Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Kinh tế VN vẫn đang rất khó khăn, chưa tìm ra lối thoát

Kinh tế Việt Nam vẫn đang rất khó khăn, chưa tìm ra lối thoát
BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG NĂM 2023
Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023 hôm 29/8 vừa qua. Theo báo cáo này, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng xuất siêu khoảng 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.

Báo chí đang ca ngợi kết quả này như một thành tựu kinh tế nổi bật trong bối cảnh u ám kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng về những con số xuất nhập khẩu GSO công bố và bản chất của nền kinh tế Việt Nam để hiểu được con số “thặng dư thương mại hơn 20 tỷ USD” có phải là “điểm sáng” như truyền thông ca ngợi hay không?

Trước hết con số thặng dư thương mại này phần lớn đến từ kết quả trực tiếp của việc sụt giảm nhập khẩu đáng kể, chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Chính nhập khẩu giảm 16,2% so với xuất khẩu giảm 10% đem lại khoản “thặng dư” và đây lại là một con số thực sự đáng lo ngại. Việt Nam là nền công nghiệp gia công cho nước ngoài với hơn 80% đầu vào của nền kinh tế từ nguyên liệu sản xuất cho đến máy móc công nghiệp, phụ liệu, phụ tùng, nhiên liệu xăng dầu, than đá, LPG… đều phụ thuộc nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là nguồn cung ứng chủ lực.

Không chỉ ở các ngành công nghiệp gia công như điện tử, da giày, may mặc… mà ngay cả các ngành sản xuất truyền thống được coi là thế mạnh của Việt Nam như nông lâm nghiệp cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, nhập khẩu giảm tới 16,02% đồng nghĩa với việc sản xuất công nghiệp lẫn tiêu dùng đang suy giảm nặng nề.

Cụ thể báo cáo của TCTK cho thấy Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2023 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%), ngành khai khoáng giảm 2,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ tính số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì tỷ lệ giảm mạnh hơn. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, chỉ tăng rất thấp (1,3%) so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2023 giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước. Rõ ràng những con số trên đã phản ánh tình trạng bi thảm hiện nay của ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Tám tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

Tuy nhiên, xét riêng đối với các hàng hóa cơ bản, từ đầu năm 2023, giá xăng dầu liên tục tăng (tăng 14 lần) kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản tăng ở mức hai con số. Giá xăng E5 ngày 5 tháng Chín đã sát 24.900 đồng/lít trong khi giá dầu diesel đã gần chạm mức 22.700 đồng/lít. Mức giá xăng dầu tăng đã và sẽ trực tiếp gia tăng giá vận chuyển, logistic, đánh bắt hải sản và chi phí tiêu dùng hộ gia đình.

Ở góc độ vi mô, có nhiều điều đáng lo lắng hơn những con số kinh tế vĩ mô được xử lý cho đẹp để động viên nhau trong bối cảnh hiện nay.

Có thể lấy mức giảm doanh số và lợi nhuận của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim… để tham khảo cho mức tiêu dùng thực tế. Thế Giới Di Động đã ghi nhận mức giảm doanh số tới hơn 23% và giảm lợi nhuận tới 80% trong 8 tháng đầu năm dù áp dụng mọi biện pháp cắt giảm chi phí và tinh giản bộ máy.

Hơn 100.000 doanh nghiệp phá sản và đóng cửa trong 7 tháng đầu năm, con số đáng buồn này có thể tăng đến 180.000 doanh nghiệp vào cuối năm nay. Cách đây ít ngày, truyền thông trong nước đưa tin một gia đình nông dân ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa do đầu tư nuôi heo công nghiệp bị thua lỗ, quẫn trí, người cha đã đầu độc cả gia đình và bản thân bằng khí độc. Kết quả là bốn người trong nhà bị chết ngạt, duy nhất ông ta được cứu sống. Bi kịch này nhanh chóng bị chìm nghỉm trong vô số tin tức tai nạn, cướp của, giết người hàng ngày trên dòng thời sự.

Thất nghiệp trong giới trẻ vẫn ở mức báo động; trong khi hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động.

Nông dân là đối tượng chịu mọi rủi ro trong quan hệ kinh tế với giới thương lái, nhà cung cấp vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp hợp tác… Trong khi chịu hàng trăm loại thuế phí nặng nề, nạn thuốc, phân, thức ăn gia súc kém chất lượng tràn lan, tình trạng “được mùa mất giá” và dịch bệnh hủy hoại nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng như khiến cho hàng trăm ngàn nông dân trở nên bần cùng hóa.

Trái với hình ảnh những ngôi nhà khang trang được xây dựng từ tiền bán đất hoặc tiền con cái xuất khẩu lao động, ly hương gửi về, nông thôn Việt Nam đang tan rã từ bên trong và đối mặt với vô vàn thử thách tàn khốc. Mức thu nhập trung bình của khu vực nông thôn là một con số chua xót. Giờ đây, khi các trung tâm công nghiệp như Đồng Nai, Biên Hòa, Sài Gòn… sa thải hàng trăm ngàn lao động, gánh nặng đó lại dồn về những miền quê nghèo đói.

Giống như Trung Quốc, truyền thông và tuyên giáo Việt Nam hạn chế việc đưa tin tức phản ánh thực trạng nền kinh tế, sự khó khăn cùng cực người lao động. Nền kinh tế Việt Nam là một phiên bản sao chép kém hơn nhiều so với Trung Quốc. Có thể coi Việt Nam như hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc những năm cuối thập niên 1990. Cả hai quốc gia anh em có hiệp định đối tác chiến lược toàn diện này trong nhiều thập niên đều dựa vào nguồn lao động và đất đai giá rẻ, các chính sách môi trường lỏng lẻo để thu hút vốn đầu tư FDI.

Tăng trưởng kinh tế dựa trên việc mở rộng các yếu tố đầu vào gồm vốn và lao động, tập trung cho các ngành công nghiệp xả thải lớn và phát triển bất động sản, hạ tầng cho các đô thị. Giờ đây, khi bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi, cả hai đều phải đối mặt với những vấn đề giống nhau: Bong bóng bất động sản nổ tung kéo theo khủng hoảng tài chính, sản xuất công nghiệp suy giảm bởi cầu thế giới giảm khiến thất nghiệp tràn lan và bất ổn xã hội. Các ngành đảm bảo sự phát triển dài hạn như giáo dục đào tạo, y tế và khoa học công nghệ cũng đang khủng hoảng trầm trọng

Trong viễn cảnh cuộc chiến tranh Nga và Ukraine có thể kéo dài, cùng với những tín hiệu đáng lo ngại về cuộc suy thoái dài hạn của “nền kinh tế số hai thế giới” do những chính sách tăng trưởng vội vã sai lầm của Tập Cận Bình, cơn ác mộng đối với những nền kinh tế mới nổi, phụ thuộc gia công xuất khẩu như Việt Nam vẫn còn ở phía trước.

Trước sức ép của nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn diện và kéo dài, cùng với sự yếu đi của Nga và Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam dường như đang lặng lẽ tìm kiếm một lối thoát về kinh tế trong khi vẫn đảm bảo được quyền cai trị độc đảng. Một trong những lối thoát có thể là hiệp định đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ sẽ được hai bên ký kết trong chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 9-10/9/2023 của Tổng thống Mỹ J. Biden.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu một bộ máy quan liêu và tham nhũng rất nặng hiện nay có thể tự thay đổi theo định hướng dài hạn và vận hành thông suốt theo mong muốn của Trung ương Đảng và Nhà nước VN không, và khoảng thời gian để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển cân bằng bền vững sẽ là bao lâu; 3 năm, 5 năm hay hàng chục năm như giai đoạn từ năm 2011 đến nay ?

Xem thêm:https://www.gso.gov.vn/bai-top/2023/08/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-8-va-8-thang-nam-2023/

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG NĂM 2023

1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

– Lúa mùa: Tính đến ngày 15/8/2023, cả nước gieo cấy được 1.387,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 1.001 nghìn ha, bằng 97,8% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam đạt 386,3 nghìn ha, bằng 100,5%.

– Lúa hè thu: Đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 56% diện tích gieo cấy và bằng 96,6% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 892,7 nghìn ha, chiếm 60,6% và bằng 96,1%. Năng suất lúa hè thu ước đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước; sản lượng ước đạt 11 triệu tấn, tăng 157 nghìn tấn.

– Lúa thu đông: Tính đến trung tuần tháng Tám, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 391,4 nghìn ha lúa thu đông, bằng 103,2% cùng kỳ năm trước.

– Cây hàng năm: Tính đến trung tuần tháng 8/2023, cả nước gieo trồng được 767,5 nghìn ha ngô, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm trước; 71,6 nghìn ha khoai lang, bằng 94,1%; 26,3 nghìn ha đậu tương, bằng 94%; 132,6 nghìn ha lạc, bằng 95%; 927,4 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,5%.

– Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong tháng phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2023 tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 0,5%; tổng số trâu giảm 1,9%; tổng số gia cầm tăng 2,3%.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp gặp bất lợi do thời tiết chuyển hướng nhanh từ nắng nóng sang mưa lũ, sạt lở đất ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới ở nhiều địa phương. Tính chung 8 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 160,6 nghìn ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 58,5 triệu cây, tăng 4,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 12,4 triệu m3, tăng 2,9%; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.484,9 ha, tăng 90%, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 857,6 ha, tăng 13,3%; diện tích rừng bị cháy là 627,3 ha, gấp 25,6 lần do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5%. Tính chung 8 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 5.931 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 4.254,3 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 812,2 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 864,5 nghìn tấn, tăng 1,5%.

2. Sản xuất công nghiệp

– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,5%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.

– Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.

– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[1]

– Trong tháng Tám, cả nước có hơn 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.178 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 24,8% và tăng 37,9%; có 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,8% và tăng 17,1%; có 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13% và giảm 29,6%.

– Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 15,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

4. Đầu tư

– Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tám ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 352,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 47,6% và tăng 17,1%).

– Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

– Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2023 có 79 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,4 triệu USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước; có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 172 triệu USD, gấp 3,4 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 416,3 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8/2023 ước đạt 88,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 8/2023 ước đạt 139 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.081,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[2]

Trong tháng 8 năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa[3] ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

– Xuất khẩu hàng hóa

+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 năm 2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

+ Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm nay, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 201,31 tỷ USD, chiếm 88,4%.

– Nhập khẩu hàng hóa

+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 năm 2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

+ Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 194,65 tỷ USD, chiếm 93,8%.

– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.

– Cán cân thương mại hàng hóa tháng Tám ước tính xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Tám tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

– Chỉ số giá vàng tháng 8/2023 tăng 0,64% so với tháng trước; tăng 3,93% so với tháng 12/2022; tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 1,54%.

– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2023 tăng 0,57% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12/2022; tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 2,27%.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách tháng 8/2023 ước đạt 396,2 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 1,0% so với tháng trước và luân chuyển 21,6 tỷ lượt khách.km, tăng 2,5%. Tính chung 8 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 3.013 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 161,9 tỷ lượt khách.km, tăng 28,2%.

Vận tải hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 193,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 0,9% so với tháng trước và luân chuyển 43,6 tỷ tấn.km, tăng 2,9%. Tính chung 8 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.497 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 316,9 tỷ tấn.km, tăng 13,4%.

đ) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 17,2% so với tháng trước và gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

7. Một số tình hình xã hội

– Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng Tám khá ổn định. Công tác an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp người có công từ 1.624 nghìn đồng/tháng lên 2.055 nghìn đồng/tháng, tương ứng với mức tăng 26,54%.

– Trong tháng (từ 15/7-14/8/2023), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.179 vụ tai nạn giao thông. Tính chung 8 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 7.107 vụ tai nạn giao thông. Bình quân 1 ngày trong 8 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, gồm 21 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 8 vụ va chạm giao thông, làm 17 người chết, 12 người bị thương và 9 người bị thương nhẹ.

– Thiệt hại do thiên tai trong tháng Tám chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất. Tính chung 8 tháng năm nay, thiên tai làm 79 người chết và mất tích, 91 người bị thương; hơn 16,2 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 16,3 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 81,1 nghìn ha lúa và gần 25 nghìn hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 2.039,9 tỷ đồng, giảm 64,8% so với cùng kỳ năm 2022.

– Trong tháng 8/2023 (tính từ ngày 17/7 đến ngày 16/8/2023), theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được các Cục Thống kê tổng hợp, các cơ quan chức năng đã phát hiện 970 vụ vi phạm môi trường. Tính chung 8 tháng năm nay đã phát hiện 12.040 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 10.704 vụ với tổng số tiền phạt là 198,4 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

– Tính chung 8 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.286 vụ cháy, nổ, làm 69 người chết và 64 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 200,7 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm trước./.

[1] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/8/2023.

[2] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu). Khi tính cán cân thương mại của nền kinh tế thì kim ngạch xuất, nhập khẩu được tính theo giá F.O.B.

[3] Ước tính tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu tháng 8/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 28/8/2023. Tổng cục Thống kê ước tính trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 8/2023 dựa trên số liệu sơ bộ về trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu đến hết ngày 25/8/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét