Mặt bằng cho thuê tại những ‘con đường vàng’ ở Sài Gòn ế ‘cao chưa từng có’
June 3, 2023 Việt Nam (NV) – Hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có các thương hiệu lớn như McDonald’s, eDiGi, Samsung, Mellower Coffee… đã “tháo chạy” rút khỏi các mặt bằng đắc địa tại các khu vực trung tâm ở Sài Gòn. Theo ông Tuấn, giai đoạn khó khăn của thị trường mặt bằng cho thuê vẫn chưa dứt, làn sóng trả mặt bằng vẫn kéo dài ít nhất một năm.Báo Zing cho hay chỉ trong Tháng Năm, con số mặt bằng cho thuê bị bỏ trống và lượng tin rao cho thuê tăng “chóng mặt.” Nhiều tháng qua, ba mặt bằng liên tiếp nhau nằm ngay ngã ba Hai Bà Trưng-Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, vẫn đóng cửa. (Hình: Zing)
Theo đó, tại những “con đường vàng” như Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, ở quận 1, có lượng mặt bằng để trống “cao chưa từng có” trong ba năm qua.
Đáng chú ý, tại đường Đồng Khởi – sang trọng, sầm uất bậc nhất Sài Gòn có lượng tin rao cho thuê tăng gần gấp bốn lần so với thời điểm 2021.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, chỉ một đoạn dài 630 mét trên đường Đồng Khởi nhưng đã có hơn 15 hàng, quán đóng cửa, treo bảng cho thuê.
Tương tự, một đoạn 2 cây số của con đường Hai Bà Trưng từ chợ Tân Định đến tượng đài Trần Hưng Đạo, quận 1, có không dưới 30 mặt bằng lớn nhỏ treo bảng cho thuê.
Cùng tình cảnh trên, tại đường Lý Tự Trọng, quận 1, hiện có hơn 20 mặt bằng treo bảng cho thuê, chủ yếu là các mặt bằng được trả từ các thương hiệu thời trang và các doanh nghiệp trong ngành F&B (dịch vụ kinh doanh khách sạn, ẩm thực, nhà hàng, ăn uống).
Còn tại đường Lê Lợi, quận 1, khoảng 20 mặt bằng tại tầng trệt đang để trống, treo bảng cho thuê, không thay đổi so với hồi Tháng Chín, 2022, khi vừa mới tháo rào chắn Metro Bến Thành-Suối Tiên.
Riêng khu vực chợ quanh chợ Bến Thành, có cả trăm mặt bằng đang bỏ trống.
Đáng chú ý, nhiều mặt bằng dù không treo bảng bán, cho thuê, hiện đang là trụ sở của các doanh nghiệp nhưng vẫn “cửa đóng then cài.”
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Minh Tuấn, giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho biết số lượng các mặt bằng đăng tin cho thuê đã tăng hơn 30% so với thời điểm cùng kỳ 2022.
“Đây mới là thời điểm khắc nghiệt nhất của nhà phố,” ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, giai đoạn khó khăn của thị trường mặt bằng cho thuê vẫn chưa dứt, làn sóng trả mặt bằng vẫn kéo dài ít nhất một năm.
Tuy nhiên, báo Zing dẫn tin từ Cushman & Wakefield cho hay giá thuê mặt bằng bán lẻ các khu vực trên luôn thuộc hàng đắt đỏ nhất, nhì ở Sài Gòn.
Chẳng hạn, các căn nhà phố lẻ mặt tiền có diện tích từ 400 mét vuông trở lên, đoạn đầu đường Nguyễn Du, Đồng Khởi, có giá thuê lên đến hàng chục ngàn đô la mỗi tháng. Trong khi đó, giá thuê tầng trệt các cao ốc dao động ở mức $100 đến $150/mét vuông/tháng, chưa bao gồm thuế và phí quản lý.
Nói với Zing, giám đốc một doanh nghiệp từng đặt cửa hàng tại Metropolitan Đồng Khởi, quận 1, mặt hướng ra nhà thờ Đức Bà cho hay giá thuê hồi 2016-2019 là khoảng $20,000-$25,000/tháng cho mặt bằng 200 mét vuông.
Thời điểm đầu 2019, những căn nhà phố trên các trục đường có bán kính 600 mét tới nhà thờ Đức Bà như Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Đồng Khởi có mức giá thuê tối thiểu khoảng $7,000/tháng.
Trước đó, các báo trong nước đồng loạt loan tin chi nhánh Parkson VietNam Co. Ltd thuộc công ty Parkson Retail Asia (PRA) đã nộp đơn lên tòa án ở Sài Gòn xin “phá sản tự nguyện” từ ngày 28 Tháng Tư.
Thông báo cho biết thêm, Parkson VietNam đã có nhiều năm thua lỗ, và những khoản lỗ đáng kể được cộng dồn trong những năm gần đây, do “môi trường kinh doanh đầy thách thức dưới hậu quả của đại dịch COVID-19.”
“Đặc biệt, việc thiếu sự hỗ trợ từ chủ mặt bằng (chẳng hạn như giảm tiền thuê, hay giảm giá thuê không đáng kể) trong thời gian đóng cửa do COVID-19 khi hoạt động của các cửa hàng của Parkson Việt Nam bị hạn chế, đã ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính. Thuế đất cao cũng đã gây thêm khó khăn về tài chính cho Parkson VietNam,” công ty này cho hay.
Năm 2005, tập đoàn Parkson Holdings Bhd (Malaysia) chính thức gia nhập thị trường Việt Nam, mở đầu bằng trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza, và sau đó nâng số lượng lên 10 trung tâm thương mại vào thời điểm đỉnh cao nhất.
Mặt bằng 141 Hai Bà Trưng, quận 1, cũng vắng khách thuê hơn một năm qua. Giờ đây, vỉa hè phía trước trở thành điểm bán cà phê lề đường. (Hình: Zing)
Sau khoảng 10 năm, Parkson đóng cửa ba trung tâm, bao gồm hai trung tâm ở Hà Nội và một ở Sài Gòn.
Đến năm 2018, doanh nghiệp này đóng tiếp một trung tâm nữa. Dù vậy, những năm sau này, việc kinh doanh cũng không mấy thuận lợi khi liên tiếp ghi nhận thua lỗ.
Sau khoảng 10 năm, Parkson đóng cửa ba trung tâm, bao gồm hai trung tâm ở Hà Nội và một ở Sài Gòn.
Đến năm 2018, doanh nghiệp này đóng tiếp một trung tâm nữa. Dù vậy, những năm sau này, việc kinh doanh cũng không mấy thuận lợi khi liên tiếp ghi nhận thua lỗ.
Nguồn: Báo Người Việt
xem thêm: https://dttc.sggp.org.vn/mot-con-duong-trung-tam-tphcm-co-40-mat-bang-bi-bo-trong-post104862.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét