Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

Ba nguyên tắc sống của Người trí tuệ cao

Ba nguyên tắc sống của Người trí tuệ cao
Trí tuệ của một người thể hiện ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như về tầm nhìn xã hội và kiểm soát cảm xúc. Những người trí tuệ có xu hướng linh hoạt trong kinh nghiệm, thích ứng nhanh với những thay đổi, quản lý cảm xúc và suy nghĩ trước khi hành động. Người trí tuệ cao thường sở hữu 3 nguyên tắc sống sau.
1. Tin nhưng không tôn thờ kinh nghiệm một cách mù quáng
Mỗi trải nghiệm trong đời đều có ý nghĩa, mỗi trải nghiệm được tích lũy sẽ khiến chúng ta trưởng thành hơn một chút. Với kinh nghiệm của người đi trước, chúng ta có thể hiểu những điều trước mắt nhanh hơn, với kinh nghiệm của chính mình, chúng ta có thể thoải mái hơn trong cuộc sống.

Kinh nghiệm là quan trọng, nhưng nếu mù quáng bám vào kinh nghiệm trước đó, nó sẽ khiến mọi người tự mãn. Không có trải nghiệm nào một lần và mãi mãi, bằng cách không ngừng học hỏi những điều mới, phát triển thói quen suy nghĩ sâu sắc, thì mới có thể phát triển bản thân để cuộc sống của mình vươn lên những tầm cao mới.

2. Không dựa dẫm vào người khác, tự tạo thêm giá trị cho chính mình

Chúng ta luôn hy vọng ai đó sẽ giúp giải quyết vấn đề của mình, mong đợi người khác đáp ứng chúng ta, cuối cùng chúng ta thường mất nhiều hơn được. Chỉ bằng cách tập trung vào việc cải thiện và tu dưỡng bản thân, thì chúng ta mới có thể ngày càng trở nên mạnh mẽ và tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn bằng chính đôi tay của mình.

Người trí tuệ trong cuộc sống luôn là người chăm chỉ. Không ngừng trau dồi khả năng của mình để bản thân ngày càng có giá trị hơn, chỉ có sống như tia sáng mới có thể tỏa sáng cùng các vì sao, chỉ có vỗ cánh bay ngàn dặm lên trời thì mới có thể sánh vai cùng đại bàng.

3. Bớt so đo tính toán, bao dung nhiều hơn

Bận tâm vì một chuyện vặt vãnh, bận tâm vì một câu nói vô ý… trong cuộc mặc cả không ngừng này, chúng ta có xu hướng quên đi ý định ban đầu và những điều thực sự quan trọng.

Thay vì luôn để mình bị mắc kẹt trong mớ hỗn độn và vướng bận của những tính toán, tốt hơn hết bạn nên thư giãn đầu óc và có cái nhìn dài hạn. Lòng nhỏ thì việc nhỏ sẽ thành lớn, nhưng lòng lớn thì việc lớn cũng thành nhỏ.
----------------------

Phân biệt Người thông minh và người trí tuệ là không cùng cảnh giới

An Hòa 25/09/2022 Trong xã hội hiện đại, rất nhiều người coi việc chiếm được tiện nghi của người khác, giành được lợi ích của người khác là thông minh. Tuy nhiên thông minh kiểu ấy không có nghĩa là trí tuệ, mà chỉ có thể gọi là khôn vặt. Những người tự cho là thông minh thường hay cảm thấy hài lòng về lợi ích mà sự khôn khéo của mình mang lại. Họ luôn tính toán và không bao giờ nguyện ý chịu thiệt, vậy nên người khác thường phải chịu thiệt và không dễ để sống chung với họ. Cuối cùng chính cái thông minh của họ lại khiến họ suy sụp, mất đi lối thoát.

Có một câu chuyện từng được chia sẻ trên mạng xã hội như sau:

Hồi còn du học tại Nhật Bản, tôi từng gặp một cậu thanh niên đến từ một thành phố thuộc miền nam một nước Châu Á. Anh ta rất thông minh và khôn khéo.

Mỗi lần đi xe buýt cùng các bạn học, anh ta sẽ luôn lấy cớ là trong người không có tiền lẻ để nhờ các bạn mua vé giúp mình. Tuy nhiên sau đó, anh ta không bao giờ nhắc gì đến chuyện trả lại tiền cho họ. Nhưng các bạn học với anh ta cũng không phải là những người ngốc mãi. Thông thường, một tháng sau đó, họ sẽ không bằng lòng bắt xe buýt cùng với anh ta nữa.

Sau khi tốt nghiệp, anh này làm việc cho một công ty ở Nhật Bản. Anh ta thường lấy tài sản của công ty để sử dụng cho mục đích cá nhân của mình. Cuối cùng, anh ta đã bị ông chủ bắt tận tay và bị đuổi việc ngay lập tức sau đó.

Anh ta cũng rất khó tìm được một công việc nào khác và phải sống túng thiếu. Người như anh ta chỉ có thể được một số người cho là thông minh thái quá, sao có thể đánh giá là người có trí tuệ được?

Trong cuộc sống, có rất nhiều ví dụ về việc một người vì thông minh quá mà trở nên dại dột, rơi vào đường cùng như vậy. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, rất nhiều người vẫn thích hành xử theo cách này bởi vì họ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà thôi.

Vào thời Ngũ Đại ở Trung Quốc, có một vị đại tướng của Đông Hán tên Mộ Dung Ngạn là người rất mưu lược, tài năng nhưng cũng tự phụ. Tệ hơn nữa, ông ta lại dùng sự thông minh của mình vào những việc xảo trá.

Khi đảm nhiệm chức Tiết Độ Sứ ở Tần Châu, có một vụ lừa đảo xảy ra tại tiệm cầm đồ nơi Mộ Dung Ngạn phụ trách. Có người đã dùng bạc giả đến để thế chấp lừa tiền, và việc này xảy ra trong một thời gian rất lâu mới bị phát hiện.

Sau khi biết được, Mộ Dung Ngạn nghĩ ra một kế. Ông cho dán cáo thị rằng hàng hóa trong tiệm cầm đồ đã bị đánh cắp, đồng thời yêu cầu những người từng trao đổi trong tiệm tới đăng ký họ tên để có thể được đền bù trong tương lai. Kẻ lừa đảo mắc bẫy, khi tìm đến cửa hiệu thì bị bắt vì tội dùng bạc giả.

Tuy nhiên, sau khi bắt được người này, Mộ Dung Ngạn lại nhốt anh ta vào một nơi bí mật, cho thuộc hạ thân tín canh giữ. Mộ Dung Ngạn bắt kẻ lừa đảo khai ra cách làm bạc giả. Thời ấy dân gian gọi kỹ thuật này là “Thiết thai ngân” (sắt đẻ ra bạc). Người ta đổ một lớp bạc mỏng bao bên ngoài gang để giả bạc.

Sau khi biết kỹ thuật này, Mộ Dung Ngạn cho chế ra một lượng lớn bạc giả. Hơn nữa, ông ta còn dùng số bạc giả ấy để khao thưởng cho binh sĩ dưới quyền của mình. Nhưng sau khi biết được sự thật, những binh sĩ này đã vô cùng bất bình và nổi loạn. Vụ việc trở nên ồn ào và sự tín nhiệm đối với Mộ Dung Ngạn bị hủy hoại hoàn toàn, nhân cách cũng mất hết. Cuối cùng, Mộ Dung Ngạn chỉ còn cách tự vẫn để kết thúc mọi chuyện.

Cổ ngữ có câu: “Tiểu trí vong thân, đại trí tế thế”, nghĩa là những người khôn vặt tự đánh mất chính mình, trong khi những người đại trí thì cứu giúp thế gian. Người thực sự có trí tuệ lớn thì tính cách rộng lượng và không chấp trước vào danh lợi, vinh nhục không sợ hãi. Những người đại trí tựa như một làn gió trong mát thổi giữa dòng thế tục. Đạt được đại trí tuệ mới là cảnh giới cao nhất trong kiếp nhân sinh.

https://trithucvn.org/van-hoa/nguoi-thong-minh-va-nguoi-tri-tue-la-khong-cung-canh-gioi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét