Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Bi kịch của nước Mỹ: Tôn thờ súng đạn

Đọc bài này về sức mạnh hay sự man rợ khủng khiếp của súng AR-15, mình thấy con người càng ngày càng quá man rợ và quá điên khùng. Vì lòng tham vô đáy nên không ai muốn hợp tác với ai, mà chỉ thích cạnh tranh, đua nhau cạnh tranh để cướp đoạt của nhau. Đỉnh cao của cạnh tranh là chạy đua vũ trang, đặc biệt là tìm mọi cách sản xuất ra những loại vũ khí giết người kinh khủng nhất. Đâu phải chỉ có nước Mỹ, người Mỹ tôn thờ súng đạn. Thực tế là ở đâu cũng thế. Mỗi quốc gia đều muốn có vũ khí mạnh hơn quốc gia khác. Mỗi cá nhân đều muốn có vũ khí mạnh hơn cá nhân khác. Cứ thế này thì con người không giết nhau mới là lạ, chiến tranh thế giới thứ ba không sớm đến mới là lạ.
Bi kịch của nước Mỹ: Tôn thờ súng đạn
Bạn cảm thấy an toàn hay lo sợ khi nhìn thấy ai ai cũng đeo súng ở nơi công cộng như ở nước Mỹ ? Bạn muốn sống ở một thành phố nơi mà súng được tôn thờ, nhưng pháp luật thì không? Nếu cảnh sát ở thành phố bạn ở thường xuyên không bảo vệ được bạn, mà bạn phải dùng tới súng để làm thay công việc của họ, liệu đó có phải là thành phố đáng sống?

1. Từ sức tàn phá hủy diệt của AR-15

Một trong những chi tiết kinh hoàng sau vụ xả súng hàng loạt ở trường Tiểu học Robb, thành phố Uvalde, Texas là: Chính quyền Texas đã yêu cầu các bậc phụ huynh cung cấp mẫu DNA để giúp xác nhận danh tính của những trẻ em bị thiệt mạng. Theo các chuyên gia pháp y, một số trong số 19 trẻ em thiệt mạng đã bị sát thương quá nặng đến mức không thể nhận dạng vì sức hủy diệt đáng sợ của khẩu súng trường bán tự động AR-15.

Một điểm chung trong các vụ thảm sát bằng súng hàng loạt ở khắp Hoa Kỳ: hung thủ dùng khẩu súng trường bán tự động AR-15. Ngày nay ở Hoa Kỳ, AR-15 là loại súng trường bán chạy nhất với khoảng 16 triệu người đang sở hữu ít nhất một khẩu AR-15, theo dữ liệu thăm dò từ Washington Post và Ipsos.

Điều lạ là AR-15 hiếm khi được sử dụng trong các vụ án phạm tội khác, nhưng là vũ khí được lựa chọn bởi những kẻ giết người hàng loạt kinh hoàng nhất. Mười trong số mười bảy vụ xả súng giết người hàng loạt đẫm máu nhất ở Hoa Kỳ kể từ năm 2012 đều có mặt của ‘sát thủ’ AR-15.

AR-15: Khẩu súng đẻ lợi nhuận

Trong nhiều thập kỷ, AR-15 không phải là loại súng phổ biến. Tuy nhiên, sau vụ tấn công khủng bố 11 Tháng Chín năm 2001, điều đó đã thay đổi. Các nhà sản xuất súng đã tìm cách tạo ra một khẩu súng giống loại mà những người lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, Afghanistan, và Iraq sử dụng như khẩu súng trường M-16. Tháng Hai năm 2006, khẩu AR-15 đầu tiên của Smith & Wesson ra mắt công chúng tại Las Vegas, với tên gọi M&P 15. Nghĩa là một loại súng dành cho lực lượng chuyên nghiệp, như quân đội (Military) và cảnh sát (Polic.)

Smith & Wesson đã báo cáo doanh thu từ dòng M&P 15 tăng hơn gấp 5 lần trong 5 năm đầu tiên có mặt trên thị trường, từ 12,8 triệu USD lên 75,1 triệu USD. Các nhà sản xuất súng khác cũng đã bắt đầu tiếp nối Smith & Wesson sản xuất dòng súng AR-15 vì lợi nhuận cao, nhưng giá thành sản xuất thấp.

Chiến thắng vào Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Obama cuối năm 2008 là cơ hội hiếm thấy để các nhà sản xuất súng hù dọa cử tri để tăng doanh thu từ súng. Họ tuyên truyền rằng Obama muốn cấm súng và sẽ tịch thu tất cả súng của người Mỹ, mặc dù Obama không có ý định triển khai lệnh cấm vũ khí tấn công (assault weapon ban) trên toàn quốc vào lúc đó. Chiến lược gieo rắc nỗi sợ này đã khiến người người, nhà nhà đổ xô đi mua AR-15. Ông Jeff Buchanan, cựu giám đốc tài chính của Smith & Wesson, cho biết Obama đã thực sự thúc đẩy doanh số bán súng “vì ông ấy là một người theo chủ nghĩa tự do phóng khoáng” và “mọi người mua súng vì họ sợ luật pháp thay đổi trong tương lai.”

Sức hủy diệt đáng sợ của AR-15

Một trong những yếu tố hủy diệt của AR-15 là tốc độ viên đạn. Đạn từ khẩu AR-15 di chuyển nhanh GẤP BA lần tốc độ âm thanh. Nói cách khác, hộp đạn của AR-15 chứa đủ thuốc phóng để đẩy viên đạn ra khỏi nòng với tốc độ chóng mặt, có thể vượt qua sáu sân bóng bầu dục trong vòng một giây. Các khẩu súng AR-15 ngày nay ở Mỹ thường bắn trung bình 30-45 viên đạn trong một phút.



Tất nhiên, bất kỳ viên đạn từ loại súng nào cũng có thể gây chết người khi bắn trúng. Nhưng tốc độ cao của viên đạn từ AR-15 gây ra mức sát thương khủng khiếp sau khi trúng vào cơ thể. Trong thực tế, sơ cứu các vết thương do AR-15 gây ra là nỗi ám ảnh của mọi phòng cấp cứu ở khắp nước Mỹ. Một viên đạn duy nhất với sóng xung kích đủ mạnh có thể thổi bay hộp sọ, lòi ruột, và phá hủy các bộ phận cơ thể.

Bác sĩ phẫu thuật Babak Sarani cho biết năng lượng từ khẩu AR-15 lớn đến mức khiến cơ thể “sẽ bị xé toạc theo đúng nghĩa đen.” Joseph Sakran, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Johns Hopkins, cho biết: “AR-15 thực sự có thể nghiền nát xương, có thể làm vỡ nát gan của bạn.” Hệ quả còn kinh hoàng hơn đối với cơ thể chưa phát triển toàn diện của một đứa trẻ.

Các viên đạn từ khẩu AR-15 để lại vết thương rộng hơn so với vết thương do đạn của khẩu súng gắn 9mm. Với sự chăm sóc y tế ngay lập tức và ít chảy máu, nạn nhân bị đạn từ khẩu 9mm bắn vào ngực có cơ hội sống sót. Ngược lại, viên đạn từ AR-15 trúng vào ngực sẽ gây chảy máu xối xả và nhanh chóng tử vong. Bởi thế, khả năng sống sót của một người trúng đạn từ AR-15 là rất thấp.

Lệnh cấm vũ khí tấn công liên bang (assault weapon ban)

AR-15 đã được thổi vào luồng sinh khí mới vào năm 2004, khi cựu tổng thống George W. Bush không gia hạn với lệnh cấm vũ khí tấn công (có thể sát thương nhiều người cùng một lúc) đã được áp dụng toàn quốc từ năm 1994 thời Bill Clinton. Kể từ khi lệnh cấm này hết hiệu lực, số lượng thương vong do vũ khí tấn công tăng cao đáng kể.

Các nghiên cứu khác nhau cho thấy lệnh cấm vũ khí tấn công toàn quốc thực sự có hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy nếu lệnh cấm vũ khí tấn công vẫn còn hiệu lực từ năm 2005 đến năm 2019, thì đạo luật này có thể ngăn chặn được 30 vụ xả súng hàng loạt, trong đó vũ khí tấn công được mua hợp pháp, dẫn đến cái chết của 339 người.

Hệ quả tang thương sau các vụ xả súng hàng loạt đều cho thấy vũ khí tấn công như AR-15, đặc biệt là khi được trang bị băng đạn có sức chứa lớn, sẽ trở nên chết người. Bởi thế, nếu những loại vũ khí này bị lạm dụng, hoặc dễ dàng rơi vào tay của những kẻ có vấn đề thần kinh, thì hệ quả không tránh khỏi là tội ác kinh hoàng.

Sau vụ xả súng tại trường trung học phổ thông ở thành phố Parkland vào Tháng Hai năm 2018, cũng như vụ xả súng hàng loạt ở Dayton và El Paso năm 2019, liên quan đến AR-15, cựu tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm vũ khí tấn công như AR-15. Trump đã nhắc đến lệnh cấm này trên truyền hình trực tiếp và trong một cuộc họp riêng với các gia đình nạn nhân vụ xả súng ở Parkland.

Trong chuyến bay tới Tòa Bạch Ốc vào Tháng Tám năm 2019, Trump đã nói với các trợ lý rằng: “Tôi không biết tại sao người ta lại cần đến khẩu súng AR-15.” Câu chuyện này được kể lại bởi một trong những người có mặt trên chuyên cơ Marine One với cựu tổng thống.

Từ khi nhậm chức tổng thống, tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã liên tục kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ tái thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công. Phần lớn cử tri Mỹ, bao gồm 86% đảng viên Đảng Dân chủ và 47% đảng viên Đảng Cộng hòa, ủng hộ lệnh cấm vũ khí tấn công liên bang, theo một cuộc khảo sát vào Tháng Sáu năm 2022 của Morning Consult.

Tuy nhiên, nỗ lực cấm vũ khí tấn công toàn quốc đã liên tục thất bại trong những năm gần đây, khi phần lớn các thành viên quốc hội tiếp tục nhận lợi ích từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) để phản đối các dự luật cấm vũ khí tấn công. Khi mà ở hầu hết các tiểu bang Mỹ, một người 18 tuổi có thể mua một khẩu AR-15 chỉ trong vòng vài phút, còn dễ hơn mua súng ngắn, thì thảm kịch súng còn kéo dài. Bởi thế, người dân Mỹ sẽ bị buộc phải chứng kiến các cuộc thảm sát kinh hoàng bằng AR-15, hoặc các loại súng tấn công tương tự. Còn các bậc cha mẹ sẽ còn phải nhờ đến DNA để nhận diện con mình do cơ thể rách nát vì AR-15.

2. Đến bi kịch súng của nước Mỹ

Tháng đầu tiên của năm 2023 chưa kết thúc, nhưng Hoa Kỳ phải đối mặt với ít nhất hai vụ nổ súng hàng loạt chấn động thế giới. Nghi can gốc Việt, Huu Can Tran (72 tuổi), đã xả súng ở câu lạc bộ khiêu vũ của người Á châu, thành phố Monterey Park, quận Los Angeles, tối ngày 21 Tháng Một, khiến 11 người thiệt mạng. Nghi phạm đã tự sát trong lúc bị cảnh sát bao vây vài giờ sau khi gây án.

Chưa đầy 48 giờ sau, một vụ xả súng hàng loạt khác xảy ra ở Half Moon Bay, miền bắc bang California, khiến ít nhất bảy người thiệt mạng.

Cuối Tháng Năm năm 2022, một thảm kịch kinh hoàng cũng cướp đi sinh mạng của 19 học sinh và hai giáo viên ở trường tiểu học Robb, thành phố Uvalde, bang Texas. Sát thủ Salvador Ramos, 18 tuổi, đã bắn bà của hắn trước khi nổ súng thảm sát ở trường tiểu học Robb.

Tội phạm bạo lực gia tăng có nguyên nhân từ tình trạng súng đạn tràn lan mất kiểm soát. Một nhân viên tuần tra xa lộ Texas đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát tại trường tiểu học Robb Elementary ở Uvalde, Texas. Tại cuộc họp báo sáng thứ Sáu 27 tháng Năm 2022Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images.

Trong số 64 quốc gia có thu nhập cao, Hoa Kỳ đứng thứ tám về tỉ lệ tử vong do súng gây ra. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tổng cộng 45.222 người chết vì súng trong năm 2020, trong đó 43% là các vụ giết người bằng súng. Nghĩa là, mỗi ngày 53 người bị chết ở Hoa Kỳ vì súng. Từ năm 1968, tổng số người Mỹ chết vì súng trong nước nhiều hơn tổng số lính Mỹ chết trong tất cả các cuộc chiến ngoài nước. Theo Trung tâm Lưu trữ Bạo lực Súng, hơn 44.000 người đã thiệt mạng vì súng trong năm vừa qua. Tỷ lệ này là nhiều hơn gấp nhiều lần so với Canada, Úc, Anh, New Zealand, và nhiều quốc gia phát triển khác.

Nguyên nhân dẫn đến tử vong cao?

Nguyên nhân chính khiến Hoa Kỳ trở thành quốc gia có tỉ lệ tử vong từ bạo lực súng cao và ngày càng tăng là vì khả năng mua súng quá dễ dàng.

Khi so sánh các quy luật và chính sách kiểm soát súng ở 50 tiểu bang, kết quả rất rõ ràng: các bang có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt sẽ có ít thương vong do súng đạn. Mười bốn bang không áp dụng các biện pháp kiểm soát cơ bản, số người chết vì súng cao gần gấp ba lần so với các bang có luật sử dụng súng. Điều này cho thấy, khả năng mua súng dễ dàng tỉ lệ thuận với nhiều thương vong và tử vong.

Chẳng hạn như tiểu bang Rhode Island có tỷ lệ bạo lực súng thấp một phần là do tỷ lệ sở hữu súng rất thấp và có luật kiểm soát súng. Ngược lại, Arkansas và Mississipi có tỷ lệ bạo lực súng đạn cao nhất ở Mỹ một phần là do tỷ lệ sở hữu súng rất cao và không có luật kiểm soát việc mua bán súng.

Tại sao lại có những tiểu bang được thoải mái mua súng?

Câu trả lời ngắn gọn là vì luật pháp ở những tiểu bang này cho phép người dân mua súng dễ dàng. Theo kết quả của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA), chấn thương từ bạo lực súng xảy ra thường xuyên hơn ở những nơi mà người ta dễ dàng sở hữu súng. Hoa Kỳ có luật và chính sách về súng lỏng lẻo hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Quyền sở hữu súng của liên bang được đưa vào Hiến pháp bằng Tu chính án thứ hai (Second Amendment). Thêm nữa, luật và quy định về súng ở các tiểu bang cũng khác nhau. Một số bang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng hòa thậm chí còn loại bỏ các quy định tối thiểu đối với những người mua súng. Chẳng hạn, Georgia cho phép công dân của tiểu bang có quyền mang súng, mà không cần bằng hoặc giấy phép.

Ai ủng hộ và ai phản đối luật kiểm soát súng?

Theo thăm dò mới nhất của Trường Chính sách Công Harris thuộc Đại học Chicago và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng của Associated Press-NORC, 71% cử tri Mỹ (trong đó khoảng 50% cử tri Cộng hòa) cho rằng các đạo luật về súng nên nghiêm ngặt hơn. Nhìn chung, đại đa số cử tri Dân chủ và Độc lập đồng thuận ủng hộ đạo luật chặt chẽ hơn để kiểm soát súng.

Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) vẫn là tổ chức ủng hộ súng quyền lực nhất ở Hoa Kỳ, với ngân sách khổng lồ để áp lực Quốc hội không tạo ra những điều luật kiểm soát súng. Trong vài năm gần đây, NRA đã hợp tác với các tổ chức của phe bảo thủ liên tục chi rất nhiều tiền cho Đảng Cộng hòa nhằm phản đối các quy định kiểm soát súng.

Súng chống chính phủ độc tài?

Lập luận phổ biến nhất của những người phản đối luật kiểm soát súng là việc sở hữu súng giúp họ chống độc tài. Theo lập luận này, những vị lập quốc Hoa Kỳ thông qua Tu chính Án thứ Hai cho phép người Mỹ sở hữu súng không giới hạn để ngăn chặn độc tài. Suy nghĩ này có thể đúng vào những năm 1770, khi súng hỏa mai thô sơ (bắn ba viên đạn trong một phút) là vũ khí chính mà các nhà độc tài sử dụng để răn đe người dân. Tuy nhiên, lập luận này không còn đúng nữa.

Quân đội Hoa Kỳ được đánh giá là mạnh nhất thế giới, sở hữu nhiều lực lượng tinh nhuệ và chuyên nghiệp, như đặc nhiệm SEAL của Hải quân, an ninh chống khủng bố, biệt kích Rangers… Lực lượng siêu việt với vũ khí hiện đại của quân đội Hoa Kỳ có thể vô hiệu hóa đối thủ trong một thời gian rất ngắn. Bởi thế, nếu nghĩ rằng việc sở hữu vài cây súng có thể giúp bạn đối phó quân đội Hoa Kỳ, thì thực sự bạn đang rất ảo tưởng và thiếu hiểu biết.

Quan trọng hơn, thế giới văn minh đã từ bỏ đấu tranh bạo lực để mang tới thay đổi chính trị và xã hội tốt đẹp hơn. Bởi, đối kháng với chế độ độc tài bằng vũ lực là đánh vào thế mạnh nhất của nó. Bọn chúng sẽ lấy lý do phe chống chính phủ dùng bạo lực để thẳng tay đàn áp, dẫn tới số người chết và thương tật cao, nguy cơ nội chiến, và đặc biệt sẽ khó thu phục được người khác tham gia. Vì thế, bất bạo động đã và đang được sử dụng như một phương pháp tranh đấu hữu hiệu.

Phương thức bất bạo động, gồm biểu tình ôn hòa, đình công, bất hợp tác, và tẩy chay, đã được áp dụng và mang đến thành công ở nhiều nơi: Mahatma Gandhi chống lại chế độ thực dân Anh ở Ấn Độ; Nelson Mandela chống lại chế độ phân chủng apartheid ở Nam Phi; người dân Đông Ấu chống lại hệ thống cộng sản Liên Bang Sô Viết; người dân Ai Cập với cuộc Cách Mạng bất bạo động chống lại thực dân Anh…

Xuyên suốt lịch sử Hoa Kỳ, bất bạo động đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiều cải cách xã hội to lớn, mà rất nhiều người trong chúng ta đã biết đến. Ví dụ, Martin Luther King, Jr. đã lãnh đạo phong trào dân quyền bằng các cuộc biểu tình ngồi và tuần hành bất hợp pháp, làm suy yếu chế độ phân biệt chủng tộc ở miền Nam và tạo được thay đổi nhân quyền đáng kể. Thực vậy: các lãnh đạo độc tài lo sợ các công dân đoàn kết thành khối mạnh kiên trì biểu tình ôn hòa, hơn là sợ họ cầm súng.

Súng để tự vệ hay tự tử?

Theo nghiên cứu chuyên sâu của trường Đại học Havard, dữ liệu từ các khoa cấp cứu bác bỏ lập luận súng được sử dụng để chống lại tội phạm và tự vệ. Thay vào đó, dữ liệu cho thấy súng rất ít khi được sử dụng cho mục đích tự vệ, nhưng được sử dụng thường xuyên hơn cho mục đích đe dọa và tự tử.

Một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Psychiatry năm 2022 cho biết những người sống chung nhà với người sở hữu súng ngắn có khả năng tự tử cao hơn 50% so với những người sống trong nhà không có súng. Đáng chú ý nhất, theo một nghiên cứu gần đây, những người sống chung nhà với người sở hữu súng ngắn có nguy cơ bị bắn chết cao gấp bảy lần, trong đó 84% nạn nhân là phụ nữ.

Theo thống kê của chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức phi chính phủ, súng đã trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người Mỹ ở mọi lứa tuổi và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Thêm nữa, những bi kịch đẫm máu gần đây nhất đã vạch trần quan điểm cần súng để ngăn chặn các vụ xả súng hàng loạt. Trong hai vụ sả xúng năm ngoái ở thành phố Buffalo (New York) và Uvalde (Texas), lực lượng cảnh sát được đào tạo và có vũ trang tại hiện trường đã không thể ngăn những kẻ xả súng thảm sát người vô tội.

Dữ liệu chứng minh thuyết phục rằng súng KHÔNG khiến xã hội và người dân an toàn hơn. Con người ngày càng văn minh, hướng tới giải pháp ôn hòa, không phải vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Hầu như tất cả đều muốn sống trong một xã hội mà mọi người tôn trọng nhau và chung sống trong hòa bình.

Sẽ còn bi kịch liên quan đến súng?

Trong khoảng mười năm trở lại, người Mỹ dường như bị mắc kẹt trong bi kịch bất tận của bạo lực súng. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà các vụ xả súng hàng loạt xảy ra thường xuyên. Đó là vì súng tràn ngập khắp nơi và chỉ cần 18 tuổi là có thể mua súng ở phần lớn các bang. Muốn lái xe hợp pháp ở Hoa Kỳ thì bạn phải đậu kỳ thi viết và thực hành. Nhưng muốn mua súng ở Hoa Kỳ lại quá dễ dàng.

Ví dụ, vào Tháng Sáu năm 2021, bang Texas đã thông qua luật mang súng ngắn ra đường mà không cần giấy phép, hoặc phải trải qua khóa huấn luyện. Muốn cắt tóc, câu cá phải có giấy phép. Nhưng, để sử dụng vũ khí được tạo ra với mục đích sát thương cao lại không cần giấy phép, hoặc khóa huấn luyện nào!

Các quốc gia dân chủ đã thành công ngăn chặn bạo lực súng bằng cách thiết lập những quy định hạn chế sở hữu loại vũ khí giết người này. Tháng Chín năm 1994, cựu Tổng thống Clinton ký sắc lệnh cấm súng tấn công (có thể sát thương nhiều người cùng một lúc) và có thời hạn 10 năm. Tỉ lệ chết vì súng và số các vụ xả súng hàng loạt cũng giảm đáng kể trong 10 năm sắc lệnh này tồn tại. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ xả súng đã tăng gấp ba lần kể từ khi lệnh sắc lệnh này hết hiệu lực.

Ngày càng có nhiều đoàn thể và cá nhân kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ phải có luật nghiêm khắc hơn để kiểm soát súng. Tuy nhiên, điều đó sẽ rất khó xảy ra khi mà phần lớn các thành viên Đảng Cộng hòa vẫn từ chối hợp tác với Đảng Dân chủ để thông qua dự luật kiểm soát súng. Khi mà các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội vẫn tiếp tục cúi đầu trước NRA và tôn thờ súng, thì thảm kịch con mất cha, vợ mất chồng, anh mất chị, bố mẹ mất con… vì bi kịch súng ở Mỹ chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong nước mắt!

Nguồn: Trên mạng





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét