Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Hàng cây 2.5 tỷ chết khô trên đường mới thông xe

Hàng cây 2.5 tỷ chết khô trên đường mới thông xe
Sau bao nhiêu lần “lỗi hẹn”, cuối cùng dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài cũng đã được thông xe vào cuối tháng Giêng năm 2023. Nhưng theo nghi nhận của dân Hà Nội, con đường mới làm không có một bóng râm, vì hàng cây mới trồng trước đó không có dấu hiệu của sự sống. Chúng cứ trơ trụi thân cây, chẳng buồn ra chồi. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những tổn thất này ?

Hàng cây giá 2,5 tỉ đồng trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài nghi bị chết khô – Ảnh: Tuổi Trẻ

Cho đến nay, chỉ có vài cây còn sống, ngoài ra hầu hết các cây đều chết với thân cây bong tróc vỏ, trơ trụi; gốc gây bị mục nát, biến dạng…

Anh Nguyễn Quang Thành (ngụ ở quận Đống Da) cho biết trong thời gian qua, anh không thấy lực lượng chăm sóc cây đâu cả, cây không được tưới nước thường xuyên.

Có lẽ đây là nguyên nhân khiến cây chết gần hết. Theo nhận định của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa thì nguyên nhân có thể do thời tiết thời điểm trồng không phù hợp hoặc do kỹ thuật trồng.

Nói chung, chuyện cây chết không liên quan đến Ban Quản lý, vì công trình đang trong giai đoạn bàn giao để đưa vào sử dụng, trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo hành cây xanh mới trồng do nhà thầu thi công thực hiện.

UBND quận Đống Đa đã yêu cầu nhà thầu thi công tuyến đường trồng thay thế ngay cây nghi bị chết khô. Theo kế hoạch, việc này sẽ được triển khai thực hiện trong tuần tới.

Có khá nhiều trang mạng đưa tin về cây chết, hình như lấy từ một nguồn, nên không trang mạng nào cho biết tên loại cây “dễ chết” này là gì.


Dự án đầu tư xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 6/2018 và giao UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 340 tỷ đồng, trong đó gói thầu hạng mục trồng cây trị giá 2,5 tỷ đồng.

Tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài có chiều dài khoảng 1,3km, bề rộng mặt cắt ngang đường từ 28,3 - 30m, điểm đầu giao với ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh, điểm cuối tại vị trí nút giao Voi Phục.

Và đây không phải lần đầu cây xanh ở Hà Nội bị chết khô.

Vào đầu năm 2018, TP Hà Nội đã cho trồng 100 gốc cây phong lá đỏ tại tuyến phố Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh với hy vọng sẽ mang lại cho thủ đô diện mạo mới.

Trong hai năm đầu, loạt cây này vẫn sinh trưởng khá ổn định, tuy nhiên lá không chuyển hẳn sang được màu đỏ như kỳ vọng. Đến năm 2020, nhiều cây có dấu hiệu rụng lá, chết khô, thậm chí có vài cây bị nứt toác thân khi trời chuyển sang đông.

Đến tháng 4-2021, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng về việc thay thế cây phong bằng một loại cây mới.

Lý giải về nguyên nhân cây phong lá đỏ chết, Trần Ngọc Chính – chủ tịch Hội Công viên xây xanh Việt Nam – cho biết phong lá đỏ là một loại cây ôn đới, quen sống trong khí hậu lạnh, không thể thích nghi với môi trường đô thị nhiệt đới nắng nóng, mưa nhiều.

Theo ông Chính, trước khi trồng loại cây này lãnh đạo Sở Xây dựng không chịu nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu tại Hà Nội nên “cây chết là tất yếu”.

Còn theo GS.TS Lê Đình Khả – nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp, sai lầm lớn nhất của Hà Nội là chọn cây nhưng không trồng thử đã đưa vào trồng với số lượng lớn dù chưa hiểu biết gì về loài phong lá đỏ. Nguyên tắc lớn nhất của một loài cây khi đưa vào trồng là phải trồng thử trong 3-4 năm xem nó phát triển như thế nào. Mua cây giống thì đắt tiền, công chăm sóc lớn, bây giờ thay thế, quá lãng phí.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những tổn thất này ?

nguồn: Trên báo.
https://vietnamnet.vn/ha-noi-hang-cay-nghi-chet-kho-tren-duong-340-ty-dong-vua-thong-xe-2127600.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét