Thứ Ba, 20 tháng 5, 2025

Làm gì để trở nên giàu ?

Làm gì để trở nên giàu ?
Người ta kêu gọi rằng : Người dân thi đua làm giàu. Nghe qua tưởng như chuyện làm giàu là một đường thẳng, chỉ cần đi đúng hướng, đi đủ nhanh là sẽ tới đích. Nhưng thực tế thì khác.
Người ta chỉ nói thi đua làm giàu, chứ mấy ai chỉ cho người dân cách để giàu. Làm giàu không phải chuyện của khẩu hiệu, càng không phải thứ có thể chia đều cho mọi người như một phần thưởng cố định. Nó là một mê cung với hàng trăm ngả rẽ, không có tấm bản đồ nào vẽ sẵn.

Không ai muốn mình nghèo cả. Giàu có – ai mà không mong muốn. Đó là một khát vọng tự nhiên. Nhưng để người dân thật sự có thể trở nên giàu có, thì không thể chỉ kêu gọi. Phải có chính sách đúng, phải có một môi trường thuận lợi để làm ăn, phải có một hệ thống công bằng để người thật sự nỗ lực có thể vươn lên, thay vì bị đánh bật bởi những đặc quyền và sự bất minh. Nếu cái chợ còn lộn xộn, người ngay dễ thua kẻ gian. Nếu đồng vốn còn chịu nhiều rào cản, người giỏi cũng đành bó tay.

Không thiếu nơi trên thế giới đã chứng minh điều đó. Singapore chẳng hạn. Đó từng là một hòn đảo nhỏ không tài nguyên, bị xem là vùng đất không tương lai. Nhưng họ đã chọn đúng con đường. Họ không nói suông về làm giàu, mà tạo điều kiện cho từng công dân được học hành, được tiếp cận cơ hội, được làm việc trong một xã hội pháp quyền rõ ràng. Doanh nghiệp lớn nhỏ đều được đối xử công bằng trước luật. Người dân tin vào luật pháp, tin vào tương lai của chính mình. Và từ đó, họ giàu lên.

Còn ở ta, đôi khi cái gọi là cơ hội lại gắn liền với mối quan hệ, với giấy tờ, với thủ tục. Một người nông dân muốn chuyển đổi đất để làm ăn cũng phải đi lại bao nhiêu lần. Một người trẻ muốn khởi nghiệp cũng loay hoay với những thứ nằm ngoài năng lực chuyên môn. Đường đi không thiếu, nhưng gió ngược thì nhiều. Người tài vẫn có, người giỏi vẫn đầy, nhưng không phải ai cũng được tạo điều kiện để bứt lên.

Tôi nhớ có lần một doanh nhân nổi tiếng từng hỏi : Tiền nhiều để làm gì ?

Câu hỏi khiến nhiều người ngẫm nghĩ. Nhưng nếu đặt ngược lại : Làm gì để có nhiều tiền, thì ông không trả lời. Có thể vì câu trả lời đó không nằm trong một lời khuyên hay một cuốn sách. Nó nằm trong cả một hệ thống vận hành. Có người cày bừa suốt cả đời mà vẫn nghèo, có người chỉ một bước đúng thời điểm đã thành đại gia.

Vậy nên, khi thấy ai đó giàu có, xin đừng vội cho rằng họ giỏi hơn, siêng hơn, thông minh hơn. Và khi thấy ai đó nghèo khổ, cũng xin đừng nghĩ rằng họ không cố gắng. Không phải ai cũng có xuất phát điểm giống nhau, không phải ai cũng được đi trên một con đường sạch sẽ và bằng phẳng. Đừng biến sự giàu có thành một cuộc đua tự thân, mà quên mất rằng ai đó đã bấm giờ trước, ai đó đã rào đường sau.

Có những người cả đời chỉ mong đủ ăn đủ mặc, lo cho con cái học hành tử tế. Họ chẳng dám nghĩ đến chữ “giàu”, chỉ cần cuộc sống bớt chật vật đã là một giấc mơ. Nhưng giữa một xã hội không ngừng vận động, nơi giá trị con người đôi khi bị đo đếm bằng những thứ có thể quy ra tiền, thì việc không giàu cũng khiến người ta tự ti. Bởi vậy, người ta cứ chạy. Chạy theo cuộc đua làm giàu, chạy theo những hứa hẹn, những lời vẽ vời về cơ hội. Có người thắng, cũng có người mãi mãi hụt hơi.

Tiền nhiều để làm gì – có lẽ là để sống một đời đàng hoàng, không phải cúi đầu. Nhưng để có được nhiều tiền – lại có khi phải trả giá bằng thời gian, sức khỏe, thậm chí cả sự tự do trong suy nghĩ.

Giữa hai câu hỏi đó, điều đáng nghĩ hơn cả là : Nếu muốn người dân trở nên giàu có, thì hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Một quy định minh bạch, một môi trường cạnh tranh công bằng, một cơ chế hỗ trợ rõ ràng – có thể không mang lại sự giàu có tức thì, nhưng sẽ mang lại một niềm tin dài lâu.

TIỂU VŨ 19.05.2025

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét