Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

Trung Quốc xây đập trên Mekong không để lấy điện

TQ khôn thật. Nước là thứ không thể thiếu được và cần nhất trong cuộc sống. Có thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà, thiếu điện... nhưng không thể thiếu nước. Và như dự báo cách đây 3 thập kỷ, loài người sẽ sớm bước vào giai đoạn thiếu nước ngọt trầm trọng, chỉ khoảng trong 30-40 năm nữa thôi. VN sẽ là một trong những quốc gia khan hiếm nước nhất thế giới. Chiến tranh vì các nguồn nước sẽ ngày càng nhiều.
Trung Quốc xây đập trên Mekong không để lấy điện mà trữ nước dùng trong tương lai
8/10/2019, Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho rằng Trung Quốc trữ nước cho tương lai bằng các đập thủy điện. "Năm 2018, có tình trạng lãng phí điện ở các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong. Tại tỉnh Vân Nam, do không có điện lưới đến phía đông Trung Quốc, lượng điện lãng phí lớn gấp hai lần tổng lượng điện mà cả Thái Lan tiêu thụ", Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, nói trong hội thảo "Tác động từ những chính sách của Trung Quốc đối với sông Mekong" sáng nay tại Hà Nội.

Đập Tiểu Loan ở tỉnh Vân Nam, một trong 8 đập Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong. Ảnh: National Geographic.

Hội thảo do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp cùng Viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF) tổ chức.

Theo Eyler, lượng điện ở một số dự án không được đưa ra thị trường do các khách hàng ưu tiên mua điện từ các nhà máy sản xuất từ than. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục xây các đập thủy điện trên sông Mekong. Ở thượng nguồn Mekong, trong tổng số 19 đập thủy điện, Bắc Kinh đã hoàn thành 11 đập. Eyler dự đoán trong khoảng ba thập kỷ tới, Trung Quốc có thể phải đối diện với tình trạng thiếu nước ngọt do băng tan trên dãy Himalaya sẽ cạn dần. Trung Quốc còn có thể đang tìm cách khơi nguồn nước chảy sang sông Dương Tử.

"Vì sao Trung Quốc vẫn xúc tiến kế hoạch xây đập? Tôi cho rằng Bắc Kinh đang muốn tích trữ nước cho tương lai", ông nói.


Chuyên gia của Trung tâm Stimson nhấn mạnh các đập thủy điện trên sông Mekong không những cắt giảm lượng nước xuống hạ nguồn, mà còn làm giảm dòng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông. Mekong được coi là nơi có nhiều cá nhất trên đất liền, với tổng lượng khoảng 2,6 triệu tấn.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, mùa hè năm 2019 chứng kiến tình trạng hạn hán nặng. Tuy nhiên, khi đó Trung Quốc đã giữ lại nước ở đập Cảnh Hồng, thay vì xả nước.

"Đó là một quyết định tồi tệ", Eyler nói.

Chuyên gia này đánh giá việc Trung Quốc xả nước trong mùa khô là điều vô cùng quan trọng. Các nước ở hạ nguồn cần có thỏa thuận với Bắc Kinh để đảm bảo dòng chảy của sông Mekong liên tục, nhất là trong mùa khô.

Eyler cho biết thêm việc thiếu nước từ thượng nguồn cùng với sự xâm mặm của nước biển đang đe dọa sẽ mất đất. Ước tính cứ mỗi mét nước biển dâng sẽ làm mất 30% đất.

"Tôi dự báo đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn mất nhiều đất", Eyler nói. Ông cũng nhắc đến tình trạng sụt lún.

Ở hạ nguồn Mekong, ước tính có khoảng 400 đập thủy điện sắp được xây dựng, trong đó Lào sẽ xây 300 đập. Trung Quốc tham gia với tư cách nhà đầu tư của các dự án này, cùng với Thái Lan.

Eyler gợi ý cơ chế Lan Thương - Mekong cần được sử dụng để bàn về điều tiết nước từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Cơ chế hợp tác này được hình thành từ tháng 11/2015, gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Sông Mekong chảy qua 6 nước nói trên, đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương.

"Việt Nam cần lưu ý thảo luận giảm lũ với Trung Quốc vì Đồng bằng sông Cửu Long cần có lũ để phát triển. Trong khi Lào lại không cần", Eyler nói. Ông đánh giá an ninh nguồn nước là vấn đề thuộc về nỗ lực ngoại giao và nó không dễ dàng.

Với các đập thủy điện ở hạ nguồn, Eyler cho biết Việt Nam có thể hợp tác với Lào và Campuchia điều chỉnh theo hướng giảm số lượng đập thủy điện. Xét về cung cầu điện trong khu vực, Việt Nam được coi là khách hàng chính. Vì vậy, Việt Nam có thể "đặt hàng" để Lào và Campuchia phát triển các năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hóa sinh.

Đề cập đến việc Việt Nam có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, Eyler cho rằng Việt Nam nên chú trọng hợp tác với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

"Khi thành công với các mô hình kinh tế đó, các nước như Lào, Campuchia, Myanmar sẽ chú ý đến hợp tác với Việt Nam", Eyler gợi ý.

Tham gia thảo luận tại hội thảo, một số chuyên gia Việt Nam đưa ra đánh giá về tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong với hạ nguồn. Bà Phạm Chi Lan, cựu phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định Trung Quốc đang sử dụng các đập các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong làm công cụ chính trị, gây sức ép với các nước ở hạ nguồn như Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ông Nguyễn Quang Dy, cựu cán bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng vấn đề sông Mekong và Biển Đông đi đôi với nhau, có điểm chung là sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Do đó, các nước liên quan cần phối hợp cùng với các nước lớn để giải quyết.

https://vnexpress.net/chuyen-gia-my-trung-quoc-xay-dap-tren-mekong-khong-de-lay-dien-3993662.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét