Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (13 tháng 5 năm 1491 – 28 tháng 11 năm 1585), tên huý là Văn Đạt, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam – Bắc triều (Lê – Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam.
1. Thời Xuất Chính (Không phải 8 năm mà là 30 năm!)
Đỗ đầu thi hương, thi hội, thi đình, Tam nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm Đông Các hiệu thư (sửa chữa văn thư, sau thăng Tả Thị Lang Bộ Hình, Bộ Lại, kiêm Đông Các Đại Học Sĩ - Tam phẩm).

Trong 8 năm tại triều (1535-1542) ông từng dâng sớ xin chém 18 lộng thần. Năm 51 tuổi đời vua Mạc Phúc Hải, ông cáo quan về quê. Ít năm sau triều đình lại vời ông ra làm Thượng Thư Bộ Lại, Thái Phó, phò giúp vua nhỏ Mạc Phúc Nguyên (1546-61), cùng với Mạc Kính Điển là chú vua và là cột trụ chống đỡ nhà Mạc.

Trong khoảng 55 tới 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy không ở hẳn kinh đô Thăng Long, nhưng vẫn cáng đáng nhiều việc triều chính, lúc bàn quốc sự, lúc đi đánh giặc, nhà Mạc tôn kính ông như quân sư, phong ông làm Trình Tuyền Hầu (vì thế dân gian mới gọi là Trạng Trình). Mãi tới ngoài 70 tuổi ông mới hoàn toàn quy ẩn nơi quê nhà.

2. Thời Quy Ân và Triết Lý Sáng tạo “Trung Tân”

Ông về quê năm 1563, sống đời tiên thoát tục trong Am Bạch Vân, bắc cầu Trường Xuân, Nghênh Phong, làm nơi nhàn tản nhìn trăng hóng mát. Ông lại khuyên dân làng trồng cây bờ đê để lấy bóng dâm, mở chợ làm nơi buôn bán, tu sửa đình chùa... Ông cùng học trò dựng quán Trung Tân nơi bến Tuyết giang, cho khắc văn khuyến Thiện trên bia đá, bài bia này nói lên triết lý tư tưởng cao siêu của Trạng Trình:

“... Toàn kỳ thiện giả vi trung, bất toàn kỳ thiện giả tắc phi trung dã... Tân giả tân dã, tri sở chỉ vi yếu tân, bất tri sở chỉ tắc mê tân dã... Trung chi sở tại, tức chí thiện chi sở tại...”

nghĩa là:

“…vẹn toàn điều Thiện là Trung, không vẹn toàn điều Thiện thì không phải là Trung... Tân là cái bến, biết chỗ dừng lại là bến chính, không biết chỗ dừng lại là bến mê ... Nghĩa chữ Trung chính là ở chỗ Chí Thiện...”

Có lẽ trong nghìn năm Nho học mới thấy một nhà Nho giải nghĩa chữ Trung Dung một cách giản dị, đầy đủ và sáng tạo như vậy. Cốt tủy của Trung phải là Thiện, không có lòng Thiện thì biết đâu là chỗ Trung, chỗ đúng tiết, chỗ “chính ngay ở giữa” mà dừng lại! Tâm bất chính thì lạc vào bến mê, tâm giác ngộ thì biết bờ bến để neo thuyền, tư tưởng này phảng phất tư tưởng “Đáo bỉ ngạn” tức tới được bến của nhà Phật. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nối Nho vào Phật Lão, mang lại cho nhà Mạc cái vinh dự tiếp tục tư tưởng Tam Giáo Đồng Tôn mà nhà Lê độc tôn Tống Nho đã đánh mất, và đánh mất nặng nề truyền thống dân bản khai phóng của Lạc Việt.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy,” Trạng Trình có phong thái của một Lã Vọng Khương Tử Nha ngồi câu bên bờ sông Vỵ, một Gia Cát Lượng nằm ngâm thơ chân núi Ngọa Long:

Ngư ông bất ngộ Đào nguyên khách
Khởi thức hưng vong thế cổ kim!

Tương truyền cụ Trạng thường cùng các nhà sư già đi thăm các nơi danh lam thắng cảnh, nay Yên Tử, Đồ Sơn, mai Ngọa Vân, Kim Hải... học trò trước sau đông tới ba nghìn người. Cụ có ba phu nhân, 7 trai và 5 gái.

Năm 1585 tuổi già lâm bệnh, biết mình khó qua, cụ Trạng 95 tuổi còn dâng sớ xin vua: “... thần tính độ số thấy vận nước nhà đã suy, vận nhà Lê đến hồi tái tạo, ý trời đã định, sức người khó theo. Song nhân giả có thể hồi thiên ý, xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp tổ tiên, thì thần chết cũng được thỏa long.”

Nhà Mạc cử cột trụ Triều đình là hoàng thân Khiêm Vương Mạc Kính Điển cùng các quan về tế lễ, sai lập đền thờ, cấp ruộng tự điền trăm mẫu, vua Mạc Mậu Hợp lại đích thân viết chữ đề lên đền thờ: “Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng Từ.” Bảy năm sau khi Trạng Trình mất, 1592, nhà Mạc cũng mất theo, tuy còn giữ đất Cao Bằng thêm được 4 đời nữa.

Xem thế Trạng Trình đã dốc lòng phò Mạc và nhà Mạc cũng hết mực cung kính cây cổ thụ che chở triều đại suốt 60 năm.

Một trăm năm sáu năm sau, 1741, Tiến sĩ Vũ Khâm Lân nhân đi đánh giặc và đắp đê tới thăm đền thờ Trạng Trình, viết tựa cho tập gia phả của họ Nguyễn Bỉnh vào đời thứ tám (ngã bát thế chi hậu, binh qua khởi trùng trùng!) đã xúc động mô tả kiểu đất “Nghiễn trì thủy ảnh,” tức mặt hồ nghiêng, ánh nước long lanh, là đất phát sinh bậc đại nhân, đầm nước sâu hơn một trượng, bốn năm vụng đất trên khoảng vài trăm mẫu, chỗ thắt chỗ phình, khi lặng bóng, khi nắng vàng tỏa ánh.Đạo Học Của Bậc Quân sư (Môn phái bạch vân am với quyết sách tam phân thiên hạ).

Từ cổ xưa, trước khi rơi vào cái học Tống Nho khoa cử độc tôn, tầm chương trích cú, người trí thức theo Đạo học, học để hành, hành tàng theo đạo. Đạo học là Đại học, quan để quán, bao quát mà vẫn qui về một mối (Uni-versity). Trạng Trình và các môn đệ của ông như Trạng Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ (tác giả “Truyền Kỳ Mạn Lục”), Nguyễn Quyện (danh tướng nhà Mạc), Trương Thời Cử, Trạng Giáp Hải, Lương Hữu Khánh... tập hợp thành một môn phái Đạo học, Đại học chi đạo, tiếp nối truyền thống Lý, Trần, học cả Nho lẫn Phật, Lão, cả Tứ Thư Ngũ Kinh lẫn các môn lý học, huyền học, binh thư, phong thủy địa lý... Trạng Trình phân phối môn đệ thân hữu đi mọi hướng đất nước: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh... vào với nhà Lê trung hưng ở Thanh Hóa, Nguyễn Đình Thân, người cùng quê Hải Dương, đi với Nguyễn Hoàng vào Hoành Sơn, Trạng Giáp Hải, Nguyễn Quyện và chính mình phò Mạc tại quốc đô Thăng Long cho tới gần hết thế kỷ XVI.

Sở học của Trạng Trình có lẽ được chính bà mẹ nuôi dưỡng uốn nắn từ nhỏ: học để làm vua, không làm vua thì cũng làm thầy vua, đấy là truyền thống “đế vương chi học” cao siêu của của bậc đại nhân:


Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ
Du nhàn ngã thị địa trung tiên

mà muốn vậy thì trên phải thông thiên văn, dưới phải rành địa lý, mưa gió nắng bão phải biết trước như Gia Cát, Trương Lương, chiến lược chiến thuật đều tinh thông nên có thể xếp đặt thiên hạ như bàn cờ, nhà Mạc một phần, Lê Trịnh một miếng, họ Nguyễn một phương... thế Tam quốc này chính Trạng Trình và môn đệ phân định thi hành, mặc dầu

Trạng Trình cũng như Gia Cát, biết là mình đang cố lấy nhân lực để cưỡng mệnh trời, thế loạn mà muốn trị cũng giống như “con ngao to đội núi đỡ trời cao.” Cho nên dù có than:

Cổ lai nhân nghĩa tri vô địch
hà tất khu khu sự chiến tranh.

dịch:

Nhân nghĩa xưa nay là vô địch
sao vẫn khư khư việc chiến tranh.

vẫn phải cáng đáng thiên mệnh, tận kỳ tính, lo toan chuyện dân chuyện nước.

Từ Bạch Vân Am Trạng Trình dùng cái nhìn chiến lược và phong thủy để mở ra mặt trận Nam phương cho Nguyễn Hoàng: vừa thực hiện việc mở rộng bờ cõi, vừa lấy thế hiểm mà dung thân, ông thôi thúc Phùng Khắc Khoan vào Thanh Hóa với nhà Lê vì sau này, 1598, chính họ Phùng đi sứ sang Tầu đã dàn xếp chấp nhận để yên cho họ Mạc ở đất Cao Bằng. 

Chính Trạng Bùng là người theo chí thầy viết tập Sấm Văn và tập Chu Dịch Quốc Âm Ca Quyết, việc ông hai lần gặp Liễu Hạnh Thánh Mẫu hiển linh, lần đầu ở Lạng Sơn, lần sau ở Tây Hồ, là một khúc mắc lớn. Có thể chính hai thầy trò, đều tinh thông lý số, đều viết Sấm, đã nhân chuyện linh thiêng mà dựng nên một tín ngưỡng bình dân, lấy hình ảnh một bà Mẹ dân tộc làm mái che bên cạnh Phật, Lão, đang bị Nho đè xuống?

Dù sao, không thể phủ nhận khả năng thần toán của Trạng Trình mà sứ nhà Thanh Chu Xán sau này phải nhận là “An Nam lý số hữu Trình Tuyền.” Rõ ràng nhất là bài văn tế của Tiến sĩ Đinh Thời Trung khóc thầy và xác định tài lý số của thầy:

Một kinh Thái Ất thuộc lòng
Đốt lửa soi gan Dương Tử

... Một mình lý học tinh thông
Hai nước anh hùng không đối thủ...

Đạo thống Thánh nhân tự tiên sinh mà truyền ra
Bờ cõi Thánh nhân duy tiên sinh là thấu đáo

....Đuốc ngọc chưa tàn ba ngọn
Văn viết đã xong...

Như vậy quả có Thái Ất, Thái Huyền của Dương Hùng làm luận giải cho Kinh Dịch và quả có chuyện thầy trò từng ngồi đoán số gieo quẻ với nhau. Bên cạnh những lời cố vấn như “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung than” cho Nguyễn Hoàng, “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản” và “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, nên tìm giống cũ mà gieo mạ,” cho Trịnh Kiểm tiếp tục phò Lê, hay dặn dò “Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế (đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng cũng ở được mấy đời )” cho con cháu nhà Mạc, thơ văn Trạng Trình cũng xác nhận lý số sấm ký là một khía cạnh trong Đạo học của Trạng:

Thái cực nhất chu đàm luận liễu
Tri ngô thấu đắc Dịch chi thâm.

Dịch:

Thái cực một vòng đàm luận suốt
Biết tôi Dịch lý thấu thâm sâu.

Quẻ Phục “Thiên địa chi tâm” trong kinh Dịch được nhắc tới nhiều lần:

Bác vãng tĩnh quan tri tất Phục
Nhất dương dĩ nghiệm Địa Lôi trung.

Dịch:

Quẻ Bác qua, lặng yên xem phục đến
Một Dương nghiệm thấy giữa Địa Lôi.

(Quẻ Phục sau quẻ Bác, gồm Khôn trên và Chấn dưới, năm hào Âm đè ở trên, một hào Dương bắt đầu mọc ở dưới để Phục lên, vạn vật suy mãi cũng phải nẩy ra thịnh, đen mãi cũng có hồi đỏ, ánh sáng ở cuối đường hầm, đó là tâm của trời đất không nỡ để cái gì suy mãi).

Hay câu:

Tĩnh quan vạn vật sinh sinh ý
Ưng kiến vô cùng thiên hạ tâm.

Dịch:

Lặng xem vạn vật sinh thông
Thấy lòng trời đất mênh mông vô cùng.

Khi ra làm quan, ông đã biết trước:

Quý thế khí tài tuy tạm xuất

Hưng vương lương tá dĩ tiền tri.

Dịch:

Thế cuối tài hèn tuy tạm xuất
Vua lên tôi giỏi biết trước ra.

Nhất là hai câu thơ sau đây:

Từ thuở hai dê sinh đặt ra
Than ôi tuổi tác kẻ ban già.

Nói về năm Ất Mùi (Ất là can thứ hai, dê là năm Mùi) đậu Trạng Nguyên khi đã 44 tuổi (1535 đời minh quân Mạc Đăng Doanh), rất giống ngôn từ dùng trong Sấm ký. Mãi tới cuối thế kỷ XVIII, đời Tây Sơn, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp (1723-1804) còn lặn lội ra thăm đền thờ Trạng Trình và viết trong Thi Cảo là cụ Trạng đã “Phiến ngụ toàn tam tính” tức khuyên lời ngụ ý bóng gió để ba họ được an toàn.

Một vài chuyện sau đây có thể xác tín vì đã được ghi lại trong trong gia phả, trong Công Dư Tiệp Ký, hoặc truyền khẩu từ xưa:

Quẻ “Thiết Đoản Mộc Trường” (Sắt ngắn gỗ dài )

Một ngày cuối năm ba mươi Tết, cụ Trạng và một người học trò từ xa đến lễ thầy, hai thầy trò đang ngồi đàm luận thì có người gõ cổng xin vào. Cụ sai gia nhân ra nói hãy chờ một chút, trong lúc đó cụ và người học trò cùng bấm quẻ xem người gõ cổng đêm ba mươi Tết có chuyện gì.

Hai thầy trò cùng bấm được quẻ “Thiết đoản mộc trường,” tức ứng vào vật sắt ngắn gỗ dài, cụ hỏi:
-Anh đoán xem là người gõ cổng có việc gì ?

Người học trò trả lời:
-Thưa thầy, sắt ngắn gỗ dài thì chỉ có cái mai, chắc có người vào mượn cái mai đào đất.

Cụ nói:

-Tôi đoán khác anh một chút, người gõ cổng đến mượn búa chứ không phải mượn mai.
Khi mở cổng cho người hàng xóm vào thì đúng là vào mượn búa chứ không phải mượn mai mượn xẻng.

Cụ giải thích cho trò:
-Anh bấm quẻ đã đúng nhưng luận chưa cao. Đêm ba mươi Tết đến mượn búa để bổ củi nấu bánh chưng chứ giờ này ai còn đến mượn mai đào đất !

Vớt xác được phú quí

Bùi Sinh là người học trò nghèo trong làng, Trạng Trình đoán sau này sẽ được phú quí. Mãi tới tuổi 70 Bùi sinh vẫn không giầu không sang, bèn đến hỏi lại thầy mình. Cụ Trạng cười không nói gì, rồi bỗng nhiên một hôm cụ gọi Bùi Sinh lại bảo rằng:

“Hãy mang thuyền đánh cá ra cửa bể Vạn Ninh, tới giờ ấy... hễ thấy gì trôi trên nước cũng vớt lên, sẽ được trọng thưởng.”

Bùi sinh nghe lời ra bến Hồng Đàm ngồi đợi, quả nhiên một hồi giông bão nổi lên rồi thấy một xác người dạt vào, nhìn kỹ là xác một người đàn bà ăn mặc quần áo Tầu gấm vóc sang trọng. Bùi sinh vớt lên, sau này mới biết là xác mẹ Tổng Đốc Quảng Đông đi chơi ngoài biển bị bão bạt sang phương Nam. Viên Tổng Đốc Quảng Đông cho người tìm về hướng biển Nam, khi tìm thấy liền trọng thưởng Bùi sinh rất hậu, rồi Bùi sinh lại được nhà Mạc phong quan tước vì hành vi ngoại giao tốt đẹp !

(Có chỗ thuật hơi khác là bà mẹ Tổng Đốc hãy còn sống, Bùi sinh cứu lên và nuôi dưỡng cho tới khi người Tầu sang đón về, có chỗ lại nói là vớt lên xác một công chúa Tầu... )

Những giai thoại khác như “Minh Mệnh Thập Tứ, Thằng Trứ phá đền” hoặc “Cha con thằng Khả đánh ngã bia tao,” hoặc lấy số Tử Vi cho cái quạt... có thể do người sau thêu dệt, không có có giá trị tiên tri sấm ký.

3. Tiên tri và sấm ký

Khi theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, ông được truyền cho quyển Thái Ất thần kinh từ đó ông tinh thông về lý học, tướng số... Sau này, dù Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn làm quan nhưng vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) vẫn phong cho ông tước Trình Tuyền hầu vào năm Giáp Thìn (1544), ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn ngành lý học, giống như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo bên Trung Hoa. Sau đó được thăng chức Thượng thư bộ Lại tước hiệu Trình Quốc công. Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra đến 500 năm sau, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam.

Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn gọi là "Sấm Trạng Trình" là những lời tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các biến cố chính của dân tộc Việt trong khoảng 500 năm (từ năm 1509 đến khoảng năm 2019). Đây là những dự báo thiên tài, hợp lý, tùy thời, tự cường, hướng thiện và lạc quan theo lẽ tự nhiên "thuận thời thì an nhàn, trái thời thì vất vả". "Trạng Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa" (lời Nguyễn Thiếp – danh sĩ thời Lê mạt). "An Nam lý học hữu Trình Tuyền" (lời Chu Xán- sứ giả của triều Thanh). Sấm ký, giai thoại và giải đoán chứa đựng nhiều thú vị về một trí tuệ bậc Thầy kỳ tài muôn thuở, nặng lòng yêu nước thương dân và sâu sắc hiếm thấy.

Sấm ký ở bản A có 262 câu, gồm 14 câu "cảm đề" và 248 câu "sấm ký". Đây là bản trích ở bộ "Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển" (tập 2) của Trịnh Văn Thanh – Sài Gòn – 1966. Ngoài bản A còn có ít nhất ba dị bản về sấm Trạng Trình. Tài liệu liên quan hiện có 20 văn bản, trong đó bảy bản là tiếng Hán Nôm lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội (trước đây là Viện Viễn Đông Bác Cổ) và Thư viện Quốc gia Hà Nội và 13 tựa sách quốc ngữ về sấm Trạng Trình xuất bản từ năm 1948 đến nay. Bản tiếng quốc ngữ phát hiện sớm nhất có lẽ là Bạch Vân Am thi văn tập in trong Quốc Học Tùng Thư năm 1930 mà hiện nay vẫn chưa tìm được.

Sấm ký gắn với những giai thoại và sự thật lịch sử. Nhiều nội dung trong sấm ký hiện đã được giải mã, chứng minh tính đúng đắn của những quy luật- dự đoán học trong Kinh Dịch và Thái Ất thần kinh". Đến nay đã có 36 giai thoại và sự thật lịch sử về Sấm Trạng Trình đã được giải mã.

Trước Nguyễn Bỉnh Khiêm, vua Phật Trần Nhân Tông (1258- 1308) là người rất coi trọng phép biến Dịch. Người đã viết trong "Cư trần lạc đạo":"Kinh Dịch xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu. Sách Nhàn đọc giấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim". Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với "Thái Ất thần kinh","Sấm ký","Bạch Vân Am thi văn tập", "huyền thoại và di tích lịch sử" đã lưu lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại một tài sản văn hoá vô giá.

Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê. Khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (có tài liệu viết là "khả dĩ dung thân") nghĩa là "Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài". Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá. Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). 

Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Đối với Lê - Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong".

Theo một số nhà sưu tầm và nghiên cứu, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Trạng Trình dự báo qua câu thơ: "Đầu Thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long". ở câu 1, "đầu Thu" là tháng 7 Âm lịch, "gà" nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện diễn ra, "gáy xôn xao" nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người. Ở câu 2, "Trăng xưa" nghĩa là "cổ nguyệt" theo Hán tự, ghép lại thành từ "hồ", là họ của Hồ Chí Minh. "Sáng tỏ soi vào Thăng Long" là sự kiện Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội[52].

Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ những nhà nghiên cứu dịch học tại Việt Nam, trong đó có GS. Nguyễn Tài Thư có quan điểm bác bỏ hầu hết những gì được gọi là trước tác sấm ký của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "...Nhờ “lý” đó mà Nguyễn Bỉnh Khiêm dự kiến và đề xuất được nhiều sự kiện có tính chất lịch sử đương thời, như trong lúc nước lửa, ông khuyên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá để khỏi bị anh rể là Trịnh Kiểm bức hại, khuyên chúa Trịnh phải phò vua Lê thì mới giữ được ngôi báu, khuyên nhà Mạc dời lên Cao Bằng để duy trì thêm vài triều đại nữa, v.v.. 

Các sự kiện trên đã trở thành hiện thực, đã được lịch sử chứng minh là đúng đắn. Sử sách đã ghi chép nhiều. Mọi người hầu như đều biết. Nhưng khả năng biết trước có cơ sở hiện thực đó của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng gây cho một số người thắc mắc, muốn gán sức thần cho ông. Thực ra ở đó chỉ là sản phẩm của một đầu óc suy lý, là kết quả của một sự phân tích biết dựa vào thực tế, biết nắm lấy thời thế và biết phát huy tư tưởng “lý” của ông. Một người học rộng biết nhiều, nắm vững lịch sử dân tộc, lại dùng “lý” để suy xét sự vật thì những kiến giải trên không có gì là quá ngạc nhiên. 

Từ khả năng biết trước như trên của ông, có người còn tiến tới phú cho ông là nhà tiên tri kiểu Đạo giáo, nhà tiên thiên học có khả năng làm ra những lời sấm dự báo được tương lai xa xôi. Bao nhiêu cuốn “Sấm ký Trạng Trình” đang được lưu truyền là thuộc loại đó. Thực ra đây chỉ là những lời đồn đại, những sự gán ghép vô lối về ông. Đó chỉ là do tâm lý sùng bái danh nhân của một số người còn mang nặng tư duy thần bí, đã khoác tấm áo siêu nhiên cho ông, hoặc đó là kết quả của một mưu đồ chính trị, bịa ra sự kiện, lợi dụng tên tuổi của ông để thực hiện âm mưu, thường là việc làm của người đời sau. Cách làm đó không những không đề cao được vai trò của ông mà còn làm hại uy tín của ông. 

Sở dĩ nói hiện tượng “sấm ký” là bịa đặt, bởi vì thực tế khách quan thì phong phú và phức tạp, cái tất nhiên đi liền với vô số cái ngẫu nhiên, khiến con người khó lần ra manh mối. Bản thân Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã nhiều lần nói lên sự hạn chế của mình và của con người nói chung trong nhận thức và hành động. 

Ông nói: “Cùng và thông, được và mất, lẽ nào do con người quyết định?” (Cùng thông, đắc táng khởi do nhân? – Tự thuật, bài 8), “Cùng và thông, được và mất cũng là do trời!” (Cùng thông, đắc táng diệc do thiên – Trung Tân ngụ hứng), “Việc trái với thời, hàng vạn chỗ bất đồng” (Sự dữ thời vi vạn bất đồng – Nguyên đán ngẫu thành, bài 3), “Đời người mười mong muốn thì đến chín là trái ý” (Nhân sinh thập nguyện cửu thường vi – Hoài cổ). Một sự thực như thế thì làm thế nào ông lại biết trước được các sự việc cụ thể ở bên ngoài mà bản thân không được mục kích, hơn nữa lại cách xa hàng trăm năm sau như “Sấm ký Trạng Trình” ghi chép!?"

https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_B%E1%BB%89nh_Khi%C3%AAm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét