Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2025

Bê bối rất xấu hổ cho nền dân chủ Mỹ: Giấu bệnh của Tổng thống

Bê bối rất xấu hổ cho nền dân chủ Mỹ: Giấu bệnh của Tổng thống
Trong kinh tế thị trường, thông tin chính xác, minh bạch, công khai và rõ ràng là yêu cầu quan trọng nhất để thị trường và nền kinh tế phát triển ổn định và dài hạn. Ở Mỹ, nơi thường được coi là công khai minh bạch nhất, việc công khai thông tin sức khỏe của Tổng thống không được quy định một cách rõ ràng và bắt buộc bởi luật pháp, nhưng vẫn tuân theo một số chuẩn mực truyền thống, chính sách tự nguyện và áp lực từ công chúng. 
Thượng nghị sĩ Ron Johnson. Ảnh: Getty Images

Dưới áp lực của Truyền thống và Công chúng, trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, các tổng thống Mỹ đều công bố báo cáo sức khỏe tổng quát do bác sĩ riêng hoặc bác sĩ quân y Nhà Trắng soạn thảo sau các buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu Tổng thống Mỹ không công khai tình trạng sức khỏe, điều đó không vi phạm pháp luật, nhưng có thể dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng về chính trị, lòng tin công chúng, và an ninh quốc gia, điển hình là:

1. Mất lòng tin của công chúng và báo chí. Trong xã hội dân chủ (và mọi chế độ dân cử khác), người dân có quyền biết năng lực điều hành của người lãnh đạo đất nước được mình bầu, nhất là nếu sức khỏe ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Việc giữ bí mật thông tin có thể bị hiểu là cố tình che giấu bệnh tật hoặc suy giảm năng lực, làm dấy lên hoài nghi về sự minh bạch; khi đó báo chí, các đối thủ chính trị và công chúng có thể gây áp lực dữ dội, thậm chí dẫn đến khủng hoảng truyền thông.

Người dân có quyền biết không chỉ vì cuộc sống của họ và nền kinh tế của đất nước phụ thuộc vào người lãnh đạo tối cao họ bầu mà còn có cơ sở pháp luật. Tu chính án thứ 25 (25th Amendment) của Mỹ quy định rất rõ về việc chuyển giao quyền lực trong trường hợp tổng thống đương nhiệm không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ. Nó cho phép hạ bệ Tổng thống và đưa Phó tổng thống lên thay. Vì vậy, Tu chính án này làm nổi bật tầm quan trọng của việc đánh giá, giám sát và công khai sức khỏe tổng thống.

2. Che giấu sức khỏe Tổng thống tạo điều kiện để bùng nổ các tin đồn và giả thuyết âm mưu, có thể làm hỗn lo
ạn thị trường tài chính, phản ứng tiêu cực từ giới đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, dẫn tới khủng hoảng kinh tế xã hội. Thực tế cho thấy nếu không có thông tin chính thức, dư luận dễ bị dẫn dắt bởi các thuyết âm mưu như “Tổng thống bị đột quỵ”, “đã bị mất trí nhớ” hoặc thậm chí “đã bị thay thế và đất nước bị lãnh đạo bởi một người hay một nhóm người không ai biết (như nhóm đầm lầy Washington)”, đồng thời những tin đồn này làm tổn hại uy tín cá nhân Tổng thống và uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Ví dụ Tổng thống Woodrow Wilson bị đột quỵ năm 1919, vợ ông và trợ lý đã lãnh đạo “hộ” ông trong bí mật suốt hơn 1 năm, không ai biết ông đã mất khả năng điều hành.

3. Rủi ro cho an ninh quốc gia và ổn định chính trị. Trong trường hợp Tổng thống thật sự mất khả năng điều hành, nhưng không công khai, có thể dẫn đến những chậm trễ trong xử lý các tình huống khẩn cấp (quân sự, ngoại giao, khủng hoảng trong nước), Gây rối loạn trong nội các, tranh cãi về việc ai thực sự đang điều hành và không ai nghe ai, và Các đối thủ nước ngoài có thể tận dụng thời điểm này để gây sức ép hoặc có những hành động nguy hiểm cho đất nước. Lịch sử thế giới cho thấy trong thời gian vua, hoàng đế, tổng thống... ốm nặng hay ốm rồi qua đời, đất nước rất dễ lâm vào hỗn loạn và bị nước ngoài xâm lược. Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt bị bệnh nặng trong nhiệm kỳ cuối nhưng đã che giấu, khiến nhiều quyết định trong Thế chiến thứ 2 không chính xác.
--------------------

1. Thượng viện Mỹ điều tra vai trò điều hành trong chính quyền ông Biden

Thứ Sáu, 23/05/2025 - Thượng nghị sĩ Ron Johnson đang tiến hành cuộc điều tra nhằm làm rõ ai thực sự điều hành nước Mỹ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Joe Biden, giữa lúc xuất hiện thông tin mới về tình trạng sức khỏe của ông.

Theo đài RT ngày 22/5, ông Ron Johnson - Chủ tịch Tiểu ban Điều tra An ninh Nội địa thuộc Thượng viện Mỹ - cho biết đã gửi thư mời nhiều cựu thành viên nội các dưới thời ông Biden để tham gia các cuộc phỏng vấn, nhằm làm rõ mức độ tham gia của ông Biden trong quá trình điều hành chính phủ khi còn tại nhiệm. Ông Johnson nhấn mạnh trọng tâm của cuộc điều tra là xác định liệu có tồn tại bất kỳ sự che giấu nào về tình trạng sức khỏe của cựu tổng thống và tác động của điều đó đến hoạt động của Nhà Trắng.

Trả lời Axios, ông Johnson cho biết cuộc điều tra tập trung vào các cá nhân từng có tiếp xúc trực tiếp với ông Biden và cho rằng công chúng có quyền được biết rõ về mức độ nhận thức của người lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ trước.


Ông Johnson cho biết ông sẽ mở cuộc điều tra nhắm vào tình trạng sức khỏe của cựu Tổng thống, đặc biệt là “vài chục người” từng “tiếp xúc trực tiếp” với ông Biden.

Vị thượng nghị sĩ cho biết mục tiêu của cuộc điều tra là nhằm xác định rõ “ai mới thực sự điều hành chính phủ Mỹ” trong thời gian ông Biden tại vị.

Thông tin điều tra được đưa ra chỉ vài ngày sau khi văn phòng ông Biden xác nhận ông đã được chẩn đoán mắc “ung thư tuyến tiền liệt”. Một số ý kiến từ giới bình luận đặt câu hỏi liệu bệnh tình này có được biết từ trước nhưng không công bố kịp thời.

Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng đề cập đến vấn đề này trên mạng xã hội Truth Social, cho rằng một số chính sách của chính quyền tiền nhiệm có thể đã được điều hành bởi các cố vấn trong khi ông Biden gặp hạn chế về sức khỏe. Tuy nhiên, Nhà Trắng và các nguồn chính thức chưa đưa ra phản hồi về các cáo buộc.

Tình trạng sức khỏe của ông Biden từng là đề tài được quan tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Sau cuộc tranh luận với ông Trump hồi tháng 6, nhiều đảng viên Dân chủ đã kêu gọi ông rút lui khỏi cuộc đua và ông Biden sau đó thông báo không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Thông tin về chẩn đoán ung thư được truyền thông chính thức xác nhận vào cuối tuần trước.

2. Nghi vấn ông Biden giấu bệnh ung thư từ khi còn làm Tổng thống

Một số bác sĩ và chuyên gia cho rằng cựu Tổng thống Mỹ có thể đã mắc ung thư từ nhiều năm trước, vì lúc này, bệnh của ông đã di căn tới xương.

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và vợ trong bức ảnh được ông đăng trên tài khoản cá nhân mạng X ngày 19/5/2025. Ảnh: X

Thông báo cựu Tổng thống Joe Biden được chẩn đoán bị ung thư giai đoạn muộn đã làm dấy lên những nghi vấn mới về việc liệu ông có từng che giấu công chúng về tình trạng sức khỏe của mình trong thời gian tại nhiệm hay không. Người kế nhiệm ông, Tổng thống Donald Trump, cũng cho rằng có thể đã có sự che giấu thông tin.

Theo trang Al Jazeera, phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng vào ngày 19/5, Tổng thống Trump bày tỏ nghi ngờ về thời điểm phát hiện ung thư giai đoạn muộn của ông Biden, trong bối cảnh dư luận đang một lần nữa đặt câu hỏi về thể trạng và tinh thần của cựu Tổng thống trong thời gian cầm quyền.

“Tôi ngạc nhiên vì công chúng không được thông báo từ lâu rồi”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

“Tại sao lại mất quá nhiều thời gian? Bệnh này diễn biến rất lâu. Có thể mất nhiều năm mới đạt đến mức độ nguy hiểm như vậy”, ông Trump nói thêm, ám chỉ mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư mà người tiền nhiệm mắc phải. “Vì vậy, hãy nhìn xem, đây là một tình huống rất buồn, tôi rất tiếc vì điều đó. Và tôi nghĩ người dân nên tìm hiểu xem chuyện gì thực sự đã xảy ra”.

Ông Trump cũng cho rằng các bác sĩ từng khám cho ông Biden khi còn tại vị đã “không nói sự thật”. “Đó là một vấn đề lớn", nhà lãnh đạo Mỹ nói.

Văn phòng cựu Tổng thống Biden ngày 18/5 cho biết cựu Tổng thống được chẩn đoán mắc một dạng ung thư tuyến tiền liệt tiến triển và ác tính, đã di căn tới xương.

Tuyên bố cho biết ông Biden được chẩn đoán vào hôm 16/5 sau khi xuất hiện các triệu chứng tiết niệu ngày càng nghiêm trọng, và hiện ông cùng gia đình đang cân nhắc các phương án điều trị.

Theo tuyên bố này, các bác sĩ đã đánh giá bệnh ung thư của ông Biden với điểm Gleason là 9 – trong thang điểm phân loại từ 6 đến 10 – cho thấy đây là một trong những dạng ung thư tuyến tiền liệt ác tính nhất.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn có tỷ lệ sống sót sau 5 năm trung bình chỉ 28%, theo thông tin từ Trung tâm Y khoa Johns Hopkins.

Trước đó trong ngày 19/5, ông Biden đã bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã gửi lời động viên và chia sẻ.

“Ung thư chạm đến tất cả chúng ta”, ông Biden viết trên mạng xã hội. “Giống như nhiều người trong số các bạn, tôi và Jill đã học được rằng chúng ta mạnh mẽ nhất ở những nơi từng bị tổn thương. Cảm ơn vì đã nâng đỡ chúng tôi bằng tình yêu và sự ủng hộ”.

Tin tức về bệnh ung thư của ông Biden xuất hiện trong bối cảnh sức khỏe của cựu Tổng thống đang bị soi xét trở lại, trước thềm ra mắt một cuốn sách mới tiết lộ cáo buộc về việc nội bộ thân tín của ông đã che giấu sự suy giảm thể chất và tinh thần của ông trong thời gian cầm quyền.

Cuốn “Original Sin”, do người dẫn chương trình của CNN, Jake Tapper và phóng viên Axios, Alex Thompson viết, chứa đựng nhiều tình tiết gây sốc về tình trạng được cho là sự suy yếu sức khỏe của ông Biden – bao gồm một sự việc trong đó ông được cho là đã không nhận ra nam diễn viên Hollywood George Clooney tại một buổi gây quỹ vào năm 2024.

Trong phát biểu ngày 19/5 về thông tin chẩn đoán ung thư của ông Biden, Tổng thống Trump đã liên hệ căn bệnh này với cáo buộc che giấu tình trạng sức khỏe tâm thần của cựu Tổng thống.

“Nếu nhìn lại, cùng là một bác sĩ từng nói rằng Joe hoàn toàn tỉnh táo, không có vấn đề gì”, ông Trump nói. “Có những chuyện đã xảy ra mà công chúng không hề được thông báo, và tôi nghĩ ai đó cần phải chất vấn bác sĩ của ông ấy”.

Một số bác sĩ đã công khai bày tỏ nghi ngờ về thông tin mà Văn phòng ông Biden cung cấp, cho rằng ung thư ở giai đoạn cuối như vậy phải mất nhiều năm để phát triển.

“Ngay cả với dạng ung thư ác tính nhất, quá trình từ lúc khởi phát đến khi di căn cũng mất khoảng 5–7 năm nếu không điều trị”, ông Steven Quay, chuyên gia bệnh lý học kiêm Giám đốc điều hành của công ty dược sinh học Atossa Therapeutics, viết trên mạng X.

“Nói cách khác, sẽ là hành vi sơ suất y khoa nếu một bệnh nhân chỉ được phát hiện bệnh ở giai đoạn di căn vào tháng 5/2025. Rất có thể ông ấy đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt trong suốt nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, và người dân Mỹ không hề được biết”, chuyên gia Quay nói thêm.

Howard P. Forman, giáo sư ngành X quang tại Đại học Yale, cho rằng “thật khó tin” nếu bệnh ung thư của ông Biden không được phát hiện trước khi ông rời nhiệm sở, vì điều đó có thể đã được phát hiện thông qua xét nghiệm máu PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt).

“Mức điểm Gleason là 9 thì đáng ra chỉ số PSA đã phải tăng cao từ lâu trước khi được chẩn đoán. Và ông ấy chắc chắn đã từng làm xét nghiệm PSA nhiều lần. Điều này thật kỳ lạ”, ông Forman viết trên X.

Tuy vậy, Peter Nelson, chuyên gia ung thư tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết vẫn có khả năng ung thư tuyến tiền liệt có thể phát triển và di căn nhanh chóng trong thời gian ngắn, dù trường hợp phổ biến hơn là bệnh vẫn khu trú và không được phát hiện trong nhiều năm trước khi tiến triển.

“Ung thư tuyến tiền liệt hoàn toàn có thể phát triển và lan rộng trong khoảng thời gian rất ngắn – nghĩa là trong vòng một đến hai năm”, ông Nelson nói với Al Jazeera.

“Vì vậy, có thể tin được rằng một người đàn ông ở độ tuổi và cương vị như ông ấy có thể phát triển và tiến triển ung thư mà không bị phát hiện. Trường hợp này không phổ biến, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Nelson nói thêm.

Daniel W. Lin, chuyên gia ung thư tuyến tiền liệt tại Hệ thống Y tế UW ở bang Washington, cho biết mặc dù rất có thể ông Biden đã mắc ung thư từ nhiều năm, vẫn có khả năng ông chưa từng làm xét nghiệm PSA.

“Vẫn còn tranh cãi trong giới y khoa về việc sàng lọc bằng PSA, và nhiều hiệp hội y khoa không khuyến nghị làm xét nghiệm PSA sau tuổi 70 hoặc 75, dù cũng có nơi khuyến nghị dựa theo kỳ vọng sống hoặc tình trạng sức khỏe thay vì giới hạn tuổi”, chuyên gia Lin nói với Al Jazeera.

Ông cũng cho biết có thể ông Biden mắc một dạng ung thư hiếm không thể phát hiện bằng xét nghiệm này.

“Trường hợp này không phổ biến, nhưng cũng không phải quá hiếm. Hơn nữa, nếu điều đó xảy ra thì thường là trong các loại ung thư có cấp độ ác tính cao, như trường hợp của cựu Tổng thống Biden” - ông Lin nói - “Xét về xác suất, ông ấy không thuộc dạng này, tuy nhiên điều đó vẫn có thể xảy ra".

Peter Black, Giám đốc Trung tâm Tuyến tiền liệt Vancouver tại Canada, cho rằng khả năng hợp lý nhất lý giải cho việc chẩn đoán ung thư đột ngột này là do bệnh không bị phát hiện trong các lần xét nghiệm.

“Phỏng đoán hợp lý nhất của tôi là ông ấy đã làm xét nghiệm PSA hàng năm từ lâu, vì đó là điều dễ hiểu đối với một người từng là Thượng nghị sĩ, Phó Tổng thống, rồi Tổng thống Mỹ, và rằng chỉ số PSA của ông hoàn toàn phù hợp với tuổi tác, không gây ra báo động gì”, ông Black nói.

“Thông thường, chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt di căn đi kèm với chỉ số PSA rất cao, nhưng ở một nhóm nhỏ bệnh nhân, PSA lại ở mức bình thường”, ông Black lưu ý.

3. Căn bệnh ung thư của cựu Tổng thống Joe Biden nghiêm trọng tới đâu?

19/05/2025 Ngày 18/5, văn phòng của cựu Tổng thống Joe Biden thông báo ông đang chiến đấu với một dạng ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn mạnh, với điểm Gleason là 9. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai tại Mỹ.

Theo kênh ABC News, thông báo cũng cho biết căn bệnh của ông Biden đã di căn đến xương.

Căn bệnh được phát hiện sau khi một nốt bất thường nhỏ được tìm thấy ở tuyến tiền liệt của ông Biden trong một cuộc khám sức khỏe định kỳ ngày 13/5. Người phát ngôn của ông cho biết phát hiện này đòi hỏi phải đánh giá thêm.

Vào tháng 2/2023, khi vẫn còn tại nhiệm ở Nhà Trắng, ông Biden đã được loại bỏ một tổn thương ung thư trên ngực. Trước khi nhậm chức, ông cũng từng được phẫu thuật Mohs để loại bỏ một số ung thư da không hắc tố.

Ưng thư tuyến tiền liệt là gì?

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư hình thành trong mô của tuyến tiền liệt - một tuyến nhỏ ở nam giới sản xuất tinh dịch.

Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai tại Mỹ.

NIH ước tính trong năm nay sẽ có khoảng 313.780 ca mới được chẩn đoán, chiếm hơn 15% tổng số ca ung thư mới.

Ước tính sẽ có khoảng 35.770 ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt trong năm nay, chiếm 5,8% tổng số ca tử vong do ung thư.

Ung thư tuyến tiền liệt có tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm khoảng 98%, tức là 98% bệnh nhân còn sống 5 năm sau chẩn đoán.

Thông thường, loại ung thư này tiến triển rất chậm và việc phát hiện sớm trước khi xuất hiện triệu chứng không giúp cải thiện sức khỏe hay kéo dài tuổi thọ đáng kể.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã lan rộng, ung thư tuyến tiền liệt thường là loại vẫn có khả năng điều trị tốt.

Theo NIH, khoảng 12,9% nam giới sẽ được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt trong đời. Vào năm 2022, Mỹ có khoảng 3,5 triệu nam giới đang sống chung với căn bệnh này.

Độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán là 68 tuổi, còn tuổi trung bình khi tử vong do căn bệnh này là 79 tuổi.

Từ năm 2013 đến 2022, tỷ lệ mắc mới đã tăng trung bình 1,8% mỗi năm, nhưng tỷ lệ tử vong lại giảm trung bình 0,6% mỗi năm từ 2014 đến 2023.

Điểm Gleason là gì?

Hệ thống phân loại Gleason, hay điểm Gleason, phản ánh mức độ có thể lan rộng của ung thư tuyến tiền liệt, nhưng không dự đoán chính xác kết quả điều trị.

Theo NIH, điểm Gleason mô tả mức độ bất thường của tế bào ung thư trong mẫu sinh thiết và mức độ tế bào có khả năng phát triển, lan rộng nhanh đến đâu.

Điểm số này được tính bằng tổng điểm của hai nhóm tế bào ung thư lớn nhất trong mẫu mô được sinh thiết.

Hệ thống chấm điểm thường dao động từ 6 đến 10.

Ông Biden được chẩn đoán điểm Gleason 9, cho thấy ung thư ở mức độ xâm lấn cao.

Điểm 9 cho thấy tế bào ung thư khác biệt rõ rệt so với tế bào tuyến tiền liệt bình thường và có khả năng phát triển, lan rộng nhanh chóng. Điều này khiến tình trạng bệnh của ông Biden được xếp vào nhóm nguy cơ cao nhất (Nhóm 5), đi kèm với nguy cơ di căn rộng và tiên lượng khó khăn hơn. Tuy nhiên, do loại ung thư này vẫn phản ứng với nội tiết tố, nên vẫn có hướng điều trị hiệu quả.

Các lựa chọn điều trị khả thi

Dù phác đồ điều trị chính thức của ông Biden chưa được công bố, nhưng các lựa chọn có thể bao gồm liệu pháp hormone, tức là liệu pháp ức chế androgen (ADT) nhằm làm giảm mức hormone nam, yếu tố có thể thúc đẩy phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Liệu pháp này có thể làm chậm tiến triển bệnh và kiểm soát triệu chứng, ngay cả khi ung thư đã lan đến xương.

Việc theo dõi nồng độ PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) định kỳ là rất quan trọng, vì mức PSA tăng có thể chỉ ra hoạt động của ung thư và giúp đánh giá hiệu quả điều trị.

Trong các trường hợp như ông Biden, khi ung thư đã di căn đến xương và không còn khu trú tại tuyến tiền liệt, phẫu thuật thường không còn là lựa chọn khả thi.

Sau khi ông Biden được chẩn đoán, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) ra thông báo: “Thông tin này là lời nhắc nhở về tác động nghiêm trọng của ung thư tuyến tiền liệt tại Mỹ. Phát hiện sớm là then chốt và chúng tôi quan ngại trước thực tế tỷ lệ chẩn đoán ở giai đoạn muộn đang tăng 5% mỗi năm. Chúng ta cần và phải làm nhiều hơn nữa để ngăn ngừa các chẩn đoán muộn và tử vong do ung thư tuyến tiền liệt”.

Giới chức Mỹ chia sẻ với ông Biden

Trong khi ông Biden và gia đình đang xem xét các phương án điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo chính trị khác của Mỹ bày tỏ ủng hộ ông Biden.

Tổng thống Trump cho biết ông rất buồn trước tin người tiền nhiệm được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và chúc ông hồi phục thành công. Ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: "Melania (Đệ nhất phu nhân Mỹ) và tôi rất buồn khi nghe tin về chẩn đoán sức khỏe gần đây của Joe Biden. Chúng tôi gửi lời chúc ấm áp nhất và tốt đẹp nhất đến Jill (Biden, cựu Đệ nhất phu nhân) và gia đình, và chúng tôi chúc Joe hồi phục nhanh chóng và thành công".

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết bà thấy buồn khi biết về chẩn đoán này, đồng thời viết thêm trong bài đăng trên mạng xã hội X: "Joe là một chiến binh - và tôi biết ông sẽ đối mặt với thử thách này bằng sức mạnh, khả năng phục hồi và sự lạc quan vốn luôn định hình cuộc sống và khả năng lãnh đạo của ông. Chúng tôi hy vọng ông sẽ hồi phục hoàn toàn và nhanh chóng".

Ngoại trưởng Marco Rubio đã đăng trên mạng xã hội X: "Jeanette và tôi cùng cầu nguyện cho gia đình ông Biden trong thời điểm khó khăn này".

https://baotintuc.vn/the-gioi/thuong-vien-my-dieu-tra-vai-tro-dieu-hanh-trong-chinh-quyen-ong-biden-20250523060632634.htm

https://baotintuc.vn/the-gioi/nghi-van-ong-biden-giau-benh-ung-thu-tu-khi-con-lam-tong-thong-20250520204811629.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét