Bi kịch Ukraine: quốc gia - dân tộc và yếu tố Ba Lan
Để tránh cãi nhau tầm xàm, đầu tiên xin vẫn khẳng định cuộc chiến tranh ở Ukraine hiện nay là một cuộc xâm lược đối đầu chống xâm lược giữa bên xâm lược là Nga và bên vệ quốc là Ukraine. Thứ hai, khẳng định thêm, cuộc đụng độ này giữa hai quốc gia không bắt đầu từ cuối tháng 2/2022 mà đã kéo dài 8 năm nay, sau euromaidan. Thứ ba, minh định rõ, cái quốc gia mang tên Ukraine chỉ là một thực thể thực sự bắt đầu tồn tại được sự công nhận của LHQ và quốc tế từ 1991, sau khi Liên Xô tan rã.
Mục đích viết của tôi vẫn luôn vậy, chém gió cho vui, gọi là có tham góp thời cuộc nên không nhất thiết những gì tôi viết cần đông người đọc, likes, bình luận, chia sẻ vv và vv… Tôi không phải loại viết facebook như bọn bán vé dò xổ số thập niên 90, chỉ cần bán chạy và không cần nội dung. Nhưng thú thực, bọn bán vé dò thời ấy vẫn hơn nhiều facebooker thời nay ở chỗ thứ chúng bán là thông tin và không phải tin giả.
Thực chất, từ đầu chiến cuộc tới nay, ngoại trừ các học giả, chưa một ai chịu xác lập rõ vị thế Ukraine ở hai khía cạnh quốc gia và dân tộc. Dân tộc Ukraine là có thực, là một tập hợp thiểu số ở châu Âu đang tồn tại trong một môi trường sống khá quần tụ.
Nhưng quốc gia Ukraine thì lại là một khái niệm mờ từ trong lịch sử. Thẳng thắn, tính cho đến trước thế chiến thứ I, chưa bao giờ tồn tại một khái niệm “vương quốc” hay “quốc gia” hay “nhà nước Ukraine” chính thức nào.
Khi khái niệm quốc gia-dân tộc, tức là một quốc gia với 1 sắc dân duy nhất hoặc sắc dân ấy là đa số áp đảo, không tồn tại trong lịch sử của Ukraine, yếu tính này cũng rất dễ bị tảng lờ trong các đối thoại hiện nay. Nói như Henry Kissinger, các lãnh đạo Ukraine 31 năm qua luôn “nhận thức kém về lịch sử”. Nhận thức kém này là do kém thật, hay do cố tình mập mờ?
Khi một quốc gia được xây dựng dựa trên 1 sắc dân cơ sở áp đảo làm chủ đạo, quốc gia ấy rất dễ hình thành 2 thứ chủ nghĩa giúp tính bền chặt của tinh thần ái quốc được bồi đắp. Đó là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc gia. Và một trong những yếu tính mà các quốc gia này sở hữu thường là tên nước hoặc quốc hiệu luôn gắn chặt với tên gọi dân tộc để thống nhất tinh thần dân tộc với quốc gia.
Đơn cử như Việt Nam. Cho dù còn vô vàn tranh cãi về nguồn gốc người Việt nhưng quốc gia phía Đông Nam châu Á ấy luôn cố gắng giữ chữ Việt trong tên nước/quốc hiệu xuyên suốt lịch sử. Ở những thời đại mà chúng ta không thống nhất được hai khái niệm này thường là thời đại chúng ta mất nước. Đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc từ sâu thẳm trong lịch sử đã không muốn dùng cái chữ “Việt” ấy để gọi láng giềng nhỏ nhưng bướng ở phía nam của mình.
Và bản thân Trung quốc, với quá nhiều lần buộc phải đồng hoá chính những kẻ xâm lược mình, cũng đã cố tạo ra một khái niệm khác về dân tộc nhằm thống nhất với khái niệm quốc gia. Họ không gọi mình là dân tộc Hán mà phổ biến hơn, coi Trung Quốc như một dân tộc.
Các nước châu Âu có sức gắn kết mạnh mẽ giữa hai khái niệm này có thể nhắc tới là Nga và Đức. Ukraine thì sao? Tính dân tộc của họ rất mạnh nhưng họ chưa từng có một khái niệm quốc gia - dân tộc thống nhất cho tới tận sau thế chiến I mà thực chất ra, được thừa nhận như một nền độc lập tự chủ thì phải sau 1991.
Người Ukraine đã sống ở đó cả ngàn năm, nhưng dưới những quốc gia nào? Họ chỉ là một sắc dân trong đa tạp sắc dân dưới thời các công quốc, một vết dấu rất Á đông gắn liền với các Hãn quốc. Người Ukraine nằm giữa sự giằng xé ảnh hưởng giữa hai kẻ mạnh hơn, văn minh hơn và bạo lực hơn mình rất nhiều: Nga và Ba Lan.
Tầm ảnh hưởng của Nga và Ba Lan lên người Ukraine cũng rất mạnh mẽ và ngay cả một thoả ước đạt được với liên minh Ba Lan - Litva huyền thoại thực tế cũng không được tạo dựng bởi người Ukraine, mà bởi những người Cossacks, một kiểu dân hơn là một sắc dân.
Chính vì lý do lịch sử ấy mà người Ukraine có hai thù ghét chủng tộc rất lớn theo thứ tự ưu tiên là “Nga rồi tới Ba Lan”. Các tổ chức tân quốc gia xã hội, tân phát xít ở Ukraine từ truyền thống lịch sử đầu thế kỷ 20 cho tới hôm nay luôn đặt kẻ thù mục tiêu của họ theo thứ tự: Nga - Ba Lan - Do Thái.
Và tương lai khu vực này sẽ còn nhiều bất ngờ lớn nếu như lực lượng quốc xã Ukraine lớn mạnh bởi kẻ thù lý tưởng của họ lại chính là kẻ đang trong phe đồng minh cứu giúp họ: Ba Lan.
Ba Lan và Nga cũng giữ với nhau những mối hận thù không thể hoá giải. Nó là lịch sử của vô vàn đụng độ quân sự từ 1000 năm trước mà vùng chiến địa lại đa phần diễn ra ở chính trên lãnh thổ Ukraine hôm nay và ở Belarussia, Moldova. Và chính vì sự thâm thù này mà trong chiến cuộc hôm nay, Ba Lan là 1 trong ba nước to mồm mạnh miệng nhất NATO (cùng với Mỹ và Anh) trong các công kích cũng như hành động đối phó với Nga.
Yếu tố Ba Lan sẽ ít được ai nhắc tới bởi thực tế, sau thời XHCN, Ba Lan cũng vẫn đang trong một quá trình đi kiếm tìm lại các giá trị của mình và họ chưa đủ lực để nói chuyện ngang hàng với các đại cường tầm cỡ như Mỹ, Nga.
Nhưng tại sao ở một vị thế như vậy, Ba Lan lại mạnh miệng và tỏ ra hiếu chiến nhất trong các quốc gia NATO khi đối phó với Nga đến vậy. Dễ hiểu, Ba Lan thích Nga bị tấn công nhưng điều họ thích hơn là một Ukraine tan nát càng trầm trọng càng tốt.
Với một quốc gia lớn rộng từng bị chính các đại cường chia sẻ đất đai của mình, mối hận mất đất chưa bao giờ nguôi ngoai. Họ có thể sẽ nhìn thấy một cơ hội đường dài nếu Ukraine nội chiến dai dẳng, bất ổn dai dẳng.
Đó là cơ hội lấy lại vùng phía Tây của Ukraine, vốn dĩ thuộc về Ba Lan xưa kia (nhưng thực tế nó chỉ là một sự giành nhau qua lại giữa họ và đế chế Nga), mà thủ phủ của vùng ấy chính là Lviv (người Ba Lan gọi là Lwow).
Nếu Ba Lan hùng cường như Nga, họ có ứng xử với miền Tây Ukraine không khác cách Nga ứng xử với Crimea hay không? Đó vẫn là một câu hỏi mà kha khá học giả từng đặt ra nhiều năm qua. Tham vọng của Ba Lan là không nhỏ nhưng cái cách mà Joe Biden nhìn về Ba Lan thì rất đúng như người Nga nhận xét “Biden nhảy điệu Polka rất tệ”. Hãy tin, Ba Lan sẽ còn xui Ukraine đánh đến tận cùng, không phài vì ích lợi Ukraine, mà vì ích lợi của chính Ba Lan.
Trong lịch sử, chưa bao giờ tồn tại một quốc gia - dân tộc Ukraine đúng nghĩa. Rất tiếc, ở vào thời đại mà nhiều quốc gia phương Tây rao giảng về dân chủ, tự do và giải phóng và bình đẳng, một quốc gia-dân tộc Ukraine mới mẻ được hình thành từ 1991 cũng chưa bao giờ tồn tại trong tâm niệm các nước xung quanh họ như Nga và ngay cả những thành viên NATO. Nếu có một thứ đáng được trân trọng như thế từng tồn tại trong ý nghĩ của các quốc gia trên, họ đã không đẩy Ukraine vào cảnh tương tàn như 8 năm qua, và họ đã giải quyết mâu thuẫn bằng cách rất khác.
Theo wiki, lịch sử Ukraina bắt đầu từ khoảng thế kỷ IX của Công Nguyên khi vùng đất này trở thành trung tâm của nền văn minh Đông Slav với quốc gia Rus Kyiv hùng mạnh tồn tại đến thế kỷ XII. Khi đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn trỗi dậy và bành trướng, Rus Kyiv bị Mông Cổ chinh phục và chịu cảnh nô lệ trong suốt nhiều thế kỷ. Sau khi Mông Cổ suy yếu, lãnh thổ của Ukraina lại bị phân chia giữa nhiều thế lực khác nhau tại Châu Âu, cụ thể là Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Đến thế kỷ XIX, khi Nga bành trướng và đánh bại hai địch thủ còn lại, hầu hết lãnh thổ của Ukraina nằm trong Đế quốc Nga. Chỉ từ năm 1922, Ukraina mới được trở thành một nước và đồng sáng lập Liên bang Xô viết, đồng thời trở thành một nhà nước cộng hòa theo thể chế Xã hội chủ nghĩa nằm trong Liên Xô. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ và Ukraina đã trở thành một quốc gia độc lập.
Nguồn: Trên mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét