Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Nhớ cụ Phan Châu Trinh

Nhớ ông Phan Châu Trinh
Hôm qua mình có việc đi ngang qua phố Phan Châu Trinh; tự nhiên nhớ đến 2 ông Phan mà mình rất kính trọng. Nhân dịp đại lễ 30/4, cả nước thống nhất cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, mời các bạn đọc lại những câu nói, bài viết của Phan Châu Trinh để ngẫm xem đất nước đã thay đổi to lớn như thế nào so với cách đây hơn 100 năm dưới ách đô hộ dã man và tàn bạo của thực dân Pháp như lịch sử VN đã ghi nhận.

Ông Phan Châu Trinh là nhà thơ, nhà văn và là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng thời cận đại trong lịch sử Việt Nam. Ông Phan sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 ở Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Lúc trẻ ông học rất giỏi, năm 1901, đỗ phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, năm 1903 được triều đình bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.

Hai năm sau ông vứt bỏ các chức quan để đi thăm nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp… Được chứng kiến sự tiến bộ công nghệ của Tây Âu và Nhật Bản, ông thấy rõ những sự lạc hậu của con người và xã hội Việt Nam thời đó. Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế - văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu...

Năm 1907 Phan Châu Trinh chỉ ra "10 điều bi ai của dân tộc Việt":

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10.Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là "đầy tớ" của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v...

Phan Châu Trinh, Trích: “Tỉnh quốc hồn ca I”

Ngày 24-3-1926, ông qua đời ở Sài Gòn, an táng ở quận Tân Bình.

Hơn 6 vạn người dân đã đến Sài Gòn, không phân biệt chính trị, đảng phái, tôn giáo tham dự, đã đưa linh cữu Phan Châu Trinh đến nghĩa trang của hội Gò Công tương tế lúc 6 giờ sáng ngày 4 tháng 4 năm 1926. Ngày đi chôn, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paull Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi, có thanh niên của Đảng Jeune Annam giữ gìn trật tự suốt dọc đường. Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, đám tang là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến dân.


Bây giờ so với hơn 100 năm trước, "10 điều bi ai của dân tộc Việt" đã thay đổi như thế nào ?

Bây giờ đất nước có còn ai được dân tin yêu, kính trọng như với ông Phan ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét