảnh ông tôi, chú tôi, bị xé nát trong tiếng kêu cứu tuyệt vọng. Giá còn nước mắt hẳn ông đã khóc. Tiếng ông khô khốc :

- Chờ nhau ngần ấy năm... thời buổi này không dễ có mấy người. Anh chị đã quyết, tôi cũng không dám cản. Nhưng tôi chỉ xin ở anh một yêu cầu.

- Vâng, bố cứ nói.

- Anh hãy đợi khi nào tôi chết hẵng đưa nó về ở cái nhà này. Tôi biết nói ra điều ấy không xứng đáng với một ông bố. Nhưng tôi không thể... anh hiểu ý nguyện của tôi chứ ?

Bố tôi lại gục xuống như vừa bị cả một khối nặng khủng khiếp đè lên vai. Hình như ông đã khóc được".

------------------

Chỉ vì cái đoạn kết này, đặc biệt chỉ vì câu cuối, mà tôi mất thêm chẵn 6 tháng mới đặt được dấu chấm hết cho truyện.

Vâng, có lý do để tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với giáo sư Trần Quốc Vượng như vừa kể.

Trong đại lễ 30 tháng 4, một số bạn bè của tôi tỏ ra khá hẫng hụt trước cái không khí kể tội hừng hực, trái với tinh thần hòa giải. Tôi chia sẻ với họ sự hụt hẫng ấy. Nhưng đấy không hẳn là do chính trị. Đúng là còn quá nhiều người của "Bên thắng cuộc" coi quá khứ là nơi để bám víu, cố thủ với lý tưởng mà mình theo đuổi cả một thời tuổi trẻ. Tách khỏi quá khứ, họ thậm chí không biết sống tiếp thế nào. Nói khác, nghĩ khác về quá khứ, với họ là một sự phản bội.

Nhưng cần phải nói rõ một sự thật: Những mầm mống chia rẽ được nảy lên không chỉ từ cuộc chiến hơn nửa thế kỉ trước. Nó có từ lâu hơn rất nhiều, thậm chí trước cả thời xuất hiện những từ mang tính địa chí Đàng Trong, Đàng Ngoài ? (Tôi gọi đó là mối hận lịch sử, để phân biệt với mối hận chính trị đang chi phối thời hiện tại).

Trước khi trách chính quyền thiếu bao dung- điều đó không sai - chúng ta, mỗi cá nhân hãy tự vấn xem liệu mình có không là thủ phạm của chia rẽ ? Sự miệt thị văn hóa, phân biệt vùng miền vẫn ngày ngày xảy ra ở khắp nơi, trong mọi việc, dưới vô số hình thức và từ bất cứ ai, không khác gì nó là một phần của bản năng sinh tồn ! Sự miệt thị, kỳ thị có ở mọi sắc dân. Từ giới thợ thuyền ráo mồ hôi là hết tiền, lũ công chức vênh váo, đám quan chức đa số khệnh khạng, đến tầng lớp trí thức luôn coi mình là đỉnh chóp của lương tâm và trí tuệ. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến hai cổ cồn nện nhau tóe máu đầu chỉ vì bình phẩm đầy tính miệt thị giữa phở Hà Nội và phở Sài Gòn ?

Nói ngắn gọn : Cả lịch sử, văn hóa (ứng xử) và chính trị đang tương hỗ cho nhau trong cuộc chia rẽ.

Giữa bối cảnh ấy, lời kêu gọi hòa giải, tha thứ bị những "Âm thanh và cuồng nộ" nuốt chửng là điều dễ hiểu.

Tôi không hề bi quan. Tôi vẫn kiên nhẫn theo đuổi sự hàn gắn, hóa giải hận thù trong mọi việc làm cũng như các tuyên ngôn, diễn ngôn nghệ thuật. Nhưng tôi muốn nói rằng, thực ra là chỉ nhắc lại lời của giáo sư Trần Quốc Vượng :

Sự hòa giải dân tộc thực sự (nếu may mắn) chỉ có thể xảy ra sau một hai thậm chí nhiều thế hệ nữa, khi những người làm nên lịch sử oai hùng và những người bị lịch sử hắt ra rìa nửa thế kỷ qua đều hóa thành một phần của lịch sử đất nước này. Cả hai phía đều góp tạo nên sự thật cay đắng ấy nhưng đúng là phía "thắng cuộc" nên/phải tự nhận về mình trách nhiệm lớn hơn.

Đó rất có thể là số phận của đất nước này, quy định nên số kiếp của những người không sợ giặc nhưng sợ quan hơn sợ cọp; dễ dàng tha thứ, bỏ qua cho kẻ ngoại xâm nhưng sẽ nhớ rất dai mối thù anh em chỉ vì những chuyện bé tí. Một kho tàng những câu ca dao, tục ngữ nói về tình thương yêu đồng bào hóa ra không chắc đã là lời khuyên hay khen mà nhiều phần là lời cầu mong, lời trách, lời nhắc, lời cảnh tỉnh, lời can gián trước ... ?

Trong cuộc hòa giải chưa thành này đừng chỉ biết đổ lỗi, đừng nghĩ mình vô can.

TẠ DUY ANH 02.05.2025

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét