Điều gì khiến một quốc gia trở nên thịnh vượng?
Douglas Carswell • Những cách lý giải thông thường cho sự thịnh vượng không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Trong khi đó, có một số yếu tố đáng chú ý tạo ra sự giàu có của các quốc gia, đó là nền kinh tế chính trị và khuynh hướng thời gian.Tại sao sản lượng kinh tế trên đầu người của Mỹ cao gấp 7 lần Mexico? Tại sao thu nhập bình quân đầu người ở Đài Loan cao gần gấp 3 lần so với ở Trung Quốc? Điều gì giải thích thực tế là một người Canada trung bình giàu hơn 12 lần so với người Ma-rốc?
Chúng ta thường được khuyến khích để tin rằng sự thành công tương đối của một xã hội có liên quan nhiều đến địa lý hoặc khí hậu của nó. Sự thực không phải như vậy.
Có rất nhiều quốc gia giàu tài nguyên ở Châu Phi, được ưu đãi theo mọi cách có thể tưởng tượng được về địa lý và khí hậu, nhưng vẫn chìm trong tình trạng nghèo đói trầm trọng. Ngược lại, có rất nhiều nơi nghèo tài nguyên, chẳng hạn như Nhật Bản và Iceland, lại phát triển thịnh vượng.
Quan trọng hơn nhiều so với tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia là nền kinh tế chính trị của nó.
Nếu quyền sở hữu của người dân không được đảm bảo, đi kèm với sự độc đoán về quyền lực và thuế cao, xã hội sẽ nghèo khó. Mặt khác, nếu mọi người được tự do chi tiêu nhiều tiền hơn và tự đưa ra lựa chọn cho bản thân và gia đình, thì xã hội nói chung sẽ phát triển thịnh vượng.
1. Khuynh hướng thời gian
Có một vấn đề đáng chú ý khác khi tìm cách giải thích sự thịnh vượng của các quốc gia. Vào cuối những năm 1960, một nhà tâm lý học ở Stanford, ông Walter Mischel, đã tiến hành một thí nghiệm nổi tiếng. Ông Mischel đưa cho bọn trẻ một chiếc kẹo dẻo và cho chúng biết rằng chúng có thể ăn chiếc kẹo dẻo ngay lập tức hoặc chúng có thể đợi vài phút và có hai chiếc.
Những gì ông Mischel đang làm là đo lường khuynh hướng thời gian của mỗi đứa trẻ. Những đứa trẻ sẵn sàng chờ đợi được cho là có khuynh hướng thời gian thấp. Những đứa trẻ ít kiên nhẫn hơn chọn ăn ngay một viên kẹo dẻo có khuynh hướng thời gian cao hơn.
Sau khi đánh giá khuynh hướng thời gian của từng đứa trẻ, ông Mischel sau đó theo dõi sự tiến bộ của chúng trong những năm tiếp theo. Ông đã phát hiện ra mối tương quan đáng kinh ngạc giữa khuynh hướng thời gian thấp (sẵn sàng chờ đợi) với thành công trong học tập và các dạng thành công khác. Nghiên cứu của ông dường như thể hiện rằng những người có xu hướng tìm kiếm sự thỏa mãn ngay lập tức sẽ ít thành công hơn.
2. Ảnh hưởng tới sự thịnh vượng
Có vẻ như khuynh hướng thời gian đóng một vai trò quan trọng trong những việc chúng ta làm. Liệu khuynh hướng thời gian cũng có một vai trò trong việc giải thích sự thịnh vượng của các xã hội?
Có thể nào Mỹ, Canada, Phần Lan và Nhật Bản tương đối giàu có vì họ là những quốc gia có khuynh hướng thời gian thấp? Có nhiều bằng chứng cho thấy các nước nghèo hơn, chẳng hạn như Mexico và Nga, có khuynh hướng thời gian cao hơn và các quốc gia thực sự nghèo, chẳng hạn như Tanzania và Nigeria, có khuynh hướng thời gian thực sự cao.
Lời giải thích thông thường cho điều này là sự thịnh vượng tạo ra khuynh hướng thời gian thấp. Nhưng thế còn chiều ngược lại thì sao?
Nếu việc trở nên giàu có giải thích cho khuynh hướng thời gian của bạn, chứ không phải ngược lại, thì bạn có thể kỳ vọng rằng những người có thu nhập tương đương ở các quốc gia khác nhau có khuynh hướng thời gian giống nhau. Sự thực không như vậy. Như với thí nghiệm kẹo dẻo của ông Mischel, khuynh hướng thời gian ảnh hưởng đến kết quả chứ không phải ngược lại.
Các nhà kinh tế học chính thống có rất nhiều điều để nói về cách các cá nhân giao dịch với các cá nhân khác. Họ ít xem xét cách chúng ta với tư cách là những cá nhân giao dịch với bản thân tương lai của chúng ta.
Chắc chắn cách mọi người trong một xã hội giao dịch với bản thân tương lai của họ là rất quan trọng trong việc giải thích kết quả kinh tế. Trong một xã hội có khuynh hướng thời gian thấp, mọi người có nhiều khả năng trì hoãn tiêu dùng và tiết kiệm hơn. Tỷ lệ bỏ học trong giáo dục có khả năng thấp hơn. Vốn liếng và kiến thức sẽ được tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Khuynh hướng thời gian là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã hội. Còn xu hướng phạm tội thì sao? Có lẽ là, nếu bạn sẵn sàng mạo hiểm khả năng bị tống vào tù trong tương lai để đổi lấy cơ hội nhận được phần thưởng vật chất ngay lập tức, thì bạn có khuynh hướng thời gian cao hơn khuynh hướng thời gian của người không muốn phạm tội.
Khuynh hướng thời gian rõ ràng có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách công. Ví dụ, siêu lạm phát sẽ khuyến khích mạnh mẽ mọi người chi tiêu hơn là tiết kiệm.
Vậy chúng ta có thể làm gì để hạ thấp khuynh hướng thời gian? Những người theo chủ nghĩa duy tâm tin rằng chỉ cần chúng ta áp dụng các chính sách phù hợp thì chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Một người duy tâm bảo thủ nên nhận ra rằng có một số khía cạnh của bản chất con người mà chúng ta không thể thay đổi hoặc hoàn thiện. Khuynh hướng thời gian có thể là một trong số chúng.
Tác giả John Douglas Wilson Carswell là một cựu chính trị gia người Anh, từng là Thành viên Quốc hội từ năm 2005 đến 2017, đồng sáng lập Vote Leave, và hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách Công Mississippi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét