Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Lời nguyền Titanic?

Tôi cho rằng trong vụ này ông Stockton Rush, giám đốc điều hành OceanGate, luôn từ chối mang tàu lặn Titan đi kiểm định an toàn tại các cơ quan chức trách Hoa Kỳ... nên ông phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trước cái chết của 5 người trên con tàu của ông. Tiếp theo tôi cho rằng 5 người leo lên một con tàu như vậy là quá mạo hiểm và điên rồ. Họ đều là những tỷ phú tức là rất tài giỏi, lại có một đội ngũ chuyên gia cố vấn cũng rất giỏi trợ giúp, khuyên bảo... Vậy mà các tỷ phú vẫn thản nhiên bước lên con tầu lặn tử thần thì quả là điên rồ. Đây hoàn toàn không phải là dũng cảm mạo hiểm mà là điên rồ.
Lời nguyền Titanic?
FB Lâm Bình Duy Nhiên 24-6-2023 - 
Các nhà tỷ phú bỏ mạng trong cuộc thám hiểm trên chỉ vì lý do muốn được thấy tận mắt xác con tàu nổi tiếng năm xưa. Họ quá giàu, họ có tất cả, cuộc sống của họ có lẽ trở nên quá nhạt nhẽo nên thúc đẩy họ mạo hiểm với những hiểm nguy không lường. Du hành trong không gian hay thám hiểm lòng đại dương, tất cả sẵn sàng bỏ ra những khối tiền khủng để đánh đổi những thời khắc khó quên, cảm giác mạnh trong đời. 

Tàu Royal Mail Ship Titanic, nổi tiếng với tên gọi Titanic, được xem là con tàu cực kỳ lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng bậc nhất những năm đầu thế kỷ 20.

Đơn giản, Titanic từng được coi là một đỉnh cao của kiến trúc hàng hải và là một tiến bộ công nghệ. Qua Titanic, đó là tham vọng thống trị đại dương của Vương quốc Anh.

Tàu Titanic khởi hành từ cảng thành phố Southampton, nước Anh vào ngày 10/4/1912 đến New York. Tuy nhiên, rạng sáng ngày 15/4, con tàu đã đâm phải một tảng băng trôi và chìm xuống lòng Đại Tây Dương, khiến hơn 1500 người thiệt mạng.

Đó là chuyến vượt đại dương đầu tiên và cũng là duy nhất của Titanic.

Sau 111 năm, cho đến nay Titanic vẫn luôn được nhắc đến như một thảm họa bi thảm bậc nhất trong lịch sử hàng hải thời bình.

Titanic vẫn nằm dưới lòng đại dương, ở độ sâu hơn 3800 mét, cách Cape Cod, Massachusetts, khoảng 1.450 km về phía đông và cách St.John, Newfoundland, 640 km về phía nam.

Đó như là một ngôi mộ tập thể khổng lồ chìm sâu dưới đáy đại dương huyền bí và hung dữ. Đã hơn một thế kỷ trôi qua, Titanic vẫn khơi dậy bao sự tò mò cho nhân loại. Được tận mắt “chiêm ngưỡng” xác con tàu ở độ sâu kinh khủng, thám hiểm cũng như mang lên bờ những kỷ vật của các nạn nhân, tìm hiểu, bảo vệ môi trường đại dương, là những mục đích khác nhau của nhiều người, từ kẻ làm khoa học đến người làm phim ảnh, tư liệu lịch sử hay đơn giản của những tay tỷ phú lắm tiền trên thế giới này.

Cũng với những mục đích ấy nên con tàu lặn nhỏ Titan của công ty OceanGate đã thực hiện cuộc thám hiểm quan sát tàu Titanic vào Chủ nhật ngày 18/6/2023. Tàu lặn Titan đã được mang ra bởi tàu Canada Polar Prince cách Newfoundland 740 km, ở Đại Tây Dương. Chính nơi đây, 3800 mét dưới lòng đại dương, phần còn lại của Titanic nổi tiếng nằm yên nghỉ. Để đến được điểm này trong vực thẳm, chiếc tàu ngầm Titan và năm hành khách của nó đã phải lặn xuống trong khoảng hai tiếng rưỡi.

Năm người trên tàu bao gồm tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding; ông tỷ phú gốc Pakistan Shahzada Dawood và con trai 19 tuổi Suleman, đều là công dân Anh; nhà hải dương học người Pháp và chuyên gia nổi tiếng về Titanic, Paul-Henri Nargeolet, đã từng thám hiểm xác tàu Titanic hàng chục lần; và Stockton Rush, người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành người Mỹ của OceanGate.

Tuy nhiên, sau 1h45, thiết bị liên lạc với bờ ngừng hoạt động. Trái ngược với những gì có thể được giả định trong những ngày đầu, chiếc tàu ngầm đã không bị biến mất. Tàu lặn Titan đã bị “nổ thảm khốc”, như Cảnh sát tuần dương thông báo hôm 22/6. Không một ai không sống sót trong số 5 hành khách của chuyến đi thám hiểm này.

Một nguyên nhân nghiêm trọng được đưa ra trong một cuộc họp báo chính là “sự sụt giảm áp suất một cách thảm khốc” trong quá trình lặn xuống của tàu Titan. Rõ ràng, khối lượng nước bao quanh chiếc tàu ngầm đã gây ra những áp lực rất lớn, đến mức nó tự va vào nhau và khiến cho con tàu lặn Titan nổ tung chỉ trong khoảng vài phần ngàn giây!

Cần nhắc lại, áp suất tăng thêm một bar cứ sau 10 mét dưới biển. Ở độ sâu 3800 mét, cứ như thể có 3800 kg áp suất lên trên mỗi cm vuông của con tàu ngầm Titan! Một con số kinh khủng, ví như chúng ta đặt một chiếc xe tăng siêu trọng Panzerkampfwagen VIII Maus lên trên 4 cái lon coca!

Mặc dù áp suất dưới đại dương rất lớn và tăng theo độ sâu, nhưng về lý thuyết, tàu ngầm được thiết kế để chịu được áp suất đó. Vậy làm thế nào để giải thích số phận của Titan? Một số giả thuyết nổi bật theo các chuyên gia đó chính là sự mỏng manh của mũi tàu, cửa sổ quá lớn hoặc vật liệu nhẹ không phù hợp được sử dụng cho thân tàu (hỗn hợp sợi carbon và titan) có thể đóng một vai trò nào đó trong vụ nổ thảm khốc trên.

Trước đó, ông Stockton Rush, giám đốc điều hành OceanGate, luôn từ chối mang tàu lặn Titan đi kiểm định an toàn tại các cơ quan chức trách Hoa Kỳ. Ông lấy lý do muốn “làm nhanh, không mất thời gian” và phát minh mới trong chế tạo tàu ngầm!

Kết quả, Titan phải sống với lời nguyền của con tàu Titanic năm xưa khi bị nổ tung và xác của nó nằm rải rác cách xác tàu Titanic khoảng 500 mét. Một con tàu lặn nhỏ bé, chỉ dài 6,5 mét trong lòng đại dương bao la mang theo bao giấc mơ khác nhau của 5 nạn nhân. Nhà hải đường học người Pháp, một chuyên gia nổi tiếng về Titanic, ông Paul-Henri Nargeolet, không mặn mà với cách thức “du lịch thám hiểm” của các tỷ phú nhưng vẫn phải đồng ý vì lý do tài chính của công ty OceanGate. Một cuộc đời dành cho khoa học và Titanic sau cùng yên nghỉ dưới lòng đại dương, đâu đó gần xác con tàu Titanic.

Các nhà tỷ phú bỏ mạng trong cuộc thám hiểm trên chỉ vì lý do muốn được thấy tận mắt xác con tàu nổi tiếng năm xưa. Họ quá giàu, họ có tất cả, cuộc sống của họ có lẽ trở nên quá nhạt nhẽo nên thúc đẩy họ mạo hiểm với những hiểm nguy không lường. Du hành trong không gian hay thám hiểm lòng đại dương, tất cả sẵn sàng bỏ ra những khối tiền khủng để đánh đổi những thời khắc khó quên, cảm giác mạnh trong đời. Chỉ với ba du khách tỷ phú, OceanGate đã nhận được 750 ngàn đô la cho chuyến thám hiểm đầy định mệnh với con tàu Titan.

Những mảnh vỡ của Titan bên cạnh xác khổng lồ của Titanic, một kết cục đầy định mệnh hay lời nguyền của Titanic năm xưa?

Chỉ trong vòng 4 ngày, dư luận thế giới tò mò, hồi hộp, lo lắng và mong chờ những tia hy vọng, dẫu nhỏ bé nhất, từ con tàu lặn Titan. Các quốc gia như Mỹ, Canda và Pháp đã huy động lực lượng tìm cứu hộ Titan. Một hành động chưa từng có trong lịch sử. Các vụ đắm tàu hay tại nạn máy bay thảm khốc khác chưa từng được điều động cứu hộ như thế. Mọi thừ liên quan đến con tàu Titanic luôn là đề tài nóng bỏng, khơi dậy sự tò mò và hiểu kỳ của dư luận, đặc biệt tại phường Tây.

Nhiều làn sóng phẫn nộ từ dư luận chỉ trích tính thái quá của truyền thông về cái chết của 5 người trong cuộc “du lịch thám hiểm “ trên. Như thể mạng sống của họ cao hơn mang sống của hàng ngàn người di dân Châu Phi vượt Địa Trung Hải mỗi ngày. Thảm nạn hàng trăm người di dân bị chết ngoài khơi Hy Lạp vào ngày 14/6/2023 rơi vào quên lãng. Đó là một thảm hoạ bi đát nhất mà châu Âu gặp phải về vấn nạn di dân. Trong số những nạn nhân, có khoảng 80 trẻ em đã bị chết trong chuyến vượt biển mưu sinh trên.

Các cuộc di dân từ Châu Phi qua Địa Trung Hải vẫn diễn ra hàng ngày, hàng tháng và hàng năm. Trên các con thuyền mong manh, là hàng trăm, hàng ngàn mảnh đời cầu cứu mưu sinh tại thiên đường châu Âu. Hơn 20 ngàn người bỏ mạng dưới lòng đại dương từ gần 10 năm qua, trong sự vô cảm của các nhà chức trách lục địa này. Cảnh sát tuần dương Hy Lạp bị tố cáo đã tìm cách ngăn cản con tàu với 700 di dân đi vào vùng biển Hy Lạp. Một cách muốn phủi tay từ bỏ trách nhiệm của quốc gia này với những người di dân nghèo khổ từ lục địa đen.

Cái chết ngoài biển của vô số người di dân vẫn diễn ra trong sự vô cảm của giới chính trị và truyền thông. Ngược lại, mạng sống của 5 người giàu có và nổi tiếng trong con tàu lặn Titan có lẽ quan trọng hơn để đưa tin và giải cứu trên một qui mô rộng lớn.

Cứ như thể các nạn nhân di dân trên thế giới xứng đáng với những cáu chết thương tâm vì chính họ tự tìm con đường để đến với cái chết.

Đó chính là lỗi của họ, không phải của chúng ta!

Trước một thái độ vô cảm và những tiêu chuẩn kép của một bộ phận dư luận dành cho những thảm nạn đi dân trên toàn cầu, cựu Tổng thống Mỹ, Barack Obama, cũng phải lên tiếng: “Có một thảm kịch với một chiếc tàu ngầm được truyền thông đưa tin từng phút một trên toàn thế giới (…). Nhưng khi nó được coi trọng hơn 700 người, những người xin tị nạn, bị chết đuối ở Hy Lạp, là một tình huống không thể nào chịu đựng được”.

Ông cầu nguyện cho 5 nạn nhân của Titan nhưng vẫn nhấn mạnh rằng các quốc gia giàu có phải “suy nghĩ về những hoàn cảnh đã khiến cho những người tuyệt vọng đến đây” và theo ông, các quốc gia này “không thể nào bỏ qua” các thảm cảnh di dân trên để tránh trong tương lai, những thảm cảnh đau thương như con tàu bị chìm chỉ trong gần 15 phút cách không xa bờ Péloponnèse tại Hy Lạp.

Dẫu biết rằng đó chỉ là một lời tuyên bố mang tính cách cá nhân, nhưng nó có thể mang một tầm ảnh hưởng không nhỏ đến sự nhận thức của dư luận. Các giá trị của cuộc sống luôn cần được tôn trọng cho bất kỳ một ai trên thế giới này, bất kể màu da, sắc tộc và tôn giáo.

Bất chợt lại nghĩ về những cái chết thương tâm của hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam trong những thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ 20!

Trên phương diện khoa học, con người vẫn phải tiếp tục tò mò, phát minh, sáng tạo để thám hiểm những bí ẩn của vũ trụ vì đó là nền móng cho sự phát triển và tiến bộ của nhân loại.

Nhưng chắc chắn cần phải có những giá trị đạo đức khoa học chung để tránh những màn đánh bóng tên tuổi, “bling-bling” và “du lịch thám hiểm” không vì mục đích khoa học như vụ con tàu Titan vừa qua.

https://tienphong.vn/oceangate-se-doi-mat-cao-buoc-hinh-su-sau-vu-no-tau-titan-post1545240.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét