Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Sút giảm niềm tin, 82% DN muốn ngừng kinh doanh

Đọc những tin trong bài này rất buồn mặc dù tôi đã dự báo trước từ rất lâu. Tương lai sẽ tiếp tục xấu hơn nữa. 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023 thì quá kinh khủng. Vậy mà họ vẫn khen "“hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng được doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời" thì đúng là lạ. Khi giảng về kinh tế cho sinh viên, tôi luôn luôn nhất mạnh vai trò của tiến bộ công nghệ và trình độ quản lý đối với tăng trưởng và phát triển. Giám đốc giỏi thì doanh nghiệp phát triển; giám đốc dốt thì doanh nghiệp lụn bại. Tương tự ở cấp quốc gia, Thủ tướng giỏi thì đất nước ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngược lại Thủ tướng dốt thì đất nước ngày càng chìm trong tối tăm, mù mịt, không thấy lối thoát, không thấy tương lai... Cứ nhìn đất nước, nhìn nền kinh tế là biết Thủ tướng giỏi hay dốt.
Sút giảm niềm tin vào nhà nước, 82% doanh nghiệp muốn ngừng kinh doanh
Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. 

Các doanh nghiệp ngành dệt may bị sụt giảm về đơn hàng, mong muốn giảm lãi vay và tiếp cận các khoản vay mới với lãi suất thấp. 

Đặc biệt, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.

Điều đáng chú ý là dù doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí ở nhiều nơi lãnh đạo địa phương thể hiện tính quan liêu và nhũng nhiễu doanh nghiệp ngày càng nhiều. Có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền ở mức kém hiệu quả, dẫn đến việc họ không còn tin vào bất cứ điều gì nhà nước hứa hẹn trên tivi.

Những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, đó là tình hình đơn hàng (59,2%); tiếp cận vốn vay (51,1%); thực hiện thủ tục hành chính và quy định pháp luật (45,3%) cùng nỗi lo nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).

Báo cáo nêu rõ: “hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng được doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khâu triển khai, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng”.

Đó là những điều ghi trong báo cáo. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp đều biết rằng, “thượng tầng lãnh đạo” điều hành việc nước trong phòng lạnh, nên việc lãnh đạo cấp dưới thể hiện quyền lực, tạo vây cánh tham nhũng, hối lộ là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, người ta còn phát hiện chính sách ưu đãi doanh nghiệp chỉ được “ưu ái” cho những “công ty sân sau” của “lãnh đạo thượng tầng”.

Nhìn vào một số đề nghị của doanh nghiệp khi được thống kê, người ta thấy rõ khó khăn mà doanh nghiệp phải đương đầu:

Thứ nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp xuất khẩu quá cao, khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, việc hoàn thuế của doanh nghiệp lại quá chậm, muốn hoàn thuế nhanh, các doanh nghiệp phải hối lộ cán bộ xét duyệt hồ sơ số tiền không nhỏ.

Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi. Họ thường bị làm khó khi làm thủ tục duyệt xét nếu không có “phí bôi trơn”.

Thứ ba, trong các cuộc tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau, thay vì đưa ra tòa án kinh tế, công an rất “thích” hình sự hóa các mối tranh chấp này với mục đích không trong sáng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đưa ra nhiều kiến nghị tháo gỡ về giảm thuế phí, hỗ trợ vốn, thanh kiểm tra doanh nghiệp, v.v… Họ cho rằng việc nhà nước thanh kiểm tra doanh nghiệp liên tục đặt họ vào thế phải tiếp đón, chiêu đãi rất mệt mỏi, chưa kể phải gởi “phong bì bồi dưỡng” cho từng thành viên đoàn thanh tra để được họ “chiếu cố”, và không tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong báo cáo.

Bản báo cáo cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam khá ảm đạm. Khảo sát cũng chỉ ra khó khăn hiện nay của doanh nghiệp không chỉ do tác động chung của kinh tế thế giới, mà còn do vấn đề nội tại gây ra. Nhiều doanh nghiệp không còn hứng thú với việc mở rộng quy mô, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thậm chí họ sẵn sàng ngừng kinh doanh nếu điều kiện hoạt động ngày càng bị thắt chặt bởi những thủ tục hành chính “kỳ (nhưng không) lạ”.

Xem thêm: https://tuoitre.vn/khao-sat-10-000-doanh-nghiep-82-muon-giam-quy-mo-ngung-kinh-doanh-20230526092446435.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét